Thứ Năm, 21/11/2024, 00:40 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Kể từ khi lên nắm quyền (năm 2014), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có nhiều thay đổi về chính sách quốc phòng để thích nghi với thực tế địa chính trị đầy biến động trong khu vực và thế giới. Sau một thập niên hiện đại hóa, mở rộng quan hệ, Ấn Độ vạch ra “Tầm nhìn chiến lược đến năm 2047” trong lĩnh vực quân sự với nhiều mục tiêu mới.
Thập niên mang dấu ấn Thủ tướng Narendra Modi
Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi (giai đoạn 2014 - 2024) đã định hình những quan điểm mang tính trụ cột, nhằm bảo đảm quyền tự chủ chiến lược và tạo ra các lựa chọn phát triển để xử lý các thách thức địa chính trị. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi nhận ra nhu cầu cấp thiết phải có các chiến lược để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và ứng phó với những nguy cơ đang nổi lên. Hoạt động này bao gồm cả việc củng cố và tăng cường quan hệ quốc phòng với các đối tác, đặc biệt là đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia, tổ chức quốc tế ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ban đầu, Chiến lược quốc phòng, an ninh của Ấn Độ chủ yếu hướng tới các nước láng giềng và đồng minh thân cận, nhằm mục tiêu thắt chặt quan hệ với các quốc gia trong khu vực. Điều đó phần nào được thể hiện thông qua chính sách “Hướng Đông” và “Láng giềng trên hết”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước phương Tây, châu Á; trong đó, cuộc tập trận hải quân Malabar đang dần trở thành công cụ ngoại giao hàng đầu của nước này. Trên thực tế, từ năm 2015, Ấn Độ và Mỹ đã nhất trí đưa Nhật Bản trở thành bên tham gia thường xuyên trong các cuộc tập trận Malabar. Đây là bước tiến quan trọng hướng tới việc củng cố năng lực tác chiến trên biển cho lực lượng hải quân ba nước Đông bán cầu. Đến năm 2020, nhóm đã mở rộng và đưa Australia trở thành thành viên thứ tư. Kể từ đây, các cuộc tập trận Malabar cung cấp cho các bên tham gia một nền tảng chung để trao đổi học thuyết, điều chỉnh chương trình đào tạo, huấn luyện quân sự và tăng cường hoạt động phối hợp nhằm củng cố sức mạnh liên minh trước các đối thủ cạnh tranh. Phạm vi cuộc tập trận được mở rộng ra các lĩnh vực: tuần tra và trinh sát trên biển, hoạt động tiếp tế của trực thăng vũ trang trên biển, hoạt động tác chiến của nhóm tàu sân bay, tàu chống ngầm và tàu mặt nước. Cuộc tập trận hải quân Malabar cũng được tiến hành ở nhiều vùng biển khác nhau, như: Vịnh Bengal, Biển Ả Rập, Biển Philippines, Biển Hoa Đông, các vùng biển của Nhật Bản, Nam Thái Bình Dương và khu vực đảo Guam.
Cùng với đó, Ấn Độ sử dụng hiệu quả chiến lược quốc phòng đa liên kết để thúc đẩy chương trình nghị sự chống khủng bố tại địa bàn quan trọng là châu Âu và châu Á; đồng thời, có những điều chỉnh chính sách hết sức linh hoạt và phù hợp với từng bối cảnh, thông qua hoạt động cùng một số tổ chức: Nhóm các nền kinh tế mới nổi, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và bộ ba Nga - Trung Quốc - Ấn Độ. Ngoài ra, để bảo vệ lợi ích quốc gia và duy trì sự cân bằng chiến lược, Ấn Độ khuyến khích đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương và tuân thủ luật pháp quốc tế trong quan hệ với các đối tác. Nói cách khác, Ấn Độ duy trì mối quan hệ với các đối tác theo hình thức đa liên kết nhằm tối đa hóa sức mạnh quốc gia - một điểm nhấn quan trọng trong chiến lược quốc phòng của New Delhi. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cũng thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy việc tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, như: tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ mức 49% lên 74%; cấm nhập khẩu vũ khí do nước ngoài sản xuất (hơn 400 loại). Theo The Economist (ấn bản tin tức và các vấn đề quốc tế xuất bản tại London, Anh), việc nâng cấp mạnh mẽ và tự chủ về lĩnh vực công nghệ quốc phòng, với sự tham gia của các công ty tư nhân ngày một nhiều là vấn đề được New Delhi ưu tiên thúc đẩy. Còn Bà Shruti Pandalai, Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar (New Delhi) thì cho rằng, “Ấn Độ đã nhận thức được: để lĩnh vực quốc phòng của mình thực sự cất cánh thì việc hợp tác với các đối tác bên ngoài là chìa khóa thành công”; các ưu đãi của Chính phủ Ấn Độ sẽ kích thích sự cạnh tranh giữa các công ty khởi nghiệp về quốc phòng; đồng thời, thúc đẩy việc đầu tư nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực quan trọng này.
Tăng cường đối ngoại quốc phòng với khu vực Đông Nam Á
Để củng cố vị thế trong khu vực và nâng cao năng lực cạnh tranh, ngoài việc tăng cường hợp tác quốc phòng với các đồng minh chủ chốt ở châu Á, trong thập niên qua, Ấn Độ còn đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng với khu vực Đông Nam Á, nhất là với Philippines và Singapore.
Kể từ năm 2016, Philippines nổi lên như một đối tác quan trọng của Ấn Độ về lĩnh vực quân sự. Trước thời điểm này, quan hệ Ấn Độ - Philippines được đánh giá là một trong những mối quan hệ kém phát triển nhất khu vực. Các đời Tổng thống của Philippines trước đây chủ yếu tập trung vào việc cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, đến thời Tổng thống Rodrigo Duterte nắm quyền, tình trạng này đã được thay đổi. Việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Đông Á tại Manila năm 2017 cùng chuyến thăm của Tổng thống Rodrigo Duterte tới New Delhi năm 2018 đặt nền tảng cho sự hợp tác quốc phòng giữa hai nước thêm sâu sắc. Điều đó được minh chứng thông qua việc tàu chiến của Hải quân Ấn Độ thường xuyên ghé thăm các cảng của Philippines; lực lượng hải quân hai bên cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung. Tháng 4/2024, Ấn Độ chuyển giao 03 khẩu đội tên lửa hành trình siêu âm tầm xa BrahMos - loại vũ khí có năng lực chiến đấu cao cho Philippines. Đây là một phần của thỏa thuận liên chính phủ trị giá 375 triệu USD được ký năm 2022. Trước đó, tại cuộc họp Ủy ban Hợp tác Quốc phòng lần thứ tư giữa hai nước (tháng 3/2023), New Delhi cũng đồng ý cử 01 tùy viên quốc phòng đến Manila để giám sát các vấn đề về quốc phòng và an ninh. Hai bên cũng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, an ninh mạng và vận tải biển. Theo các chuyên gia nghiên cứu, mối quan hệ song phương này có thể phát triển thành một liên minh “đáng gờm” ở khu vực trong thời gian tới. Ngoài việc phục vụ cho lợi ích chung, liên minh này còn giúp hai nước nâng cao năng lực cạnh tranh trước các đối thủ.
Với Singapore, năm 2017, hai nước đã ký hiệp ước hợp tác hải quân nhằm mục đích bảo đảm an ninh hàng hải, hỗ trợ hậu cần và tham gia các cuộc tập trận chung trên biển. Điểm đáng chú ý của hiệp ước này là, hải quân hai nước được phép triển khai tạm thời lực lượng tại các cơ sở quân sự của nhau, đơn giản hóa việc Hải quân Ấn Độ tiếp cận cảng của Singapore để tiếp nhiên liệu và neo đậu. Hiệp ước cũng mở rộng phạm vi hoạt động của Hải quân Ấn Độ sang phía Đông eo biển Malacca. Ngoài ra, quân đội hai nước cũng ký các thỏa thuận về hỗ trợ nhân đạo, cứu hộ thảm họa thiên tai và an ninh mạng.
Xác định mục tiêu cho thập niên chuyển đổi
Tầm nhìn chiến lược đến năm 2047 về lĩnh vực quân sự của Ấn Độ được xây dựng trên cơ sở Chiến lược quốc gia đến năm 2047. Tầm nhìn xác định đưa Quân đội Ấn Độ trở thành lực lượng hiện đại, phản ứng nhanh, thích ứng, tự lực và trở thành cường quốc về quốc phòng tại Đông bán cầu.
Theo đó, Chính phủ Ấn Độ xác định năm 2023 là “Năm chuyển đổi” và năm 2024 là “Năm tiếp thu công nghệ”. Đây cũng chính là chủ đề được thiết kế để Quân đội Ấn Độ tiến vào thập niên chuyển đổi với 05 mục tiêu đầy tham vọng. Thứ nhất, tái cấu trúc lại quân đội. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch tái tổ chức toàn diện các sở chỉ huy, bộ tư lệnh và các đơn vị chủ chốt của lực lượng vũ trang, nhằm nâng cao năng lực phòng thủ cũng như khả năng đối phó với các thách thức; trong đó, tập trung điều chỉnh lại tổ chức biên chế, phân công lại nhiệm vụ của các bộ tư lệnh và các quân đoàn. Thứ hai, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng. Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nhiệm vụ quân sự có đẳng cấp thế giới, nhằm củng cố năng lực, sức mạnh chiến đấu của quân đội trên các môi trường tác chiến: không, bộ, mạng internet và trong không gian. Một trong những động thái phát triển cơ sở hạ tầng đáng chú ý của Ấn Độ là đưa căn cứ INS Jatayu (mới) tại đảo Minicoy vào hoạt động, qua đó nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng hải quân trên vùng biển Ấn Độ Dương - bước tiến quan trọng trong chiến lược phòng thủ quốc gia. Theo các chuyên gia Nga, căn cứ INS Jatayu sẽ cung cấp cho New Delhi đòn bẩy địa chính trị đáng kể; giúp Hải quân Ấn Độ mở rộng khả năng triển khai sức mạnh trên biển, tăng cường đảm bảo an ninh hàng hải và kết nối tốt hơn với hải quân các nước trong khu vực. Ngoài ra, New Delhi còn có kế hoạch xây dựng một sân bay phục vụ cho cả lĩnh vực quân sự và dân sự trên đảo Minicoy. Thứ ba, tăng cường áp dụng công nghệ để vận hành và phát triển hệ thống dữ liệu, nâng cao năng lực hiện có của quân đội. Thứ tư, nâng cao năng lực chiến đấu cho các lực lượng. Một lộ trình chi tiết để nâng cấp lực lượng pháo binh, phòng không, không quân và các đơn vị bộ binh, bộ binh cơ giới được Chính phủ Ấn Độ vạch ra; trong đó, tập trung vào bổ sung vũ khí, trang bị hiện đại, bảo đảm đạn dược, thiết lập cấu trúc mới hỗ trợ hoạt động đa lĩnh vực, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực hậu cần. Thứ năm, thúc đẩy khả năng tự lực bằng cách nội địa hóa vũ khí, trang thiết bị, phương tiện chiến đấu. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi ưu tiên hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng trong nước đạt đẳng cấp quốc tế, hướng đến tăng cường năng lực quân sự và củng cố quyền tự chủ; đồng thời, trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Nói cách khác, quỹ đạo thương mại quân sự của Ấn Độ sẽ có sự tăng trưởng trong thập niên tới; New Delhi đang nổi lên như một nhà cung cấp hàng hóa quân sự hàng đầu cho các quốc gia trong khu vực và định hình quan hệ đối tác chiến lược lâu dài.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Quân đội Ấn Độ sẽ tập trung nâng cao khả năng phối hợp hành động giữa lực lượng lục quân, hải quân và không quân để phản ứng thống nhất, có hiệu quả trước các mối đe dọa cũng như ứng phó với những thách thức trong tương lai; chú trọng nâng cao chất lượng công tác nhân sự các cấp. Ngoài ra, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi còn tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước phương Tây; tăng cường vai trò của Ấn Độ trong các phái bộ của Liên hợp quốc; tham gia tập trận chung với các đồng minh, đối tác - chính sách ưu tiên của Quân đội Ấn Độ.
Với tần suất các cuộc tập trận quân sự chung ngày càng nhiều, các chương trình trao đổi, chuyến thăm cấp cao thường xuyên diễn ra cùng với việc ký nhiều thỏa thuận quốc phòng song phương sẽ góp phần định hình lại vị thế của Ấn Độ như một cường quốc ở Đông bán cầu. Đây cũng chính là mục tiêu lớn mà Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi hướng đến trong thời gian tới.
TRUNG HIẾU - LÂM PHƯƠNG
Thay đổi tầm nhìn chiến lược,lĩnh vực quân sự của Ấn Độ,Thủ tướng Narendra Modi,Tầm nhìn chiến lược đến năm 2047
Tuyên bố chung Việt Nam - Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược 19/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ
Tuyên bố chung Việt Nam - Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược