Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 27/06/2024, 10:19 (GMT+7)
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới

Tháng 7/2023, tại Vilnius, Cộng hòa Litva, các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã thông qua Kế hoạch phòng thủ toàn diện của Khối. Kế hoạch này được các chuyên gia đánh giá là rất đầy đủ, chi tiết và đầy tham vọng. Vậy, nội hàm của nó là gì và có tác động ra sao đối với khu vực, thế giới đang là vấn đề được dư luận quốc tế rất quan tâm.

Lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius năm 2023. Nguồn: qdnd.vn

Theo các nhà nghiên cứu, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã, khối quân sự Warszawa giải thể, thì Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) coi như “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” vì không còn đối trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, khối quân sự lớn nhất hành tinh này vẫn tồn tại, song nhiều lúc cũng lâm vào tình cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, nhất là trong việc xác định phương hướng hoạt động. Để mở rộng quy mô cũng như vai trò ảnh hưởng đối với khu vực và thế giới, NATO đã nhiều lần điều chỉnh chiến lược, nhưng do hiệu quả thấp, chi phí cao, khiến bất đồng giữa hai bờ Đại Tây Dương trở lên sâu sắc. Đỉnh điểm nhất phải kể đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump (năm 2019) chỉ trích gay gắt một số nước thành viên NATO là “những kẻ ăn bám” và cảnh báo nước Mỹ sẽ rút khỏi NATO nếu các nước thành viên khác cứ ỷ vào Hoa Kỳ mà không có đóng góp tương xứng. Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của NATO, đã có lúc phải thừa nhận NATO đang “chết não”.

Kế hoạch phòng thủ toàn diện đầy tham vọng

Hội nghị thượng đỉnh Vilnius (tháng 7/2023) của NATO đã thông qua Kế hoạch phòng thủ toàn diện và được coi là bước đi đầy tham vọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Liên minh, với mục tiêu là bảo vệ và ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng trên không gian, môi trường mạng, trên không, trên bộ và trên biển. Theo Kế hoạch, mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Khối cũng như đe dọa sự ổn định ở châu Âu và khu vực Đại Tây Dương chính là Nga và chủ nghĩa khủng bố; trong đó, Nga được coi là mối đe dọa lớn nhất và trực tiếp nhất. Từ đánh giá đó, NATO chủ trương tăng quân cho lực lượng phản ứng nhanh (NRF) của cả lục quân, không quân, hải quân và lực lượng đặc biệt từ 40.000 quân lên 300.000 quân, bảo đảm các lực lượng này có khả năng triển khai tác chiến ngay lập tức tại bất kỳ “điểm nóng” nào ở châu Âu và thế giới. NATO cũng thành lập và triển khai lực lượng cơ giới hạng nặng, các đơn vị pháo binh, tên lửa tầm xa cùng các hệ thống phòng không tiên tiến để bảo vệ các hướng chiến lược, mục tiêu, địa bàn trọng yếu trên lãnh thổ các nước thành viên, hình thành thế trận phòng thủ liên hoàn, đa tầng, nhiều lớp.

Đồng thời, Khối cũng dự kiến bổ sung khoảng 1.000 binh lính hỗ trợ cho quân đội Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic để nâng cao khả năng răn đe, cụ thể: Anh đảm nhiệm hỗ trợ cho Estonia; Mỹ hỗ trợ cho Ba Lan; Canada hỗ trợ cho Latvia và Đức hỗ trợ cho Litva. Đặc biệt, Đức còn dự kiến đảm nhiệm vai trò trung tâm hậu cần của Liên minh trong trường hợp xảy ra xung đột lớn và sẵn sàng điều động 01 lữ đoàn (khoảng 4.000 quân) đến đồn trú ở Litva. Bên cạnh đó, NATO còn xem xét việc thành lập thêm Bộ Chỉ huy trên bộ tại Wiesbaden (Đức) và yêu cầu quân đội các nước thành viên phải luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao để có thể huy động trong trường hợp xảy ra xung đột. Song song với bổ sung lực lượng cho các khu vực, NATO dự kiến tổ chức tập trận quy mô lớn trên lãnh thổ một số nước thành viên vào thời gian tới, nhằm phô trương sức mạnh và nâng cao khả năng tác chiến liên hợp, với sự tham gia của khoảng 41.000 quân cùng nhiều phương tiện, vũ khí trang bị hiện đại. Ngoài ra, Liên minh còn triển khai kế hoạch sản xuất quốc phòng mới, đẩy nhanh việc mua sắm vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật chung, gia tăng năng lực sản xuất và nâng cao khả năng tương tác giữa các nước thành viên.

Kế hoạch phòng thủ mới cũng đề cập thúc đẩy tiến trình giúp Ukraine gia nhập NATO một cách nhanh nhất. Theo đó, Liên minh sẽ rút gọn quy trình gia nhập từ “02 bước” xuống còn “01 bước” thông qua việc đồng ý miễn yêu cầu về Kế hoạch hành động đối với quốc gia thành viên (MAP) cho Ukraine. Bên cạnh đó, Khối cũng cam kết gói viện trợ kéo dài nhiều năm để Ukraine chuyển đổi lực lượng vũ trang cho phù hợp với các tiêu chuẩn của NATO, cũng như củng cố lĩnh vực quốc phòng, an ninh của nước này. Mặc dù có nhiều sự trợ giúp, song Kế hoạch phòng thủ của Liên minh vẫn chưa đưa ra thời gian cụ thể đối với việc kết nạp Ukraine. Các nhà nghiên cứu cho rằng, ngầm ý của NATO là chỉ đồng ý kết nạp Ukraine chừng nào nước này “hoàn thành các mục tiêu chiến lược” theo ý định của Khối trong cuộc chiến với Nga. Đối với lĩnh vực hợp tác quốc tế, NATO coi trọng mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng, an ninh với các đối tác: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Trước mắt, sẽ xúc tiến thiết lập văn phòng liên lạc tại Tokyo, còn các đối tác: Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia sẽ lập văn phòng đại diện tại Brusseles để thuận lợi cho hoạt động phối hợp.

Giới chức NATO hy vọng, với năng lực và thế trận phòng thủ tập thể mạnh mẽ cùng các phương tiện chiến đấu hiện đại, được thiết kế trong Kế hoạch phòng thủ toàn diện, sức mạnh quân sự của Liên minh sẽ là “vô đối”; hoàn toàn có đủ khả năng kiểm soát và làm chủ trên không, trên bộ, trên biển, trong không gian và môi trường mạng nếu xung đột nổ ra với bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào.

Tác động đối với khu vực và thế giới

Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO thực chất là “kế hoạch chiến tranh tổng lực”, nằm trong tổng thể chiến lược mà Khối này đã và đang sử dụng để chống lại Nga kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Kế hoạch này có thể đẩy quan hệ giữa NATO với Nga đến ranh giới một cuộc “đối đầu toàn diện”. Nếu điều đó xảy ra, tình hình an ninh và ổn định ở châu Âu cũng như thế giới sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các nước thành viên NATO đã ủng hộ mạnh mẽ Ukraine thông qua việc viện trợ nhiều loại vũ khí, trang bị có trị giá lên đến hàng chục tỉ USD. Gần đây, trong dịp kỷ niệm 75 năm thành lập, ngoại trưởng các nước thành viên NATO đã thảo luận về nỗ lực tham gia trực tiếp vào quá trình điều phối, vận chuyển hàng hóa và vũ khí sang Ukraine; bàn thảo về quỹ hỗ trợ trị giá 100 tỉ USD cho Ukraine trong vòng 05 năm tới và mới đây nhất, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua gói viện trợ quân sự lên đến 61 tỉ USD dành cho Ukraine. Các chuyên gia quân sự cho rằng, Kế hoạch phòng thủ toàn diện cùng các hoạt động quân sự của NATO thời gian qua là nguyên nhân chủ yếu để Nga tố cáo NATO đang tiến hành một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” ở Ukraine, với toan tính đánh bại Nga về chiến lược, hay nói cách khác, NATO sẽ “kết liễu Nga một lần và mãi mãi” trên bản đồ thế giới.

Về phần mình, Moscow tuyên bố, các gói viện trợ quân sự của NATO dành cho Ukraine sẽ không làm thay đổi cục diện chiến trường, mà chỉ làm cho cuộc xung đột kéo dài và Ukraine sẽ phải chịu tổn thất nặng nề hơn trên tất cả các lĩnh vực. Theo người phát ngôn điện Kremlin, việc NATO đẩy nhanh tiến trình giúp Ukraine trở thành thành viên của Khối là hành động đi ngược lập trường nhất quán của Nga, rằng tư cách thành viên của Ukraine trong NATO sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với cấu trúc an ninh châu Âu, mà hiện cấu trúc này đã bị phá hủy một nửa. Đây sẽ là mối nguy hiểm tuyệt đối, một mối đe dọa trực tiếp đối với nước Nga và Nga sẽ đáp trả cứng rắn với bất kỳ bước đi nào như vậy. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh báo, việc các nước NATO tiếp tục cung cấp vũ khí, tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine không thể dẫn tới điều gì khác ngoài “ngõ cụt” và Chiến tranh thế giới thứ ba. Còn Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, khi cho rằng việc NATO tiếp tục viện trợ cho một quốc gia đang phòng thủ là hỗ trợ cho chiến tranh. Bên cạnh đó, những động thái Lầu Năm góc triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan; Pháp kêu gọi điều quân đội trực tiếp tham chiến ở Ukraine cũng đang làm gia tăng nguy cơ xung đột trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân. Hiện Mỹ và Nga là hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới. Nếu năm 2018, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm xa, thì năm 2023, Nga cũng rút khỏi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới. Việc hai cường quốc hạt nhân liên tiếp trả đũa nhau không những khiến cho nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu vượt ngoài tầm kiểm soát, mà còn làm cho viễn cảnh của một cuộc đối đầu hạt nhân ngày càng hiện hữu, đe dọa an ninh, ổn định khu vực và thế giới.

Ngoài ra, Kế hoạch mới này cũng yêu cầu các quốc gia thành viên tăng ngân sách chi tiêu cho quốc phòng lên 02% GDP và gia tăng mua sắm vũ khí, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm giành ưu thế tuyệt đối về quân sự. Đây có thể là tác nhân chủ yếu khiến chi phí quân sự của thế giới tăng cao, thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trên toàn cầu. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm, năm 2023, chi phí quân sự trên thế giới tăng lên mức kỷ lục với 2,43 nghìn tỉ USD; trong đó, chi phí quân sự của NATO chiếm khoảng 55%, Mỹ chiếm 37%. Báo cáo này cũng cảnh báo, cuộc chạy đua vũ trang giữa NATO với các đối thủ có thể chuyển mạnh sang hướng giành ưu thế về vũ khí hạt nhân, trí tuệ nhân tạo, vũ khí tàng hình, tên lửa siêu thanh, hệ thống phòng không đa năng, hệ thống cảnh báo sớm,… làm gia tăng nguy cơ bùng phát các cuộc xung đột thảm khốc và biến động khó lường.

Các chuyên gia cho rằng, Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO, với tham vọng trước mắt là đánh bại Nga - đối thủ trực tiếp và lớn nhất, còn mục tiêu tiếp theo là hướng tới Trung Quốc - đối thủ tiềm tàng nguy hiểm nhất, hay nói cách khác là đối thủ hệ thống, cơ bản, lâu dài ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc NATO mở rộng tầm ảnh hưởng về phía Đông; đồng thời, cảnh báo, bất kỳ hành động nào đe dọa đến an ninh, lợi ích quốc gia của Trung Quốc sẽ bị đáp trả thích đáng.

Với những gì đã diễn ra trong thời gian qua, nhất là khi cuộc xung đột Nga - Ukraine và chiến sự tại Trung Đông vẫn chưa có lối thoát, dư luận quốc tế hy vọng, liên minh quân sự lớn nhất hành tinh dưới sự lãnh đạo của Mỹ cùng với Nga và Trung Quốc nên giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bằng các biện pháp hòa bình thay vì sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Các quốc gia, các tổ chức không vì những toan tính, lợi ích riêng mà đẩy mâu thuẫn thành xung đột, chiến tranh, gây tổn hại cho an ninh, ổn định và sự phát triển của khu vực, thế giới.

MINH ĐỨC

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...