Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 09/04/2020, 10:27 (GMT+7)
Xu hướng phát triển xe tăng trong tác chiến hiện đại

Xe tăng là phương tiện đột kích không thể thay thế trong tác chiến lục quân hiện đại. Xu hướng phát triển xe tăng có năng lực tác chiến tổng hợp, uy lực mạnh, khả năng phòng vệ, cơ động cao, tác chiến trên nhiều địa hình khác nhau, trong mọi điều kiện thời tiết và môi trường tác chiến điện tử phức tạp đang được các nước áp dụng rộng rãi.

Xe tăng của Quân đội Nga duyệt binh tại Quảng trường Đỏ

Là lực lượng quan trọng giúp bộ binh tăng cường hỏa lực trong tác chiến, do đó xe tăng vẫn được nhiều nước đầu tư phát triển bất chấp các nhận định “cỗ máy chiến tranh” này đang dần lỗi thời. Hiện nay, môi trường và điều kiện tác chiến của chiến tranh hiện đại ngày càng biến đổi sâu sắc và thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của những dòng xe tăng hiện đại thế hệ mới. Với những đặc tính về chiến đấu và công nghệ, những mẫu xe tăng này sẽ là vũ khí chủ lực của quân đội các nước trong nhiều thập kỷ tới. Theo đó, lực lượng tăng thiết giáp đang được các nước phát triển tập trung vào một số kỹ thuật mới, gồm: nâng cao sức mạnh hỏa lực, hiệu quả sát thương; tích hợp khả năng phòng hộ; tăng cường khả năng cơ động; năng lực chỉ huy điều khiển và hệ thống thông tin liên lạc, v.v.

Tăng kích cỡ của pháo tăng

Pháo tăng là vũ khí chính, quyết định sức mạnh hỏa lực của xe tăng. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, pháo tăng cũng đã đạt được những tiến triển vượt bậc, đủ uy lực cần thiết để đảm nhiệm tấn công nhiều mục tiêu khác nhau. Đặc điểm chung của pháo tăng thế hệ mới là: tầm bắn xa, xác suất trúng đích cao, uy lực mạnh. Để tăng cường sức mạnh của hệ thống pháo tăng, các nhà thiết kế đã dùng giải pháp tăng độ dài và cỡ nòng, điển hình như pháo 125 mm 2A46M trên xe tăng T-90S của Nga hay pháo 120 mm L-55 trên xe tăng Leopard 2A7 của Đức1. Những loại pháo này có thể bắn được nhiều chủng loại đạn, trong đó có cả đạn tên lửa điều khiển bằng lade. Xu hướng tăng kích cỡ nòng pháo còn được tiếp tục khi chiếc T-14 Armata của Nga đang có phương án nghiên cứu, lắp đặt pháo nòng trơn đường kính 135 mm. Động năng của hệ thống pháo tăng này có thể đạt tới 18 MJ, lớn hơn gần hai lần các hệ thống pháo tăng tiên tiến nhất hiện nay.

Tăng cường hiệu quả sát thương đạn pháo tăng

Nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, quân đội các nước đang tập trung cải tiến, nâng cấp các loại đạn hiện có và phát triển các loại đạn thế hệ mới với khả năng tự tìm kiếm mục tiêu, thông dụng hóa, đa dạng hóa tính năng chiến thuật và tầm bắn thông qua việc ứng dụng các kỹ thuật điều khiển, như: lade, hồng ngoại, dẫn đường bằng quán tính, định vị vệ tinh, dẫn đường tích hợp lade và hồng ngoại, quán tính và vệ tinh, v.v. Hiệu quả sát thương của đạn này tăng lên thông qua sử dụng các loại vật liệu tổng hợp, đặc biệt làm lõi của đầu đạn xuyên giáp bằng hợp kim vonfram độ cứng cao hay uranium. Một số loại đạn pháo tăng công nghệ mới đang được các nước nghiên cứu phát triển, như: đạn xuyên giáp tách vỏ ổn định bằng cánh đuôi, đạn cassette để sát thương sinh lực, phá hủy vật liệu, đạn động năng siêu tốc, đạn xuyên giáp chủ động, đạn tấn công từ nóc xe, đạn động năng phá giáp lắp ngòi nổ hẹn giờ lập trình điện tử, v.v.

Phát triển tên lửa bắn từ pháo tăng tạo khả năng tác chiến vượt tầm nhìn, mở rộng phạm vi tiếp cận mục tiêu. Tên lửa bắn từ pháo tăng phải có khả năng tự tìm kiếm và nhận dạng mục tiêu, đa dạng hóa chiến thuật, tăng cường năng lực tấn công đối với mục tiêu tầm thấp và mục tiêu không mang giáp. Hiện nay, Nga xếp tên lửa bắn từ pháo tăng là trang bị phối kèm tiêu chuẩn cho các loại xe tăng của mình. Do đó, hầu hết tên lửa bắn từ pháo tăng của Nga đều có thể kết hợp với các loại pháo tăng và hệ thống điều khiển hỏa lực hiện có và đây là lý do khiến chúng được trang bị số lượng lớn. Điển hình như tên lửa bắn từ pháo tăng 9M119 của Nga được phương Tây mệnh danh là “súng bắn tỉa” do có sơ tốc rất cao, chỉ mất 05 giây để tấn công và phá hủy mục tiêu ở cự ly 04 km. Với chiều dài chỉ 460 mm, 9M119 hoàn toàn có thể được cất giữ và nạp đạn theo phương thức của các loại đạn pháo thông thường, không chỉ tiết kiệm được không gian trong xe mà còn tăng cường độ tin cậy.

Trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động hóa

Một thành phần không thể thiếu để tăng cường sức mạnh hỏa lực cho xe tăng đó là hệ thống điều khiển hỏa lực. Hiện nay, các xe tăng cải tiến, nâng cấp hay phát triển mới đều được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động hóa để dẫn bắn ở các cự ly xa bằng pháo và điều khiển đạn nhằm tăng cường hiệu quả tác chiến trong mọi điều kiện hoàn cảnh (cả ngày lẫn đêm, xe tĩnh tại hoặc cơ động). Xe tăng T-90S của Nga được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tích hợp 1A4GT cho phép tính toán cự ly bắn, góc ngắm và góc bắn đón, tốc độ gió, góc nghiêng của trục pháo chính, nhiệt độ đạn và không khí, áp suất đầu nòng pháo và loại đạn. Đối với Mỹ, hệ thống điều khiển hỏa lực trên M1A2C cũng được nâng cấp đạt trình độ công nghệ hiện đại để có thể sử dụng đến năm 2050, gồm thiết bị quan sát ảnh nhiệt độc lập của chỉ huy xe, khí tài dẫn đường và một loạt các thiết bị điều khiển, hiển thị được kết nối qua đường truyền dữ liệu số. Ngoài ra, còn có bản đồ kỹ thuật số, máy tính điện tử, khả năng thông tin với khí tài chỉ huy và điều khiển của nhóm chiến đấu cấp lữ đoàn.

Tích hợp các hệ thống phòng hộ

Xuất phát từ xu hướng phát triển của các loại đạn, tên lửa chống tăng, cũng như các thiết bị nổ tự tạo ngày càng hiệu quả, thông minh, nên việc tăng cường khả năng phòng hộ cho xe tăng là vấn đề được các quốc gia quan tâm và đang tích cực nghiên cứu, phát triển. Theo các nhà nghiên cứu khoa học quân sự, việc nâng cao khả năng sống còn cho xe tăng hiện nay gắn liền với nghiên cứu, chế tạo một hệ thống bảo vệ nhiều lớp, đảm bảo sớm tiêu diệt đối phương từ xa, giảm xác suất bị trúng đạn và giảm thiểu thương vong khi vỏ giáp xe bị xuyên thủng. Đối với hệ thống phòng hộ thụ động, sẽ nghiên cứu lắp đặt những tấm chắn chuyên dụng để bảo vệ thân xe, sử dụng tấm giáp bảo vệ dưới sàn để nâng cao khả năng chống mìn, chống thiết bị nổ tự tạo; tăng cường vỏ giáp phía trên nóc xe và sử dụng lớp sơn phủ ngụy trang để giảm bớt khả năng bộc lộ trong dải hồng ngoại. Việc ngăn chặn vỏ giáp bị xuyên thủng hiện nay được thực hiện bằng cách bổ sung giáp phản ứng nổ (ERA) lắp đặt trên nóc xe, hai bên sườn và bên ngoài thân xe (che phủ hơn 60% diện tích thân xe). Tương lai có thể sẽ mở rộng năng lực của giáp phản ứng nổ để tăng cường khả năng sống còn của xe trước tất cả vũ khí chống tăng, kể cả vũ khí chống tăng có điều khiển. Với trang bị ERA cho phép tăng khả năng chống đạn nổ lõm lên 1,5 lần, tăng khả năng bảo vệ xe trước các loại đạn xuyên giáp lên 1,2 lần. Với khả năng ngụy trang, Nga đã đạt được những thành tựu lớn khi phát triển bộ ngụy trang đặc chủng Nakidka, cho phép giảm hàng chục lần xác suất phát hiện xe tăng ở dải sóng rađa, còn ở các dải hồng ngoại và quang học cũng được giảm đi nhiều lần.

Để bảo vệ xe tăng khỏi các loại đạn, tên lửa chống tăng, xe còn được trang bị các hệ thống: phòng hộ chủ động, chế áp quang - điện tử, phát hiện bức xạ lade. Hiện nay, các hệ thống bảo vệ chủ động cho xe tăng, như: Afganit của Nga, Trophy của Israel có thời gian phản ứng là 300 micro giây, điều đó cho phép đánh chặn tên lửa bay với tốc độ 500 m/s từ cự ly phóng 400 m, cũng như đạn súng chống tăng RPG-7 bắn ở cự ly từ 30 m đến 100 m. Trong tương lai, chúng sẽ được hoàn thiện theo hướng tăng chủng loại đạn đánh chặn, giảm “vùng chết”, tăng khả năng phản ứng, giảm kích thước và khối lượng.

Tăng cường khả năng cơ động

Khả năng cơ động là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả chiến đấu của xe tăng. Gần đây, các cường quốc quân sự trên thế giới cũng đã đưa ra kế hoạch phát triển và ứng dụng các kỹ thuật động cơ mới cho xe tăng. Các khái niệm động cơ mới, như: động cơ điêzen mật độ công suất cao, động cơ tăng áp siêu cao, động cơ pít-tông tự do thuỷ lực, động cơ kết hợp điêzen và tuabin, động cơ lai điện đã lần lượt xuất hiện. Nhưng theo các chuyên gia, động cơ điêzen và tuabin vẫn là thiết bị động lực chính của xe tăng trong tương lai gần. Vì vậy, xu hướng chính để nâng cao khả năng cơ động của xe tăng là hoàn thiện các bộ phận động lực theo hướng nâng cao công suất, mô-men quay, sử dụng các động cơ bổ trợ, các bộ truyền lực tự động và hoàn thiện hệ thống treo. Trên các xe tăng Abrams của Mỹ, Leopard của Đức, Lercler của Pháp, Type 10 của Nhật và K2 Black Panther của Hàn Quốc đã lắp các bộ truyền động thủy lực tự động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều khiển xe, giảm mệt nhọc cho lái xe khi hành quân xa, tăng tốc độ trung bình của xe, nhưng nó có chi phí cao và làm giảm các đặc tính động học của xe, nhất là trên địa hình bị chia cắt. Đối với hệ thống treo, đa số các xe tăng chủ lực hiện đại có hệ thống treo xoắn độc lập, nhưng ở một số mẫu đã sử dụng hệ thống treo thủy khí như: Arjun Mk1/Mk2 của Ấn Độ, thủy khí có thể điều khiển như K2 Black Panther của Hàn Quốc và Type 10 của Nhật. Chắc chắn, trong tương lai, hệ thống treo thủy khí có điều khiển sẽ được sử dụng rộng rãi cho xe tăng do chúng nhỏ gọn hơn, cho phép kết hợp trong một cụm bộ phận đàn hồi và bộ phận giảm chấn, bảo đảm sự tiện lợi về kết cấu và độ êm hành trình cao trên mọi loại địa hình tác chiến.

Tác chiến kết nối mạng

Việc nâng cao khả năng chỉ huy và điều khiển chiến đấu của xe tăng không chỉ được bảo đảm bằng các khí tài thông tin liên lạc hiện đại, các phương tiện định vị, dẫn đường mà còn nhờ hệ thống thông tin - điều khiển chiến đấu và chỉ huy bộ đội tự động hóa ở các cấp chỉ huy. Hiện nay, đa số các xe tăng cải tiến, nâng cấp, hiện đại hóa và tất cả xe tăng thế hệ mới đều được trang bị hệ thống thông tin - điều khiển, chỉ huy chiến đấu được liên kết hay tích hợp vào hệ thống chỉ huy bộ đội tự động hóa trên chiến trường. Hệ thống thông tin liên lạc - điều khiển chiến đấu trên xe thường được kết cấu trên cơ sở mạng lưới kỹ thuật số, có khả năng hoạt động ở chế độ bảo mật, truyền dữ liệu trong hệ thống mạng trung tâm, bảo đảm thông tin hiệu quả, hiển thị thông tin tình huống chiến trường, vị trí, tình trạng của xe tăng, như: cơ số đạn, nhiên liệu, những hỏng hóc phát sinh và cách thức khắc phục, v.v. Các hệ thống dẫn đường sử dụng cả hệ thống định vị vệ tinh và dẫn đường dự phòng kiểu quán tính, sử dụng con quay hồi chuyển, phòng khi các vệ tinh bị ngắt.

Trong chiến tranh hiện đại, môi trường tác chiến, phương thức sử dụng chiến thuật, mối đe dọa xe tăng phải đối mặt đang có sự thay đổi sâu sắc. Tuy nhiên, những nhiệm vụ cơ bản, như: đột kích cơ động, đột phá, chiếm lĩnh và kiểm soát chiến trường, vẫn không thay đổi. Vì vậy, xe tăng vẫn là phương tiện chủ lực của lực lượng tiến công và đối kháng cường độ cao của lục quân; đồng thời, là trang bị nòng cốt thực hiện các nhiệm vụ khác như chống khủng bố, duy trì an ninh.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Tổng cục Kỹ thuật
_______________      

1 - Pháo tăng thế hệ trước đây thường có đường kính từ 115 mm trở xuống.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...