Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 27/09/2024, 15:20 (GMT+7)
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới

Trong bối cảnh địa chính trị khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn biến ngày càng phức tạp, các nước đẩy mạnh hợp tác, nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh ngày một gia tăng; trong đó, nổi lên là hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Philippines thời gian gần đây. Vậy, bối cảnh, tương lai của hợp tác ba bên này như thế nào, tác động của nó với khu vực, thế giới ra sao đang là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm.

Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Philippines có cuộc gặp tại Nhà Trắng. Nguồn: nhandan.vn

Bối cảnh thúc đẩy Hợp tác

Cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thời gian qua tiếp tục “tăng nhiệt” khi quan hệ giữa các nước lớn có xu thế chuyển từ trạng thái hợp tác - cạnh tranh sang cạnh tranh là chủ đạo. Đặc biệt, việc các cường quốc đẩy mạnh hoạt động lôi kéo, tập hợp lực lượng nhằm khẳng định vị thế trong quan hệ với các tổ chức khu vực, quốc tế và các trung tâm quyền lực khiến nhiều nước cũng muốn tham gia vào các liên kết, cấu trúc an ninh này, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và gia tăng vai trò nước lớn.

Là quốc gia đang theo đuổi chính sách quốc phòng hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia, Nhật Bản chủ trương nâng cao khả năng phản ứng cho lực lượng phòng vệ trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống cũng như thể hiện vai trò nước lớn. Theo đó, cùng với công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tăng mức chi tiêu cho quốc phòng, nâng cao năng lực chiến đấu cho lực lượng phòng vệ, Nhật Bản còn đẩy mạnh hợp tác với đồng minh Mỹ trên các lĩnh vực; mở rộng hợp tác về quốc phòng, an ninh với Anh, Australia và Philippines. Tháng 4/2024, Nhật Bản tham gia tuần tra chung trên biển với lực lượng hải quân các nước Mỹ, Australia và Philippines, từng bước khẳng định vai trò nước lớn trong tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế.

Với Philippines, kể từ khi nhậm chức (năm 2022), Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã có sự điều chỉnh chính sách trong quan hệ với các nước lớn. Khác với người tiền nhiệm, ông Ferdinand Marcos Jr. theo đuổi mối quan hệ “nồng ấm” với Mỹ và một số quốc gia phương Tây; đồng thời, xây dựng đường lối cứng rắn chống lại những gì mà ông coi là thù địch. Thời gian gần đây, Philippines tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác; tích cực tham gia vào các khuôn khổ, cấu trúc an ninh do Mỹ dẫn đầu hướng tới mục tiêu hiện đại hóa quân đội, nhằm đối phó với các mối đe dọa, thách thức an ninh về chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ.

Với Mỹ, để Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (năm 2022) đi vào chiều sâu, thực chất, chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiến hành xây dựng một loạt “vòng tròn nhỏ” đóng vai trò như các liên minh quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như: Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc, Mỹ - Anh - Australia, Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia. Với những “vòng tròn nhỏ” này, Mỹ đã buộc các đồng minh vào “cỗ chiến xa” của mình và các đồng minh có thể hỗ trợ Mỹ về quân sự trong cạnh tranh chiến lược nước lớn. Ngoài ra, Kế hoạch răn đe Thái Bình Dương (năm 2020) cũng có thể giúp Washington triển khai hệ thống tên lửa có khả năng tấn công kiêm phòng thủ ở các nước, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines,... nhằm ngăn chặn, kiềm chế và đe dọa đối thủ; đồng thời duy trì ưu thế về chiến lược cũng như khẳng định vai trò dẫn dắt tại khu vực. Đặc biệt, Mỹ còn coi Philippines là “mắt xích quan trọng”, “tiền đồn vững chắc” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc định hình lại “môi trường chiến lược” xung quanh đối thủ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, với những gì đang diễn ra, thì việc Mỹ - Nhật Bản - Philippines tổ chức Hội nghị thượng đỉnh là bước đi quan trọng để thúc đẩy hợp tác giữa ba nước lên tầm cao mới; đồng thời, nâng cao khả năng đối phó với các thách thức an ninh ngày càng tăng trong khu vực.

Nội dung và tương lai của Hợp tác

Ngày 11/4/2024, tại Washington DC, lãnh đạo ba nước Mỹ - Nhật Bản - Philippines đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên. Đây được xem là sự khởi đầu trong việc củng cố và phát triển các mối quan hệ giữa ba nước thông qua các chương trình hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, cũng như nỗ lực thúc đẩy sự xích lại gần nhau hơn giữa Mỹ và các đồng minh. Tại Hội nghị, ba nước nhất trí thành lập trung tâm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải và an ninh kinh tế, khẳng định các cam kết về quốc phòng, hướng tới thể chế hóa hợp tác thông qua các cơ chế đối thoại chính thức trong trung và dài hạn. Ngoài ra, ba nhà lãnh đạo còn lên án các hành động đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực.

Trong khuôn khổ Hợp tác, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định các cam kết quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản và Philippines trong thời gian tới; lãnh đạo ba nước cũng nhất trí tăng cường các cuộc tập trận chung, chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng; nâng cao hơn nữa năng lực chiến đấu, khả năng phản ứng nhanh và phối hợp tác chiến của các lực lượng trên các môi trường: bộ, biển và không gian mạng. Thực tế cho thấy, từ lâu, Mỹ với Nhật Bản và Philippines đã duy trì mối quan hệ hợp tác song phương về quân sự dựa trên Hiệp ước Mỹ - Nhật (năm 1951), Hiệp ước an ninh Mỹ - Philippines (năm 1951) và các Hướng dẫn quốc phòng, trong đó phải kể đến việc Mỹ tiếp tục hiện diện lực lượng quân sự tại các căn cứ của Nhật Bản và Philippines. Những năm gần đây, ba nước cũng thực hiện nhiều cuộc tập trận chung trên biển, nhằm nâng cao khả năng tương tác và sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp. Theo các chuyên gia quân sự, thông qua các cuộc tập trận, ngoài việc nâng cao năng lực phòng thủ cho từng quốc gia, ba nước còn gửi đi thông điệp về sự đoàn kết và sẵn sàng đối phó với bất kỳ mối đe dọa, thách thức an ninh đến từ các đối thủ.

Gần đây, Nhật Bản và Philippines thúc đẩy duy trì mối quan hệ an ninh gần gũi, thông qua cơ chế đối thoại 2 + 2 (giữa hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng). Bên cạnh đó, Nhật Bản còn thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận truy cập, tương hỗ với Philippines, cho phép lực lượng quân sự của hai nước tiến hành các hoạt động chung và hỗ trợ lẫn nhau trong các tình huống khẩn cấp. Với Philippines, việc tham gia các cuộc tập trận chung với đồng minh, đối tác và nhận hỗ trợ từ Mỹ, Nhật Bản đã giúp nước này từng bước hiện đại hóa quân đội và nâng cao năng lực chiến đấu cho lực lượng hải quân.

Cùng với hợp tác về quân sự, ba nước cũng chú trọng đến hợp tác về kinh tế. Mỹ và Nhật Bản cam kết đầu tư vào các ngành công nghiệp chiến lược tại Philippines, bao gồm chuỗi cung ứng bán dẫn và kinh tế số; hỗ trợ Philippines đạt mục tiêu vượt qua mức thu nhập trung bình. Đặc biệt, Mỹ còn đồng ý giúp Philippines đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn (khoảng 150.000 người), đưa Phipppines vào danh sách hợp tác bán dẫn trong khuôn khổ Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) và Quỹ phát triển bán dẫn của Bộ Ngoại giao. Điều này không những giúp Philippines tăng cường mức độ tự chủ mà còn nâng cao khả năng chống chịu trước những tác động kinh tế. Lãnh đạo ba nước cũng đề xuất dự án hợp tác “Sáng kiến Hành lang kinh tế Luzon” giúp tăng cường kết nối, phát triển đường sắt, cảng biển, năng lượng sạch và bán dẫn. Ngoài ra, còn hướng tới việc hợp tác trong lĩnh vực công nghệ trọng yếu, mới nổi, như: phát triển mạng truy cập vô tuyến mở (Open-RAN); thiết lập hệ sinh thái công nghệ thông tin liên lạc mở, tương tác cao, an toàn tin cậy ở Philippines, v.v. Theo các nhà nghiên cứu, việc ba nhà lãnh đạo nhất trí khởi động các dự án hợp tác về công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, sẽ giúp ba nước tăng cường sức mạnh kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào đối tác một số nguồn cung trong những lĩnh vực quan trọng. Tại Hội nghị, các bên cũng xem xét thành lập một trung tâm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai tại một hoặc nhiều căn cứ trong số 09 căn cứ quân sự của Philippines mà Mỹ được quyền tiếp cận.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines có thể mang lại những lợi ích quan trọng cho cả ba nước, song quá trình triển khai thực hiện các nội dung hợp tác sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Thứ nhất, nguồn lực dành cho hợp tác vẫn chưa được nêu cụ thể, trong khi cả Mỹ và Nhật Bản đang gặp khó khăn về nguồn ngân sách. Thứ hai, việc cụ thể hóa hợp tác ba bên thành những dự án cụ thể cần thời gian để đàm phán, ký kết. Thứ ba, những khó khăn trong nội bộ từng quốc gia, nhất là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đang đến gần. Bên cạnh đó, ba nước cũng cần tính đến phản ứng của các nước lớn trong khu vực, đặc biệt là các hoạt động hợp tác có thể gây căng thẳng. Những vấn đề này đòi hỏi lãnh đạo ba nước phải có kế hoạch rõ ràng, minh bạch, với lộ trình và bước đi cụ thể.

Tác động đối với khu vực, thế giới

Theo các nhà nghiên cứu, Hội nghị thượng đỉnh giữa ba nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines dù chưa đưa ba nước trở thành một liên minh chính thức, nhưng rõ ràng sẽ đưa mối quan hệ hợp tác này lên mức cao hơn về mặt pháp lý. Kết quả Hội nghị và những cam kết sẽ là cơ sở quan trọng giúp ba nước hợp tác sâu rộng hơn nữa trên nhiều lĩnh vực trong tương lai. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ thúc đẩy việc thành lập một cấu trúc an ninh mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, qua đó giúp các nước có vai trò lớn hơn trong giải quyết vấn đề khu vực và quốc tế. Nhiều chính khách của ba nước cũng cho rằng, hợp tác ba bên giúp đảm bảo an ninh hàng hải tại các vùng biển trọng yếu, thúc đẩy giao thương kinh tế thương mại giữa ba quốc gia và có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của khu vực.

Tuy nhiên, dư luận quốc tế cũng cho rằng, quan hệ hợp tác này có thể tạo ra “làn gió ngược”, ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bởi, nếu một liên minh chính thức được thành lập, hợp tác quân sự giữa Mỹ với Nhật Bản và Philippines thêm sâu sắc, khi đó sẽ đặt ra thách thức lớn đối với Trung Quốc, Triều Tiên cũng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo các chuyên gia quân sự, việc Mỹ đẩy mạnh hợp tác quân sự với Nhật Bản và Philippines cộng thêm một loạt “vòng tròn nhỏ” - liên minh quân sự do Mỹ thành lập ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Washington đang tiến gần hơn đến việc xây dựng một “NATO thu nhỏ” ở châu Á - Thái Bình Dương. Điều này sẽ làm cho căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặt hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương vào nguy cơ leo thang, thậm chí dẫn tới xung đột; nó có thể làm ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích kinh tế, gây chia rẽ các nước ASEAN trong đàm phán và giải quyết các bất đồng quan điểm.

Dư luận mong rằng, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết, cuộc chiến tại Trung Đông đang nóng lên từng ngày, thì Mỹ, Nhật Bản và Philippines cần công khai các nội dung hợp tác, tiếp tục có những đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

TS. NGUYỄN HỒNG QUANG, Phó Vụ trưởng Vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...