Thứ Sáu, 22/11/2024, 16:14 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Thời gian gần đây, thế giới đã và đang chứng kiến những diễn biến phức tạp tại Sudan. Mặc dù các cường quốc đang nỗ lực bảo trợ một thỏa thuận ngừng bắn cho cuộc xung đột giữa hai phe trong chính quyền quân sự tại quốc gia này, song vẫn chưa có tín hiệu tích cực, giao tranh vẫn diễn ra. Cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại nơi đây sẽ trở thành “thùng thuốc súng” gây bất ổn cho khu vực.
Tranh giành quyền lực
Sudan nằm ở giao điểm quan trọng giữa vùng Sừng châu Phi và khu vực Trung Đông, là quốc gia có diện tích lớn thứ ba châu Phi; đã từng trải qua nhiều cuộc nội chiến, xung đột liên quan đến tôn giáo, tranh giành quyền lực kể từ khi giành được độc lập từ thực dân Anh và Ai Cập vào năm 1956. Bối cảnh đất nước Sudan hiện nay hình thành sau cuộc xung đột từ năm 2003, tại vùng Darfur (Tây Sudan), khi các nhóm vũ trang đối lập nổi dậy chống lại chính quyền do Tổng thống Omar al-Bashir lãnh đạo - người nắm quyền điều hành Sudan kể từ sau cuộc đảo chính do người Hồi giáo hậu thuẫn năm 1989, với cáo buộc phân biệt đối xử với cộng đồng không phải người Arab. Để đàn áp lực lượng nổi dậy tại Darfur, Tổng thống Omar al-Bashir cho phép thành lập Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) - Janjaweed, hoạt động theo hình thức bán quân sự, đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Mohamed Hamdan Dagalo. Sau đó, RSF được hợp nhất với đơn vị Tình báo biên giới, đến năm 2007 tổ chức này được giao cho Cơ quan Tình báo Sudan quản lý. Năm 2013, tướng Mohamed Hamdan Dagalo một lần nữa lại được giao chỉ huy lực lượng này. Tại Darfur năm 2008, bên cạnh lực lượng RSF còn có lực lượng vũ trang Sudan (SAF) do tướng Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy, người sau này được bổ nhiệm làm Tổng Thanh tra quân đội - chức vụ cao thứ ba trong Quân đội Sudan.
Cùng là tướng lĩnh cấp cao quân đội và cùng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết xung đột tại Darfur, ông Mohamed Hamdan Dagalo và Abdel Fattah al-Burhan giữ mối quan hệ thân thiết trong một thời gian dài. Cũng chính hai viên tướng này đã “bắt tay” nhau lên kế hoạch lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir vào tháng 4/2019. Sau khi chính quyền của Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ, Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) được thành lập để điều hành đất nước, do ông Abdel Fattahal-Burhan làm Chủ tịch, ông Mohamed Hamdan Dagalo làm Phó Chủ tịch. Việc Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như người dân Sudan, với hy vọng mở ra nền dân chủ mới cho quốc gia này.
Tuy nhiên, những gì diễn ra trên thực tế hoàn toàn không giống như kỳ vọng. Sau khi nắm quyền, tướng Mohamed Hamdan Dagalo và Abdel Fattah al-Burhan đã không triển khai kế hoạch xây dựng chính phủ thực sự do dân bầu. Chỉ đến khi làn sóng biểu tình do Liên minh vì Tự do và Thay đổi (FFC) tổ chức lan rộng, cộng với áp lực của cộng đồng quốc tế, TMC mới tiến hành đàm phán và ký “Tuyên bố Hiến pháp” với FFC (tháng 8/2019). Tuyên bố này được xây dựng dựa trên thỏa thuận then chốt về việc chia sẻ quyền lực, hướng tới thành lập một hội đồng lãnh đạo hỗn hợp, bao gồm đại diện quân sự và dân sự, nhằm giám sát việc thành lập chính phủ dân sự và quốc hội, điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 03 năm và ông Abdalla Hamdok - nhà kinh tế học, cựu quan chức Liên hợp quốc đã được bầu làm Thủ tướng. Tuy nhiên, sự việc này không kéo dài được lâu, tháng 10/2021, tướng Mohamed Hamdan Dagalo và Abdel Fattah al-Burhan lại tiến hành đảo chính, lật đổ Thủ tướng Abdalla Hamdok, giành quyền điều hành đất nước về tay quân đội. Đây chính là mầm mống dẫn đến cuộc xung đột hiện nay.
Việc ông Mohamed Hamdan Dagalo và Abdel Fattah al-Burhan bắt tay để duy trì quyền lực cho phe quân sự, hứa hẹn tạo điều kiện để Sudan tổ chức tổng tuyển cử vào cuối năm 2023 và khôi phục chính quyền dân sự chỉ là vẻ bề ngoài. Trên thực tế, liên minh Dagalo - al-Burhan ngày càng rạn nứt khi cả hai đều tranh giành vai trò chủ chốt trong tổ chức chuẩn bị và chia sẻ vị thế sau bầu cử. Thời điểm hai bên đang cố gắng đàm phán để thành lập một chính phủ chuyển tiếp thì xung đột nổ ra. Theo giới bình luận quốc tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến xung đột, trong đó phải kể đến việc ông al-Burhan muốn sáp nhập RSF vào SAF trong 02 năm, nhưng ông Dagalo lại muốn kéo dài trong 01 thập niên, bởi ông Dagalo không muốn chuyển giao quyền chỉ huy lực lượng RSF hùng mạnh. Về lý thuyết, việc giải giáp và sáp nhập RSF vào SAF sẽ hình thành quân đội thống nhất và triển khai kế hoạch hiện đại hóa là cách tiếp cận được nhiều quốc gia ủng hộ. Tuy nhiên, các địa phương của Sudan không phải là một khối thống nhất, mà là “sân khấu” của nhiều nhóm vũ trang tự trị. Mỗi nhóm đều quyết tâm giành “phần sân khấu” lớn nhất và giữ thế an toàn trước đòn tấn công của các đối thủ. Bên cạnh đó, việc TMC sở hữu khối tài sản khổng lồ nhờ xuất khẩu vàng từ các mỏ khai thác bất hợp pháp và chỉ huy hàng chục nghìn chiến binh thiện chiến, đã khiến ông Dagalo tỏ ra khó chịu khi chỉ là cấp phó, nên ông Dagalo thể hiện rõ tham vọng trở thành người nắm quyền tuyệt đối. Do đó, cuộc xung đột ngày 15/4/2023 được ví như “giọt nước tràn ly” trong quan hệ “bằng mặt, không bằng lòng” giữa hai vị tướng này.
Tương quan lực lượng
Bối cảnh hiện nay không giống những gì Sudan đã trải qua trong quá khứ. Nếu các cuộc nội chiến trước đây ở Darfur, Blue Nile hay Nam Kordofan, do Chính phủ hoặc các nhóm bán quân sự tiến hành nhằm đấu tranh, đàn áp các phong trào vũ trang nổi dậy, thì cuộc xung đột hiện nay là cuộc giao tranh giữa 02 đội quân vũ trang quy mô lớn, do 02 tướng quân đội là Mohamed Hamdan Dagalo và Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy. Điều này khiến tình hình trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Bởi, theo các số liệu thống kê, sức mạnh quân sự của SAF do tướng Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy là đáng kể: SAF là một đội quân chính quy với khoảng 110.000 quân, bao gồm cả không quân, các sĩ quan của SAF được đào tạo, huấn luyện bài bản. Nền tảng sức mạnh của SAF còn nằm ở mạng lưới các công ty, ngân hàng, tập đoàn viễn thông cho tới các doanh nghiệp quân đội hoạt động trong các lĩnh vực: chế tạo vũ khí, xây dựng, vận tải - nhóm lợi ích quân đội và doanh nghiệp được ví là “nhà nước ngầm” tại Sudan. Ngoài ra, ông al-Burhan còn được tiếp thêm sức mạnh từ những mối liên hệ với các thành viên trong chính quyền Tổng thống Omar al-Bashir, nhiều chính khách còn xem tướng al-Burhan như lựa chọn tốt nhất để lấy lại quyền lực. Đây là lý do vì sao một tuần trước khi xảy ra xung đột, nhiều tù nhân trong chế độ cũ đã được phóng thích và các tù nhân này công khai tuyên bố ủng hộ ông al-Burhan.
Còn sức mạnh của RSF do tướng Mohamed Hamdan Dagalo chỉ huy cũng không hề kém cạnh, với khoảng 100.000 người và đang nắm quyền kiểm soát các mỏ vàng tại Dafur. Các đơn vị thuộc RSF đều thiện chiến, kinh qua nhiều trận mạc và có kỷ luật. Tướng Dagalo cũng cho thấy mình là người rất giỏi và khéo léo trong quan hệ ứng xử với các nhà lãnh đạo địa phương, thủ lĩnh các phiến quân. Ông cũng thiết lập quan hệ ngoại giao với một số quốc gia trong khu vực khi đưa RSF tham chiến ở Yemen và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), kết nối với tướng Khalifa Hafta - người đứng đầu Quân đội quốc gia Libya. Khi chính quyền Omar al-Bashir sụp đổ, ông Dagalo đã lợi dụng tình trạng chuyển giao ở thủ đô Khartoum để mở rộng đế chế kinh doanh kiểu “gia đình trị”. Thời gian gần đây, khi thấy ông al-Burhan có dấu hiệu phô trương sức mạnh, ông Dagalo đã tìm kiếm thêm đồng minh từ các đảng phái dân sự với lập luận, ông là người duy nhất có thể ngăn chặn một chế độ kiểu Tổng thống Omar al-Bashir quay trở lại Sudan.
Theo các nhà phân tích quân sự quốc tế, dù SAF có nguồn lực vượt trội, nhưng RSF đã mở rộng mạng lưới hoạt động khắp thủ đô Khartoum và các thành phố lân cận, thì không phe nào có thể giành chiến thắng nhanh, nếu xung đột diễn ra trên quy mô lớn.
Nguy cơ và hệ lụy
Ngược dòng lịch sử, các cuộc nội chiến tại Sudan đều diễn ra theo một hình thức giống nhau, trước tiên là đụng độ ác liệt giữa các phe phái, tiếp theo các bên giữ thái độ cứng rắn, ít thỏa hiệp. Vì vậy, việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn và duy trì ngừng bắn đối với cuộc giao tranh hiện nay là rất khó khăn. Khi giao tranh vẫn tiếp diễn, nguồn lực bị hao tổn, thì các bên có thể sẽ phải tuyển dụng thêm lực lượng và tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Điều này sẽ khiến phạm vi xung đột có thể lan rộng, gây hệ lụy khó lường đối với khu vực. Hiện tại, xung đột giữa SAF và RSF vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bất chấp những nỗ lực ngoại giao quốc tế, hai bên vẫn chưa có kế hoạch ngừng giao tranh. Nhiều kịch bản được đưa ra, một trong số đó là khả năng bạo lực sẽ leo thang, đẩy Sudan tới cuộc nội chiến mới. Nếu chiều hướng này xảy ra, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, bởi Sudan vẫn đang phải khắc phục hậu quả cuộc xung đột tại Darfur và khủng hoảng kinh tế sau vụ lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir.
Theo chuyên gia Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế Alan Boswell, với vị trí địa lý tiếp giáp Libya, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea, Nam Sudan - các nước cũng đang bị sa lầy trong xung đột nội bộ do các nhóm nổi dậy khác nhau hoạt động trên tuyến biên giới, thì những gì đang diễn ra ở Sudan sẽ như “đám cháy” lan rộng và tác động trực tiếp tới các nước này, nhất là Chad và Nam Sudan. Chad là quốc gia đã tiếp nhận khoảng 400.000 người Sudan sơ tán do các cuộc xung đột trước đây, từ ngày 15/4/2023, nước này đón thêm khoảng 20.000 người tị nạn và một cuộc khủng hoảng mới có thể tràn qua biên giới Chad, ảnh hưởng trực tiếp đến những khu vực có người tị nạn sinh sống. Với Nam Sudan, giao tranh gây ảnh hưởng xấu tới các mắt xích vận chuyển hàng hóa, hậu cần từ những mỏ dầu của nước này đến cảng biển Sudan; khoảng 800.000 người Nam Sudan đang sinh sống ở Sudan cũng bị ảnh hưởng, nếu họ “ồ ạt” trở lại quê hương có thể gây thêm gánh nặng cho chính quyền Nam Sudan trong việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Các nhà bình luận quốc tế cho rằng, nếu giao tranh kéo dài, khả năng can thiệp từ bên ngoài vào Sudan là điều không phải bàn cãi. Hiện một số nước như Mỹ, Nga, Ai Cập, UAE,… đều có đối tác ưu tiên ở quốc gia này: tướng Burhan được Ai Cập hậu thuẫn; Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ liên hệ với các quan chức nhóm Hồi giáo từng nắm quyền trong chế độ Tổng thống Omar al-Bashir; UAE ủng hộ tướng Dagalo; Mỹ với vai trò trung gian, tích cực kết nối hòa giải, kêu gọi ổn định và có thể sẽ nghiêng về tướng Burhan; Nga có mối liên hệ gần gũi với tướng Dagalo, v.v. Với thực tế trên, càng nhiều bên liên quan, bàn đàm phán càng trở nên phức tạp, tiến trình đàm phán có thể kéo dài và khi đó Sudan hoàn toàn có thể rơi vào tình cảnh khó khăn và kiệt quệ.
Theo các chuyên gia, xung đột hiện nay tại Sudan rất có thể chỉ là “vòng khởi động” của một cuộc nội chiến mới. Nếu không có biện pháp hạ nhiệt, thì cuộc xung đột này sẽ trở thành “trò chơi đa cấp” với các chủ thể khu vực và quốc tế theo đuổi lợi ích riêng. Các hoạt động cung cấp vũ khí, huy động tài chính và có thể là quân đội hoặc lực lượng ủy nhiệm sẽ tham gia. Đây sẽ là một viễn cảnh khó lường đối với khu vực và thế giới.
LÂM PHƯƠNG
Sudan,xung đột,nguy cơ và hệ lụy,các cường quốc,“thùng thuốc súng”
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ