Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 27/03/2017, 08:31 (GMT+7)
Xu hướng phát triển hoạt động tác chiến mạng của quân đội một số nước

Những thập kỷ gần đây, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ thông tin quân sự nên tác chiến mạng được quân đội nhiều nước coi trọng và có xu hướng trở thành một phương thức tác chiến cơ bản. Đây là dạng tác chiến mới, trong môi trường ảo, nhưng lại liên quan và tác động trực tiếp đến các trung tâm lãnh đạo, chỉ huy, điều hành chiến tranh của từng bên.

Tác chiến mạng, thực chất là các hoạt động nhằm phá vỡ tổ chức thông tin, ngăn cản truy cập và cung cấp dữ liệu, làm suy giảm khả năng và phá hủy tài liệu lưu trữ trong hệ thống máy tính của đối phương; đồng thời, bảo vệ mình. Với những chức năng đó, tác chiến mạng đã, đang được quân đội các nước hết sức coi trọng, đầu tư phát triển. Tuy nhiên, tùy vào mục tiêu chính trị, quân sự, trình độ kinh tế, khoa học - công nghệ,… quân đội mỗi nước có cách thức phát triển riêng, song nổi lên một số xu hướng chính sau:

1. Hoạch định chiến lược, xây dựng học thuyết tác chiến mạng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quân sự quốc gia. Theo giới hoạch định chiến lược quân sự của Mỹ, hiện nay, trang bị kỹ thuật của quân đội các nước trên thế giới ngày càng phổ biến là số hóa, tự động hóa. Do vậy, tác chiến mạng có tác động rất lớn trên các chiến trường: không, bộ, biển, vũ trụ, trường điện từ;... thậm chí, quyết định tới sự thành bại của chiến tranh. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện tại có khoảng 140 quốc gia đã tổ chức lực lượng tác chiến mạng trong quân đội, với quy mô, hình thức khác nhau. Bởi vậy, để giành ưu thế về quân sự trước đối phương, Mỹ chủ trương xây dựng quân đội có năng lực tác chiến mạng mạnh hàng đầu thế giới và xác định đó là trọng tâm chiến lược quân sự của Oa-sinh-tơn. Từ ý tưởng đó, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Quốc phòng Mỹ đã xây dựng và công bố nhiều văn kiện chiến lược về tác chiến mạng, như: “Chiến lược quốc gia bảo vệ không gian mạng”, “Chiến lược quốc tế không gian mạng”, “Chiến lược hành động không gian mạng của Bộ Quốc phòng”, “Điều lệnh tác chiến mạng”,… tạo cơ sở lý luận và pháp lý để Lầu Năm Góc tổ chức, tiến hành hoạt động tác chiến mạng. Cùng với đó, Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến mạng trong thành phần Bộ Tư lệnh chiến lược, làm cơ quan chuyên trách, có nhiệm vụ quản lý, điều hành tác chiến mạng của quốc gia. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch tương tác mạng quân sự và dân sự, hợp tác quốc tế, nhằm thúc đẩy sự phát triển thống nhất về tác chiến không gian mạng ở cấp độ quốc gia. Mới đây, Mỹ đã công bố “Sáng kiến nghiên cứu phát triển dữ liệu quốc gia”, “Chiến lược điện toán đám mây của Bộ Quốc phòng” - nền tảng cho sự phối hợp, kết hợp về không gian mạng giữa các cơ quan, đơn vị quân sự và dân sự, góp phần nâng cao năng lực tác chiến mạng cho quân đội.

Đối với Trung Quốc, để thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng quân đội thông tin hóa vào giữa thế kỷ XXI và sẵn sàng đánh thắng cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông tin hóa, những năm gần đây, Trung Quốc rất coi trọng nghiên cứu và đầu tư xây dựng lực lượng tác chiến mạng mang đặc trưng riêng. Theo đó, Bắc Kinh tập trung phát triển lực lượng này có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đủ năng lực làm chủ trong môi trường tác chiến mạng; đồng thời, xây dựng cơ chế, kế hoạch phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan liên quan đến an ninh không gian mạng với các lực lượng khác, nhằm nâng cao hiệu quả tác chiến mạng ngay trong thời bình và khi có chiến tranh. Mặt khác, Trung Quốc còn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các đối tượng về vị trí, vai trò của tác chiến mạng. Cùng với đó, cải tiến công tác chỉ huy, quản lý, điều hành tác chiến; hiện đại hóa vũ khí, trang bị, thiết bị thông tin cho các đơn vị, nhất là đối với lực lượng chuyên trách, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, cùng sự răn đe các đối tượng bên ngoài.

2. Tổ chức lực lượng, phát triển công nghệ, trang bị kỹ thuật hiện đại cho tác chiến mạng. Trong tổ chức lực lượng, các nước coi trọng thành lập những đơn vị tác chiến mạng chuyên trách, có quy mô phù hợp, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của quốc gia. Hiện nay, đã có nhiều nước thành lập các trung tâm, đơn vị chuyên trách quy mô cấp sư đoàn, trung đoàn, do bộ Quốc phòng quản lý; có nhiệm vụ đảm bảo an ninh mạng cho quân đội và quốc gia. Đây là lực lượng chủ lực trong tác chiến mạng cả thời bình cũng như khi có chiến tranh xảy ra. Ngoài ra, ở các đơn vị cấp binh chủng, quân đoàn, quân chủng, quân khu, lực lượng vũ trang địa phương và lực lượng bán vũ trang ở một số nước cũng thành lập đơn vị chuyên trách tác chiến mạng, hoạt động thống nhất dưới sự quản lý, điều hành chung của bộ Quốc phòng - hệ thống tác chiến mạng của quân đội và quốc gia. Ví như Quân đội Mỹ, đã thành lập 30 đội đặc nhiệm tác chiến mạng, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của Lầu Năm Góc và những đơn vị trọng yếu. Đây cũng là lực lượng tác chiến mạng chủ lực của Quân đội Mỹ thực hiện tác chiến toàn cầu. Cùng với lực lượng này, ở các quân chủng: Hải quân, Lục quân, Không quân, Vũ trụ và các hạm đội,… cũng thành lập các đơn vị chuyên trách, tạo thành lực lượng tác chiến mạng liên hợp, nhất thể hóa.

Quân đội Nga cũng đẩy mạnh việc tổ chức ra lực lượng đặc nhiệm tác chiến mạng, trực thuộc Trung tâm tác chiến của Bộ Tổng tham mưu, gồm hàng nghìn chuyên gia, kỹ thuật viên có trình độ cao về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, v.v. Ngoài ra, một số cục chức năng của Quân đội Nga cũng đảm nhiệm các nhiệm vụ tấn công điện tử hoặc tình báo tín hiệu (SIGINT). Tại các quân đoàn, quân chủng, quân khu, Bộ Quốc phòng Nga cũng thành lập các đơn vị chuyên trách để tiến hành chiến tranh thông tin, trong đó có nhiệm vụ tác chiến mạng khi cần thiết. Đặc biệt, mới đây, Bộ Quốc phòng Nga đã xây dựng dự án “Tác chiến điện tử mạng tích hợp” nhằm nâng cao khả năng điều hành tác chiến mạng và các hoạt động tác chiến có liên quan, trên cơ sở sử dụng kết hợp phương tiện tác chiến mạng với vũ khí tác chiến điện tử.

Bên cạnh việc tổ chức lực lượng, thì phát triển công nghệ, trang bị kỹ thuật tác chiến mạng là nội dung quan trọng, được các nước đặc biệt quan tâm. Một số nước có trình độ khoa học - công nghệ cao, như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức,… chú trọng nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nâng cao khả năng phòng hộ cho mạng máy tính trong hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin, tình báo, trinh sát (C3I, C4I, C4ISR), hệ thống chỉ huy hỏa lực của quân đội. Trong đó, giải pháp phổ biến được nhiều nước sử dụng hiện nay là xây dựng các hệ thống bảo mật - “tường lửa” hiện đại, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập, phá hoại của những “chiến binh công nghệ”; đồng thời, chú trọng cải tiến nâng cấp hệ thống trinh sát tác chiến điện tử trang bị trên máy bay, tàu chiến, xe bọc thép, xe bộ binh chiến đấu, tổ hợp vũ khí, v.v. Cùng với đó, tập trung nghiên cứu phát triển các “phần mềm đa dạng”, “chíp gián điệp”,… với tốc độ cao, khả năng thích ứng tốt, để xâm nhập, đánh cắp, phá hoại, làm sai lệch, vô hiệu hóa hệ thống dữ liệu trong máy tính, hệ thống mạng của đối phương. Một số nước còn nghiên cứu phát triển vũ khí phi sát thương, như: âm thanh, sóng điện từ, sóng vi-ba, la-de, v.v. Loại vũ khí này có thể sử dụng độc lập hoặc gắn trên bom, tên lửa. Khi được phóng đi, nó sẽ phát ra sóng âm, xung điện từ cực mạnh, phá hủy hệ thống điện tử, hệ thống máy tính, mạng của đối phương. Hiện nay, một số nước có nền khoa học - công nghệ tiên tiến còn chú trọng phát triển hệ thống tác chiến mạng thế hệ mới theo nguyên lý kết hợp giữa trinh sát mạng điện tử tự động và đối kháng điện tử, có khả năng liên kết tất cả các trạm trinh sát, tác chiến điện tử độc lập thành một hệ thống thống nhất để nâng cao năng lực tác chiến mạng trên chiến trường.

3. Nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, phát triển nghệ thuật tác chiến trong không gian mạng. Để xây dựng lực lượng có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu tác chiến mạng, nhiều nước đề ra chính sách ưu tiên cho quân đội tuyển dụng số học viên, sinh viên có thành tích học tập và thi tuyển xuất sắc chuyên ngành tin học, ngoại ngữ ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Đồng thời, coi trọng tuyển dụng các chuyên gia có trình độ cao về công nghệ thông tin, các lập trình viên cao cấp, nhất là ở các trung tâm tin học, thông tin, truyền thông,… vào quân đội. Lực lượng này được sử dụng làm công tác quản lý, chỉ huy và bổ sung vào đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị tác chiến mạng. Để nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, đào tạo, một số nước thành lập các đơn vị “quân xanh” làm lực lượng đối kháng mạng và tổ chức tốt việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ chuyên gia, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực tác chiến quan trọng này. Quân đội nhiều nước còn tổ chức diễn tập tác chiến mạng trong đội hình binh chủng hợp thành. Ngoài ra, trong chương trình hợp tác quốc phòng, quân đội nhiều nước tổ chức các cuộc diễn tập tác chiến mạng liên quân trong các tình huống xung đột.

Trên cơ sở thấy rõ vai trò của tác chiến mạng, quân đội các nước tập trung nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến mạng theo các hình thức: tiến công, phòng thủ. Trong tiến công, tập trung nghiên cứu nghệ thuật kết hợp trinh sát - phát hiện mục tiêu với tiến công các mạng số hóa chiến trường; “phá khóa” bảo mật, vượt “tường lửa”, lập trình “phần mềm gián điệp”,… để xâm nhập, thu thập, phá hủy kho dữ liệu trong máy tính, hệ thống mạng của đối phương. Trong tác chiến phòng thủ, chú trọng nghiên cứu nghệ thuật và phương pháp đảm bảo an ninh mạng quân sự, quốc gia trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Cùng với đó, nghiên cứu nắm chắc năng lực và trình độ tác chiến nói chung, tác chiến mạng nói riêng của các đối tượng để có giải pháp phòng hộ, đối kháng mạng thích hợp.

Tác chiến mạng hiện đại là dạng tác chiến mới trong môi trường “ảo”, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian và phạm vi địa lý; tập trung vào những mục tiêu trọng yếu là “cơ quan đầu não”, lãnh đạo, chỉ huy, điều hành đất nước, quân đội của đối phương. Hiện nay, loại hình tác chiến này giữ vai trò quan trọng và có xu hướng phát triển thành loại hình tác chiến cơ bản trong chiến tranh tương lai.

ĐỨC MINH

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...