Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 18/05/2017, 08:20 (GMT+7)
Xu hướng hiện đại hóa vũ khí, trang bị của Lục quân Mỹ

Gần đây, trước những biến chuyển nhanh của tình hình thế giới, cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ quân sự, học thuyết quân sự của một số nước theo đó có sự thay đổi. Đối với Mỹ, trọng tâm chiến lược là tăng cường hiện đại hóa lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Lục quân. Đây là chương trình cải cách có tính toàn diện, chi phí lớn, dư luận quốc tế hết sức quan ngại.

Từ mục tiêu chiến lược, những năm qua, Lục quân Mỹ đã tiến hành một cuộc cải cách lớn, với mô hình tổ chức được xây dựng thông qua chương trình mô-đun hóa lục quân, hướng tới thành lập “Đơn vị chiến đấu hoàn chỉnh cấp lữ đoàn” và tương ứng là chương trình hiện đại hóa vũ khí, trang bị với tên gọi “Hệ thống chiến đấu tương lai”. Chương trình đầy tham vọng này có trị giá khoảng 230 tỷ USD, được khởi xướng từ năm 2003, với sự tham gia của 550 nhà thầu, đứng đầu là hãng Boeing và Tập đoàn ứng dụng khoa học quốc tế, nhằm hiện đại hóa đồng bộ các lực lượng: tăng thiết giáp, tên lửa chiến thuật lục quân, phương tiện trinh sát không người lái trong một môi trường kết nối mạng thông suốt từ người chỉ huy cao nhất tới từng binh sĩ trên chiến trường. Theo đánh giá của Lầu Năm Góc, với sự cải cách này, mô hình biên chế của Lục quân Mỹ sẽ nhẹ hơn, cơ động hơn, được kết nối mạng và hỏa lực mạnh đủ sức tham chiến ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà hoạch định chiến lược và các học giả quân sự, chương trình hiện đại hóa vũ khí, trang bị của Lục quân Mỹ chưa đạt được mục tiêu đề ra. Điều đó được thể hiện khi 08 loại xe chiến đấu mới được đầu tư nghiên cứu, phát triển đều không được đưa vào trang bị; 43 đơn vị chiến đấu cấp lữ đoàn được thành lập, nhưng tính hiệu quả của chúng vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Vì thế, từ năm 2009, cùng với khó khăn về ngân sách, Chương trình “Hiện đại hóa đơn vị chiến đấu cấp lữ đoàn” được khởi xướng để tiếp nối và thay thế cho Chương trình “Hệ thống chiến đấu tương lai”.

Theo đó, việc trang bị cho binh sĩ lục quân trong tương lai được Mỹ tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển vũ khí, hệ thống bảo vệ, truyền tin, dẫn đường, điều khiển cho cá nhân, tổ đội. Đối với lực lượng tăng thiết giáp, trong tương lai gần, Lục quân Mỹ chưa thể trang bị những hệ thống vũ khí mới cho lực lượng này. Bởi lẽ, nếu lựa chọn phương án trang bị vũ khí mới thì chi phí cho nghiên cứu và phát triển đòi hỏi một khoản ngân sách khổng lồ. Hơn nữa, để đưa vũ khí mới vào tác chiến, vẫn phải trải qua một quá trình chuyển tiếp khá dài, chưa thể thực hiện ngay được. Trong khi đó, Chương trình “Hệ thống chiến đấu tương lai” của Lục quân Mỹ, nhằm thay thế toàn bộ trang bị xe tăng, thiết giáp, như: M1A1, M1A2, M2A3 đã tiêu tốn một khoản ngân sách rất lớn, nhưng không thành công. Do vậy, phương án cải tiến và nâng cấp vũ khí, trang bị hiện có cho lực lượng tăng thiết giáp nói riêng, lực lượng lục quân nói chung sẽ được Mỹ ưu tiên đầu tư.

Hiện nay, việc hiện đại hóa vũ khí, trang bị của Lục quân Mỹ chủ yếu tập trung vào cải tiến, nâng cấp những hệ thống vũ khí chưa hết hạn sử dụng, bảo đảm có thể tăng hạn sử dụng thêm từ 10 đến 20 năm. Để sử dụng ngân sách cải tiến có hạn vào những nội dung cần thiết nhất, Lục quân Mỹ đã áp dụng nguyên tắc “Bảo đảm vũ khí, trang bị trọng điểm cho bộ đội trọng điểm”. Thực hiện nguyên tắc này, Lục quân Mỹ xác định 17 hệ thống vũ khí có ý nghĩa quan trọng trên chiến trường để đầu tư cải tiến, như: máy bay trực thăng Apache; xe tăng M1 Abrams; hệ thống pháo phản lực bắn loạt M270 và tên lửa phòng không Patriot, v.v. Đặc biệt, trong hiện đại hóa vũ khí, trang bị hiện có, Lục quân Mỹ đánh giá công nghệ thông tin là con đường chủ yếu để nâng cao độ tinh khôn của vũ khí, trang bị. Theo đó, việc nâng cấp xe tăng M1 Abrams, hệ thống pháo phản lực bắn loạt M270,… được thực hiện theo hướng số hóa, tăng cường thiết bị hồng ngoại, định vị toàn cầu, điều khiển tự động. Đồng thời, coi trọng tích hợp các công nghệ: thông tin, dẫn đường, tàng hình và vật liệu mới vào trang bị hiện có cũng là một đặc điểm nổi bật trong hiện đại hóa vũ khí.

Xe tăng M1Abrams khai hỏa. (Ảnh: nationalinterest.org)

Theo các chuyên gia của Lầu Năm Góc, trong chiến tranh hiện đại, Lục quân Mỹ phải tham gia tác chiến liên quân chủng và đối kháng hệ thống với quy mô lớn, yêu cầu cao, hình thái tác chiến luôn chuyển hóa mau lẹ, khó lường. Vì thế, việc cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị của lục quân phải bảo đảm phát hiện sớm mục tiêu, tính toán nhanh các tham số để bắn hạ mục tiêu trong điều kiện cơ động thay đổi trận địa liên tục. Để đạt được điều đó, Lục quân Mỹ phải khai thác đầy đủ công nghệ mạng, phát triển hệ thống trinh sát và chỉ huy điều khiển hỏa lực tích hợp hóa. Tuy nhiên, thực tế các cuộc chiến tranh cục bộ gần đây cho thấy, tác chiến dựa vào hệ thống C4ISR1 vẫn tồn tại nhiều khiếm khuyết, như: không thể tích hợp hiệu quả các thông tin từ mạng máy tính, mạng xen-xơ và phương tiện tác chiến; thông tin cung cấp không phân đối tượng, không phân tầng hoặc lớp, tính thiết thực kém, hệ quả là người chỉ huy trên chiến trường bị quá tải thông tin; trong khi đó, thông tin hiển thị trên màn hình chưa được xử lý để sử dụng, dẫn đến kéo dài thời gian ra quyết sách. Trước những vấn đề trên, Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra kế hoạch xây dựng mạng thông tin toàn cầu. Theo đó, hiện đại hóa vũ khí, trang bị của Lục quân Mỹ lấy học thuyết “Tác chiến lấy mạng là trung tâm” và sử dụng hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến để giành lấy ưu thế về thông tin trên chiến trường. Về yêu cầu tác chiến, sẽ lấy ba hướng chính là thông tin hóa, mạng hóa và hệ thống hóa để phát triển trang bị chiến đấu chủ lực, nhằm lấp đi những lỗ hổng của các hệ thống vũ khí, trang bị hiện nay, đáp ứng yêu cầu bố trí, triển khai nhanh lực lượng trên chiến trường và thực hiện mọi nhiệm vụ tác chiến. Trong thực hành tác chiến, Lục quân sẽ sử dụng những loại xe có người điều khiển để thực hiện hành động chiến dịch, chiến thuật. Các hệ thống không có người điều khiển, như: máy bay, rô-bốt là sự bổ sung quan trọng, nhằm phát huy tối đa sức mạnh. Các loại phương tiện bay không người lái sẽ được trang bị theo bốn cấp, từ trung đội, đại đội, tiểu đoàn tới lữ đoàn.

Theo kế hoạch cải cách của Lầu Năm Góc, Lục quân Mỹ sẽ gồm ba lực lượng: truyền thống, đáp ứng yêu cầu trước mắt và tương lai. Dự kiến, sau hai thập kỷ cải cách, Lục quân Mỹ sẽ tiến tới một lực lượng đáp ứng yêu cầu tương lai vào khoảng năm 2020. Đây là lực lượng hướng vào coi trọng khả năng cơ động và tốc độ hơn là quy mô; dễ triển khai và bảo đảm, dựa nhiều hơn vào các công nghệ tàng hình, vũ khí điều khiển chính xác và công nghệ thông tin. Theo các chuyên gia quân sự, đặc điểm cơ bản của môi trường tác chiến ngày nay là tính hội tụ tăng nhanh của những thách thức quân sự gắn với các loại tình huống bất ngờ hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, tổ chức các lực lượng quân sự, đặc biệt là các lực lượng lục quân, để đối phó với từng loại hình của phổ xung đột không còn phù hợp. Môi trường tác chiến mới sẽ đòi hỏi các lực lượng lục quân phải được tổ chức, trang bị và huấn luyện sao cho có thể nhanh chóng và dễ dàng chuyển từ loại hình này sang loại hình khác của phổ xung đột.

Cùng với đó, quá trình cải tiến và hiện đại hóa vũ khí, trang bị, Lục quân Mỹ cũng hết sức coi trọng các yêu cầu: nâng cao hiệu quả và khả năng tác chiến, chi phí đầu tư nghiên cứu, chế tạo và công tác bảo đảm kỹ thuật. Để cân bằng các yêu cầu trên, chú trọng đổi mới công tác quản lý, điều hành, lấy Cục Trang bị Lục quân là cơ quan chỉ đạo và quản lý thống nhất. Theo đó, quá trình cải tiến vũ khí cũ, lục quân sẽ không tiến hành theo phương pháp truyền thống là quân đội đặt ra yêu cầu và công nghiệp bao thầu, mà thay vào đó là sự hợp tác giữa quân đội và chủ thầu. Địa điểm cải tiến chủ yếu được lựa chọn là căn cứ bảo dưỡng, duy tu của đơn vị sử dụng trang bị. Ưu điểm lớn nhất của cách làm này là có thể tận dụng toàn bộ lực lượng kỹ thuật và trang thiết bị hiện có của quân đội, phát huy ưu thế của các nhà máy quốc phòng về tri thức và kỹ năng công nghiệp, nhằm giảm giá thành và rủi ro trong quá trình cải tiến. Thông qua đó, người lính hiểu và nắm được kết cấu, nguyên lý và kinh nghiệm duy tu đối với trang bị, nâng cao kỹ năng duy tu, bảo dưỡng trong điều kiện dã chiến.

Như vậy, có thể thấy, xu hướng hiện đại hóa vũ khí, trang bị của Lục quân Mỹ được thể hiện ở ba phương diện. Thứ nhất, về khái niệm, sẽ lấy tác chiến mạng trung tâm làm chủ đạo, dựa vào hệ thống thông tin tiên tiến để giành lấy ưu thế thông tin trên chiến trường. Thứ hai, trong tư duy phát triển, triệt để ứng dụng các kỹ thuật mới, công nghệ cao, lấy kỹ thuật mạng làm chính, nghiên cứu chế tạo “hệ thống trong hệ thống” dạng nhất thể hoá; kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống có và không có người điều khiển, tạo sự quy tụ các khả năng tác chiến ưu việt của lục quân, như: thăm dò, trinh sát, chỉ huy, điều khiển, cơ động, đột kích, chi viện hỏa lực, hậu cần, duy tu bảo đảm,… nhằm giải quyết các vấn đề về khả năng tác chiến và phương hướng phát triển trang bị của Lục quân Mỹ trong 20 năm tới. Thứ ba, coi trọng sử dụng phương thức tích lũy tiệm tiến kiểu xoắn ốc; đồng thời, căn cứ vào kinh nghiệm huấn luyện và thực tiễn chiến trường, tình hình kinh phí bảo đảm và kỹ thuật để có những điều chỉnh tương ứng với nhiều ý tưởng sáng tạo. Đây là chương trình hiện đại hóa vũ khí, trang bị đầy tham vọng của Lầu Năm Góc, nhằm tăng cường khả năng vượt trội của lực lượng Lục quân, duy trì vị thế siêu cường số một về quân sự trên thế giới. Tuy nhiên, với chi phí rất tốn kém cùng sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ, chương trình cải cách này đã, đang vấp phải sự phản đối ngay trong nội bộ nước Mỹ. Dư luận quốc tế cho rằng, việc hiện đại hóa vũ khí, trang bị của Lục quân Mỹ không chỉ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới trên phạm vi toàn cầu, mà còn tác động thúc đẩy tình hình an ninh quốc tế vào một tương lai khó đoán định.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Tổng cục Kỹ thuật
________________

1 - Hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo cùng với chức năng giám sát và trinh sát.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...