Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 18/07/2024, 15:08 (GMT+7)
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây

Hiện nay, các cường quốc quân sự đang đẩy mạnh cải tiến, nâng cấp tên lửa chiến thuật, nhằm tăng tầm bắn, tốc độ và độ chính xác tiêu diệt mục tiêu. Loại tên lửa này cũng liên tục được sử dụng trong các cuộc chiến tranh, xung đột gần đây trên thế giới và cho thấy hiệu quả của nó trong tác chiến, gây mối quan ngại trong cộng đồng quốc tế.

Xu hướng phát triển tên lửa chiến thuật

Hiện nay, lục quân của các cường quốc quân sự, như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ,… đều trang bị nhiều loại tên lửa đạn đạo chiến thuật để tấn công các mục tiêu quan trọng. Tầm bắn của loại tên lửa này ngày càng tăng lên và thực tế khi không còn bị giới hạn bởi “Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung - INF” thì chúng sẽ luôn được các quốc gia coi trọng phát triển.

Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, năm 2019, lục quân Mỹ mới chỉ sở hữu loại tên lửa chiến thuật duy nhất là ATACMS với các biến thể MGM-140, MGM-164 và MGM-168, tầm bắn 300km, trang bị trên các tổ hợp tên lửa phóng loạt M270 MLRS và M142 HIMARS. Nhưng sau khi rút khỏi Hiệp ước INF, Washington nỗ lực tăng cường năng lực tác chiến của lực lượng tên lửa chiến thuật lục quân với chương trình “Tên lửa tấn công chính xác tiên tiến - PrSM”, tầm bắn được nâng lên 750km. Thiết kế của tên lửa PrSM ở dạng môđun hóa và vẫn sử dụng xe phóng cũ, giúp việc chuyển đổi diễn ra nhanh chóng, đáp ứng khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách từ 60 tới 500km đối với phiên bản tiêu chuẩn và có thể tăng tầm bắn do không còn bị giới hạn bởi INF. Khả năng tấn công chính xác cao giúp tên lửa PrSM tung các đòn đánh hiệu quả vào các mục tiêu nằm sâu ở tuyến sau đối phương, như: kho tàng, sở chỉ huy và các mục tiêu giá trị khác. Đây là yếu tố giúp tên lửa PrSM tăng sức hút trên thị trường vũ khí quốc tế trước các đối thủ tên lửa chiến thuật từ Nga và Trung Quốc. Khi so sánh với tổ hợp tên lửa Iskander của Nga, thông số kỹ thuật của PrSM đều có tính năng tương đương dù nó vẫn đang trong quá trình phát triển. Trong tương lai, PrSM cơ bản sẽ thay thế cho tên lửa đạn đạo chiến thuật thế hệ cũ ATACMS, để trở thành loại tên lửa thông dụng của lục quân Mỹ với khả năng đáp ứng dải tác chiến từ pháo binh tầm xa tới tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Đối với Nga, nước này không chỉ tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa bắn loạt truyền thống, mà còn theo đuổi các chương trình tên lửa đạn đạo chiến thuật. Tên lửa Iskander-M là trọng tâm phát triển trong các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật của Nga. Một tổ hợp tên lửa Iskander-M mang theo 02 tên lửa chiến thuật trên mỗi xe phóng, tầm bắn 500km, đầu đạn có khối lượng 700kg, gồm: đạn nổ mạnh, đạn chùm, đạn nhiệt áp và đạn xuyên giáp. Đồng thời, Nga cũng sử dụng tổ hợp tên lửa Iskander để phóng tên lửa hành trình tấn công tầm xa tới 2.500km. Đây chính là ưu thế quan trọng mà tên lửa chiến thuật của Nga có được so với Mỹ. Khi lắp đầu đạn hạt nhân cho tên lửa Iskander, Nga có thể sử dụng trong tình huống tác chiến hạt nhân chiến thuật.

Nâng cao hơn nữa độ chính xác trúng đích và năng lực tấn công mục tiêu là nhiệm vụ cấp bách trước mắt trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo chiến thuật của các cường quốc quân sự. Hiện nay, độ chính xác của hệ thống tên lửa chiến thuật của lục quân Mỹ đạt được là 10 mét, của lục quân Nga là 30 mét; còn lại của rất nhiều nước vẫn thấp, ví dụ như độ chính xác của tên lửa Scud-B mà nhiều nước trang bị chỉ đạt 300 mét, về cơ bản không được tính là vũ khí điều khiển chính xác. Nếu độ chính xác của tên lửa còn lớn hơn cả bán kính sát thương của đầu đạn thông thường, thì sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ tác chiến. Biện pháp chủ yếu để nâng cao độ chính xác trúng đích là hoàn thiện hệ thống dẫn đường quán tính, giảm thiểu sai số, sử dụng kỹ thuật hiệu chỉnh giai đoạn giữa hành trình bằng ra đa, GPS và kỹ thuật điều khiển giai đoạn cuối hành trình liên quan đến đầu tìm hồng ngoại và sóng milimet.

Lục quân Mỹ đang quyết tâm tăng độ chính xác trúng đích của tên lửa đạn đạo chiến thuật, với khả năng tấn công điểm nhằm vào các mục tiêu ở chiều sâu của đối phương. Quốc hội Mỹ đã phê duyệt đầu tư cho dự án “Công nghệ tiên tiến của hỏa lực chính xác tầm xa” nhằm tăng tốc phát triển đầu tìm đa chế độ tần số vô tuyến và ảnh hồng ngoại, tạo cho loại tên lửa này có khả năng phá hủy hệ thống phòng không của đối phương. Hiện tại, Dự án này đang được đẩy nhanh tốc độ sản xuất để kịp đưa vào sử dụng tác chiến ngay trong năm 2025 thay vì theo kế hoạch ban đầu là năm 2027.

Trong khi chú trọng nâng cao độ chính xác trúng đích của tên lửa đạn đạo chiến thuật, nhiều quốc gia còn lựa chọn các loại công nghệ tiên tiến để rút ngắn thời gian phản ứng của hệ thống tên lửa khi tác chiến. Để phù hợp với yêu cầu tấn công các loại mục tiêu và cũng tạo ra hiệu quả sát thương tốt hơn, các quốc gia phát triển nhiều loại đầu đạn cho tên lửa chiến thuật, bao gồm: đạn mẹ - con, đạn văng mảnh sử dụng sát thương người/phá hủy trang bị, đạn nhiệt áp, đạn xuyên giáp, đạn rải mìn, đạn xuyên phá boongke, đạn xung điện từ dùng tấn công hệ thống thông tin và đạn hạt nhân, sinh học, hóa học.

Sự ra đời của công nghệ siêu vượt âm mới tiếp tục truyền động lực cho sự phát triển tên lửa đạn đạo chiến thuật và mở ra một hình thái phát triển mới. Nga đã phát triển thành công tên lửa siêu vượt âm Kh-47 Kinzhal và đưa vào trang bị tác chiến từ năm 2017. Đây thực chất là phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander, được phát triển để phóng từ trên không. Các chuyên gia quân sự đánh giá, tên lửa này là một trong 06 vũ khí bất khả chiến bại của Nga. Để đối phó với sự cạnh tranh từ Nga trong lĩnh vực tên lửa siêu vượt âm và nắm bắt lợi thế công nghệ, Mỹ cũng rất chú trọng đến việc phát triển các loại tên lửa chiến thuật siêu vượt âm mới. Lục quân Mỹ tuyên bố, họ có kế hoạch sớm đưa vào biên chế một nguyên mẫu của tên lửa siêu vượt âm.

Sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây

Sử dụng tên lửa chiến thuật tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong không gian chiến trường của đối phương liên tục được sử dụng trong các cuộc chiến tranh và xung đột quân sự thời gian qua. Theo đó, lực lượng không quân thường sử dụng máy bay ném bom, máy bay tiêm kích đa năng phóng tên lửa hành trình chiến thuật tấn công các căn cứ chỉ huy, bảo đảm hậu cần và các cơ sở hạ tầng khác. Tuy nhiên, việc chiếm ưu thế trên không ngày càng khó khăn do các hệ thống phòng không cũng được điều chỉnh để khắc chế. Vì vậy, sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật có tầm bắn lớn nhất 500km là “cú đấm hỏa lực” không thể thiếu của các đơn vị lục quân.

Trong tác chiến, tên lửa đạn đạo chiến thuật có ưu thế đặc biệt. Thời gian phản ứng của hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân chỉ bằng 2/5 đến 1/4 thời gian phản ứng của không quân. Đồng thời, thích ứng với chiến trường khốc liệt, chịu được tác động của bụi cát, khói bụi, thời tiết cực đoan và chi phí sử dụng thấp hơn. So với pháo lựu và cối, tầm bắn của tên lửa đạn đạo chiến thuật xa hơn, có thể tấn công mục tiêu chiến dịch nằm sâu trong trận địa của đối phương.

Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân Mỹ đã phát huy vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Trong các cuộc chiến tranh này, lục quân Mỹ đã bắn tổng cộng 516 quả ATACMS, độ tin cậy trong sử dụng thực chiến đạt đến 99%. Tên lửa chiến thuật ATACMS được lục quân Mỹ lần đầu tiên sử dụng trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991 với số lượng 32 quả. Tới năm 2003, trong chiến dịch Tự do bền vững cho Iraq, lục quân Mỹ đã phóng 450 quả tên lửa ATACMS. Tháng 10/2023, Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS với phiên bản tầm bắn giới hạn cho Ukraine sử dụng để tấn công các căn cứ sân bay, tổ hợp tên lửa phòng không ở Crimea. Tháng 4/2024, Ukraine nhận được tên lửa ATACMS với tầm bắn lớn nhất 300km cho phép tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Gần đây nhất, ngày 13/4/2024, Iran tiến hành cuộc tập kích đường không quy mô lớn chưa từng có nhằm vào lãnh thổ Israel, vượt xa mọi dự đoán với hơn 300 tên lửa và UAV được sử dụng. Trong đó, Iran sử dụng 110 tên lửa đạn đạo chiến thuật và 36 tên lửa hành trình chiến thuật. Điểm đáng chú ý là việc Iran lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật Dezful được giới thiệu năm 2019 với sai số lệch mục tiêu chỉ khoảng 05m và tầm bắn hơn 1.000km. Tên lửa hành trình Paveh, được giới thiệu đầu năm 2023 cũng được sử dụng trong cuộc tập kích này, với tầm bắn 1.650km, có khả năng kết nối thông tin nhằm tối ưu hóa khả năng sát thương. Đặc biệt, vũ khí uy lực của Iran là tên lửa siêu thanh Fattah, đạt tốc độ Mach 15 đã xuyên thủng lá chắn tên lửa đa tầng và hiện đại của Tel Aviv.

Đối với Nga, việc sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật để tấn công các vị trí trọng yếu ở cự ly bên ngoài tầm bắn của pháo binh hiện rất được coi trọng. Thực tế, trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, lực lượng không quân Nga được hỗ trợ từ các đơn vị tên lửa đạn đạo chiến thuật trong tấn công và vô hiệu hóa các hệ thống phòng không đối phương. Theo đó, tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M được Nga sử dụng nhiều nhất, tiến hành các cuộc tấn công chiến dịch và chiến thuật, tiêu diệt các tổ hợp tên lửa phòng không, trung tâm chỉ huy, điểm tập kết binh lính, khí tài, tạo ưu thế định hình chiến trường.

Bên cạnh đó, vai trò của tên lửa hành trình chiến thuật phóng từ trên không cũng phát huy tác dụng. Kể từ tháng 7/2022, các cuộc tấn công bằng tên lửa không đối đất của Nga chủ yếu đến từ các máy bay ném bom chiến lược Tu-95, Tu-160 và máy bay chiến thuật Su-24, Su-25 hoạt động quanh biển Caspian hoặc khu vực Rostov. Các biến thể của tên lửa không đối đất, như: Kh-59, Kh-58, Kh-31 hay Kh-29 cũng thường xuyên được sử dụng. Tên lửa siêu thanh phóng từ trên không Kh-47 Kinzhal là phiên bản được cải tiến từ tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander, được phóng từ máy bay chiến đấu MiG-31K, có tốc độ tối đa gấp 12 lần vận tốc âm thanh, mang lại lợi thế chiến thuật rất lớn khi là tên lửa đạn đạo nhưng phóng từ trên không, khả năng triển khai nhanh, tính linh hoạt cao và không thể đánh chặn.

Có thể nói, tên lửa chiến thuật đang phát huy ưu thế trong các cuộc chiến tranh gần đây về tầm bắn, độ chính xác và khả năng sát thương. Khi mang đầu đạn hạt nhân, chúng sẽ đóng vai trò răn đe sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Điều đó không chỉ thúc đẩy các cường quốc quân sự tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển loại tên lửa này để tạo lợi thế định hình chiến trường trong tác chiến, mà còn tạo ra xu thế để các quốc gia khác cũng quan tâm mua sắm hoặc từng bước tự chủ trong trang bị tên lửa chiến thuật, nhằm nâng cao khả năng răn đe, ngăn chặn và kiểm soát hành vi đe dọa và mối nguy hiểm từ đối phương. Đó cũng là vấn đề mà dư luận quốc tế lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới, tác động không nhỏ tới an ninh trên từng khu vực và phạm vi toàn cầu.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Tổng cục Kỹ thuật

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...