Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 29/06/2018, 22:23 (GMT+7)
“Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” - mô hình dân vận hiệu quả, thiết thực

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân, nhất là trên các xã, huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” là một trong những hoạt động thiết thực đó.

Lực lượng Cảnh sát biển phối hợp cùng bộ đội Biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân (Ảnh: canhsatbien.vn)

Lực lượng Cảnh sát biển hoạt động trên địa bàn rộng, ở môi trường biển, đảo phức tạp, nhiệm vụ rất nặng nề, yêu cầu đòi hỏi cao, với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, hoạt động của các loại tội phạm trên Biển Đông có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, cường độ, tính chất. Để hoàn thành tốt vai trò chuyên trách là lực lượng nòng cốt trong thực thi pháp luật trên biển, cùng với triển khai toàn diện các mặt công tác nghiệp vụ, Cảnh sát biển Việt Nam đã chú trọng phát huy chức năng “đội quân công tác”, tích cực làm công tác dân vận, nhằm xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc trên biển, đảo của Tổ quốc. Trong đó, việc triển khai thực hiện mô hình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” là một điểm sáng nổi bật.

Trên cơ sở nghiên cứu nắm vững đặc điểm, tình hình các tuyến biển, đảo và những vấn đề thực tiễn đặt ra, năm 2017, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã xây dựng và triển khai mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” tại các xã, huyện đảo xa đất liền; lấy đầu mối hải đội Cảnh sát biển kết nghĩa với một xã, huyện đảo để tổ chức phối hợp các hoạt động triển khai thực hiện Mô hình. Mục tiêu của Mô hình là tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng các xã, huyện đảo vững mạnh; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá an toàn, đúng pháp luật và phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển trong bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên biển, đảo. Đây là nội dung đột phá, thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị cao, sự sáng tạo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trong việc cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 49-NQ/QUTW, ngày 26-10-2015 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới”.

Để đạt hiệu quả, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Mô hình được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển quan tâm, tiến hành chặt chẽ. Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ban hành Hướng dẫn 427/HD-CT về thực hiện mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo, nhằm thống nhất nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện. Các vùng Cảnh sát biển đều xây dựng nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, các tiểu ban phục vụ triển khai thực hiện Mô hình; đồng thời, tăng cường giáo dục, quán triệt tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện. Do đây là mô hình mới, lại triển khai trên địa bàn các xã, huyện đảo xa bờ, nơi có nhiều khó khăn nên Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo Hải đội 301 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 làm trước tại đảo Phú Quý, tỉnh Bình thuận để rút kinh nghiệm trong toàn lực lượng. Sau rút kinh nghiệm việc làm của đơn vị này, các vùng Cảnh sát biển đã khảo sát các xã, huyện đảo trong phạm vi vùng biển quản lý, lựa chọn địa bàn và thống nhất với địa phương xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh triển khai thực hiện. Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, đến cuối năm 2017, lực lượng Cảnh sát biển đã phối hợp với các địa phương triển khai thành công mô hình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” tại 03 huyện đảo (Bạch Long Vĩ; Lý Sơn; Phú Quý) và 05 xã đảo (Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị; Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; Thổ Chu, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; Gạch Gốc, huyện đảo Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Trước thực tế các xã, huyện đảo biệt lập với đất liền, việc đi lại khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm, nhận thức của người dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước không đồng đều; tình hình hoạt động làm ăn của ngư dân trên biển bên cạnh mặt tích cực cũng xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, nhất là việc tranh chấp ngư trường, vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản, sử dụng thuốc nổ, hóa chất khai thác hải sản mang tính tận diệt, v.v. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân trên các xã (huyện) đảo được lực lượng Cảnh sát biển xác định là nội dung quan trọng hàng đầu trong triển khai Mô hình. Theo đó, các đơn vị Cảnh sát biển theo nhiệm vụ được phân công đã bám sát hướng dẫn của cấp trên, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đảo xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm địa bàn. Với phương châm “thiết thực, hiệu quả”, lấy tư vấn làm trọng tâm, nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân làm mục đích, lực lượng Cảnh sát biển đã tích cực đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam; Luật Biển của các nước trong khu vực, nhất là các nước có vùng nước giáp ranh với Việt Nam; Luật Thủy sản; Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Luật môi trường;… cùng những quy định, thông lệ quốc tế về vùng biển nước ngoài;  tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước để khuyến khích, động viên ngư dân vươn khơi, bám biển đánh bắt hải sản. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo; kịp thời phát hiện, thông tin tình hình trên biển cho Cảnh sát biển và lực lượng chức năng để có biện pháp xử lý, v.v. Trong quá trình thực hiện, cùng với chú trọng bồi dưỡng, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên; phối hợp với địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung cho cán bộ, nhân dân1; xây dựng hệ thống pa-nô tuyên truyền trực quan về biển, đảo trên 08 xã, huyện đảo, các vùng Cảnh sát biển đã thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống các âu tầu, nhóm tàu để tuyên truyền; in và cấp phát hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp về những điều ngư dân cần biết khi đánh bắt trên biển, hàng trăm  cuốn sổ tay pháp luật được phát trực tiếp đến các tàu cá và ngư dân trên biển. Đáng chú ý là, Vùng Cảnh sát biển 3 đã tổ chức thành công các cuộc thi vẽ tranh, thi tìm hiểu “Em yêu biển, đảo quê hương” cho học sinh 05 trường trung học cơ sở thuộc huyện đảo Phú Quý và xã đảo Ninh Vân, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, có tác dụng giáo dục sâu sắc cho học sinh về chủ quyền biển, đảo và chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển, v.v.

Với quan điểm, bờ có vững thì ngư dân mới yên tâm bám biển, vươn khơi. Bởi vậy, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân và triển khai lực lượng làm nhiệm vụ trên các vùng biển để “đồng hành”, làm điểm tựa cho ngư dân bám biển, bám ngư trường, lực lượng Cảnh sát biển còn triển khai chuỗi các hoạt động nhằm xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng các xã, huyện đảo vững mạnh, tạo nền tảng cho xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc, rộng khắp trên biển. Theo đó, lực lượng Cảnh sát biển đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đảo tổ chức nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vệ sinh môi trường biển; triển khai các hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới; thành lập các đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình các ngư dân thuộc diện chính sách, hộ nghèo; tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi; hỗ trợ nước ngọt, lương thực, thực phẩm, tặng cờ Tổ quốc, áo phao cho các tàu cá; tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho ngư dân,… được các địa phương, nhân dân các tỉnh ven biển và dư luận xã hội đánh giá cao. Để thực hiện có hiệu quả các hoạt động đó, các vùng Cảnh sát biển đã chủ động phối hợp, liên hệ, vận động được 43 cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp tham gia tài trợ, ủng hộ, đồng hành cùng chương trình. Năm 2017, các đơn vị Cảnh sát biển đã mở các lớp hướng dẫn sơ cấp cứu người bị đuối nước cho 450 lượt ngư dân; cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng quà cho 489 gia đình chính sách, ngư dân nghèo; tặng quà cho 165 học sinh nghèo vượt khó vươn lên học giỏi; nhận phụng dưỡng suốt đời 01 Mẹ Việt Nam anh hùng. Đồng thời, đỡ đầu 18 học sinh nghèo học giỏi (500 nhìn đồng/học sinh/tháng); tặng 700 lá cờ Tổ quốc, 340 áo phao cá nhân, phao tròn, 60 tủ thuốc và túi thuốc quân y cùng nhiều vật dụng thiết yếu khác cho các tàu của ngư dân; khám và cấp thuốc miễn phí cho 678 lượt ngư dân, v.v. Tổng số tiền lực lượng Cảnh sát biển và các nhà tài trợ đã hỗ trợ cho ngư dân trên 08 xã (huyện) đảo lên đến gần 2,3 tỷ đồng.

Mặc dù thời gian thực hiện mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” chưa dài, nhưng những kết quả bước đầu đạt được và hiệu ứng lan tỏa của nó một lần nữa khẳng định việc triển khai thực hiện Mô hình là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phù hợp với đặc thù nhiệm vụ, môi trường hoạt động và yêu cầu thực tiễn đặt ra. Kết quả đạt được không đơn thuần chỉ là những con số nêu trên, mà điều quan trọng là thông qua thực hiện nội dung “đồng hành cùng ngư dân”, các đơn vị Cảnh sát biển đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho ngư dân trên các xã, huyện đảo tiền tiêu; xây dựng cho họ động cơ, trách nhiệm đúng đắn, vừa bám biển phát triển kinh tế, vừa tham gia có trách nhiệm vào bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thông qua thực hiện Mô hình đã góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân, trực tiếp là giữa lực lượng Cảnh sát biển với nhân dân, ngư dân trên các xã, huyện đảo; tô thắm thêm truyền thống, hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Cảnh sát biển” trong lòng nhân dân.

Từ kết quả, kinh nghiệm đạt được và trước yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã và đang chỉ đạo duy trì, nhân rộng, nâng cao hiệu quả của Mô hình. Đồng thời, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị, hướng tới nâng lên thành Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”, phát huy hơn nữa chức năng “đội quân công tác” của lực lượng Cảnh sát biển, tạo sức lan tỏa, đồng hành, sự vào cuộc mãnh mẽ của các lực lượng, địa phương, cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, đảo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN MẠNH TUẤN
______________

1 - Năm 2017, các đơn vị Cảnh sát biển đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho trên 4.500 cán bộ, nhân dân, gần 3.000 học sinh trên 08 xã (huyện) đảo.

Ý kiến bạn đọc (0)