Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 20/11/2014, 16:34 (GMT+7)
Xung quanh thỏa thuận ngừng bắn giữa I-xra-en và phong trào Ha-mát ở Dải Ga-da

Ngày 26-8-2014, theo sáng kiến của Liên hợp quốc và sự trung gian hòa giải của Ai Cập, I-xra-en và Phong trào Ha-mát đã ký Thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, kết thúc hơn 50 ngày xung đột quân sự ở Dải Ga-da. Liệu Thỏa thuận ngừng bắn lần này có đem lại một nền hòa bình bền vững cho Dải Ga-da hay không là điều đang được dư luận quan tâm. 

Sau hơn 7 tuần xung đột đẫm máu tại Dải Ga-da, I-xra-en và Phong trào Ha-mát đã đạt được Thỏa thuận ngừng bắn “vô thời hạn”. Xét về toàn cục, thì đây là một trong những động thái tích cực để ngừng cuộc chiến dai dẳng tại khu vực này; đồng thời, góp phần khẳng định rằng, chiến tranh, xung đột không phải là biện pháp tốt để giải quyết mâu thuẫn giữa các bên, mà hòa bình, hợp tác, đối thoại mới là xu thế chủ đạo trong thời đại ngày nay. Nhưng, hồi kết của nó ra sao thì còn phải chờ xem. Ngay khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, hàng nghìn người dân Pa-le-xtin ở Dải Ga-da và khu vực Bờ Tây đã đồng loạt đổ ra đường ăn mừng việc chấm dứt chiến sự. Điều đó cho thấy, Thỏa thuận hòa bình đối với khu vực liên tiếp có chiến sự xảy ra này là hết sức cần thiết và quan trọng, nó không chỉ đáp ứng mong muốn của các tổ chức quốc tế mà còn phù hợp với nguyện vọng, khát khao chính đáng của nhiều dân thường vô tội.

Nội dung Thỏa thuận

Có thể nói, xung đột kéo dài hơn 6 thập kỷ qua giữa I-xra-en và Pa-le-xtin là một trong những xung đột dai dẳng nhất trên thế giới, để lại bao đau thương cho nhiều thế hệ người dân I-xra-en và Pa-le-xtin, là tâm điểm quan ngại của cộng đồng quốc tế. Thậm chí, xung đột này còn là nguyên nhân châm ngòi cho nhiều cuộc chiến tranh lớn, nhỏ giữa nhà nước Do Thái và một số nước thuộc thế giới A-rập trong thập niên 50 và 60 của thế kỷ XX. Nhiều tổ chức khu vực và quốc tế đã đề xuất một số sáng kiến hòa bình, nhằm giải quyết cuộc xung đột này và thiết lập hòa bình cho khu vực Trung Đông. Trong đó, Thỏa thuận Ô-xlô được I-xra-en và Pa-le-xtin ký kết vào năm 1993 dựa trên nguyên tắc “đổi đất lấy hòa bình” được coi là khả thi nhất. Tuy nhiên, do chưa thỏa mãn được các yêu sách, điều kiện cũng như việc còn tồn tại nhiều ý kiến bất đồng ngay trong nội bộ của mỗi bên, nên Thỏa thuận này liên tiếp bị trì hoãn và bị các bên vi phạm; điển hình là chính sách chiếm đóng của chính quyền Ten A-víp. Đối với Dải Ga-da, I-xra-en tuy đã trao trả địa phận cho người Pa-le-xtin nhưng họ vẫn giữ quyền kiểm soát không phận và lãnh hải của vùng đất này. Vì thế, trên thực tế người dân Pa-le-xtin vẫn phải sống trong sự phong tỏa, kìm kẹp của I-xra-en và hoàn toàn không có quyền tự quyết về vận mệnh của dân tộc mình. Đó là nguyên nhân sâu xa khiến cho Phong trào Ha-mát - lực lượng nòng cốt ở Dải Ga-da thường xuyên bắn rốc-két sang lãnh thổ I-xra-en để vừa trả đũa, vừa hy vọng có thể phá vỡ “gọng kìm phong tỏa” của Ten A-víp. Còn tại Bờ Tây, I-xra-en cũng phớt lờ các thỏa thuận đã ký kết, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế vẫn tiếp tục cho xây các bức tường an ninh để ngăn cản người Pa-le-xtin qua lại biên giới; đồng thời, thúc đẩy xây dựng, mở rộng các khu vực định cư của người Do Thái,… khiến cho tình hình càng thêm căng thẳng. Đặc biệt tháng 6 vừa qua, mượn cớ trả đũa vụ bắt cóc 03 trẻ em và các vụ phóng rốc-két vào I-xra-en của Ha-mát, Ten A-víp đã mở chiến dịch quân sự quy mô lớn vào Dải Ga-da gây tổn thất nặng nề cho người dân Pa-le-xtin. Theo thống kê của Liên hợp quốc, sau 50 ngày xảy ra chiến sự đã khiến 2.200 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị thương; phá hủy hơn 10.000 ngôi nhà, nhiều công trình phòng thủ và hệ thống đường hầm của Ha-mát…, giá trị thiệt hại lên tới hàng tỷ USD. Tuy nhiên, các cuộc tiến công của I-xra-en không những không khuất phục được Ha-mát mà còn làm cho sự phản kháng từ tổ chức này quyết liệt hơn. Trước một thảm họa nhân đạo do cuộc chiến gây ra, sự lên án của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế cả I-xra-en và Ha-mát đều hướng tới một lệnh ngừng bắn, xong liên tiếp bị phá vỡ do vi phạm của mỗi bên.

Theo các nhà quan sát, mặc dù I-xra-en giành chiến thắng trên thực địa nhưng hình ảnh và vị thế của họ trên trường quốc tế bị giảm sút nghiêm trọng; đặc biệt là hành động gây thương vong cho dân thường ở Dải Ga-da bị quốc tế lên án mạnh mẽ. Nếu tiếp tục cuộc chiến, nước này không những không đạt được các mục tiêu chiến lược đề ra, mà còn có thể làm gia tăng sự chống đối của chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, nên việc đi đến một thỏa thuận ngừng bắn là phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Đối với Ha-mát, bị thiệt hại nặng nề về lực lượng, phương tiện, nhất là các đường hầm bí mật bị phá hủy, vũ khí bị tiêu hao, nếu tiếp tục kéo dài chiến sự thì rất khó khăn về tài chính để hoạt động. Hơn nữa, nếu để Chính quyền Pa-le-xtin (PA) trở lại kiểm soát Dải Ga-da thì Ha-mát sẽ mất một phần quyền lực, nên họ đã quyết định cùng hướng tới một thỏa thuận lâu dài với I-xra-en. Chính vì lẽ đó, ngày 26-8-2014, với sự trung gian của Ai Cập, Chính phủ I-xra-en và Phong trào Hồi giáo Ha-mát đã tuyên bố chấp nhận lệnh ngừng bắn “vô thời hạn” tại Dải Ga-da, chấm dứt 50 ngày đêm xung đột đẫm máu. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong tiến trình hòa bình Trung Đông, mặc dù phải trả một giá đắt. Theo văn bản đã được hai bên ký kết, Thỏa thuận ngừng bắn “vô thời hạn” được chia làm hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, hai bên cam kết sẽ ngừng bắn vô thời hạn và I-xra-en sẽ nới lỏng kiểm soát hai cửa khẩu với Dải Ga-da để việc vận chuyển hàng cứu trợ, vật liệu tái thiết vùng lãnh thổ Pa-le-xtin này. Đồng thời, I-xra-en phải mở rộng phạm vi đánh bắt cá ngoài khơi cho vùng đất này của người Pa-le-xtin. Trong giai đoạn hai của Thỏa thuận ngừng bắn (một tháng sau khi ngừng các cuộc xung đột), I-xra-en và Pa-le-xtin sẽ tiến hành các cuộc đàm phán về việc mở cửa lại sân bay và cảng biển ở Dải Ga-da, trả tự do cho hàng trăm tù nhân Pa-le-xtin; trong đó, có 37 nghị sĩ bị bắt giữ ở Bờ Tây sông Giooc-đan để đổi lấy di hài của binh lính I-xra-en. Ngoài ra, hai bên sẽ thảo luận các giải pháp, nhằm chấm dứt quá trình phong tỏa Dải Ga-da kéo dài suốt gần một thập kỷ qua của I-xra-en.

Thách thức và triển vọng

So với các thỏa thuận ngừng bắn trước đây, Thỏa thuận ngừng bắn lần này có những điều khoản tích cực, thể hiện sự nhượng bộ nhất định của cả hai bên. Tuy nhiên, đi sâu vào Thỏa thuận sẽ thấy việc thực hiện nó còn nhiều khó khăn, thách thức. Biểu hiện rõ là Thỏa thuận dù mới được ký kết, nhưng nó đã bắt đầu xuất hiện các “vết nứt” khó giải quyết, thậm chí có thể tái lập tình trạng xung đột, chiến tranh giữa hai bên bất cứ lúc nào. Đối với I-xra-en, nguyên nhân gốc rễ của an ninh quốc gia chưa được nước này nhìn nhận một cách thẳng thắn. Ten A-víp đã không thừa nhận việc chiếm đóng của họ ở Bờ Tây. Mặt khác, trong khi nhiều người bày tỏ ủng hộ Thỏa thuận ngừng bắn lâu dài thì phái Diều hâu ở I-xra-en lại tỏ thái độ giận dữ và thất vọng trước việc Chính phủ nước này thỏa hiệp với Ha-mát, rằng đó là một sự thỏa hiệp với “khủng bố”. Điều này báo hiệu một cuộc đối đầu chính trị mới trong nội bộ I-xra-en. Với giới lãnh đạo Ha-mát, hòa bình đồng nghĩa với thách thức trong việc tìm cách điều hành đất nước hay thiết lập một nền kinh tế của họ. Từ lâu nay, Ha-mát được coi như đội quân đại diện cho người dân Pa-le-xtin chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của quân đội I-xra-en. Vì thế, nhiều thành viên của Ha-mát muốn duy trì hoạt động quân sự để tiếp tục nhận được sự ủng hộ của người dân. Tất cả những vấn đề đó được biểu hiện rõ nét khi đầu tháng 9 vừa qua, phía I-xra-en đã bày tỏ sự không tin tưởng vào khả năng giải giáp vũ trang và tố cáo Phong trào Ha-mát bắt đầu xây dựng lại các đường hầm để vận chuyển vũ khí vào Ga-da. Cơ quan Ngoại giao I-xra-en cũng yêu cầu thành lập lực lượng quốc tế ở Dải Ga-da để duy trì Ha-mát không tái vũ trang và bảo đảm các khoản viện trợ tái thiết Ga-da không bị rơi vào tay của Ha-mát – lực lượng mà trên thực tế vẫn đang nắm giữ quyền kiểm soát ở đây. Trong khi đó, Phong trào Ha-mát lại yêu cầu thành lập một Ủy ban quốc tế giám sát Thỏa thuận ngừng bắn và phản đối việc thành lập lực lượng quốc tế của I-xra-en, v.v. Ngày 07-9-2014, người phát ngôn của Ha-mát I-xma-in Rát-oan tuyên bố: “Ha-mát sẽ xem tất cả quân đội quốc tế tại Dải Ga-da như lực lượng chiếm đóng mới”. Ông cũng cáo buộc I-xra-en đang cố sử dụng một lực lượng quốc tế để giành lấy những gì mà Ten A-víp không đạt được trong chiến dịch quân sự vừa qua tại Dải Ga-da.

Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, khả năng xây dựng một nền hòa bình bền vững ở Dải Ga-da còn xa vời, thiếu tính khả thi; nguy cơ một cuộc xung đột, chiến tranh mới giữa I-xra-en và các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của người Pa-le-xtin vẫn còn hiện hữu, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Mới đây, Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Pa-le-xtin, N. Rơ-đi-nét đã kêu gọi: trên cơ sở Thỏa thuận ngừng bắn lâu dài vừa ký kết cần thành lập một Ủy ban quốc tế, nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của I-xra-en trên các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin từ năm 1967 đến nay. Ông cũng cảnh báo, nếu không thực hiện việc này, toàn bộ khu vực vẫn phải chứng kiến sự hỗn loạn, bất ổn và chia tách lãnh thổ, v.v. Còn ông Giô-na-than Mác-cút, bình luận viên nổi tiếng của đài BBC thì cho rằng, thực tiễn mấy chục năm qua đã cho thấy, những bất công mà người Pa-le-xtin đang phải gánh chịu là gốc rễ cho mọi sự chia rẽ, xung đột và bất ổn định tại khu vực Trung Đông. Theo Ông, Thỏa thuận ngừng bắn giữa I-xra-en và Phong trào Ha-mát ở Dải Ga-da lần này có được thực thi hay không phụ thuộc phần lớn vào các chính sách của chính quyền Ten A-víp.

Như vậy, Thỏa thuận ngừng bắn “vô thời hạn” giữa I-xra-en và Phong trào Ha-mát tuy đã hé lộ, nhưng mới chỉ là bước đầu của tiến trình chính trị, an ninh đầy gian nan ở Dải Ga-da. Nó sẽ chỉ thành công khi cả hai bên tôn trọng và thực thi đầy đủ, nghiêm túc các nội dung của Thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết. Đây là cách thiết thực nhất để có thể bảo đảm quyền của người Pa-le-xtin cũng như an ninh cho I-xra-en; mang lại hòa bình, ổn định cho Dải Ga-da nói riêng, khu vực Trung Đông nói chung.

THẾ LONG - ĐỨC PHÚ

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...