Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 17/06/2024, 09:24 (GMT+7)
Chiến lược quốc phòng mới của Australia

Ngày 17/4/2024, Australia công bố Chiến lược quốc phòng mới trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh khu vực đang trải qua những biến động lớn. Vậy, cách tiếp cận, nội dung cốt lõi và những định hướng ưu tiên nào của Chiến lược có thể bảo vệ nước này trước các mối đe dọa tiềm tàng là vấn đề đang được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm.

Việc sở hữu lực lượng Hải quân mạnh nhất trong lịch sử sẽ là trọng tâm trong chiến lược mới của Australia. Nguồn: qdnd.vn

Bối cảnh quốc tế và khu vực

Theo giới quan sát quốc tế, Australia xây dựng Chiến lược quốc phòng mới trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh then chốt của nước này đang ủng hộ toàn diện Ukraine tiến hành cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” nhằm đánh bại Nga trên chiến trường. Mượn cớ đối phó với “nguy cơ xâm lược” từ Nga, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục mở rộng, kết nạp thêm hai thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển; đồng thời, coi Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand là những đối tác đối thoại của Liên minh.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ coi Trung Quốc là thách thức cơ bản, có tính hệ thống và lâu dài. Để kiềm chế Trung Quốc, Mỹ đang toan tính xây dựng “NATO châu Á”. Theo đó, năm 2021, Mỹ cùng với Anh và Australia ký thỏa thuận xây dựng liên minh an ninh ba bên AUKUS - phiên bản kế thừa Hiệp định ANZUS từ thời Chiến tranh lạnh giữa Australia, New Zealand và Mỹ. Theo nhận định của giới phân tích, mục tiêu của AUKUS là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài AUKUS, bốn nước: Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản còn hình thành Nhóm Bộ Tứ cũng nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ còn tăng cường thiết lập quan hệ đồng minh ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc; Mỹ - Nhật Bản - Philippines và đang có ý định mời Australia tham gia các liên minh này. Ở khu vực Đông Nam Á - nơi gần kề Australia, Biển Đông không chỉ là điểm nóng về tranh chấp chủ quyền, mà còn là tâm điểm cạnh tranh địa chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Là một quốc đảo, Australia đang đứng trước nguy cơ bị cô lập thương mại hoặc không được quyền tiếp cận các tuyến đường hàng không và đường biển quan trọng. Vì vậy, ngay cả khi đối phương không xâm lược thì họ vẫn có thể gây ra nhiều thiệt hại cho nước này. Trong bối cảnh đó, Australia đã công bố Chiến lược quốc phòng mới.

Cách tiếp cận mới về quốc phòng của Australia

Trước sự thay đổi môi trường chiến lược mới trên thế giới và khu vực buộc Australia phải có cách tiếp cận mới để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của mình. Trước hết, Canberra khẩn trương đánh giá những rủi ro và thách thức an ninh nghiêm trọng nhất mà nước này phải đối mặt; trên cơ sở đó xây dựng chiến lược toàn diện để hóa giải các rủi ro và thách thức. Tiếp đến, Australia phải sửa đổi và bổ sung nội hàm của khái niệm “quốc phòng” theo cách tiếp cận toàn diện để tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia. Một nội dung quan trọng nữa trong cách tiếp cận mới là xem xét lại chương trình đầu tư cho quốc phòng theo hướng tích hợp và tập trung. Theo cách tiếp cận mới này, Canberra nhận thấy cơ cấu tổ chức và trang bị của các lực lượng vũ trang Australia đang không hoàn toàn phù hợp với chức năng và nhiệm vụ quốc phòng hiện tại cũng như trong tương lai. Bản báo cáo đánh giá chiến lược quốc phòng yêu cầu cơ cấu tổ chức các lực lượng vũ trang Australia vừa phải mang tính liên hợp, vừa mang tính tập trung nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và phản ứng nhanh.

Những nội dung chính của Chiến lược quốc phòng mới

Nội dung đầu tiên là xác định các định hướng chiến lược để thực hiện những thay đổi đáng kể và cấp bách nhằm nâng cao năng lực phòng thủ, điều chỉnh cơ cấu tổ chức các lực lượng vũ trang Australia, định hướng mua sắm vũ khí, trang bị, tuyển dụng nhân lực quốc phòng và tham gia các hoạt động quân sự quốc tế cùng với các đồng minh và đối tác. Chiến lược mới xác định chiến lược ngăn chặn là cơ sở nền tảng để xây dựng kế hoạch phòng thủ nhằm hóa giải bất kỳ cuộc xung đột nào; trong đó, ngăn chặn từ xa bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào toan tính sử dụng vũ lực để gây áp lực đối với Australia, bảo đảm an ninh để tạo môi trường hợp tác và phát triển thịnh vượng trong khu vực; đồng thời, duy trì cân bằng chiến lược trong khu vực theo hướng có lợi cho khả năng quốc phòng của Australia.

Chiến lược cũng chỉ ra 05 nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang Australia. Một là, bảo vệ đất nước và khu vực cận biên với nước này chống lại bất kỳ mối đe dọa nào. Hai là, ngăn chặn từ xa bất kỳ nỗ lực nào của đối thủ tiềm tàng trong việc triển khai lực lượng chống lại Australia từ các tuyến tiếp cận phía Bắc. Ba là, bảo vệ và duy trì hoạt động liên kết kinh tế của Australia với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bốn là, Australia cùng với các đồng minh và đối tác duy trì môi trường an ninh chung trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Năm là, cùng với các đồng minh và đối tác đấu tranh để duy trì “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” dưới sự lãnh đạo của Mỹ.

Chiến lược cũng xác định 06 lĩnh vực then chốt cần nhanh chóng đầu tư phát triển, gồm: (1). Xây dựng tàu ngầm hạt nhân và cơ sở hạ tầng kỹ thuật có liên quan để bảo đảm hoạt động có hiệu quả và tin cậy của lực lượng mới này trong thành phần của các lực lượng vũ trang; (2). Hiện đại hóa và hợp nhất các doanh nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng để đáp ứng yêu cầu về vũ khí, trang bị trong nước và xuất khẩu; (3). Mở rộng và hiện đại hóa các căn cứ quân sự ở biên giới phía Bắc để các lực lượng vũ trang Australia và đồng minh sử dụng; (4). Tăng cường mối quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; (5). Tiến hành cải cách Bộ Quốc phòng và các cơ cấu liên quan để phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Để hoàn thành các nhiệm vụ quốc phòng trong điều kiện mới, Chiến lược quốc phòng Australia xác định một số biện pháp cần ưu tiên thực hiện. Trước hết, sẽ chuyển đổi các lực lượng vũ trang Australia từ chỗ chỉ có khả năng ứng phó với nhiều tình huống bất ngờ thành lực lượng liên hợp được tăng cường sức mạnh để hóa giải những thách thức và rủi ro chiến lược quan trọng nhất trong môi trường an ninh đang thay đổi căn bản. Tiếp đó, thay vì tập trung vào việc duy trì lực lượng vũ trang có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, Canberra sẽ tập trung cao độ vào việc xây dựng một lực lượng răn đe có thể bảo vệ lợi ích của Australia trong khu vực. Trọng tâm của chiến lược mới là kế hoạch xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng tàng hình, tăng số lượng tên lửa chiến lược và phát triển một hạm đội tác chiến mặt nước quy mô lớn. Ngoài ra, Australia sẽ cắt giảm các chương trình quốc phòng khác để ưu tiên đầu tư cho chương trình phát triển tên lửa tầm xa, máy bay không người lái và tàu chiến.

Để hoàn thành nhiệm vụ Chiến lược đề ra, Chương trình đầu tư tổng hợp quốc gia của Chính phủ Australia xác định các ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao năng lực và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang đến mức đủ sức răn đe. Điều đó đòi hỏi nước này phải cắt giảm các dự án không quan trọng và chưa cấp thiết để tập trung đầu tư cho các dự án mới có khả năng đáp ứng nhu cầu an ninh trong môi trường chiến lược mới; đồng thời, tăng thêm ngân sách quốc phòng khoảng 32 tỉ USD trong thập kỷ tới. Đây là mức tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong vòng hơn 50 năm qua của nước này.

Trong quá trình thực hiện Chiến lược quốc phòng mới, Chính phủ Australia xác định đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất của tiềm lực quốc phòng. Khi các lực lượng vũ trang Australia chuyển sang xây dựng lực lượng tổng hợp và tập trung, các kế hoạch đào tạo và huấn luyện nhân lực quốc phòng phải thay đổi để ứng phó có hiệu quả với cuộc khủng hoảng nhân lực lao động mà Canberra đang phải đối mặt. Theo đó, Chính phủ nước này phải tuyển dụng, duy trì và phát triển lực lượng lao động có tay nghề và chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu về năng lực và yêu cầu quốc phòng trong điều kiện mới. Đi liền với đó, phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và giữ chân nhân tài, nhất là các chính sách đãi ngộ và cung cấp các dịch vụ y tế và xã hội khác cho quân nhân và nhân viên phục vụ trong các lực lượng vũ trang Australia.

Để ứng phó hiệu quả với môi trường chiến lược đang thay đổi nhanh chóng và đáng kể, Australia phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các đồng minh và đối tác; trong đó, duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ vẫn là cơ sở nền tảng đảm bảo an ninh quốc gia của mình. Do đó, nước này sẽ tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ trong nhiều lĩnh vực: quân sự, khoa học, công nghệ và công nghiệp. Cùng với đó, Australia cũng đẩy mạnh hợp tác với Anh và Mỹ trong khuôn khổ AUKUS và coi đó là điều kiện cần thiết để xây dựng năng lực và khả năng phản ứng nhanh của các lực lượng vũ trang trong mọi tình huống. Australia cũng sẽ tăng cường củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ quốc phòng với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; trong đó, tiếp tục mở rộng quan hệ đối tác với Nhật Bản và Ấn Độ trong Nhóm Bộ Tứ và các đối tác ở châu Âu.

Một trong những nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện Chiến lược quốc phòng mới là triển khai Kế hoạch phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng, nhằm tạo dựng nền công nghiệp quốc phòng mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế, đáp ứng nhu cầu quốc phòng và phát triển kinh tế Australia. Kế hoạch này bao gồm các chương trình của Chính phủ Australia nhằm tăng cường năng lực của ngành công nghiệp trong nước, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp và cung cấp hàng hóa, dịch vụ quốc phòng cho các lực lượng vũ trang. Theo đó, Kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng của Australia sẽ dựa trên 05 cách tiếp cận: (1). Xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng đa lĩnh vực và hiện đại, là nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện hợp tác có hiệu quả với các công ty quốc phòng trong nước cũng như trên thế giới, không chỉ đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang Australia mà còn đáp ứng yêu cầu của các đối tác; (2). Chính phủ Australia ưu tiên đầu tư cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong nước tham gia; (3). Tăng cường hợp tác giữa các ngành thuộc công nghiệp quốc phòng với các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu; (4). Phát triển tiềm năng xuất khẩu của tổ hợp công nghiệp quốc quốc phòng; (5). Đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh và đối tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng để phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong điều kiện mới.

Có thể thấy, trong bối cảnh đầy biến động của tình hình thế giới và khu vực, việc Australia công bố Chiến lược quốc phòng mới với nhiều mục tiêu quan trọng nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của mình là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, điều này cũng khiến cộng đồng quốc tế thêm quan ngại về khả năng dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang, cũng như những tác động tiêu cực tới tình hình an ninh đối với khu vực vốn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn.

THÙY DƯƠNG – NGUYỄN HÀ

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...