Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 23/11/2020, 07:55 (GMT+7)
Xu hướng phát triển máy bay tuần thám biển của một số quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Máy bay tuần thám biển là một trong những phương tiện quan trọng để bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn vùng biển quốc gia. Vì vậy, những năm gần đây, cùng với cải tiến, nâng cấp máy bay tuần thám biển hiện có, một số quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn đầu tư nghiên cứu, mua sắm, phát triển loại máy bay này, nhằm nâng cao khả năng tuần thám biển của mình.

Cải tiến, nâng cao tính năng máy bay tuần thám biển hiện có

Trước những diễn biến phức tạp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nước có biển, như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều có nhu cầu trang bị máy bay tuần thám biển thế hệ mới. Tuy nhiên, do chi phí mua sắm loại máy bay này tốn kém nên hầu hết các quốc gia đều lựa chọn phương án tiếp tục sử dụng các máy bay tuần thám biển hiện có, nhưng giảm bớt số lượng và nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa, nhằm đáp ứng yêu cầu tuần tra, trinh sát trên biển trong tình hình mới.

Để nâng cao khả năng tác chiến chống tàu mặt nước và tàu ngầm của máy bay tuần thám biển, các nước tập trung nâng cấp hệ thống cảm biến tiên tiến, màn hình đa chức năng số hóa, cho phép tìm kiếm, nhận biết, đối chiếu dữ liệu lưu trữ và tự động bắt, bám các tàu đối phương. Hệ thống radar trên máy bay tuần thám biển được cải tiến rất nhiều trong những năm gần đây, cho phép định vị các mục tiêu nhỏ hơn trên mặt biển, trong điều kiện nhiễu tạp cao. Các khí tài quang điện tử và hồng ngoại cũng được nâng cấp, giúp quan sát các mục tiêu mặt nước chính xác hơn, mở rộng khả năng tìm kiếm của loại máy bay này. Một số loại máy bay tuần thám biển được các nước đầu tư cải tiến, nâng cấp, gồm: P-3C Orion của Mỹ, Y-8X của Trung Quốc, IL-38N và Tu-142M/MZ của Nga, F-50 Fokker của Singapore. Trong đó, P-3C Orion nổi tiếng về độ bền và tải công tác lớn, thời gian bay trinh sát dài, sử dụng phao thủy âm chủ động và thụ động để phát hiện tàu ngầm, trang bị tên lửa chống tàu mặt nước và ngư lôi chống tàu ngầm phóng từ trên không. P-3C Orion là máy bay tuần thám biển tầm xa, hiện có trong trang bị của 17 quốc gia, với số lượng khoảng trên 400 chiếc đang được cải tiến, nâng cấp vòng đời hoạt động.

Hiện nay, Hải quân Mỹ đang duy trì 120 chiếc máy bay tuần thám biển là các biến thể và cải tiến từ P-3C Orion, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, theo dõi tàu ngầm, trinh sát, giám sát tàu chiến đấu mặt nước. Tiếp theo là Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đang sở hữu 90 máy bay tuần thám P-3C Orion. Sách trắng quốc phòng năm 2020 của nước này xác định rõ yêu cầu duy trì lực lượng máy bay tuần thám biển thực hiện nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) ở khu vực biển xa, tác chiến hiệu quả khi tổ chức tuần tra và bảo vệ vùng biển xung quanh Nhật Bản. Vì vậy, trong kế hoạch ngân sách tài khóa 2020, Nhật Bản tiếp tục cải tiến và hiện đại hóa 07 máy bay P-3C Orion.

Hải quân Hàn Quốc cũng đang nâng cấp phi đội 16 máy bay P-3C Orion, nhằm thực hiện nhiệm vụ tuần thám biển. Chương trình nâng cấp do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) kết hợp với công ty L3 Communication của Mỹ đảm nhiệm. Máy bay sau nâng cấp sẽ được kéo dài thời gian sử dụng, lắp đặt radar trinh sát đa nhiệm thế hệ mới, thiết bị giám sát quang điện tử và hồng ngoại độ phân giải cao, bộ phân tích tín hiệu âm thanh số hóa và hệ thống điện tử hàng không hiện đại. Lực lượng này cho phép Hàn Quốc chiếm ưu thế về giám sát an ninh trên biển, khả năng tác chiến chống tàu mặt nước và tàu ngầm, cũng như khả năng trinh sát khu vực, tìm kiếm, cứu nạn vùng biển xa.

Cũng theo xu hướng này, Nga đang duy trì lực lượng máy bay tuần thám biển, gồm: 23 chiếc Il-38, 07 chiếc Il-38N và 24 chiếc Tu-142M/MZ; trong đó, 14 máy bay Tu-142M/MZ được hiện đại hóa, trang bị bộ thiết bị điện tử hàng không thế hệ mới và hệ thống vũ khí tác chiến chống tàu ngầm; 23 máy bay Il-38 tiếp tục được cải tiến nâng cao khả năng phát hiện tàu ngầm, dự kiến hoàn thành bàn giao cho Hải quân Nga trước năm 2025. Bộ thiết bị trinh sát trên máy bay Il-38 nâng cấp cho phép phát hiện mục tiêu trên không ở cự ly lên tới 90 km và mục tiêu cơ động trên biển ở cự ly 320 km, bám đồng thời 32 mục tiêu. Thiết bị điện tử hàng không và tác chiến điện tử, gồm: radar mặt mở tổng hợp, cảm biến hồng ngoại phía trước độ phân giải cao, phao thủy âm chủ động và bị động. Ngoài ra, Nga cũng triển khai dây chuyền nâng cấp máy bay tuần thám biển Il-38D cho Ấn Độ. Theo đó, hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hiện đại Novella sẽ thay thế cho hệ thống Berkut trước đây, vì vậy máy bay tuần thám biển sau nâng cấp sẽ mang tên mới Il-38N.

Còn lực lượng tuần thám biển Trung Quốc đang sử dụng máy bay Y-8X của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Sơn Tây, dựa trên khung máy bay An-12 Antonov của Liên Xô (trước đây) để thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tuần tra chống ngầm. Số lượng Y-8X có trong trang bị của Hải quân Trung Quốc không được tiết lộ, nhưng chỉ riêng Chiến khu miền Nam đang duy trì hoạt động trinh sát liên tục 04 chiếc. Chương trình nâng cấp Y-8X trọng tâm là thiết bị điện tử hàng không, trong đó lắp đặt hệ thống chống đối phó điện tử, máy thu cảnh báo radar đa phổ, bộ phóng rải mồi bẫy chống tên lửa.

Nghiên cứu, phát triển máy bay tuần thám biển mới

Bên cạnh việc cải tiến số máy bay tuần thám biển hiện có, một số quốc gia tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển loại máy bay tuần thám biển thế hệ mới, có người lái và không người lái, trang bị các hệ thống trinh sát, phát hiện tàu mặt nước và tàu ngầm hiện đại.

Máy bay tuần thám biển đa nhiệm có người lái P-8A Poseidon do hãng Boeing của Mỹ nghiên cứu và phát triển, được đánh giá có khả năng tác chiến chống ngầm và chống tàu mặt nước tiên tiến nhất thế giới hiện nay, với tốc độ, tầm hoạt động và dự trữ hành trình đều lớn hơn so với P-3C Orion. Loại máy bay này được thiết kế để tiến hành các nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển, truyền tin, tình báo, giám sát và trinh sát (C3IRS), được lắp hệ thống phao thủy âm tác chiến chống ngầm từ trên không và trang bị cảm biến xác định khí xả động cơ và hơi dầu của tàu ngầm điện - diesel (loại tàu ngầm có độ ồn rất thấp và khó bị phát hiện). Tổ hợp trinh sát quang điện tử và hồng ngoại trên máy bay cho phép xác định mục tiêu ở tầm gần, trong khi các thiết bị điện tử đóng vai trò trinh sát, gây nhiễu và tác chiến mạng, thì tên lửa chống hạm và bom chìm chống ngầm sẵn sàng được sử dụng để tiêu diệt mục tiêu.

Bên cạnh đó, Mỹ đã nghiên cứu, phát triển 02 loại máy bay tuần thám biển không người lái: MQ-4C Triton và MQ-9B SeaGuardian có hiệu quả hoạt động cao hơn máy bay có người lái trong khi chi phí thấp hơn, nên được nhiều nước trong khu vực quan tâm mua sắm. Theo đó, MQ-4C Triton có thể đạt độ cao hơn 17.000 m, tốc độ tối đa 575 km/h và thời gian hoạt động liên tục khoảng 30 giờ được trang bị các hệ thống radar đa chức năng, máy quay video, cảm biến quang điện tử và hồng ngoại, phương tiện trinh sát vô tuyến, hệ thống nhận dạng tự động, hệ thống thiết bị thu - phát tiên tiến,... nhằm phát hiện và tự động phân loại mục tiêu. Sau khi đưa vào khai thác, các máy bay này sẽ kết hợp với các máy bay tuần thám biển có người lái: P-8A Poseidon và P-3C Orion, tạo thành mạng lưới thu thập thông tin hiệu quả, đa chiều và liên tục.

Một máy bay tuần thám biển không người lái khác của Mỹ là MQ-9B SeaGuardian, đây là biến thể hải quân của dòng MQ-9, nên vẫn giữ được các tính năng đặc sắc của chiếc máy bay không người lái trinh sát, tấn công hiện đại nhất thế giới tính đến thời điểm này. MQ-9B SeaGuardian có khả năng bay với tốc độ lên đến 388 km/h và ở độ cao tối đa đến 14.000 m. Thời gian bay liên tục trên 40 giờ với tầm bay hơn 11.000 km.

Không để bị tụt hậu so với với các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nga cũng phát triển máy bay tuần thám biển thế hệ mới Il-114MP được lắp đặt radar sục sạo và chỉ thị mục tiêu Kasatka-S, radar mảng pha quét điện tử chủ động, thiết bị quang điện tử, cảm biến tạo ảnh hồng ngoại. IL-114MP có bán kính hoạt động 300 km, độ cao bay 8.000 m, thời gian bay 12 giờ. Cùng với đó, Nga tiến hành phục hồi thủy phi cơ chống tàu ngầm A-42 khổng lồ, độc đáo với 02 động cơ tuabin dòng thẳng D-27 treo dưới cánh. A-42 là máy bay tuần thám biển và tìm kiếm, cứu nạn có khối lượng cất cánh trên 90 tấn, tầm bay 9.300 km, radar mảng pha chủ động, ngư lôi chống ngầm Orlan.

Đối với Trung Quốc, nước này cũng đưa ra mẫu máy bay tuần thám biển có người lái thế hệ mới Y-8GX6, có khả năng hoạt động cả ngày và đêm trong mọi điều kiện thời tiết, tầm hoạt động 5.620 km, thời gian bay trinh sát liên tục trên 10 giờ. Y-8GX6 được trang bị radar sục sạo phía mũi, thiết bị trinh sát quang điện tử dưới thân, thiết bị phát hiện tàu ngầm lắp ở phần đuôi và có thể được lắp đặt phao thủy âm SQ-4, SQ-5 cũng như tên lửa chống tàu YJ-83K. Cùng với đó, Trung Quốc cũng là nước đầu tư rất nhiều nguồn lực để phát triển máy bay tuần thám biển không người lái. Điển hình là máy bay không người lái BZK-005 có thời gian bay dài, ở độ cao trung bình. Trung Quốc đã giới thiệu phiên bản xuất khẩu BZK-005E vào cuối năm 2018. Ngoài ra, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc đang phát triển một phiên bản máy bay không người lái mới là CH-4, sử dụng động cơ nhiên liệu nặng, cho phép thời gian bay tuần thám dài hơn và giảm bớt yêu cầu về duy tu, bảo dưỡng.

Trong tương lai, máy bay tuần thám biển sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn khi yêu cầu bảo vệ chủ quyền, an ninh biển tăng lên. Do đó, các quốc gia có biển trong khu vực sẽ tích cực đầu tư nghiên cứu, phát triển hoặc mua sắm những máy bay tuần thám biển thế hệ mới để tăng cường khả năng trinh sát và tác chiến trên biển của mình. Điều đó cũng dấy lên lo ngại của cộng đồng quốc tế về cuộc chạy đua vũ trang trên biển trong thế kỷ XXI - “Thế kỷ của biển và đại dương”, làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột tại những vùng biển đang có tranh chấp.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN - Trung tá NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...