Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Tư, 22/02/2012, 09:02 (GMT+7)
Xu hướng phát triển của tác chiến không gian điều khiển
Những thập kỷ gần đây, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới, cốt lõi là tin học và công nghệ thông tin, không gian điều khiển có vai trò ngày càng quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó có lĩnh vực quân sự. Theo đó, tác chiến không gian điều khiển trở thành phương thức tác chiến mới được quân đội nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm.

alt
Một  hệ thống tác chiến điện tử. (nguồn: Internet)

Theo chuyên gia quân sự của nhiều nước, ngày nay, trong lĩnh vực quân sự, hệ thống mạng máy tính được sử dụng ngày càng phổ biến, là hạt nhân, trung khu thần kinh của quân đội hiện đại; trong đó, các mạng xen-xơ, mạng chỉ huy điều khiển, mạng tổ hợp vũ khí..., là các thành phần chính của hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin, tình báo, trinh sát (C3I, C4I, C4ISR), điều khiển hỏa lực. Khi mạng máy tính bị tiến công, bị phá hủy, toàn bộ mọi hoạt động và sức chiến đấu của quân đội sẽ bị giảm đi nhanh chóng; thậm chí hoàn toàn bị tê liệt đối với quân đội của các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào mạng. Thực tế các cuộc chiến tranh cục bộ gần đây cho thấy, hệ thống mạng máy tính đã trở thành mục tiêu tiến công trọng điểm của các bên tham chiến trong chiến tranh thông tin; trong đó, tác chiến không gian điều khiển (KGĐK) là một bộ phận quan trọng. Quân đội quốc gia nào có ưu thế về tác chiến mạng máy tính, sử dụng vi-rút máy tính và các hac-ker để thực hiện tiến công vào hệ thống thông tin, hệ thống mạng chỉ huy của đối phương sẽ giành được ưu thế trên chiến trường. Điều đó làm cho phương thức tác chiến truyền thống trước đây lấy vũ khí “cứng” làm trung tâm đang có xu hướng chuyển sang tác chiến lấy vũ khí “mềm” là mạng làm trung tâm. Chiến tranh tương lai có sự thay đổi về chất, cả về học thuyết, tư duy chiến tranh, phương thức tiến hành chiến tranh cũng như trong xây dựng lực lượng quân đội.

Tác chiến KGĐK gồm 3 dạng thức cơ bản là tiến công, phòng thủ và khai thác. Trong tiến công, tác chiến KGĐK thực hiện phá vỡ các tổ chức thông tin chỉ huy điều khiển, ngăn cản truy cập, phá huỷ thông tin lưu trong máy tính và các mạng máy tính của đối phương. Trong phòng thủ và khai thác, tác chiến KGĐK thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát huy uy lực của mạng thông tin cho quân đội nhà. Ưu điểm của tác chiến KGĐK là chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống thông tin, chỉ huy tác chiến,… của đối phương sẽ bị tê liệt, dẫn đến rối loạn về chỉ huy, hiệp đồng và mất phương hướng tác chiến. Mặt khác, trong tác chiến KGĐK, mọi hoạt động tác chiến của quân đội nhà sẽ được điều hành linh hoạt, phương thức kín đáo, uy lực, thủ đoạn tác chiến đa dạng, hiệu quả cao.

Là nước đi tiên phong trong tác chiến mạng (cả về xây dựng các học thuyết và xây dựng lực lượng), Mỹ xác định KGĐK là một trong năm phạm vi tác chiến chủ yếu của Quân đội trong thế kỷ XXI (trên bộ, trên biển, trên không, trong vũ trụ và KGĐK). Ngày 23-6-2009, Bộ Quốc phòng (BQP) Mỹ đã công bố Chỉ thị thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến KGĐK (CYBERCOM) trực thuộc Bộ Tư lệnh Chiến lược (STRATCOM). CYBERCOM là cơ quan chuyên trách quản lý, bảo vệ và hạn chế những rủi ro của KGĐK, thông qua các nỗ lực, như: huấn luyện, liên kết, bảo đảm thông tin, cảnh báo, tạo dựng những môi trường mạng an ninh bền vững,… CYBERCOM liên kết, phối hợp chặt chẽ với các bộ tư lệnh chiến đấu, các quân chủng, cơ quan, cộng đồng để nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ tác chiến KGĐK ở những khu vực trọng yếu, chiến lược. Mặt khác, CYBERCOM có trách nhiệm bảo đảm sự hợp nhất những cơ quan chỉ huy, điều khiển của các quân binh chủng, như: Bộ Tư lệnh Điều khiển học Lục quân Mỹ, Bộ Tư lệnh Điều khiển học Hạm đội/Hạm đội số 10, Không đoàn số 24, Bộ Tư lệnh Điều khiển học Hải quân đánh bộ Mỹ, Bộ Tư lệnh Điều khiển học lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ.

Tiếp đó, ngày 14-7-2011, BQP Mỹ đã công bố Chiến lược hoạt động KGĐK. Đây là chiến lược hoàn chỉnh đầu tiên của BQP Mỹ về KGĐK với các sáng kiến chiến lược, nhằm thống nhất, định hướng hoạt động cũng như công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức dân sự, quân sự Mỹ để bảo đảm an ninh KGĐK và hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực này. Theo đó, Mỹ coi KGĐK là môi trường tác chiến có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến tranh tương lai; qua đó, Mỹ có thể phát huy lợi thế, uy lực tác chiến KGĐK của mình để giành thắng lợi. BQP Mỹ sẽ áp dụng những khái niệm hoạt động phòng thủ mới để bảo vệ các mạng và hệ thống tin từ cấp chiến lược đến cấp chiến đấu của Quân đội; tăng cường phối hợp với các bộ, cơ quan trong Chính phủ Mỹ và các tập đoàn công nghiệp quốc phòng tư nhân để triển khai chiến lược an ninh điều khiển học của Chính phủ. Đồng thời, BQP Mỹ chú trọng xây dựng và duy trì mối quan hệ năng động với các đồng minh và đối tác quốc tế để củng cố an ninh điều khiển học tập thể. BQP Mỹ sẽ tiếp tục hoàn thiện về học thuyết, tổ chức và xây dựng lực lượng tác chiến KGĐK, nhất là huy động lực lượng lao động điều khiển học giỏi và sự đổi mới công nghệ nhanh của Mỹ.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng quân đội thông tin hóa vào giữa thế kỷ XXI và đánh thắng cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông tin hóa, Quân đội Trung Quốc đã đẩy mạnh nghiên cứu và đầu tư xây dựng lực lượng tác chiến KGĐK mang đặc trưng riêng của Trung Quốc. Theo kế hoạch đào tạo, tuyển mộ nhân tài giai đoạn 2010 - 2020, Quân đội Trung Quốc sẽ đào tạo, tuyển dụng nhân viên có tay nghề cao để sử dụng các loại vũ khí tiên tiến, tiến hành tác chiến KGĐK và thực hiện nhiệm vụ an ninh phi truyền thống. Các nhân viên của lực lượng tác chiến mạng chủ yếu sẽ được tuyển từ các học viện, nhà trường của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA); một số khác được tuyển dụng ở các trường dân sự và trong số sinh viên du học ở nước ngoài. PLA đã thành lập trung tâm chiến tranh mạng trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, nhằm tăng cường, bảo đảm an ninh mạng cho Quân đội trong thời bình và khi có chiến tranh xảy ra. Đặc biệt, ngày 25-5-2011, PLA đã tuyên bố thành lập lực lượng đặc nhiệm mạng, gồm 30 chuyên gia có trình độ cao về công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Ngoài ra, một số cục chức năng của PLA cũng chịu trách nhiệm tiến công điện tử hoặc thực hiện nhiệm vụ tình báo tín hiệu (SIGINT). Theo các nhà phân tích phương Tây, đội ngũ nhân viên trong các cục này của Trung Quốc có đến hơn 100.000 người, gồm: các nhà ngôn ngữ học, các kỹ thuật viên chuyên thu thập tình báo và khai thác nhiệm vụ dựa trên máy tính. Tại các quân khu, PLA đã thành lập các đơn vị dân quân, có chức năng tiến hành chiến tranh thông tin, trong đó có nhiệm vụ tác chiến mạng. PLA đã phát triển chiến lược "Tác chiến điện tử mạng tích hợp" chỉ đạo tác chiến mạng máy tính và các hoạt động tác chiến có liên quan, trên cơ sở sử dụng kết hợp các phương tiện tác chiến mạng với các vũ khí tác chiến điện tử, nhằm chống lại hệ thống thông tin của đối phương trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

Chiến lược chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin của Trung Quốc là sự kế tục và phát triển học thuyết đánh thắng cuộc chiến tranh cục bộ của PLA trong điều kiện thông tin hóa, nhằm phát triển một cấu trúc mạng hiện đại, có khả năng điều phối thống nhất các hoạt động quân sự trên mặt đất, trên không, trên biển, trong vũ trụ và trong KGĐK. Điều đó giúp cho PLA từ một quân đội dựa vào quân số đông của học thuyết chiến tranh nhân dân thời Mao Trạch Đông đang dịch chuyển sang lực lượng cơ giới hóa, được liên kết bởi các công nghệ C4ISR tiên tiến.

Đầu năm 2010, BQP Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm Tác chiến Điều khiển học. Trong chương trình, kế hoạch đến năm 2012, Quân đội nước này cũng sẽ thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến mạng độc lập để đối phó với mối đe dọa tấn công các mạng máy tính quốc phòng của họ đang có xu hướng ngày một tăng từ bên ngoài. Quân đội Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng đã thành lập Cục 121 (lực lượng tác chiến mạng), với khoảng 3.000 nhân viên, có nhiệm vụ tác chiến KGĐK.

Theo báo cáo quốc phòng của nhiều nước, tính đến cuối năm 2008, trên thế giới đã có hơn 140 quốc gia có các chương trình phát triển lực lượng và vũ khí KGĐK ở những quy mô khác nhau. Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức do hậu quả của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu gây ra, để xây dựng lực lượng tác chiến KGĐK với công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu mới, quân đội của nhiều nước đã chọn giải pháp tập trung đầu tư vào một số nội dung trọng tâm, trọng điểm sau:

Thứ nhất, xác định rõ những vấn đề cần tập trung ưu tiên trong phát triển KGĐK, bảo đảm khả năng làm chủ trong các môi trường tác chiến; đồng thời, ngăn chặn làm giảm khả năng tác chiến của đối phương, giành ưu thế chiến lược quân sự trong KGĐK.

Thứ hai, cần tạo sự đồng thuận, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan liên quan đến an ninh không gian mạng (như: công nghệ thông tin, an ninh quốc gia...) để không ngừng nâng cao hiệu quả của lực lượng chuyên trách tác chiến KGĐK và an ninh mạng thông tin điện tử.

Thứ ba, thay đổi tư duy quân sự cho đội ngũ sĩ quan, tạo sự thống nhất về cơ cấu, tổ chức, công tác chỉ huy, điều hành tác chiến, quản lý hành chính đối với các đơn vị tác chiến KGĐK. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp hiệu quả cho lĩnh vực KGĐK, nhất là phương thức triển khai, duy trì, chỉ huy và kiểm soát các hoạt động trong lĩnh vực này.

Thứ tư, cùng với xây dựng các lực lượng mạng thông tin điện tử, cần xác định chiến lược, chính sách, nhiệm vụ tác chiến KGĐK cho các đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quân đội, sự phát triển của chiến tranh.

Thứ năm, xây dựng kế hoạch cụ thể việc phối hợp tác chiến giữa lực lượng tác chiến KGĐK với các lực lượng khác trong thời bình cũng như khi có chiến tranh.

Tác chiến KGĐK là phương thức tác chiến mới. Các quốc gia trên thế giới đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện học thuyết làm cơ sở  để xây dựng lực lượng chuyên trách, phát triển vũ khí, trang bị đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ. Tuy nhiên, đây là một phương thức tác chiến phi đối xứng hiệu quả cao và sẽ là dạng tác chiến chủ yếu trong tương lai. Vì vậy, đối với một quốc gia dù tiềm lực quân sự chưa mạnh, nhưng có lực lượng tác chiến KGĐK giỏi, hoàn toàn có thể đối phó thắng lợi với đối tượng có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn nhiều lần.

Đại tá LÊ XUÂN KHANH

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...