Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:52 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Lực lượng tàu sân bay là biểu tượng, sức mạnh chiến đấu của Hải quân Mỹ, được triển khai trên khắp các đại dương, nhằm thực hiện chiến lược “răn đe” và “can thiệp” của Hoa Kỳ. Vì vậy, mặc dù phải chi phí một khoản ngân sách rất lớn cho sản xuất và duy trì hoạt động, nhưng Lầu Năm Góc vẫn đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu, chế tạo các tàu sân bay thế hệ mới.
Khái lược về lực lượng tàu sân bay của Mỹ
Hiện nay, Mỹ đang có hạm đội tàu sân bay hùng mạnh nhất thế giới, vượt xa các cường quốc khác cả về số lượng và khả năng chiến đấu, gồm 10 tàu sân bay lớp Nimitz đang hoạt động tác chiến trên khắp các vùng biển quốc tế và căn cứ quân sự của nước này. Đây là loại tàu sân bay chủ lực, giúp Mỹ có thể triển khai nhanh lực lượng quân sự tới khắp nơi nếu “lợi ích chiến lược” của Mỹ bị đe dọa. Tàu sân bay lớp Nimitz được thiết kế sử dụng trong vòng đời khoảng 50 năm chỉ với một lần đại tu và nạp nhiên liệu. Chiếc tàu sân bay đầu tiên của lớp này là USS Nimitz (CVN 68) được triển khai ngày 03/5/1975 và chiếc cuối cùng là USS George H.W. Bush (CVN 77) được triển khai ngày 10/01/2009. Loại tàu sân bay này có chiều dài 332,8 m, chiều rộng sàn bay từ 76,8 m đến 84 m (tùy từng chiếc), lượng giãn nước đầy tải khoảng 97.000 tấn (lớn hơn 50% so với đối thủ kế cận là tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth của Anh và 68% so với các tàu sân bay của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ).
Theo các chuyên gia quân sự quốc tế, sức mạnh và sự linh hoạt của các tàu sân bay Mỹ nằm trong các phi cơ thuộc không đoàn của nó. Một không đoàn tàu sân bay gồm có cả phi cơ cánh quạt (trực thăng) và phi cơ cánh cố định (phản lực cơ) có khả năng thực hiện trên 150 phi vụ không kích liên tục vào trên 700 mục tiêu trong ngày. Đồng thời, có khả năng tác chiến bảo vệ lực lượng đồng minh, tiến hành chiến tranh điện tử, hỗ trợ các chiến dịch đặc biệt và tham gia tìm kiếm, cứu nạn, v.v. Bên cạnh đó, mỗi tàu sân bay lớp Nimitz có thể độc lập tổ chức chiến dịch trên không hoặc đóng vai trò là một bộ tư lệnh trong tổ chức chỉ huy tác chiến liên đoàn lớn, hay các lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia. Một không đoàn tàu sân bay thường gồm: 24 máy bay F/A-18C Hornet, 24 chiến đấu cơ đa nhiệm F/A-E/F Super Hornet, 05 máy bay tác chiến điện tử E/A-18G Growler, 05 máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không E-2D Hawkeye, 02 máy bay vận tải C-2 Greyhound, cùng 06 trực thăng Seahawk.
Để bảo vệ an toàn, mỗi tàu sân bay lớp Nimitz thường được triển khai cùng với một số chiến hạm khác, tạo thành liên đoàn tác chiến tàu sân bay. Trong đó, các tàu hỗ trợ, gồm: 02 tuần dương hạm, 02 khu trục hạm có trang bị hệ thống chiến đấu Aegis và 01 tàu ngầm tấn công, có nhiệm vụ bảo vệ tàu sân bay chống lại các mối đe dọa từ trên không, dưới nước và trên mặt biển cũng như cung cấp thêm khả năng tác chiến của liên đoàn. Ngoài ra, còn có một tàu vận tải hỗn hợp hỗ trợ liên đoàn về mặt tiếp vận quân trang, quân dụng và các vũ khí, trang bị cần thiết khác.
Hải quân Mỹ cho rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang, để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tác chiến, Hoa Kỳ cần có ít nhất 15 tàu sân bay mới có thể đảm bảo chi viện kịp thời cho các vùng biển truyền thống, như: Tây Thái Bình Dương, Địa Trung Hải, Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, do giá thành đóng tàu sân bay là rất cao (khoảng 10 tỷ USD) và việc thay thế các tàu sân bay phải thực hiện theo kế hoạch dài hạn, nên trong một thời gian ngắn việc tăng số lượng các tàu sân bay là khó khả thi. Do đó, Mỹ đã xây dựng định hướng dài hạn để phát triển các tàu sân bay thế hệ mới.
Xu hướng phát triển
Giới quân sự Mỹ xác định, trong tương lai tàu sân bay vẫn là “át chủ bài” trong chiến lược khống chế các đại dương của Hoa Kỳ. Vì vậy, mặc dù đang có trong tay lực lượng tàu sân bay lớp Nimitz hùng mạnh nhất thế giới, song Mỹ vẫn đẩy nhanh thực hiện chương trình nghiên cứu, chế tạo tàu sân bay thế hệ mới (lớp Ford) và sẽ dần thay thế cho các tàu sân bay lớp Nimitz. Các tàu sân bay thế hệ mới được nghiên cứu, phát triển theo hướng ngày càng hiện đại, có khả năng tác chiến độc lập trên các đại dương trong thời gian dài, điều kiện môi trường tác chiến hiện đại. Trong đó, nhấn mạnh vào một số xu hướng phát triển mới chủ yếu sau:
Thứ nhất, tàu sân bay thế hệ mới sẽ được trang bị máy bay chiến đấu không người lái để mở rộng phạm vi kiểm soát và không gian tác chiến. Trên thực tế, các máy bay chiến đấu không người lái sẽ nâng cao tối đa khả năng và cự ly tác chiến cho các cụm tàu sân bay thế hệ mới. Với tầm bay và khả năng tàng hình vượt trội so với các máy bay có người lái, máy bay chiến đấu không người lái chính là phương tiện tác chiến làm thay đổi phương thức tác chiến phối hợp giữa không quân và hải quân trong tương lai, làm ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược quân sự của Mỹ và các nước. Hiện nay, Hải quân Mỹ là lực lượng đi trước thế giới trong xu thế này khi đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai các máy bay chiến đấu không người lái trên các tàu sân bay thế hệ mới.
Thứ hai, nghiên cứu, chế tạo hệ thống phóng bằng điện từ kiểu mới để nâng cao khả năng tác chiến và tốc độ cất/hạ cánh của các máy bay trên tàu sân bay. Máy phóng sử dụng hệ thống động lực điện từ có tính năng rất ưu việt, dễ dàng kiểm soát chính xác lượng điện phát ra, có thể phóng luân phiên hoặc xen kẽ các loại máy bay chiến đấu có và không có người lái. Lực gia tốc của máy phóng bằng điện từ kiểu mới có thể thay đổi tùy thuộc vào trọng lượng máy bay trên tàu nên có thể phóng những máy bay nặng hơn, nhanh hơn hoặc những phương tiện bay nhỏ và nhẹ hơn, giúp kéo dài tuổi thọ của máy bay trên tàu, giảm tải cho người lái, giảm công việc và phí tổn cho việc duy tu, bảo dưỡng.
Thứ ba, nâng cao khả năng sống còn của tàu sân bay thế hệ mới, mấu chốt là tăng cường khả năng chống tên lửa, chống tàu ngầm và khả năng tàng hình. Việc tăng cường khả năng chống tàu ngầm sẽ là một điểm mới trong tư duy thiết kế tàu sân bay thế hệ mới. Trong khi đó, thiết kế hình dáng bên ngoài của tàu sân bay thế hệ mới theo hướng loại bỏ các góc, cạnh vuông, nhọn và phủ lớp sơn hấp thụ sóng radar để giảm mặt cắt phản xạ. Ngoài ra, các máy bay tiêm kích, cường kích trang bị cho tàu sân bay thế hệ mới là các máy bay tàng hình thế hệ 5, như: F-22 Raptor, F-35B và F-35C.
Thứ tư, tiếp tục tăng cường khả năng tác chiến độc lập của tàu sân bay, duy trì khả năng “tiến vào đầu tiên, rút ra sau cùng”, góp phần làm giảm chi phí tốn kém của một cuộc chiến tranh lâu dài, liên tục với cường độ cao. Để làm được điều đó, Mỹ đang nghiên cứu, phát triển các loại vũ khí công nghệ cao trên tàu sân bay thế hệ mới, như: pháo quỹ đạo điện từ, vũ khí lade năng lượng cao, v.v. Trong đó, pháo quỹ đạo điện từ có vận tốc tối đa lên tới 2,5 km/giây, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu tiến công từ khoảng cách xa tới 340 km, tính năng vượt trội hàng chục lần so với hệ thống phòng thủ tầm gần đang được sử dụng.
Theo xu hướng phát triển trên, Lầu Năm Góc đang tiếp tục chương trình chế tạo 12 tàu sân bay lớp Ford để dần thay thế 10 tàu sân bay lớp Nimitz hiện có trong biên chế. Thời gian hoàn thành một tàu sân bay thế hệ mới từ 03 đến 05 năm, dự kiến đến năm 2058, Mỹ sẽ thay thế toàn bộ tàu sân bay lớp Nimitz bằng tàu sân bay lớp Ford. Chiếc tàu sân bay đầu tiên của lớp này là USS Gerald R. Ford (CVN 78) đã được bàn giao cho Hải quân Mỹ vào tháng 7/2017 để thử nghiệm trên biển, trước khi đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu cơ bản vào năm 2022. USS Gerald R. Ford có chiều rộng sân bay 78 m và dài 337 m, lượng giãn nước đầy tải khoảng 100.000 tấn, có thể chở được 75 máy bay chiến đấu hiện đại, như: F/A-18 E/F, EA-18G,... và các máy bay chiến đấu thế hệ 5 (F-22 Raptor, F-35). Đây là tàu sân bay đầu tiên được thiết kế với tất cả hệ thống sử dụng trên tàu đều bằng điện, giúp loại bỏ các đường ống dẫn hơi nước trên tàu; vì thế, giảm yêu cầu bảo trì và tăng cường kiểm soát ăn mòn. Cùng với đó, tàu này cũng được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân A1B có công suất gấp 2,5 lần so với lò phản ứng trên tàu thuộc lớp Nimitz, đường băng được trang bị hệ thống máy phóng điện từ (EMALS), thiết bị bắt giữ tiên tiến (AAG) và Radar băng tần kép (DBR). Các kỹ thuật được cải tiến trong thiết kế giúp tăng tần suất cất/hạ cánh cho lực lượng máy bay chiến đấu lên 15% và giảm tới 700 nhân viên phục vụ so với tàu sân bay Nimitz.
Ngoài ra, để tăng khả năng phòng thủ, USS Gerald R. Ford được trang bị các tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 ESSM, tầm ngắn RIM-116 RAM Block 2 và hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần Phalanx cỡ nòng 20 mm. Trong quá trình thử nghiệm và sử dụng, những cải tiến tiếp theo trên chiếc USS Gerald R. Ford được chuyển sang hai chiếc tàu sân bay của lớp Ford là John F. Kennedy (CVN 79) và Enterprise (CVN 80) sẽ hoàn thành trong vài năm tới. Mỗi tàu sân bay lớp Ford sẽ tiết kiệm được gần 04 tỷ USD tổng chi phí sử dụng trong 50 năm so với lớp Nimitz.
Các nhà quan sát cho rằng, với kế hoạch phát triển dài hạn, lực lượng tàu sân bay của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì được ưu thế vượt trội so với các đối thủ tiềm tàng trên biển trong nhiều năm tới. Lợi thế đó, giúp Mỹ tiếp tục tăng cường sự hiện diện và khả năng răn đe của mình đối với các khu vực trên thế giới. Trong thời gian tới, khi căng thẳng Mỹ - Trung Quốc gia tăng, Washington sẽ điều thêm nhiều tàu sân bay tới khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông để răn đe Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự với sự hiện diện của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh tại khu vực này.
Có thể nói, trong tương lai, tàu sân bay vẫn đóng vai trò quan trọng đối với Hải quân Mỹ khi đối đầu trên biển, nên để duy trì sức mạnh quân sự số một thế giới, Mỹ vẫn tiếp tục chi một khoản ngân sách lớn vào các chương trình phát triển tàu sân bay thế hệ mới là điều dễ hiểu, mặc dù thực hiện kế hoạch này đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ, làm tăng ngân sách quốc phòng trong dài hạn. Đồng thời, nó cũng gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế về một cuộc chạy đua vũ trang khi mà các cường quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng để giảm khoảng cách về sức mạnh quân sự và cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ, điều đó đồng nghĩa với việc có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột trên toàn cầu.
PHÙNG CHẤT - PHẠM BÌNH
Tàu sân bay,Hải quân Mỹ
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ