Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 23/10/2017, 08:08 (GMT+7)
Xu hướng phát triển tàu mặt nước của một số quốc gia châu Á

Những năm gần đây, trước tình hình an ninh biển nói chung, khu vực châu Á nói riêng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường, một số nước trong khu vực, nhất là các quốc gia có biển tăng cường đầu tư trang bị cho lực lượng hải quân. Trong đó, tàu mặt nước đã, đang là lựa chọn hàng đầu, với nhiều chủng loại, khiến dư luận hết sức quan tâm.

Nghiên cứu quá trình đầu tư, phát triển và đưa vào trang bị tàu mặt nước của hải quân các nước châu Á cho thấy, đây thực sự là một cuộc cách mạng rất đa dạng, với nhiều phương thức và chủng loại khác nhau. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm, tính năng của tàu mặt nước hiện nay, người ta có thể chia thành ba loại cơ bản: tàu khu trục, tàu sân bay và tàu hộ vệ. Trong đó, tùy mục đích sử dụng và điều kiện về kinh tế, việc đầu tư, trang bị tàu mặt nước của các quốc gia cũng khác nhau.

Đối với tàu khu trục, được một số nước châu Á đặc biệt coi trọng, xem đó là xương sống của lực lượng hải quân. Trên thực tế, sau hơn một thế kỷ ra đời và đưa vào trang bị, tàu khu trục đã phát triển thành tàu quân sự cỡ lớn, với lượng giãn nước đủ tải trên 5.000 tấn, thậm chí lớn hơn 10.000 tấn. Theo đánh giá của các chuyên gia hải quân, hiện nay, tàu khu trục cỡ lớn trở thành một trong các loại trang bị quan trọng để các quốc gia duy trì ưu thế quân sự trên biển. Còn đối với các cường quốc quân sự thế giới, uy lực của loại tàu này chỉ xếp sau tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Chính vì thế, Nhật Bản đang là quốc gia tiên phong phát triển tàu khu trục cỡ lớn, nhằm đáp ứng các yêu cầu an ninh trên các vùng biển của mình; đồng thời, phát huy vai trò trong việc duy trì ưu thế trang bị trong khu vực. Để phát triển loại tàu này, Tô-ki-ô chủ trương dựa vào tàu khu trục lớp A-ta-gô (với lượng giãn nước trên 10.000 tấn) để xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển mạnh nhất trong khu vực. Theo đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xúc tiến triển khai việc nhất thể hóa hệ thống phòng không chống tên lửa để trang bị cho tàu, thông qua việc nâng cấp hệ thống tên lửa Aegis. Hiện nay, cùng với đưa vào trang bị với số lượng lớn các tàu khu trục, Nhật Bản còn chú trọng phát triển các tàu lớp A-ta-gô với trị giá hơn 1,5 tỷ USD mỗi chiếc. Các loại tàu này đều được trang bị hệ thống tên lửa đa nhiệm hiện đại nhất thế giới (tính đến thời điểm này), có thể được trang bị trực thăng săn ngầm,… đủ sức đánh chặn có hiệu quả các loại tên lửa đường đạn của đối phương cả trên biển và trên đất liền. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao và việc Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa đạn đạo, Nhật Bản đã quyết định trang bị hệ thống tên lửa đường đạn Aegis cho 06 tàu khu trục của nước này. Động thái này đã dấy lên quan ngại ở khu vực.

Tàu khu trục A-ta-gô của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản.
(Ảnh: military-today.com)

Cùng chung môi trường an ninh với Nhật Bản, Hàn Quốc hết sức coi trọng việc trang bị tàu khu trục cho hải quân nước này và xác định đó là một trong những bảo đảm quan trọng đối với khả năng tác chiến toàn diện cho biên đội tấn công vào đất liền, phòng không, chống tàu, chống ngầm trên biển. Tuy nhiên, khác với Nhật Bản, Hàn Quốc chủ trương dựa vào ưu thế tác chiến của tàu khu trục lớp Hoàng đế Sê-jong để phát triển toàn diện đội tàu hải quân theo hướng tác chiến viễn dương. Đây là bước phát triển táo bạo, được cho là nhằm đối phó với những đe dọa an ninh đang ngày càng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Hiện tại, để tăng cường khả năng tấn công và phòng thủ cho các tàu khu trục, Hàn Quốc gấp rút đặt hàng mua và lắp đặt hệ thống tên lửa Aegis trên các tàu khu trục lớp Hoàng đế Sê-jong và có thể sẽ đặt mua thêm để trang bị cho các hệ tàu khác. Với sự đầu tư trang bị này, các tàu khu trục của Xơ-un đều có khả năng tiến công trên biển, đất liền và trên không, không chỉ bằng pháo cỡ nòng trung bình mà còn bằng các tên lửa hiện đại.

Đối với tàu sân bay, do giá thành chi phí rất đắt, nên chỉ một số ít nước có đủ khả năng để mua sắm, đóng mới và trang bị cho hải quân. Hiện nay, dư luận đặc biệt quan tâm đến xu hướng phát triển tàu sân bay trong khu vực, đặc biệt là sau khi Trung Quốc tiến hành chạy thử nghiệm tàu sân bay tự đóng đầu tiên (với tên gọi Type 001A). Đây thực sự là dấu mốc quan trọng trong phát triển lực lượng tàu sân bay của Trung Quốc. Với mong muốn sở hữu những cụm tác chiến mạnh trên biển và đại dương, đã từ lâu, Bắc Kinh chú trọng phát triển tàu sân bay theo hướng từ thấp đến cao. Năm 1985, Hải quân Trung Quốc đã mua tàu sân bay HMAS Men-bơn (trị giá 2 triệu USD), nhằm nghiên cứu về thiết kế cấu trúc tàu, đường băng huấn luyện. Liên tục trong các năm 1998 và 2000, Trung Quốc lần lượt mua tàu sân bay Min-xcơ và Ki-ép, với mục tiêu nghiên cứu và thu hút khách du lịch. Đặc biệt, năm 2002, Trung Quốc quyết định mua tàu sân bay Va-ri-át, giá trị gần 200 triệu USD, với đường băng dài 300m, có thể mang 24 máy bay MiG-29L, Su-33 và 32 máy bay Ka29/31. Gần đây, Trung Quốc đang triển khai đóng một tàu sân bay mới mang tên Bắc Kinh với độ giãn nước lên tới 70.000 tấn. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, năng lực thực sự của tàu sân bay Trung Quốc so với các cường quốc hải quân khác vẫn còn nhiều thách thức.

Xuất phát từ vị thế của mình, Ấn Độ là một trong số ít quốc gia ở châu Á quyết tâm theo đuổi chương trình tàu sân bay. Năm 2004, lần đầu tiên Ấn Độ khởi động dự án tàu sân bay nội địa mang tên INS Vi-cren và đã hạ thủy vào tháng 8-2013. Tàu có chiều dài 260m, rộng 60m, di chuyển với vận tốc 56km/h và có khả năng triển khai các máy bay chiến đấu MiG-29K cùng máy bay trực thăng Kamov và các chiến đấu cơ hạng nhẹ khác. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện con tàu này tốn nhiều thời gian, tiền của, và dự báo nó chỉ có thể sẵn sàng chiến đấu sau năm 2023.

Tuy chưa phải là quốc gia sở hữu tàu sân bay, nhưng Nhật Bản lại trang bị các tàu mặt nước có chức năng không thua kém tàu sân bay. Trong số đó, có tàu mặt nước hộ vệ trực thăng lớp Hiu-ga với lượng giãn nước khoảng 19.000 tấn (vượt cả tàu sân bay của I-ta-li-a và Tây Ban Nha). Đáng chú ý là tàu mặt nước hộ vệ trực thăng lớp I-zu-mô thứ nhất, có lượng giãn nước đầy tải lên tới 27.000 tấn (ngang với tàu sân bay lớp In-vin-xbồ của Hải quân Hoàng gia Anh). Rõ ràng, sự ra đời của các tàu lớp I-zu-mô mới đã đánh dấu bước tiến dài về sức mạnh quân sự của Hải quân Nhật Bản. Với kết cấu hiện nay, không cho phép các loại tàu này vận hành máy bay cánh bằng, nhưng chỉ cần thêm một vài chi tiết và điều chỉnh nhỏ, nó sẽ có năng lực tương tự các tàu sân bay hạng nhẹ đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng.

Đối với tàu hộ vệ, nhất là các loại cỡ vừa và nhỏ đang được nhiều nước trong khu vực quan tâm, chúng có một số tính năng khá hoàn hảo, như: tự động hóa cao, biên chế thuyền viên ít, chi phí chế tạo và bảo đảm kỹ thuật khi sử dụng tương đối thấp. Không những thế, với sự đột phá về khoa học - công nghệ quân sự và nhu cầu tác chiến, các tàu hộ vệ trong tương lai sẽ tích hợp nhiều tính năng hiện đại, như: tàng hình, số hóa, cơ động và tính đa nhiệm, v.v. Đây sẽ là lực lượng tàu mặt nước chiếm tỉ trọng nhiều nhất trong nhu cầu mua sắm, trang bị của hải quân thế giới nói chung, các nước trong khu vực nói riêng, nhất là đối với các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tàu mặt nước chủ lực của các quốc gia thuộc ASEAN hiện nay là các loại tàu hộ vệ hạng nhẹ, gồm: tàu hộ vệ tên lửa, tàu fri-gát (khinh hạm), tàu tên lửa cao tốc, tàu tuần tiễu xa bờ. Các tàu nhóm này chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số tàu mặt nước của các nước ASEAN. Ví dụ, tại Xin-ga-po, hiện có 17 tàu hộ vệ trên tổng số 50 tàu mặt nước. Tương tự, các nước In-đô-nê-xi-aMa-lai-xi-a có số tàu hộ vệ lần lượt là 36/48 tàu và 47/52 tàu, v.v. Hải quân các nước ASEAN có nhiệm vụ cốt lõi là phòng vệ, nên vùng hoạt động chủ yếu nằm trong khu vực chủ quyền lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước. Vì thế, hầu hết các loại tàu hộ vệ hạng nhẹ có thể đáp ứng yêu cầu phòng thủ với tầm hoạt động trên, dưới 1.000 hải lý. Ngoài ra, các tàu hộ vệ hạng nhẹ có khả năng di chuyển nhanh, cập và xuất cảng đơn giản, không đòi hỏi điều kiện hoạt động khắt khe như các tàu chiến lớn. Nhiều quốc gia ASEAN có bờ biển trải dài, nên tàu loại này dễ dàng triển khai tác chiến ngay khu vực ven bờ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh an ninh trên Biển Đông diễn biến phức tạp; trong khi đó, nhu cầu bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia trên các vùng biển ngày càng lớn, một số nước ASEAN đang đẩy nhanh chương trình đầu tư, trang bị tàu hộ vệ cho hải quân. Với học thuyết địa chính trị quốc gia mang tên “Đòn bẩy toàn cầu”, In-đô-nê-xi-a đang đẩy mạnh chương trình đầu tư, trang bị tàu hộ vệ cho hải quân. Hiện tại, hải quân nước này đã ký hợp đồng mua 06 tàu hộ vệ tên lửa có điều khiển Đa-men Síc-ma 10514, sẽ được đóng tại Nhà máy đóng tàu PT PAL (Bơ-sê-rô), thành phố Su-ra-bay-a, In-đô-nê-xi-a; chiếc đầu tiên sẽ được tiếp nhận trong năm 2017.

Đối với Ma-lai-xi-a, để tăng cường trang bị cho hải quân, Bộ Quốc phòng nước này đã công bố kế hoạch giảm số kiểu loại tàu từ 15 xuống còn 05 lớp tàu, gồm: tàu tác chiến ven bờ, tàu tuần tiễu thế hệ mới, tàu thực hiện các nhiệm vụ ven bờ, tàu chi viện đa nhiệm và tàu ngầm. Mặc dù số lượng lớp tàu giảm xuống, nhưng số lượng tàu của mỗi lớp sẽ tăng lên. Chính phủ Ma-lai-xi-a đã ký hợp đồng trị giá 2,2 tỷ USD với Nhà máy đóng tàu hải quân Bâu-tít để đóng 06 tàu tác chiến ven biển. Tàu có lượng choán nước lên đến 3.000 tấn, dựa trên lớp tàu Gâu-win 2.500, do nhà đóng tàu DCNS của Pháp thiết kế.

Như vậy, việc tăng cường sức mạnh hải quân nói chung, phát triển lực lượng tàu mặt nước của các nước châu Á nói riêng đang có xu hướng gia tăng. Điều này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu nhằm đối phó với những biến động mau lẹ, phức tạp của tình hình khu vực, nhất là trên các vùng biển, đảo của mỗi quốc gia. Đó là sự tận dụng trình độ khoa học công nghệ cao vào hiện đại hóa lực lượng vũ trang để bảo đảm sự ổn định an ninh, chính trị của mỗi nước. Tuy nhiên, nếu quá đề cao vấn đề này, có thể tạo ra cuộc chạy đua vũ trang, kéo theo những hệ lụy khó lường, đe dọa sự ổn định của khu vực. Vì thế, dư luận cho rằng, việc phát triển các phương tiện tàu mặt nước hải quân là nhu cầu của mỗi quốc gia, nhưng phải trong khuôn khổ luật pháp và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển cho khu vực và quốc tế.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Tổng cục Kỹ thuật

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...