Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 09/04/2012, 02:08 (GMT+7)
Xy-ri đi về đâu khi xung đột bên trong cộng hưởng với mâu thuẫn bên ngoài

Sau Tuy-ni-di, Ai Cập và Li-bi,… tâm điểm của cuộc khủng hoảng chính trị tại khu vực Bắc Phi – Trung Đông đang hướng vào Xy-ri. Tại đây, trên nhiều phương diện, từ ngoại giao, quân sự đến kinh tế đang siết chặt, đẩy cuộc khủng hoảng ở Xy-ri tới ngưỡng khó kiểm soát. Những gì đang diễn ra tại Xy-ri thật ra không quá khó hiểu, nhưng để có một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng này thật không đơn giản, nhất là khi chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát cùng lúc phải đương đầu với hai gọng kìm “nội công, ngoại kích”.


Phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Xy-ri. (nguồn: qdnd.vn)

1. Đặc điểm. Xâu chuỗi các sự kiện diễn ra tại “vòng cung Bắc Phi – Trung Đông” từ cuối năm 2010 đến nay, dư luận thấy rõ bức tranh toàn cảnh và không khó để đánh giá, nhận định về những gì đang diễn ra ở các quốc gia này.

Hiện nay, bạo loạn chính trị đang bùng phát ở Xy-ri và lôi cuốn sự quan tâm của toàn thế giới. So với cuộc khủng hoảng ở Tuy-ni-di, Ai Cập và Li-bi, Xy-ri có một số đặc điểm khác biệt. Thứ nhất, Xy-ri đất không rộng, người không đông, nhưng nằm ở ngã ba châu lục (châu Á, châu Âu và châu Phi), trên bờ Địa Trung Hải, vùng giáp ranh giữa Trung Đông – Trung Á, nên có vị trí địa chính trị, địa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với khu vực và quốc tế. Thứ hai, nếu ở Tuy-ni-di, Ai Cập và Li-bi, người Hồi giáo dòng Săn-ni chiếm đa số (93 - 97%) và nắm chính quyền thì ở Xy-ri, người Săn-ni cũng chiếm đa số (khoảng 70%), nhưng quyền điều hành đất nước lại do người Si-ai (khoảng 15%) kiểm soát. Thứ ba, trong các nước ở khu vực Bắc Phi – Trung Đông, Xy-ri là quốc gia có nhiều cuộc chiến tranh nhất với I-xra-en (vào các năm: 1948, 1949, 1967 và 1973). Từ năm 1967, I-xra-en đã chiếm giữ cao nguyên Gô-lan – một vị trí chiến lược quan trọng của Xy-ri, nên Xy-ri càng coi I-xra-en và đồng minh của họ là kẻ thù không đội trời chung, chính điều này đã đưa  Xy-ri trở thành đồng minh tự nhiên của I-ran.

2. Xung đột trong nước và mâu thuẫn giữa các cường quốc bên ngoài. Cuộc khủng hoảng chính trị – xã hội ở Xy-ri hiện nay, nếu xét về hình thức biểu hiện trên bình diện xã hội, đó là sự tham gia của đông đảo quần chúng chống lại chính quyền từ thấp đến cao, từ biểu tình, tuần hành, tỏ thái độ bất bình đến đối đầu với Chính phủ, đập phá công sở và cuối cùng là tự vũ trang (do nước ngoài cung cấp vũ khí), tạo ra xung đột, bạo động vũ trang ở trong nước quyết liệt. Do đó, nếu chỉ nhìn bề ngoài thì đây chỉ là sự nổi dậy của quần chúng nhân dân chống lại sự cai trị độc đoán lâu năm của những người cầm quyền mà không thấy nguyên nhân sâu xa xuất phát từ mâu thuẫn giữa các giáo phái trong xã hội. Nếu ở Tuy-ni-di, Ai Cập và Li-bi, bản chất của khủng hoảng là sự chống đối của dân chúng đạo Hồi dòng Săn-ni đối với chính quyền của chính người Săn-ni thì ở Xy-ri, bản chất của sự bất ổn chính trị chính là cuộc xung đột giữa đa số dân chúng thuộc đạo Hồi dòng Săn-ni và thiểu số người theo đạo Hồi dòng Si-ai đang cầm quyền. Vì thế, cuộc chiến đường phố giữa quần chúng với lực lượng trung thành với nhà cầm quyền Xy-ri chỉ là “chiếc áo khoác ngoài”, còn ở tầng sâu bên trong là cuộc xung đột giữa hai giáo phái Hồi giáo. Một số chuyên gia về tôn giáo ở Trung Đông đã cho rằng: xung đột ở Xy-ri hiện nay là xung đột về tôn giáo, giữa một bên là phái Hồi giáo dòng Si-ai của Tổng thống B. An Át-xát được I-ran hậu thuẫn và một bên là phái Hồi giáo dòng Săn-ni chiếm đa số trong thế giới A-rập Hồi giáo. Thậm chí một số nhà phân tích còn cảnh báo: cuộc xung đột giáo phái ở Xy-ri sẽ phức tạp và khó giải quyết. Nó không chỉ diễn ra trong phạm vi của Xy-ri mà còn lây lan sang các quốc gia khác và có thể lôi kéo người Săn-ni và người Si-ai ở Bắc Phi – Trung Đông và các nơi khác trên thế giới vào cuộc chiến “nồi da nấu thịt”, “huynh đệ tương tàn” không có hồi kết.

Cùng với đó, do vị trí địa chính trị, địa chiến lược quan trọng và cơ cấu các giáo phái trong xã hội Xy-ri phức tạp, nên các nhân tố bên ngoài tác động vào cuộc xung đột ở nước này cũng không kém phần quyết liệt. Đây là nơi tranh giành ảnh hưởng và lợi ích sâu sắc giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực, như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Ả rập Xê-út và Pa-ki-xtan…

Từ khi giành được độc lập (1946), Xy-ri có quan hệ hữu nghị và liên kết khá chặt chẽ với Liên Xô (trước đây) và với Nga (hiện nay). Hầu hết vũ khí và thiết bị quân sự của quân đội Xy-ri đều mua từ Nga. Hiện nay, lợi ích kinh tế của Nga ở Xy-ri không lớn, nhưng có ý nghĩa quan trọng về chính trị và an ninh đối với Nga. Việc thiết lập quan hệ với Xy-ri cho phép Nga có chỗ đứng chân để phát huy tầm ảnh hưởng trong thế giới A-rập Hồi giáo; đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ, EU và các cường quốc khác tại khu vực chiến lược quan trọng này.

Đối với Mỹ và Tây Âu, chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát đang là thế lực cản trở tham vọng bành trướng và áp đặt sự thống trị của họ tại khu vực chiến lược Trung Đông nhiều dầu mỏ. Vì vậy, cuộc xung đột giữa các phe phái chống chính quyền Xy-ri hiện nay là cái cớ để Mỹ và Tây Âu lợi dụng can thiệp vào Xy-ri. Với mục tiêu lật đổ Tổng thống B. An Át-xát, Mỹ và Tây Âu cùng một lúc sẽ đạt 3 mục đích: loại bỏ được kẻ thù của họ tại khu vực; đẩy lùi ảnh hưởng của Nga đối với Xy-ri và Trung Đông; chặt đứt cánh tay phải của I-ran và loại bỏ được liên minh Tê-hê-ran - Đa-mát, làm suy yếu thế và lực của I-ran tại khu vực. Có thể nói, nếu loại bỏ được B. An Át-xát thì Mỹ và Tây Âu đã mở được cánh cửa vào I-ran, nên vô hình chung Xy-ri trở thành nơi đụng đầu trực tiếp giữa Mỹ, Tây Âu với I-ran.

Thổ Nhĩ Kỳ với tham vọng trở thành cường quốc số một ở khu vực (thay I-ran) đã không ngần ngại can thiệp mạnh mẽ vào Xy-ri nhằm hạ bệ chính quyền B. An Át-xát. Riêng I-xra-en rất mâu thuẫn trong vấn đề Xy-ri. Một mặt, họ xem chính quyền B. An Át-xát - đồng minh chủ chốt của I-ran - là kẻ thù. Mặt khác, I-xra-en lại cảm thấy nguy cơ khi chính quyền Đa-mát hiện nay sụp đổ. Bởi lẽ, nếu Tổng thống B. An Át-xát bị lật đổ sẽ không loại trừ nguy cơ các phần tử Hồi giáo cực đoan thân Héc-bô-la, thậm chí thân I-ran lên nắm quyền ở Xy-ri. Đồng thời, chính quyền Đa-mát hiện sở hữu một kho vũ khí rất lớn, trong đó có vũ khí hóa học, nếu chính thể này sụp đổ thì không có gì bảo đảm rằng, kho vũ khí này sẽ không rơi vào tay các thế lực Hồi giáo cực đoan, kể cả An-kê-đa. Vì vậy, cuộc xung đột tại Xy-ri hiện nay không còn là vấn đề của riêng Xy-ri nữa mà đây là cuộc xung đột của các thế lực thù địch trong nước, “cộng hưởng” với cuộc tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc trong và ngoài khu vực.

3. Xy-ri đi về đâu? Tình hình ở Xy-ri giống như một cuộc kéo co, một bên là Tổng thống B. An Át-xát và các lực lượng trong và ngoài nước ủng hộ ông ta đang cố ghìm giữ, trụ lại và bên kia là lực lượng chống đối trong nước được sự hậu thuẫn, tiếp sức từ bên ngoài nhằm kéo đổ chính quyền Đa-mát đương nhiệm. Hiện nay, hai bên ở thế cầm cự, giằng co, nhưng thế giằng co này không thể kéo dài mãi, tương lai của Xy-ri có thể diễn biến theo một trong ba kịch bản sau.

Một là, chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát sẽ tiến hành nhiều cải cách chính trị - xã hội sâu rộng; các bên, các lực lượng trong nước sẽ cùng với Chính quyền thực hiện sự hòa hợp dân tộc; xung đột sẽ kết thúc; B. An Át-xát vẫn ở vị trí quyền lực tối cao, nhưng trong cơ cấu chính quyền lúc này sẽ có nhiều nhân vật thuộc các lực lượng, phe phái khác nhau tham gia điều hành đất nước với chính sách ôn hòa, dân chủ và dung hòa lợi ích của các cường quốc trong và ngoài khu vực. Có thể xem đây là phương án tối ưu bảo đảm cho Xy-ri ổn định, phát triển. Phương án này có lẽ phù hợp với lợi ích của Nga, Trung Quốc, I-ran và nhiều nước trong khu vực, nhưng không đáp ứng tham vọng của Mỹ và các đồng minh. Bởi lẽ, mục tiêu nhất quán của Mỹ và phương Tây là loại bỏ chính quyền B. An Át-xát, dựng lên một chính quyền mới tuân phục họ, phục vụ cho lợi ích của họ. Vì thế phương án này ít có khả năng xảy ra.

Hai là, xung đột tiếp tục leo thang và biến thành cuộc chiến đẫm máu, kéo dài và lực lượng nổi dậy sẽ bị quân đội trung thành với Tổng thống B. An Át-xát đập tan, trật tự ở Xy-ri được lập lại. Điều này cũng ít có khả năng xảy ra. Hiện nay, tuy lực lượng đối lập ở Xy-ri khá ô hợp, không đoàn kết và thiếu ngọn cờ để tập hợp lực lượng các phe phái, nên thế và lực yếu hơn lực lượng trung thành với chính quyền Đa-mát, nhưng đằng sau họ là Mỹ, phương Tây và các đồng minh trong khu vực; do vậy, Mỹ và phương Tây sẽ không ngồi nhìn lực lượng nổi dậy ở Xy-ri bị đè bẹp. Khi đó, không cần sự đồng thuận của Liên hợp quốc, Mỹ và đồng minh sẽ vừa công khai, vừa bí mật cung cấp vũ khí, phương tiện chiến tranh, tài chính cho lực lượng đối lập ở Xy-ri. Đồng thời, cũng không loại trừ việc họ đưa lực lượng tình báo, biệt kích, cố vấn tham mưu, chỉ huy vào để trực tiếp hỗ trợ lực lượng đối lập; kết hợp với khép chặt vòng vây bên ngoài, cấm vận về kinh tế, ngoại giao, làm Xy-ri phải suy sụp.

Ba là, mặc dù được Nga, I-ran và các cường quốc khác hậu thuẫn, ủng hộ, nhưng Chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát vẫn phải ra đi. Nghiên cứu xu hướng phát triển của các lực lượng cho thấy, chính quyền Đa-mát sẽ dần rơi vào thế bị động đối phó và phải lùi từng bước. Để tránh một cuộc chiến đẫm máu và quan trọng hơn là bảo vệ lợi ích của các bên lâu dài tại Xy-ri, các cường quốc sẽ thỏa thuận, nhân nhượng nhau và đưa ra giải pháp mở đường cho B. An Át-xát cùng các cộng sự thân tín rời bỏ quyền lực để được cư trú chính trị ở nước ngoài. Đây là kịch bản có xác xuất xảy ra cao nhất trong bối cảnh hiện nay. Tất nhiên, việc B. An Át-xát ra đi không đồng nghĩa với một đất nước Xy-ri ổn định, phát triển. Sự thay đổi chế độ do bên ngoài ép buộc sẽ không bao giờ mang lại lợi ích cho phần lớn người dân Xy-ri. Thực tiễn cho thấy, gần 10 năm sau khi Xát-đam Hút-xen bị lật đổ, I-rắc vẫn chìm đắm trong bạo lực và chia rẽ. Đã hơn một năm Mu-ba-rắc ra đi, Ai Cập vẫn trong tình trạng hỗn loạn và bế tắc. Đây là bài học đắt giá cho chính quyền các nước thuộc vòng cung Bắc Phi – Trung Đông trong việc kết hợp hài hòa lợi ích các giáo phái, phe nhóm, các lực lượng chính trị,… trong nước và dung hòa lợi ích của các cường quốc trong và ngoài khu vực.

Thiếu tướng, PGS, TS. LÊ VĂN CƯƠNG

và TS. ĐỒNG XUÂN THỌ

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...