Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 22/04/2022, 07:34 (GMT+7)
Xu hướng phát triển máy bay chiến đấu không người lái của một số nước trên thế giới

Những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của máy bay chiến đấu không người lái, với nhiều chủng loại, đa năng và được sử dụng hiệu quả trong các chiến dịch quân sự. Đây là sự phát triển mang tính bước ngoặt, làm thay đổi đặc trưng của chiến tranh cả trên bình diện chiến lược quân sự, học thuyết tác chiến và hoạt động chiến đấu.

Tăng cường trang bị và sử dụng trong tác chiến

Máy bay chiến đấu không người lái là loại phương tiện chiến đấu ngày càng phổ biến trong trang bị của nhiều quốc gia, nhất là quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự. Số lượng và quy mô sử dụng phương tiện này tăng lên chủ yếu xuất phát từ khả năng thay thế máy bay chiến đấu có người lái trong hàng loạt nhiệm vụ chiến đấu và bảo đảm chiến đấu, giảm tổn thất về phi công, cũng như chi phí chế tạo khai thác sử dụng. Đồng thời, nó có tín hiệu phản xạ sóng radar thấp, bán kính hoạt động chiến đấu lớn, khả năng cơ động cao, tốc độ bay cận âm, cấu trúc module, mang các tải hữu ích lớn và thuận lợi trong cải tiến và hiện đại hóa.

Hiện nay, trên thế giới có tổng cộng 56 loại máy bay chiến đấu không người lái đang được sử dụng trong quân đội của hơn 90 quốc gia, trong đó có 11 quốc gia đã sử dụng chúng trong thực chiến. Mỹ được cho là nhà sản xuất máy bay chiến đấu không người lái lớn nhất thế giới. Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, nước này đã sử dụng liên tục máy bay chiến đấu không người lái MQ-1 Predator để không kích các mục tiêu trên các chiến trường ở Afghanistan, Iraq, Syria. Hiện tại, MQ-1 Predator đã được Không quân Mỹ thay thế toàn bộ bằng máy bay chiến đấu không người lái MQ-9 Reaper. Đặc điểm thiết kế nổi bật của MQ-9 Reaper là hệ thống điện tử hàng không hiện đại, vũ khí mới và cấu trúc mở đáp ứng những cải tiến tương lai. Không quân Mỹ đã sử dụng MQ-9 Reaper để không kích trong các hoạt động tác chiến trên phạm vi toàn cầu hơn một thập kỷ qua. Mỹ chỉ xuất khẩu máy bay chiến đấu không người lái cho các thành viên NATO, nhưng đồng ý bán cho Ấn Độ năm 2018, đây là quốc gia ngoài NATO đầu tiên được tiếp cận máy bay chiến đấu không người lái của Mỹ.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Israel là nhà xuất khẩu máy bay chiến đấu không người lái lớn nhất thế giới, chiếm 44% số lượng xuất khẩu trên toàn cầu. Trong đó, máy bay chiến đấu không người lái Heron của Tập đoàn công nghiệp hàng không Israel nổi tiếng thế giới về khả năng trinh sát và tấn công sử dụng vũ khí điều khiển chính xác, được thiết kế để cạnh tranh với MQ-9 Reaper của Mỹ. Cùng với xu thế trên, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu máy bay chiến đấu không người lái ngày càng nhiều hơn. Điều đó được biểu hiện vào năm 2015, khi Pakistan, Iraq, Nigeria đã tiến hành các phi vụ không kích bằng máy bay chiến đấu không người lái do Trung Quốc sản xuất hoặc hợp tác phát triển.

Phân tích kết quả sử dụng máy bay chiến đấu không người lái trong các cuộc xung đột quân sự cuối Thế kỷ XX và đầu Thế kỷ XXI có thể thấy, sự hiệu quả của chúng khi thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu. Những năm gần đây, tần suất hoạt động của máy bay chiến đấu không người lái trong các chiến dịch của Không quân Mỹ tăng lên nhiều lần. Cụ thể, trong thời gian triển khai của Không quân Mỹ ở Afghanistan (2011 - 2016) tỷ lệ sử dụng các phương tiện sát thương đường không do máy bay chiến đấu không người lái thực hiện tăng từ 05% lên 61%, còn trong chiến dịch của Không quân Mỹ và đồng minh chống lực lượng tổ chức Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq (2014 - 2016), MQ-1 Predator đã sử dụng gần 3.400 đơn vị vũ khí công nghệ cao để tấn công khoảng 1.800 mục tiêu.

Phương thức tấn công quân sự mới bằng máy bay chiến đấu không người lái qua các cuộc xung đột quân sự ở Syria, Libya và Nagorno - Karabakh đã chứng minh mức độ nguy hiểm và khốc liệt của nó. Đặc biệt, việc Azerbaijan sử dụng thành công máy bay chiến đấu không người lái ở quy mô lớn trong cuộc xung đột với Armenia ở vùng Nagorno - Karabakh năm 2020 là bài học cho nhiều quốc gia. Tại cuộc xung đột quân sự kéo dài 44 ngày này, Azerbaijan đã huy động một lượng lớn máy bay chiến đấu không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sản xuất không chỉ để trinh sát và tấn công các mục tiêu của Armenia mà còn thống trị chiến trường. Như vậy, trên thực tế, thông qua các cuộc xung đột quân sự quy mô lớn trên thế giới vừa qua, nhiều quốc gia đã hoàn thiện các phương thức tác chiến cho máy bay chiến đấu không người lái với nhiều kinh nghiệm phong phú, đa dạng.

Phát triển máy bay chiến đấu không người lái thế hệ mới

Hiện nay, các cường quốc quân sự đang tiến hành hàng loạt chương trình phát triển máy bay chiến đấu không người lái thế hệ mới, hướng tới mục tiêu tăng tầm hoạt động, có khả năng tàng hình, sử dụng được nhiều loại vũ khí và bay chiến đấu cùng với máy bay có người lái. Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đã phát triển thành công máy bay chiến đấu không người lái thế hệ mới có kích thước và khả năng mang tải tương đương với máy bay tiêm kích có người lái. Hiện tại, các nước này đang thử nghiệm khả năng tàng hình, bay độc lập ở chế độ tự hoạt và cấp độ sử dụng các loại tên lửa không đối đất và bom điều khiển chính xác nhằm đột phá hệ thống phòng không tầm xa của đối phương.

Không quân Mỹ dự kiến sẽ trang bị máy bay chiến đấu không người lái thế hệ mới với khả năng tàng hình, bay tầm xa, tốc độ cận âm và sử dụng đa dạng các loại vũ khí tấn công mặt đất. Chúng có thể thực hiện các nhiệm vụ tình báo, trinh sát, giám sát mục tiêu, tác chiến điện tử và oanh kích chính xác mục tiêu với chi phí thấp. Đồng thời, có thể hoạt động độc lập hoặc nằm trong phi đội bay chiến đấu dưới sự chỉ huy, điều hành của một máy bay chiến đấu có người lái. Hơn thế, Không quân Mỹ đang nghiên cứu, phát triển một hệ thống chỉ huy chiến đấu tự động, lắp trên máy bay không người lái, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và phần cứng module, thuận lợi trong công tác bảo đảm kỹ thuật, cải tiến, nâng cấp và hiện đại hóa. Đây là kế hoạch trang bị đầy tham vọng của Lầu Năm Góc, có thể thay đổi hoàn toàn khái niệm tác chiến của Không quân Mỹ trong tương lai.

Một trong các dự án đó là XQ-58A Valkyrie - máy bay chiến đấu không người lái thế hệ mới của Không quân Mỹ, với chi phí mua sắm và vận hành thấp, nhưng mang tới khả năng thay đổi cục diện chiến trường. Tầm bay xa và tính năng tàng hình cho phép XQ-58A Valkyrie có thể đột nhập hệ thống phòng không của đối phương, vượt qua khu vực chống tiếp cận - chống xâm nhập (A2/AD) trên không gian lớn. Thậm chí nó có thể tiến hành những nhiệm vụ khó khăn mà các máy bay chiến đấu có người lái cần phải có một đội hình chiến thuật phức tạp hơn và cần máy bay tiếp dầu trên không, điều đó làm cho chúng rất dễ bị tiêu diệt bởi hệ thống phòng không tầm xa của đối phương. Ngoài ra, XQ-58A Valkyrie còn được lắp đặt các thiết bị tác chiến điện tử, tình báo, trinh sát và giám sát mục tiêu tiên tiến.

Đối với Nga, mục tiêu phát triển máy bay chiến đấu không người lái thế hệ mới là khả năng tàng hình, mang tải vũ khí lớn hơn, tốc độ bay siêu cận âm và bay tác chiến cùng với máy bay tiêm kích thế hệ 5 Su-57. Bộ Quốc phòng Nga gần đây công bố máy bay chiến đấu không người lái Okhotnik đã thực hiện các chuyến bay cùng với máy bay tiêm kích tàng hình Su-57. Okhotnik bay ở chế độ tự động hoàn toàn, đi vào khu vực tác chiến trên không để mở rộng vùng phủ radar cho máy bay tiêm kích tàng hình Su-57 và chỉ thị mục tiêu không kích. Okhotnik có nghĩa “Thợ săn”, là máy bay chiến đấu không người lái kiểu cánh bay hay theo thuật ngữ của người Nga là “Tổ hợp máy bay không người lái trinh sát chiến đấu”. Okhotnik được trang bị nhiều loại vũ khí để tấn công mục tiêu trên mặt đất, đồng thời có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tác chiến điện tử.

Okhotnik có thể được một phi công điều khiển từ xa khi tác chiến cùng máy bay tiêm kích hoặc “hoàn toàn được robot hóa” để bay tự động, nghĩa là thay vì người điều khiển từ xa nó sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo trên máy bay để phản ứng linh hoạt với các tình huống thay đổi và thực hiện nhiệm vụ được lập trình sẵn. Như vậy, Okhotnik sẽ giải quyết được vấn đề có thể bị gây nhiễu hoặc bị tin tặc tấn công khi liên kết với người điều khiển ở một cự ly xa. Nga đã mong muốn trong thời gian dài có được một kiểu máy bay chiến đấu không người lái tàng hình có sức mạnh như Okhotnik và giờ đây họ đã gửi đi thông điệp cho các nhà quan sát cả trong và ngoài nước rằng Moscow có khả năng tung ra một loạt các cuộc tấn công đột phá phòng ngự, tàng hình ở cấp độ cao bằng máy bay chiến đấu không người lái thế hệ mới.

Chương trình phát triển máy bay chiến đấu không người lái tàng hình thế hệ mới của Trung Quốc do Tập đoàn công nghiệp máy bay Hồng Du tiến hành, với sản phẩm là Sharp Sword (Kiếm sắc), với khả năng tàng hình và tải mang vũ khí lớn hơn so với các loại máy bay không người lái trước đây. Sharp Sword sử dụng động cơ tuabin phản lực WS-13 không đốt sau với một cửa hút khí thiết kế uốn lượn để che dấu tín hiệu và áp dụng cấu hình cánh delta - chiều dài của sải cánh xấp xỉ từ 10 m đến 14 m, tương đương với mẫu biểu diễn công nghệ máy bay không người lái X-47B của Hãng Northrop Grumman phát triển cho Hải quân Mỹ. Sharp Sword có 02 khoang chứa bom bên trong với khả năng mang tải 02 tấn vũ khí. Trung Quốc đã trao giải thưởng vì sự tiến bộ khoa học và công nghệ quốc gia cho các nhà phát triển Sharp Sword. Hiện tại, Sharp Sword đã ở giai đoạn chín muồi và đang được thử nghiệm, đánh giá khả năng tác chiến trong Quân đội Trung Quốc.

Israel cũng đang phát triển các máy bay chiến đấu không người lái thế hệ mới mà điển hình là HermesTM 900, nhằm giải quyết bài toán tích hợp khả năng trinh sát và tấn công chính xác, nhưng chưa đầu tư về khả năng tàng hình. Vì vậy, HermesTM 900 có thời gian bay dài hơn, khả năng đa nhiệm, thực hiện đồng thời các chức năng tình báo, trinh sát, giám sát, chỉ thị và tấn công mục tiêu. Khoang vũ khí bố trí ở bên trong máy bay, bên cạnh đó còn có lựa chọn treo vũ khí dưới cánh.

Như vậy, từ thực tiễn phát triển của các nước nêu trên cho thấy, kỷ nguyên của máy bay chiến đấu không người lái trong chiến tranh hiện đại đã xuất hiện. Sự phát triển vượt bậc này đánh dấu thành công việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật,… trong lĩnh vực quân sự, mở ra đột phát mới trong phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự nói chung, máy bay chiến đấu không người lái nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, các nhà quan sát cho rằng, đây có thể là “cú hích” làm dấy lên cuộc chạy đua vũ trang mới trong lĩnh vực tác chiến đường không trong tương lai, tác động tới an ninh của từng khu vực và toàn cầu, gây quan ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Tổng cục Kỹ thuật

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...