Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 22/04/2024, 15:54 (GMT+7)
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024

Với tâm điểm là hai cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas, Hội nghị an ninh Munich năm 2024 đã khép lại cùng thông điệp nổi bật: “mỗi quốc gia đều có thể hưởng lợi từ hợp tác quốc tế”. Đây là sự kiện được cộng đồng quốc tế quan tâm, với mong muốn tìm cách hóa giải các cuộc xung đột đang diễn ra.

Hội nghị an ninh Munich 2024 có sự tham dự của hơn 900 đại biểu, trong đó có khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, hơn 100 bộ trưởng, cùng đại diện các tổ chức tư vấn, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp. Đây là Hội nghị có số đại biểu tham dự đông kỷ lục, trong đó có nhiều đại diện của các nước thuộc Nam bán cầu; diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức hiện hữu, gay gắt, trong khi cộng đồng quốc tế bị chia rẽ sâu sắc. Do đó, đây là cơ hội để các quốc gia tìm tiếng nói chung, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, nhằm giải quyết nhiều vấn đề cấp bách toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào, dù giàu và mạnh đến đâu có thể hóa giải được.

Kể từ khi được tổ chức cách đây 60 năm, Hội nghị an ninh Munich là diễn đàn hàng đầu thế giới về chính sách an ninh quốc tế, nơi đề xuất các sáng kiến ngoại giao để hóa giải những mối quan ngại an ninh cấp bách. Tại Hội nghị lần này, tầm nhìn và ý tưởng mới về trật tự thế giới mới là một trong những khẩu hiệu được đưa ra dựa trên quan điểm không nên có “người thắng” hay “kẻ thua” giữa các bên, mà mỗi một quốc gia đều có thể được hưởng lợi từ hợp tác quốc tế. Vì thế, câu hỏi nghi vấn “cùng thua?” (lose - lose?) là chủ đề của Hội nghị và cũng là tiêu đề của báo cáo trung tâm tại sự kiện này; trong đó, thể hiện quan ngại về sự gia tăng căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế, nhiều chính phủ không còn tập trung vào lợi ích của hợp tác toàn cầu mà ngày càng lo ngại được hưởng lợi ít hơn từ hợp tác quốc tế so với các nước khác. Xu hướng này có thể ảnh hưởng đến hợp tác và làm suy yếu trật tự quốc tế đương đại.

Tìm tiếng nói chung trong hóa giải các thách thức an ninh toàn cầu

Hội nghị an ninh Munich 2024 là diễn đàn đa phương đầu tiên có sự tham gia và phát biểu của nhiều đại diện các nước Nam bán cầu, gồm các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh - nơi từng là thuộc địa cũ và hiện là các nước đang phát triển, cùng với các đại biểu truyền thống của các quốc gia công nghiệp phát triển phương Tây. Điều đó được thể hiện khi Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Hina Rabbani Khar lập luận rằng, quan điểm của các khu vực khác nhau là rất quan trọng khi hoạch định các chiến lược nhằm thoát khỏi tình hình bế tắc hiện nay trong lĩnh vực an ninh toàn cầu. Còn cựu Bộ trưởng Ngoại giao Kenya Raychelle Omamo cũng cho rằng, càng có nhiều tiếng nói từ khắp nơi trên thế giới thì các cuộc thảo luận tại Hội nghị an ninh Munich sẽ đề xuất được các giải pháp thiết thực và có hiệu quả hơn.

Chương trình chính của Hội nghị tập trung tìm biện pháp giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu, trong đó có tương lai của quản trị toàn cầu và chủ nghĩa đa phương, an ninh khí hậu, an ninh hạt nhân, di cư, tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI); hiện trạng trật tự quốc tế, các cuộc xung đột và khủng hoảng khu vực; vai trò của châu Âu trên thế giới và mối quan hệ của Liên minh châu Âu (EU) với các đối tác; các “điểm nóng” xung đột hiện nay ở Trung Ðông và Ukraine; vấn đề các quốc gia ở Nam bán cầu đang quay lưng lại với phương Tây. Trước các thách thức đa dạng đó, an ninh toàn cầu không còn giới hạn ở lĩnh vực quốc phòng, quân sự mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác, như: kinh tế, công nghệ, văn hóa, môi trường, v.v.

Đứng trước hàng loạt thách thức an ninh, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự thế giới mới với khẩu hiệu “tất cả vì người dân”, bởi cơ chế quản trị toàn cầu theo mô hình hiện nay đang làm gia tăng tình trạng chia rẽ, bất đồng. Do đó, cần phải xây dựng một trật tự thế giới mới vận hành vì tất cả các nước. Nếu các quốc gia hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình theo Hiến chương Liên hợp quốc thì thế giới sẽ được sống trong hòa bình và phẩm giá. Tuy nhiên, nhiều chính phủ không thực hiện những cam kết này nên hàng triệu dân thường đang phải trả giá khủng khiếp; trong đó, số người phải chạy lánh nạn trên thế giới đã tăng cao kỷ lục. Tình hình ở Dải Gaza là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự bế tắc trong quan hệ quốc tế, tỷ lệ thương vong và tính chất hủy diệt của cuộc xung đột tại đây đã lên mức báo động cao, tiềm ẩn nguy cơ leo thang thành chiến tranh khu vực và tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu.

Tổng Thư ký Guterres đề cập đến “Chương trình nghị sự mới vì hòa bình” được Liên hợp quốc công bố trong tháng 7/2023, nhằm cập nhật hệ thống an ninh tập thể trên phạm vi toàn cầu thông qua cơ chế chủ nghĩa đa phương gắn kết và bao trùm. Trong đó, ông nhắc lại khuyến nghị cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tái cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh vai trò của phát triển bền vững, ngăn ngừa xung đột. Ông cũng cảnh báo sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do thái, tình trạng bạo lực do hận thù tôn giáo và phân biệt chủng tộc trên thế giới. Đại diện nhiều nước tham dự Hội nghị cũng lên tiếng kêu gọi củng cố chủ nghĩa đa phương và tình đoàn kết quốc tế trên cơ sở củng cố quyền hạn và vị thế của Liên hợp quốc, khẳng định các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc chưa bao giờ lỗi thời, mà ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Mỹ, châu Âu tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine hòng “đánh bại nước Nga”

Chủ đề trung tâm của Hội nghị là xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas. Về xung đột Nga - Ukraine, đại diện các nước phương Tây (Đức, Pháp, Italy, Đan Mạch, Australia) đưa ra nhiều cam kết tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nhận định, những gì mà Phương Tây đang hỗ trợ Ukraine là “chưa đủ để đánh bại Nga”. Do đó, cần đẩy mạnh viện trợ thêm nhiều vũ khí cho Ukraine. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trấn an Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng, Quốc hội Mỹ sẽ nhanh chóng phê duyệt gói viện trợ quân sự mới. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng, Ukraine sẽ mất thêm nhiều thành phố nếu không được tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược.

Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đang chuẩn bị đối phó với khả năng quyền lực ở Nhà Trắng có thể thay đổi và họ sẽ phải tự đảm bảo an ninh cho chính mình cũng như hỗ trợ Ukraine. Trong bối cảnh đó, Đức và Pháp đang nỗ lực đóng một vai trò nổi bật hơn trong các vấn đề của châu Âu. Cả hai nước đều đã công bố chủ trương tăng ngân sách quân sự bởi đến nay cả Berlin và Paris đều chưa đáp ứng yêu cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc phân bổ 02% GDP cho quốc phòng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ký thỏa thuận an ninh với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để tăng cường hợp tác an ninh nhằm hỗ trợ lâu dài và toàn diện cho Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi thỏa thuận này “có ý nghĩa lịch sử”. Theo ông, Đức ủng hộ Ukraine cũng là nhằm tăng cường an ninh của chính mình. Do đó, Berlin và Paris sẽ giúp đỡ Kiev bất kể Washington có hành động như thế nào. Còn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang tin tưởng vào cam kết của Đức, Pháp và trông cậy vào toàn bộ Liên minh châu Âu; đồng thời, bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ không bỏ cuộc.

Trong khi đó, đại diện nhiều nước bày tỏ hy vọng sẽ sớm có cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, Trung Quốc đã và đang làm việc để các cuộc hòa đàm Nga - Ukraine có thể sớm được khởi động trở lại. Ông tuyên bố, Trung Quốc không phải là bên tạo ra hay có liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng Bắc Kinh cũng không đứng yên hay lợi dụng cuộc khủng hoảng để trục lợi.

Chưa có tín hiệu hóa giải xung đột Israel - Hamas

Cùng với nhận định của nhiều nước, đại diện của Qatar thừa nhận, các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas về ngừng bắn và trao đổi con tin đang lâm vào bế tắc. Thủ tướng Đức Olaf Scholz công nhận quyền tự vệ của người Israel nhưng kiên trì kêu gọi Israel “tôn trọng luật nhân đạo” khi tiến hành chiến dịch ở Dải Gaza. Theo ông, xung đột chỉ có thể được giải quyết bằng công thức hai nhà nước với sự đảm bảo an ninh cho cả hai bên. Trong khi đó, Tổng thống Israel Isaac Herzog thẳng thừng tuyên bố: “Israel chỉ có thể đồng ý giải quyết xung đột ở Dải Gaza thông qua việc thành lập nhà nước Palestine nếu nhận được sự đảm bảo về an ninh của chính mình. Giải pháp hai nhà nước không thể đạt được trừ khi chúng ta giải quyết được câu hỏi cơ bản và sâu sắc nhất của người Israel: làm thế nào đảm bảo an ninh quốc gia”.

Trong khuôn khổ Hội nghị, diễn ra cuộc gặp bí mật giữa Tổng thống Israel Isaac Herzog và Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani. Giới phân tích coi cuộc gặp này có thể tạo ra “bước đột phá” trong việc tìm kiếm cách thức thoát khỏi tình trạng bế tắc ở Dải Gaza bởi chính quyền Israel chịu áp lực mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác, buộc phải tìm cách hóa giải xung đột. Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu chủ trương giành chiến thắng nhằm tiêu diệt Hamas, thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn của quân đội Israel đối với Dải Gaza và không cho phép tồn tại nhà nước của người Palestine.

Về cuộc xung đột này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không chủ trương gây áp lực buộc Israel chấp nhận lệnh ngừng bắn với Hamas. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: con đường dẫn đến một nhà nước Palestine là điều kiện cần thiết, khó khăn nhưng có thể thực hiện được. Tiếp đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Israel Herzog với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ở Munich cũng không tạo thêm sự lạc quan cho người Palestine và các nhà lãnh đạo Arab. Bà Kamala Harris tái khẳng định cam kết của Mỹ đưa các con tin Israel bị Hamas bắt giữ về nước và bảo đảm an ninh cho Israel. Như vậy, giới lãnh đạo Mỹ vẫn ưu tiên đảm bảo an ninh cho Israel trước “sự xâm lược của Hamas”. Phó Tổng thống Mỹ tuy đề cập đến tầm quan trọng của việc tăng cường hỗ trợ nhân đạo và tiếp tục lập kế hoạch tái thiết Gaza sau xung đột nhưng đề xuất này chỉ là ảo tưởng trong điều kiện chưa có tín hiệu lạc quan nào về chấm dứt xung đột và thiết lập nền hòa bình ở Trung Đông.

Biểu tình kêu gọi chấm dứt xung đột trên toàn thế giới

Hàng nghìn người đã tập trung biểu tình tại Munich để kêu gọi lãnh đạo các nước tham dự sự kiện này chấm dứt xung đột trên toàn thế giới. Họ yêu cầu ngừng cung cấp vũ khí tới các khu vực xung đột, nhất là cho Ukraine; yêu cầu Israel ngừng hoạt động quân sự chống lại thường dân Palestine. Người biểu tình chỉ trích Hội nghị an ninh Munich không đáp ứng được các mục tiêu đề ra ban đầu và không còn đóng góp cho sự ổn định toàn cầu. Họ mang theo các biểu ngữ kèm theo khẩu hiệu tố cáo chính sách của các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gây chiến tranh và xung đột “Chúng ta cần đối thoại chứ không phải đối đầu”, “Không chạy đua vũ trang”, “Chúng tôi cần hòa bình với Nga”.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...