Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 25/10/2018, 09:03 (GMT+7)
Xu hướng phát triển vũ khí, trang bị của một số nước trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0

Hiện nay, dưới tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, các nước lớn đã và đang triệt để tận dụng công nghệ cốt lõi của nó, như: trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn,… để phát triển vũ khí tinh khôn, chính xác. Đây là bước chuyển mới, có thể làm thay đổi hình thái và phương thức tác chiến, được dư luận hết sức quan tâm.

Đột phá trong phát triển máy bay không người lái

Ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật,... đã mở ra một chương mới trong phát triển trang bị quân sự mà không cần con người điều khiển trực tiếp. Đặc biệt, những năm gần đây, thế giới liên tục chứng kiến sự phát triển không ngừng của máy bay không người lái (UAV). Nó không chỉ đảm nhiệm vai trò trinh sát như mục tiêu thiết kế ban đầu, mà còn được thông minh hóa, trang bị vũ khí điều khiển chính xác, trở thành phương tiện trinh sát, tấn công rất hiệu quả, được sử dụng liên tục trong các chiến dịch quân sự gần đây. Phát triển mới nhất là máy bay ném bom không người lái đầu tiên trên thế giới - X-47B của Mỹ, được ứng dụng những công nghệ tàng hình tiên tiến nhất cả về thiết kế khí động học và vật liệu. X-47B trang bị hệ thống trí tuệ nhân tạo, có khả năng tự động điều khiển bay phù hợp với địa hình; đường bay được lập trình sẵn và mọi hoạt động được giám sát bởi các trung tâm chỉ huy trên mặt đất. Đồng thời, do được lắp hệ thống cảm biến quang - hồng ngoại (EO/IR) tối tân, ra-đa hiện đại, máy bay này có khả năng mở khẩu độ tổng hợp để lập bản đồ mặt đất, chuyển tiếp chỉ thị mục tiêu cho các đơn vị hỏa lực trên bộ. Sự khác biệt lớn nhất giữa X-47B với các máy bay không người lái phát triển trước đó là nó có khả năng hoạt động hoàn toàn độc lập, dựa trên các chương trình máy tính, không cần nhân viên điều khiển xa.

Máy bay X-47B không người lái. Ảnh: DARPA

Không chỉ dừng lại trong phát triển máy bay không người lái trinh sát, tấn công đơn lẻ, xu hướng sử dụng máy bay không người lái tác chiến kiểu bầy đàn đã được nghiên cứu. Tại Triển lãm Hàng không Chu Hải gần đây, Trung Quốc đã gây ấn tượng mạnh mẽ về tương lai phát triển loại máy bay này. Theo đó, hàng chục chiếc máy bay không người lái bay theo đội hình đa dạng do mạng máy tính kiến tạo và điều khiển để săn tìm và cùng tiêu diệt mục tiêu đã được thực hiện thành công. Đây thực sự là một bước tiến mới trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự động hóa quá trình chỉ huy và điều khiển tác chiến. Trước sự phát triển có tính bước ngoặt, cùng những tính năng vượt trội, hiệu quả trong tác chiến của máy bay không người lái, quân đội các nước đã có những thay đổi đáng kể trong tổ chức lực lượng không quân, đảm bảo phù hợp với các hình thái tác chiến mới trong tương lai. Theo nhiều nguồn tin, gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thành lập trung đoàn máy bay không người lái để thay thế cho trung đoàn máy bay tiêm kích F-16 trong thực hiện nhiệm vụ tác chiến; hoặc như Xin-ga-po đã thành lập Bộ Tư lệnh máy bay không người lái.

Tăng cường sử dụng rô-bốt quân sự trong thực chiến

Rô-bốt (người máy) thực chất là phương tiện, thiết bị tự động do con người sáng tạo ra, được điều khiển theo chương trình nhất định, thực hiện một hoặc nhiều chức năng của con người, nhằm giải phóng họ khỏi những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại, khó thực hiện, v.v. Hiện nay, trên thế giới, rô-bốt xuất hiện ngày càng nhiều, với nhiều mẫu mã, chủng loại và tính năng khác nhau. Nếu phân theo kiểu hoạt động, rô-bốt có ba loại, gồm: theo sự điều khiển của con người; tự động hoàn toàn theo chương trình lập sẵn và có trí tuệ nhân tạo. Trong quân sự, rô-bốt được sử dụng tại các quân chủng, binh chủng và chuyên ngành khác nhau, ở cả ba môi trường: mặt đất, trên không, dưới nước và có thể làm nhiệm vụ chiến đấu, trinh sát, phòng hóa, vận tải, v.v. Chính vì vậy, những năm gần đây, rô-bốt ngày càng có vai trò quan trọng và được sử dụng phổ biến trong các hoạt động quân sự. Theo đánh giá của các nhà phân tích quốc tế, rô-bốt hóa là hướng phát triển lý tưởng, không chỉ cho phép bảo toàn sinh mạng người lính, mà còn tạo ra một loạt ưu thế trước đối phương, hình thành loại hình chiến tranh mới - chiến tranh rô-bốt hóa. Đó là cuộc chiến tranh sử dụng rô-bốt, với trình độ tự hoạt cao, thay thế người lính trên chiến trường. Điều này đã không còn là viễn tưởng, bởi trong thực tế các cuộc chiến tranh gần đây, rô-bốt chiến đấu đã được sử dụng rất phổ biến.

Đi tiên phong trong lĩnh vực này là quân đội của các nước có nền khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại. Thời gian qua, Quân đội Mỹ đã nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng thành công các rô-bốt chiến trường, như: rô-bốt cứu thương Be-ơ (Bear), rô-bốt chiến binh Bíc-đóc (BigDog), rô-bốt trang bị vũ khí Ta-lon (Talon). I-xra-en cũng đưa vào sử dụng thực chiến hàng loạt rô-bốt trên chiến trường, đặc biệt là rô-bốt chiến đấu Đô-gô (Dogo), trang bị súng Glock 9 mm, được xếp hạng là rô-bốt chiến đấu cấp chiến thuật tốt nhất thế giới. Cuối năm 2017, I-xra-en đưa vào sử dụng tác chiến rô-bốt chiến đấu chuyên dụng Ro-ni (Roni), trang bị cho các đơn vị bộ binh. Ro-ni được lắp đặt các thiết bị trinh sát, định vị mục tiêu hiện đại, cơ động được trên địa hình phức tạp, nguy hiểm.

Đối với Quân đội Nga, rô-bốt trinh sát Blát-pho-ma-M (Platforma-M), xe chiến đấu bộ binh không người lái A-gô (Argo), rô-bốt rà phá mìn Uran-6, xe thiết giáp Uran-9 đã được sản xuất và bước đầu đưa vào sử dụng; trong đó, có nhiều loại được đưa vào biên chế và tham chiến trên các chiến trường. Điển hình là trận chiến ngày 25-12-2015, Quân đội Xy-ri dưới sự yểm trợ của đặc nhiệm và rô-bốt quân sự Nga đã đánh chiếm thành công một cao điểm chiến lược. Cuộc tiến công có sự tham gia của 06 tổ hợp rô-bốt Blát-pho-ma-M, 04 tổ hợp rô-bốt A-gô cùng các phương tiện hỗ trợ khác. Chỉ sau 20 phút tiến công của rô-bốt quân sự, 70 chiến binh IS đã bị tiêu diệt, số còn lại tháo chạy hỗn loạn, bỏ lại vũ khí, trang bị. Bình luận về vấn đề này, các nhà phân tích cho rằng, sự kiện Mát-xcơ-va triển khai rô-bốt chiến đấu tới chiến trường Xy-ri và đạt thành công ngay từ trận đầu đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử quân sự thế giới. Rõ ràng là, sự hiện diện của rô-bốt trên chiến trường sẽ thay đổi cục diện chiến tranh, buộc người ta phải xem xét lại toàn bộ lực lượng vũ trang hiện tại, thay đổi chiến thuật và tư duy chiến lược.

Hiện đại hóa trang bị chỉ huy tác chiến

Trang bị chỉ huy và điều hành tác chiến tự động hóa (C4ISR) của quân đội các nước hiện nay đã có bước phát triển nhảy vọt và ngày càng hiện đại, nhờ những phát triển không ngừng về khả năng xử lý thông tin, kết nối mạng máy tính. Trong đó, mạng máy tính đã thực sự trở thành một bộ phận hợp thành của trang bị tự động hóa chỉ huy quân đội và điều khiển vũ khí. Mục đích là nhằm cung cấp một bức tranh chính xác và hoàn chỉnh về chiến trường, vị trí của đối phương và đồng minh, lực lượng quân ta và đồng bộ hoạt động của các đơn vị tác chiến. Nhờ sự hiện đại hóa này, người chỉ huy có nhiều thông tin cùng một lúc để phân tích, đánh giá tình hình một cách chính xác và đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời. Khung thời gian người chỉ huy hạ quyết tâm chiến đấu, triển khai lực lượng, phát triển chiến đấu nhanh hơn bao giờ hết, chỉ còn tính bằng giờ, thậm chí là phút. Những thông tin được xử lý nhanh chóng, chính xác sẽ giúp người chỉ huy luôn theo sát đối phương, duy trì sức ép lên đối phương và hành động trước đối phương để giành chiến thắng.

Với những tiện ích to lớn đó, Quân đội Mỹ hiện đang xây dựng hệ thống mạng chỉ huy, điều hành tác chiến sử dụng công nghệ internet kết nối vạn vật, bao gồm hàng triệu cảm biến các loại, trên 70.000 km hạ tầng mạng lưới và hệ thống C2BMC (chỉ huy, điều khiển, quản lý chiến trường và hệ thống truyền tin). Chúng được kết nối cả với các thành phần khác nhau của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMDS), trở thành một hệ thống duy nhất sẵn sàng đối phó và triển khai chiến đấu với các nguy cơ trên toàn cầu. Ở cấp quân chủng, binh chủng, Quân đội Mỹ đã xây dựng và trang bị hệ thống chỉ huy tác chiến tự động hóa không quân chiến thuật 485L, hệ thống chỉ huy tác chiến tự động hóa cho lục quân OKIS, hệ thống chỉ huy tác chiến tự động hóa pháo binh dã chiến TACFAI, v.v.

Đối với Nga, hệ thống chỉ huy phòng thủ quốc gia bao gồm nhiều trung tâm chỉ huy, như: tác chiến, hạt nhân chiến lược, thường xuyên,… được trang bị hiện đại, ưu việt hơn nhiều lần so với trung tâm cùng chức năng của Mỹ. Ở cấp độ quân chủng, binh chủng, các hệ thống chỉ huy tác chiến tự động hóa cũng đang được hiện đại hóa. Điển hình như hệ thống tự động hóa chỉ huy Toàn cầu - 1 (Universal - 1), có chức năng điều khiển hoạt động tác chiến của các lực lượng hiệp đồng, gồm: tên lửa phòng không, ra-đa, máy bay tiêm kích và tác chiến điện tử; quản lý đồng thời 300 tốp mục tiêu trên không trong vòng bán kính 3.200 km.

Đối với các nước khu vực châu Á, trang bị chỉ huy tác chiến tự động hóa đang rất được quan tâm. Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a đều lựa chọn hãng Eo-bít (Elbit) của I-xra-en là nhà cung cấp trang bị C4IRS cho các chương trình hiện đại hóa hệ thống chỉ huy tác chiến lục quân. Hãng Eo-bít cung cấp khí tài cho tất cả thành phần của lực lượng bộ binh cơ giới; đồng thời, cho phép kết nối với các quân chủng khác. Quân đội In-đô-nê-xi-a đang tích cực hợp tác với hãng Nếc-xtơ (Nexter) của Pháp để xây dựng hệ thống chỉ huy tác chiến cho lục quân. Trong khi đó, hãng Sa-gem (Sagem) cung cấp tổ hợp chỉ huy và điều khiển (C2) chiến thuật cho Binh chủng Tăng thiết giáp của Ma-lai-xi-a.

Cùng với phát triển các loại vũ khí, phương tiện trên, xu hướng sử dụng hạ tầng mạng viễn thông và thiết bị đầu cuối dân sự cũng đang được nhiều nước ứng dụng để khai thác triệt để công nghệ internet kết nối vạn vật vào quân sự, nhất là trong thông tin và tình báo. Theo đó, Quân đội Mỹ đã cải tiến điện thoại thông minh kết nối với hệ thống Rai-phơ-mờn Ra-đi-ô (Rifleman Radio) để người lính có thể sử dụng các ứng dụng, như: bản đồ 3D, theo dõi lực lượng, v.v. Đồng thời, tiếp tục phát triển phiên bản chuyên dụng của hệ điều hành An-droi (Android) với nhiều tính năng mới để sử dụng cho quân đội. Đối với hoạt động tình báo, sự đột phá của internet kết nối vạn vật cho phép nhận dạng, giám sát, theo dõi, xác định vị trí, thậm chí gây thiệt hại rất lớn cho đối phương bằng các cách, như: đánh cắp thông tin, phá hủy hệ thống, v.v. Ví dụ về sức mạnh và sự nguy hiểm của các cuộc tiến công sử dụng công nghệ internet kết nối vạn vật là việc kiểm soát các cơ sở làm giàu U-ra-ni-um của I-ran, vi-rút Stúc-nét (Stuxnet) đã phá hủy các thiết bị ly tâm và làm chậm lại chương trình hạt nhân của nước này đến vài năm.

Những thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 ứng dụng trong lĩnh vực quân sự đang tạo ra một chiến trường kết nối mạng, với vũ khí ngày càng thông minh hơn, có khả năng tiến công tầm xa, tự hoạt, chính xác, làm thay đổi phương thức tác chiến trong chiến tranh tương lai. Điều đó cũng làm cho cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước lớn trở nên gay gắt hơn. Vì vậy, nếu không được kiểm soát, nó sẽ tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường đối với an ninh, ổn định của các quốc gia, khu vực và toàn thế giới.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Tổng cục Kỹ thuật

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...