Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 19/09/2013, 14:48 (GMT+7)
Xu thế sử dụng phương tiện không người lái và những hệ lụy

Không cần người điều khiển trực tiếp nhưng lại có khả năng hoàn thành nhiều nhiệm vụ phức tạp, phương tiện không người lái đang là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao khả năng tác chiến của quân đội. Theo các chuyên gia quân sự, trong tương lai không xa, phương tiện này sẽ trở thành vũ khí “đa năng”; là xu thế lựa chọn của nhiều nước, nhưng cũng sẽ để lại hệ lụy khó lường.

Máy bay không người lái thế hệ mới X-47B (Ảnh: In-tơ-nét)

Theo các chuyên gia hàng không, phương tiện không người lái (PTKNL) xuất hiện từ những năm 20 của thế kỷ XX và được phát triển theo thời gian để đáp ứng nhu cầu quân sự. Trong giai đoạn 1946 - 1948, Quân đội Mỹ đã sử dụng các máy bay điều khiển từ xa B-17 và F-6F để thực hiện nhiệm vụ thu thập dữ liệu về tình hình phóng xạ của các vụ thử đầu đạn hạt nhân. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ cũng đã sử dụng PTKNL trong nhiều chiến dịch quân sự. Đặc biệt, trong cuộc chiến vùng Vịnh (năm 1991), chiến tranh Áp-ga-ni-xtan (năm 2001) và I-rắc (năm 2003), Mỹ và NATO không chỉ sử dụng PTKNL, nhất là các phương tiện bay không người lái (PTBKNL) để thực hiện sứ mệnh cung cấp thông tin, chỉ thị mục tiêu tiến công và giám sát liên tục các hành động quân sự trên chiến trường, mà còn trực tiếp tiến công tiêu diệt nhiều mục tiêu quan trọng trong chiều sâu phòng ngự của đối phương. Đồng thời, các phương tiện mặt đất không người lái (rôbốt các loại) cũng được sử dụng một cách hữu hiệu trong trinh sát, vận tải, tiến công mục tiêu mặt đất hay rà phá bom mìn, thiết bị nổ... Những năm gần đây, Mỹ sử dụng PTKNL để tiến công liên tục, có hiệu quả vào thành trì của tổ chức khủng bố An Kê-đa trên phạm vi toàn cầu.

Thực tiễn quá trình hình thành, phát triển các loại PTKNL cho thấy, so với phương tiện có người lái, chúng có nhiều ưu điểm. Đó là, kích thước thường nhỏ, gọn, giá thành rẻ, khả năng cơ động tốt, không có thương vong về người, yêu cầu về môi trường tác chiến thấp, khả năng sống còn trên chiến trường cao. Hơn nữa, về công năng, nhiệm vụ, các PTKNL không chỉ có khả năng trinh sát, giám sát, mà còn có thể tiến công vào hầu hết các mục tiêu của đối phương trong các môi trường: trên đất liền, trên không và trên biển. Với những ưu điểm trên, PTKNL đã, đang được coi là giải pháp làm thỏa mãn nhiều mục đích, cả về chính trị, quân sự, kinh tế và ngoại giao của các chủ thể tiến hành chiến tranh. Đó cũng là lý do vì sao hiện nay đã có trên 50 quốc gia sử dụng PTKNL vào các nhiệm vụ quân sự của mình. Theo dự đoán của các chuyên gia, trong những thập niên tới, sẽ có nhiều nước hướng mạnh đến phát triển hệ thống PTKNL, đưa số lượng các quốc gia sử dụng phương tiện này ngày càng tăng.

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đi đầu trong việc phát triển hệ thống PTKNL. Không chỉ đối với lực lượng không quân, hải quân, Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho phép lục quân nước này phát triển PTBKNL ở độ cao dưới 5.000m. Năm 2010, lần đầu tiên Lục quân Mỹ công bố “Chiến lược phát triển hệ thống PTBKNL giai đoạn 2010 – 2035” để trang bị cho các đơn vị. Trong đó, họ đã đưa ra ý tưởng phát triển liên tục trong vòng 25 năm tới với nội dung chủ đạo là: chuyển một bước cơ bản từ việc sử dụng các máy bay chiến đấu hiện nay sang sử dụng PTBKNL nhằm nâng cao khả năng tác chiến và giảm thiểu thương vong cho binh sĩ. Để thực hiện thành công Chiến lược này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề ra hàng loạt mục tiêu lớn; đồng thời, yêu cầu các ngành công nghiệp Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ với nhau để nghiên cứu, sản xuất những PTBKNL có khả năng tác chiến đặc biệt. Theo lộ trình đã xác định, Lầu Năm Góc tập trung hoàn chỉnh kế hoạch phát triển hệ thống PTBKNL gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 2010 - 2015, họ sẽ tập trung đưa những kỹ thuật tiên tiến vào lắp đặt cho các loại PTBKNL hiện có. Giai đoạn 2016 – 2025, sẽ mạnh dạn đưa toàn bộ hệ thống PTBKNL vào các giai đoạn tác chiến của lục quân và coi đó là mục tiêu phát triển ưu tiên hàng đầu. Giai đoạn 2026 – 2035, Hoa Kỳ sẽ dựa vào những kỹ thuật hiện đại để cải tiến, giảm kích cỡ, trọng lượng và động cơ nhằm tăng khả năng bay liên tục và tăng tải trọng của PTBKNL, bảo đảm có thể cất cánh từ lãnh thổ Mỹ đến bất kỳ địa điểm nào trên thế giới. Trong ba giai đoạn trên, giai đoạn hai được Lầu Năm Góc xác định là bước đột phá lớn nhất về khả năng tác chiến của PTBKNL.

Cũng trong Chiến lược này, Lục quân Mỹ có tham vọng phát triển một hệ thống PTBKNL chiến thuật cỡ nhỏ hoàn toàn mới để trang bị cho binh sĩ cấp tiểu đoàn, như: chiếc RQ-11B Raven (trọng lượng 1,9 kg; thời gian bay 60 - 90 phút; tầm bay 10 km) bảo đảm vừa có thể thực thi nhiệm vụ trong phạm vi rộng, vừa có thể hoạt động trong công sự ẩn giấu thiên nhiên hoặc nhân tạo. Cùng với PTBKNL, Lục quân Mỹ còn có ý định phát triển các dự án về phương tiện mặt đất không người lái, như: xe thiết giáp chiến thuật Gladiator có kích thước gọn, nhẹ (trọng lượng 725,75 kg) được trang bị các chủng loại vũ khí đa năng có khả năng tiến công tiêu diệt nhiều loại mục tiêu trên địa hình phức tạp một cách hiệu quả.

Sau khi công bố Chiến lược trên, đã có nhiều tranh luận trong giới quân sự Mỹ về vị trí của hệ thống PTBKNL trong tác chiến. Các chuyên gia trong nước cho rằng, kể từ sau cuộc chiến tranh I-rắc (năm 2003), Lục quân Hoa Kỳ đã thay đổi hình ảnh của mình bằng việc trang bị thêm thiết bị kỹ thuật hiện đại có tính đột phá; trong đó, PTBKNL được đánh giá cao, vượt xa điều mong đợi. Giới phân tích thì đưa ra nhận định, sự phát triển PTBKNL trong lực lượng lục quân có thể là tiền đề để thành lập một lực lượng trên không không người lái và phát triển thành lực lượng “không quân thứ hai” trong Quân đội Mỹ. Điều này nếu xảy ra, có thể dẫn đến sự phân chia quyền làm chủ bầu trời; trong đó, lực lượng không quân vẫn tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ bầu trời và vận tải hàng không, còn nhiệm vụ tiếp viện hỏa lực cự ly gần và do thám chiến trường sẽ do lực lượng lục quân đảm nhiệm. Như vậy, với việc phát triển các loại PTBKNL sẽ tạo bước đột phá quan trọng, dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chức năng, nhiệm vụ các lực lượng của quân đội trong tương lai.

Cùng với Hoa Kỳ, nhiều quốc gia châu Âu cũng đưa ra một số chương trình phát triển PTKNL. Trong đó, đáng chú ý là chương trình “Neuron” với sự tham gia của Pháp và 5 quốc gia: Hy Lạp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Đây là sự liên kết nhằm tăng khả năng chuyên môn hóa ngày càng cao trong thiết kế và chế tạo để nâng cao tính năng kỹ thuật vượt trội cho “Neuron”, nhất là nâng cao tính năng quang học, âm thanh, tàng hình, trinh sát và khả năng công kích… Mặc dù còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng chương trình “Neuron” đã bước đầu chứng minh khả năng công nghệ và thiết kế của máy bay chiến đấu không người lái tàng hình và có tính năng gần như một máy bay chiến đấu về tầm bay, tải trọng và khả năng tác chiến... Ngoài ra, Tập đoàn hàng không quân sự và vũ trụ châu Âu (EADS) cũng có nhiều chương trình phát triển PTKNL khác, tiêu biểu là loại PTBKNL Talarion. Theo thiết kế, Talarion có sải cánh 28m, được lắp đặt hai động cơ phản lực, đạt tốc độ trên 360 km/giờ, trần bay đạt 13.500m, thời gian bay liên tục lên tới 20 giờ, sẽ là phương tiện hữu hiệu cho quân đội trong thực hiện nhiệm vụ tình báo, cảnh giới, bắt mục tiêu và trinh sát.

Ở Anh, chương trình phát triển PTKNL cũng đang được quốc gia này đặc biệt quan tâm thông qua “Chương trình phát triển hệ thống Taranis”. Điểm đáng chú ý của chương trình này nhằm chế tạo loại PTBKNL (có chiều cao 4m, dài 11,35m, sải cánh 9,94m, khối lượng khoảng 8 tấn), được trang bị một số loại vũ khí hiện đại để bay tới các lục địa. Với những đặc điểm này, Taranis có thể tiến công các máy bay trên không và tiến công sâu vào các mục tiêu mặt đất của đối phương trong tác chiến. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Anh đang tìm kiếm và nghiên cứu, phát triển một loại PTBKNL trên biển thế hệ mới với hy vọng có thể sử dụng nó một cách hiệu quả trong tác chiến chống ngầm và đối phó với sự tiến công bằng tên lửa phóng từ tàu thuyền mặt nước của đối tượng trên biển.

Nga cũng là một trong số quốc gia coi trọng phát triển PTKNL cho lĩnh vực quân sự. Những năm qua, Nga đã chế tạo thành công nhiều loại PTBKNL; trong đó, Skat là loại máy bay được hãng MiG phát triển bằng nguồn ngân sách riêng. Đây là PTBKNL siêu âm, có tầm bay 2.000 km (có dấu hiệu bộc lộ thấp), mang một số loại vũ khí, trong đó có tên lửa tiến công. Vai trò mà Skat có thể đảm nhiệm là chế áp, tiến công các mục tiêu cố định được bảo vệ dày đặc, như: trận địa phòng không, các mục tiêu di động trên mặt đất, trên biển của đối phương một cách tự động hoặc đảm nhiệm một phần nhiệm vụ của đội bay tiến công.

Trung Quốc quan tâm đến việc chế tạo PTKNL từ khá sớm. Những năm gần đây, Trung Quốc đã triển khai thành lập hàng chục cơ quan, đơn vị nghiên cứu, thiết kế phương tiện này; trong đó, nhiều loại PTBKNL đã được thiết kế, chế tạo thành công và một số loại đã được sản xuất, đưa vào sử dụng chính thức trong quân đội, như: Pterodactyl I, WZ-2000, SH-1… Hiện nay, Trung Quốc đang phát triển một loạt các PTBKNL đa năng, có thể đồng thời đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cả trên không, trên bộ và trên biển.

Trước đòi hỏi của công tác tình báo, do thám, trinh sát và một số mục đích khác, các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đang đặt sự quan tâm rất lớn đến các loại PTKNL. Trong số này, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Pa-ki-xtan, Xin-ga-po, Sri Lan-ka, Thái Lan…, đều đang đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu, chế tạo các loại PTKNL kết hợp với tăng cường mua sắm phương tiện này từ các quốc gia khác.

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ hệ thống PTBKNL theo hướng thực chiến hoá, tri năng hoá, đa năng hoá như hiện nay, một số chuyên gia dự đoán: “không chiến tương lai sẽ là tác chiến giữa các PTBKNL tàng hình với vũ khí phòng không”. Điều đó có nghĩa là chiến trường tương lai sẽ có sự thay đổi lớn về hình thái và phương thức tác chiến. Không chỉ có tác động về mặt quân sự; việc ra đời hàng loạt PTKNL và tiếp tục phát triển có tính chất bùng nổ trong tương lai đã, đang và sẽ tác động không nhỏ đến đời sống chính trị quốc tế, được biểu hiện rõ nét trên một số khía cạnh sau. Thứ nhất, việc gia tăng phát triển các PTKNL đang dấy lên (vừa ngấm ngầm, vừa công khai) một cuộc chạy đua vũ trang mới khiến cho cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại. Thứ hai, việc sử dụng PTBKNL dưới danh nghĩa tiêu diệt các phần tử khủng bố, bảo vệ người dân để bí mật thực hiện các nhiệm vụ mờ ám, thậm chí giết hại dân thường vô tội nhằm phục vụ cho lợi ích nhất định không những vi phạm luật pháp quốc tế, mà còn tạo ra những tiền lệ nguy hiểm, khó lường. Thứ ba, với mục đích “hạn chế tác hại về mặt ngoại giao”, việc lạm dụng PTKNL như một kẻ giấu mặt có thể tạo ra sự nghi kỵ lẫn nhau, khiến cho thế giới dễ bị chia rẽ và mất an toàn hơn.

Thứ tư, việc phát triển và đưa vào sử dụng ồ ạt các loại PTKNL sẽ góp phần cổ súy cho tệ sùng bái vũ khí, rằng vũ khí chứ không phải con người là nhân tố quyết định chiến tranh, từ đó có thể đánh đồng bản chất của chiến tranh, làm xóa nhòa ranh giới chính nghĩa - phi nghĩa của chiến tranh.

Hệ thống PTKNL, kể cả các rô-bốt quân sự đều do con người nghiên cứu, chế tạo, sử dụng. Chúng phản ánh thái độ chủ quan của con người và là đối tượng của con người. Các loại PTKNL dù hiện đại đến mấy, tự chúng không thể mặc nhiên giết hại con người và càng không thể quyết định đến bản chất của chiến tranh. Việc sử dụng chúng vào mục đích nào, chính trị, quân sự hay kinh tế, đều do con người quyết định. Nói cách khác, con người luôn là nhân tố quyết định chiến tranh. Vũ khí nói chung, PTKNL nói riêng chỉ là phương tiện, công cụ để con người thực hiện mục đích đó, nếu bị lạm dụng sẽ để lại hệ lụy khó lường.

Đại tá LÊ XUÂN KHANH

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...