Thứ Năm, 21/11/2024, 00:33 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 05/3/2024, lần đầu tiên Liên minh châu Âu công bố chiến lược công nghiệp quốc phòng với những mục tiêu đầy tham vọng, nhằm tăng tính tự chủ chiến lược của mình. Động thái này không chỉ ảnh hưởng đến riêng châu Âu mà còn tác động đến nhiều khu vực khác, nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bối cảnh ra đời
Theo đánh giá chung của các nhà phân tích quốc tế, mục đích của chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu (EDIS) là chuyển ngành công nghiệp quốc phòng sang trạng thái thời chiến, thông qua hợp tác đầu tư, nghiên cứu, phát triển, sản xuất, mua sắm và sở hữu dựa trên các nhà thầu quốc phòng thuộc Liên minh châu Âu (EU). Đây là nỗ lực của EU nhằm chuyển từ các phản ứng khẩn cấp ban đầu trước cuộc xung đột Nga - Ukraine sang cải thiện sự sẵn sàng của ngành công nghiệp quốc phòng trong dài hạn. Trước đó, tháng 3/2022, ngay sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, EU đã thông qua Kế hoạch “La bàn chiến lược”, một chiến lược đầy tham vọng nhằm xây dựng năng lực hoạt động quân sự, quốc phòng độc lập. Theo kế hoạch này, các nước thành viên EU sẽ tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự tiên tiến, đặc biệt là phương tiện chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, phương tiện bay không người lái, xe tăng thế hệ mới, các tổ hợp tên lửa phòng không phức hợp, v.v.
Trước khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, ý tưởng xây dựng nền quốc phòng độc lập, tự chủ của EU đã xuất hiện do tâm lý bất an sau những rạn nứt sâu sắc trong quan hệ giữa EU và Mỹ, nhất là dưới thời Tổng thống Donald Trump. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, quan hệ EU - Mỹ được cải thiện rất nhiều so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan mà không tham khảo ý kiến các đồng minh châu Âu và cùng với Australia, Anh (nước đã rời khỏi EU) thiết lập Hiệp ước Đối tác an ninh ba bên (AUKUS) cũng góp phần thúc đẩy EU xây dựng nền quốc phòng độc lập để giảm bớt sự lệ thuộc thái quá vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ.
Vì vậy, có thể nói EDIS là bước đi quan trọng về quốc phòng - an ninh, nhằm cụ thể hóa “La bàn chiến lược”, hay nhìn rộng hơn là góp phần thúc đẩy “tự chủ chiến lược” của EU.
Những mục tiêu đầy tham vọng
Theo giới quan sát quốc tế, trong giai đoạn 2021 - 2022, chỉ có 18% giá trị mua sắm quốc phòng ở châu Âu được cung cấp bởi các công ty quốc phòng của “lục địa già”. Do thiếu nguồn dự trữ, khoảng 75% trang thiết bị quân sự mới được mua sắm đã mang lại lợi nhuận cho nhiều nhà công nghiệp ngoài châu Âu; trong đó, khoảng 68% là cho ngành sản xuất vũ khí của Mỹ. Từ thực trạng thiếu sẵn sàng về mặt quân sự, mục tiêu của EDIS là nhằm trang bị tốt hơn cho EU trước “mối đe dọa an ninh từ Nga”; đồng thời, giảm bớt phần nào sự phụ thuộc vào Mỹ. Chiến lược này xác định đến năm 2030, ít nhất 50% ngân sách mua sắm của các quốc gia thành viên (60% vào năm 2035) sẽ được chuyển cho các nhà cung cấp có trụ sở tại EU và ít nhất 40% thiết bị quốc phòng sẽ được mua sắm theo phương thức hợp tác.
Trong nội hàm của EDIS xác định 05 biện pháp chính để tăng năng lực công nghiệp quốc phòng của EU, gồm: (1). Đầu tư quốc phòng nhiều hơn và hiệu quả hơn; (2). Làm cho hệ thống cung ứng quốc phòng phản ứng nhanh hơn và kiên cường hơn; (3). Hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn đối với ngành công nghiệp quốc phòng; (4). Chuẩn bị hình thái chiến tranh phù hợp hơn với xu thế thực tế; (5). Đẩy mạnh phối hợp quan hệ đối tác nước ngoài. Tất cả các biện pháp này đều nhằm mục đích khuyến khích chính phủ các nước thành viên hợp tác với nhau và ngăn họ mua vũ khí bên ngoài EU. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết: “Sau nhiều thập kỷ chi tiêu thấp, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng. Chúng ta cần phải làm điều đó tốt hơn và cùng nhau. Một ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu mạnh mẽ, kiên cường và cạnh tranh là một mệnh lệnh chiến lược”; còn Jean-Paul Perruche - cựu Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu quân sự EU từng nói: “Tự chủ về quốc phòng là điều kiện tiên quyết để tự chủ chiến lược. Nếu ngay cả hệ thống vũ khí và linh kiện nhỏ nhất của châu Âu đều phải phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, thì tự chủ chiến lược sẽ gặp rất nhiều khó khăn”. Để ứng phó sớm với một cuộc chiến tranh tiềm tàng, EU tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua sắm chung và bổ sung nguồn dự trữ cho châu Âu với hai điểm nổi bật là triển khai Đạo luật tăng cường công nghiệp quốc phòng châu Âu thông qua mua sắm chung (EDIRPA) và đẩy mạnh hỗ trợ Ukraine thông qua Đạo luật hỗ trợ sản xuất đạn dược.
Tóm lại, EDIS vạch ra một con đường đầy tham vọng hướng tới hội nhập và hợp tác lớn hơn trong mua sắm quốc phòng và chính sách công nghiệp quốc phòng. Nó thể hiện động cơ của EU biến cuộc khủng hoảng quốc phòng của châu Âu thành cơ hội tăng cường an ninh tập thể của lục địa già.
Triển vọng thành công chưa rõ ràng
Khả năng thành bại của một chiến lược phụ thuộc vào hai yếu tố chủ chốt là nguồn lực và quyết tâm chính trị. Về nguồn lực, không hoài nghi gì về ngân sách quốc phòng của EU: trong năm 2022, chi tiêu quân sự của EU là 240 tỉ USD, thấp hơn rất nhiều so với Mỹ (794 tỉ), nhưng cao gấp hơn hai lần ngân sách của Nga (92 tỉ) và gần như tương đương với Trung Quốc (273 tỉ). Xung đột Nga - Ukraine là chất xúc tác trực tiếp thúc đẩy chi tiêu quốc phòng của EU đạt mức kỷ lục 295 tỉ USD vào năm 2023. Chỉ trong hơn hai năm qua, số lượng các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dành 02% GDP cho ngân sách quốc phòng đã tăng từ 09 lên 23 nước trong tổng số 32 quốc gia thành viên. Chỉ trong 16 tháng đầu tiên kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu (tháng 02/2022), các quốc gia thành viên EU đã chi hơn 100 tỉ Euro cho quốc phòng. Nhưng gần 80% trong số đó được chi cho các hợp đồng bên ngoài EU và Mỹ vẫn chiếm hơn 60% số hợp đồng này. Chẳng hạn, Đức công bố kế hoạch nâng cấp lực lượng vũ trang trị giá 100 tỉ Euro (108 tỉ USD); trong đó, phần lớn ngân sách dành cho máy bay chiến đấu F-35 và trực thăng vận tải của Mỹ.
Không ít quốc gia trong Liên minh châu Âu vẫn khá “băn khoăn” đối với việc để EU can thiệp vào chính sách quốc phòng và an ninh của quốc gia thành viên. Sự khác biệt về chính sách, vấn đề chủ quyền quốc gia và những mâu thuẫn giữa nhiều nước Tây Âu và Đông Âu về cách tiếp cận đối với xung đột Nga - Ukraine sẽ là thách thức không nhỏ trong triển khai hiệu quả EDIS. Đặc biệt, việc EU và NATO tiếp tục phụ thuộc nặng nề vào Mỹ cả về chính sách và công nghệ, thể hiện qua việc Đức mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ thay vì các loại chiến đấu cơ do châu Âu sản xuất cho thấy, nói về “tự chủ chiến lược” thì dễ hơn làm rất nhiều.
Những tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Theo giới quan sát quốc tế, là một trung tâm quyền lực trong trật tự thế giới đa cực, chiến lược công nghiệp quốc phòng của EU không chỉ tác động đến châu Âu mà cả ở các khu vực khác trên thế giới. Trước hết, nhu cầu tăng tính tự chủ chiến lược của EU cũng như một số đồng minh của Mỹ ở châu Á trước triển vọng Donald Trump trở lại chính trường sẽ khuyến khích sự gia tăng hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa EU và một số nước có tiềm lực quốc phòng mạnh ở châu Á, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cảnh báo: “Đông Á ngày mai có thể giống Ukraine hôm nay”. Từ năm 2019, EU đã công khai xác định Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ mang tính hệ thống. Sự chia sẻ quan ngại về Trung Quốc có thể là động lực để EU và Nhật Bản đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Trong điều kiện môi trường an ninh ở châu Âu và châu Á đã thay đổi đáng kể, EU hy vọng quan hệ hợp tác quốc phòng giữa khối này với Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng phát triển. Sau khi Nga và Triều Tiên công bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Bình Nhưỡng, EU càng có thêm lý do để thắt chặt hơn nữa hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trên thực tế, Hàn Quốc là một “ông lớn” đang trỗi dậy trên thị trường vũ khí thế giới, thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sang châu Âu. Kể từ đầu xung đột Nga - Ukraine, Ba Lan đã đặt hàng số lượng lớn xe tăng K2 và pháo tự hành K9 của Hàn Quốc. Gần đây, Romania, Phần Lan và Estonia cũng tăng cường nhập khẩu vũ khí từ Hàn Quốc. Đồng thời, EU sẽ cân nhắc hợp tác với Hàn Quốc ở các lĩnh vực khác, như: không gian, an ninh mạng, an ninh hàng hải, cũng như hợp tác với Nhật Bản ở lĩnh vực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Việc Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc liên tục trong 03 năm qua đều tham dự các Hội nghị thượng đỉnh của NATO càng khẳng định xu hướng hợp tác quốc phòng giữa các nước châu Âu với hai nước này sẽ còn được tăng cường hơn nữa trong những năm tới, đặc biệt nếu người chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2024 ở Mỹ là Donald Trump.
Tác động tiếp theo của EDIS đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể là việc kích thích hơn nữa cuộc chạy đua tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực, đặc biệt là đầu tư các loại vũ khí cho hải quân và không quân. Thời gian qua, xung đột Nga - Ukraine và những căng thẳng leo thang ở Biển Đông, eo biển Đài Loan đã đẩy xu hướng mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng cả trên thế giới và ở khu vực. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2023 tổng ngân sách quốc phòng của toàn thế giới đã lên con số kỷ lục trên 2.400 tỉ USD. Đối với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nguồn cung vũ khí vẫn chủ yếu đến từ Mỹ, Nga và một phần nhất định từ Trung Quốc. Nhưng với việc EU đẩy mạnh triển khai EDIS sẽ khiến thị trường vũ khí ở khu vực này nhộn nhịp hơn. Các quốc gia ở khu vực, nhất là các nước Đông Nam Á, sẽ có thêm lựa chọn từ nguồn cung mới ngoài Nga và Mỹ. Dĩ nhiên, điều này sẽ không diễn ra một sớm một chiều, mà là quá trình có thể kéo dài nhiều năm, song đây là xu hướng khó có thể đảo ngược.
Theo các nhà nghiên cứu, về lâu dài, việc EU can dự ngày càng thực chất hơn, sâu hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thúc đẩy EDIS cũng có thể góp phần khiến cục diện đa cực ở khu vực này định hình rõ hơn thay vì hình thái “lưỡng siêu, đa cường” như hiện nay. EU đã và đang hết sức tranh thủ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đang vận động khối này nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Nếu hợp tác quốc phòng giữa ASEAN và EU được tăng cường hơn nữa, không loại trừ khả năng trong tương lai không xa, ASEAN có thể cho phép EU tham gia chính thức vào các cơ chế do mình dẫn dắt với tư cách đối tác đối thoại đầy đủ. Điều này một mặt có thể làm tăng tính phức tạp trong cấu trúc quyền lực đa tầng nấc ở khu vực, mặt khác cũng góp phần duy trì cân bằng chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
TS. VŨ DUY THÀNH, Bộ Ngoại giao
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu,trạng thái thời chiến,Kế hoạch “La bàn chiến lược”,tổ hợp tên lửa phòng không phức hợp
Tuyên bố chung Việt Nam - Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược 19/11/2024
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ
Tuyên bố chung Việt Nam - Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược