Chủ Nhật, 24/11/2024, 00:12 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Nằm trên tuyến đường hàng hải từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, án ngữ eo biển Ma-lắc-ca,… In-đô-nê-xi-a có vị trí địa chiến lược, địa chính trị quan trọng. Vì vậy, hiện đại hóa quốc phòng nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ đất nước luôn được Gia-các-ta coi trọng.
Theo số liệu của tạp chí Global FirePower, năm 2014, In-đô-nê-xi-a xếp thứ 19/106 quốc gia về sức mạnh quốc phòng. Còn theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, quốc gia Đông Nam Á này lọt vào tốp 35 nước có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới. Để đạt được kết quả đó, In-đô-nê-xi-a đã trải qua nhiều giai đoạn, bước đi cải cách, hiện đại hóa quốc phòng; trong đó, tăng cường mua sắm, nâng cấp hệ thống vũ khí, trang bị và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) trong nước là một trong những động lực quan trọng.
Tăng cường mua sắm trang bị quốc phòng thiết yếu
Trong chương trình cải cách quốc phòng vừa được công bố, Tổng thống In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô đã cam kết tiếp tục thúc đẩy chuyên nghiệp hóa quân đội thông qua cải thiện phúc lợi quân nhân, nâng cấp hệ thống vũ khí, tăng ngân sách quốc phòng từ 0,8% GDP lên 1,5% GDP trong vòng 5 năm. Đây là tín hiệu khả quan trong lộ trình hiện đại hóa quốc phòng của quốc gia “vạn đảo” này. Trên thực tế, ngân sách quốc phòng của In-đô-nê-xi-a đã tăng đáng kể trong 10 năm qua, từ 1,7 tỷ USD (năm 2005) lên gần 7,8 tỷ USD (năm 2015). Theo số liệu về ngân sách quốc phòng do Tạp chí IHS Jane’s Defence Budgets công bố, ngân sách quân sự cơ bản của nước này đã tăng gần 30% và có thể lên đến 11,5 tỷ USD vào năm 2016 (tăng trung bình khoảng 9,4%/năm). Trong đó, ngân sách dành cho mua sắm vũ khí, trang bị quân sự tăng trung bình hàng năm khoảng 10,14% và được tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu.
Đối với lực lượng không quân, In-đô-nê-xi-a đã ký hợp đồng mua của Mỹ: 8 máy bay trực thăng Apache, 24 máy bay chiến đấu F-16 phiên bản nâng cấp, 01 máy bay vận tải C-130 Hercules. Cùng với các hợp đồng mua sắm, họ cũng có kế hoạch nâng cấp các máy bay F-16A/B cũ (đã mua của Mỹ) thành phiên bản F-16C/D, nhằm tăng khả năng tác chiến và thời hạn sử dụng. Ngoài ra, In-đô-nê-xi-a còn sở hữu một phi đội máy bay Flanker hiện đại (mua từ Nga), gồm: 5 chiến đấu cơ Su-27 SKM một chỗ ngồi và 11 chiến đấu cơ Su-30 MK2 hai chỗ ngồi. Thêm nữa, tháng 4-2013, In-đô-nê-xi-a cũng đã đặt mua thêm 6 chiến đấu cơ họ Su (bắt đầu bàn giao vào năm 2014), nâng tổng số máy bay Su-27, Su-30 của nước này lên 22 chiếc.
Lục quân In-đô-nê-xi-a đang trong quá trình nâng cấp chủ yếu về khả năng quốc phòng với việc đặt mua của nước ngoài nhiều trang thiết bị hiện đại, như: xe tăng, pháo tự hành, rốc-két đa năng, v.v. Điển hình là hợp đồng mua 103 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4 cùng hàng chục xe chiến đấu bộ binh Marder với nhà cung cấp Rheinmetall (Đức). Đây là hợp đồng lớn, có giá trị khoảng 280 triệu USD, với số lượng phương tiện kỹ thuật đa dạng, riêng số xe tăng đặt mua đều đã được cải tiến, nâng cấp so với trước. Theo hợp đồng, In-đô-nê-xi-a còn được hãng sản xuất cung cấp các trang, thiết bị hỗ trợ huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật chiến trường; trong đó, có các xe đặc chủng phục hồi, sửa chữa chiến trường Buffalo mà lần đầu tiên lục quân nước này được sở hữu.
Với lực lượng hải quân, thay vì “đa dạng hóa đối tác” trong mua sắm như trước đây, In-đô-nê-xi-a tập trung lựa chọn một số bạn hàng chủ yếu, tin cậy. Tháng 7-2004, sau khi loại bỏ nhiều phương án không cần thiết, hải quân nước này đã ký hợp đồng đóng 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ Sigma với công ty đóng tàu Scherde của Hà Lan. Đây là bước chuyển đổi mới, nhằm khắc phục những khó khăn về công tác bảo trì, vận hành hệ thống thiết bị quân sự trước đây, do nguồn nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau. Không những thế, căn cứ vào hợp đồng, hãng Scherde không chỉ bàn giao 2 chiếc tàu Sigma đầu tiên theo kế hoạch, mà còn cung cấp linh kiện, chuyển giao công nghệ,… để In-đô-nê-xi-a có thể từng bước tự đóng những chiếc tương tự. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là vấn đề rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bởi giá thành chế tạo một chiếc Sigma (cả chi phí kỹ thuật, bảo đảm hậu cần, huấn luyện thủy thủ,…) đã lên tới gần 1 tỷ USD.
Đẩy mạnh phát triển CNQP trong nước
Một trong những yêu cầu mà Chính phủ In-đô-nê-xi-a đặt ra đối với chương trình hiện đại hóa quốc phòng là phải tăng khả năng độc lập, hạn chế phụ thuộc vào bên ngoài. Vì vậy, việc tăng ngân sách quốc phòng không chỉ là mua sắm để nâng cấp hệ thống vũ khí trang bị, mà còn nhằm phát triển nền CNQP quốc gia, tạo cơ sở hiện đại hóa quốc phòng một cách vững chắc. Theo đó, các hợp đồng mua sắm vũ khí, trang bị với nước ngoài đều phải bao hàm các điều khoản sản xuất và lắp ráp tại các nhà máy quốc phòng của In-đô-nê-xi-a và lấy đó làm cơ sở để phát triển nền CNQP trong nước. Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã công bố chương trình “đem lại sự sống mới cho CNQP năm 2009” với quyết tâm làm cho nền công nghiệp quốc gia gắn kết hơn với quân đội, nhu cầu quốc phòng. Đây là quyết tâm nhằm tìm kiếm, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho CNQP và một kế hoạch chặt chẽ, nhằm khuyến khích các hãng nước ngoài chuyển giao công nghệ và bí quyết công nghệ cho In-đô-nê-xi-a.
Nhờ phương thức này, nền CNQP của In-đô-nê-xi-a đã từng bước được xây dựng và phát triển. Sản phẩm lớn đầu tiên In-đô-nê-xi-a tự sản xuất là súng trường tiến công Pindad SS-1. Nguyên bản của Pindad SS-1 là một biến thể của súng FN FNC kết hợp với một vài cải tiến để phù hợp với điều kiện sử dụng tại khu vực khí hậu nhiệt đới. Trên cơ sở Pindad SS-1, nước này đã phát triển thành mẫu súng trường tiến công Pindad SS-2. Đến mẫu súng SS-2, người ta đã xem nó là sản phẩm trí tuệ của In-đô-nê-xi-a chứ không đơn thuần là sản phẩm sản xuất theo giấy phép từ nước ngoài.
Phát huy kết quả đạt được, In-đô-nê-xi-a chủ động bắt tay với các nhà thầu quốc phòng lớn trên thế giới để hợp tác sản xuất các trang bị quân sự quan trọng. Sản phẩm tiêu biểu cho kiểu hợp tác này là máy bay vận tải quân sự CN-235 - kết quả hợp tác giữa Công ty CASA của Tây Ban Nha và Công ty PT. Dirgantara của In-đô-nê-xi-a. Đây là một loại máy bay khá thành công cả trên lĩnh vực quân sự cũng như dân sự. Hiện tại có 3 chiếc đang phục vụ trong Quân đội In-đô-nê-xi-a. Thông qua quá trình hợp tác sản xuất máy bay CN-235, In-đô-nê-xi-a có cơ hội tiếp cận với công nghệ hàng không quân sự tiên tiến của châu Âu, bởi CASA chính là công ty con của Tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu (EADS). Điều đó, tạo nền tảng vững chắc cho việc nắm bắt các công nghệ quan trọng để tiến đến những nghiên cứu độc lập trong tương lai; đồng thời, đưa In-đô-nê-xi-a trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á sản xuất được máy bay để trang bị cho Quân đội và xuất khẩu. Ngoài ra, nước này còn đang hợp tác với Hàn Quốc để phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 5 trong chương trình KF-X/IF-X. Số lượng sản xuất máy bay của dự án này lên đến 250 chiếc; trong đó, Không quân In-đô-nê-xi-a sẽ nhận 50 chiếc, số còn lại sẽ thuộc quyền sở hữu của Hàn Quốc.
Trong lĩnh vực đóng tàu quân sự, In-đô-nê-xi-a đã tạo dựng được tên tuổi đáng kể trong khu vực. Những năm gần đây, họ đã tự đóng được các loại tàu tuần tra, tàu tên lửa cao tốc; trong đó, dự án đình đám nhất đang tiến hành là sản xuất tàu tên lửa cao tốc KRC-40. Năm 2014, Hải quân In-đô-nê-xi-a đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng tàu cao tốc mang tên lửa thứ ba có ký hiệu KRI 643 được sản xuất ở trong nước. Điều này đã chứng minh rằng, Quân đội In-đô-nê-xi-a có thể tăng cường sức mạnh của mình nhờ vào thực lực của ngành chế tạo trong nước, đặc biệt là thông qua những thương vụ mua sắm các hệ thống vũ khí tiên tiến của nước ngoài với điều kiện chuyển giao công nghệ. Cũng với phương thức này, In-đô-nê-xi-a đã ký hợp đồng mua tàu đổ bộ đa năng có sàn đáp cho trực thăng lớp Makassar do hãng Daesun Shipbuilding & Engineering (Hàn Quốc) thiết kế. Hai chiếc đầu tiên đóng tại Hàn Quốc, từ chiếc thứ ba trở đi được đóng tại In-đô-nê-xi-a. Hai bên cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu loại tàu này cho các khách hàng nước ngoài. Với dự án hợp tác này, In-đô-nê-xi-a là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á (tính đến thời điểm này) có khả năng đóng tàu đổ bộ đa năng với lượng giãn nước trên 10.000 tấn. Gần đây, In-đô-nê-xi-a cũng đã đạt được cột mốc quan trọng trong việc tiếp cận công nghệ đóng tàu ngầm phi hạt nhân. Tháng 12-2011, họ đã ký hợp đồng lớn với Hàn Quốc về việc chế tạo 3 tàu ngầm điện - điezen lớp Chang Bogo (một biến thể của tàu ngầm Type-209/1400), nhưng 2 trong số 3 chiếc tàu đó sẽ được cấp giấy phép và sản xuất tại công ty đóng tàu nhà nước PT PAL của In-đô-nê-xi-a. Điều đáng lưu ý là, trong chương trình mua tàu ngầm điện - điezen của In-đô-nê-xi-a có sự tham gia đấu thầu của Nga (với sản phẩm tàu ngầm Kilo). Tuy nhiên, In-đô-nê-xi-a đã chọn Hàn Quốc cho dù công nghệ đóng tàu ngầm của Seoul không bằng Mát-xcơ-va, nhưng điều quan trọng là họ có cơ hội tiếp cận công nghệ đóng tàu ngầm tiên tiến của Hàn Quốc.
Về lĩnh vực phát triển các phương tiện chiến đấu mặt đất, CNQP In-đô-nê-xi-a cũng gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Dự án sản xuất xe thiết giáp Pindad APS-3 là một thành công lớn của nước này mà không phải quốc gia nào ở Đông Nam Á cũng có thể làm được. In-đô-nê-xi-a cũng đang hy vọng đạt được thỏa thuận với các công ty Mỹ để sản xuất xe bọc thép đa năng Humvee ngay tại các công ty nhà nước của In-đô-nê-xi-a, nhằm tăng khả năng cung cấp trang, thiết bị quân sự cho Quân đội nước này.
Ngoài ra, CNQP của In-đô-nê-xi-a cũng đã thành công trong xuất khẩu một số vũ khí, trang bị quân sự ra thị trường nước ngoài. Theo Thứ trưởng quốc phòng Sjafrie Sjamsoeddin, các doanh nghiệp quốc phòng In-đô-nê-xi-a đang tham gia chế tạo cả vũ khí và trang thiết bị quân sự khác, như: áo giáp chống đạn, mũ, ủng, quân phục để xuất khẩu sang I-rắc, U-gan-đa, v.v. Hiện tại, In-đô-nê-xi-a đã bán tàu cao tốc SEA RIDER cho Bru-nây, 10 tổ hợp pháo P-2 cho Phi-líp-pin, súng trường SS-2 cho Mi-an-ma, Lào, Cam-pu-chia và A-déc-bai-dan.
Như vậy, với xuất phát điểm tương đối thấp của một quốc gia đang phát triển, In-đô-nê-xi-a đã kết hợp chặt chẽ giữa mua sắm vũ khí, trang bị với liên kết sản xuất, chuyển giao công nghệ để phát triển nền CNQP và đạt nhiều thành tựu có giá trị. Đến nay, In-đô-nê-xi-a đã có thể tự sản xuất nhiều trang, thiết bị quân sự quan trọng, như: máy bay vận tải, tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu đổ bộ hạng trung, xe thiết giáp, pháo phản lực phóng loạt, súng trường tiến công, v.v. Các công ty CNQP chủ yếu của In-đô-nê-xi-a (PT Dirgantara - hàng không vũ trụ, PT Pindad - bảo đảm vũ khí trang bị cho lực lượng trên bộ, PT Pal - bảo đảm vũ khí trang bị cho hải quân và PT Dahana - chuyên về thuốc nổ) đều có năng lực, uy tín tầm khu vực và quốc tế. Đây là một trong những kinh nghiệm hay mà nhiều nước trong khu vực và thế giới đang quan tâm, nghiên cứu.
Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN
In-đô-nê-xi-a,quốc phòng
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ