Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 14/11/2011, 03:33 (GMT+7)
Xu hướng hiện đại hóa hải quân của một số nước châu Á hiện nay

Hiện nay, vì nhiều lý do, các nước châu Á đang có xu hướng chú trọng hiện đại hóa lực lượng Hải quân, coi đây là một nội dung quan trọng trong xây dựng quân đội thế kỷ XXI.

 

Theo kết quả khảo sát quốc phòng của nhiều tổ chức quốc tế thì, châu Á hiện là một trong những thị trường vũ khí, trang bị (VK,TB) hải quân sôi động vào hàng bậc nhất thế giới. Trong chương trình phát triển VK,TB hải quân được các nước khu vực công bố thì tới năm 2017, có hơn 108 tỷ USD sẽ được chi cho mua sắm và hiện đại hóa VK,TB hải quân; trong đó, 16 quốc gia ven biển ở châu Á sẽ mua khoảng 850 tàu chiến các loại. Đó là con số đáng kinh ngạc.


Tàu Đinh Tiên Hoàng của Hải quân nhân dân Việt Nam
Đặc điểm nổi bật trong chiến lược hải quân của các nước châu Á là hiện đại hóa có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển các loại VK,TB hiện đại, phù hợp với mục đích chính trị, chiến lược quốc phòng - quân sự, tiềm lực kinh tế và trình độ phát triển khoa học - công nghệ của quốc gia. Ví như, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nền kinh tế mới nổi, chú trọng xây dựng cụm tàu sân bay, coi đây là một trọng tâm để hiện đại hóa Hải quân và nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng này trên các vùng biển xa. Nhật Bản, Hàn Quốc,… tập trung hiện đại hóa lực lượng tàu mặt nước, mà trọng tâm là tàu khu trục với khả năng phòng thủ tên lửa đường đạn, bảo vệ các đảo đông dân cư và phát triển tàu ngầm hiện đại trang bị hệ thống động lực sử dụng nguồn không khí độc lập (AIP), thời gian lặn kéo dài, tương đương khả năng của tàu ngầm hạt nhân. Một số quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lựa chọn chiến lược trang bị các tàu frigat, tàu ngầm điện đi-ê-den,... nhằm nâng cao khả năng tác chiến phòng thủ tích cực, đáp ứng yêu cầu bảo vệ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của mình. Chuyên gia quân sự nhiều nước cho rằng, việc hiện đại hóa VK,TB hải quân của các nước châu Á xuất phát từ thực tiễn tình hình an ninh khu vực và xu hướng xây dựng quân đội hiện đại, đáp ứng yêu cầu chiến tranh cục bộ có sử dụng vũ khí công nghệ cao, góp phần tăng cường sức mạnh quốc phòng nói chung, năng lực tác chiến của lực lượng Hải quân nói riêng. Điều đó cũng đặt ra những vấn đề mới không chỉ đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng của từng nước, mà còn có những tác động không nhỏ đến tình hình an ninh, ổn định của khu vực và quốc tế.

 Trước hết, đối với việc trang bị tàu sân bay. Tiên phong trong lĩnh vực này là Trung Quốc và Ấn Độ. Ngày 10-8-2011, Trung Quốc đã tiến hành chạy thử nghiệm tàu sân bay Thi Lang, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận khu vực và thế giới. Với việc trang bị tàu sân bay Thi Lang, Trung Quốc trở thành thành viên chính thức trong "Câu lạc bộ tàu sân bay" của thế giới, gồm 9 nước (trong đó, Mỹ có 11 chiếc, chiếm 50% trong tổng số tàu sân bay của Câu lạc bộ này và đều là loại tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân). Đánh giá về tàu sân bay Thi Lang, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, đây là tàu Varyag do Trung Quốc mua của U-crai-na và sửa chữa, tân trang lại; có tính năng kỹ, chiến thuật vào loại hiện đại bậc trung bình của thế giới, chưa thể sánh với tàu sân bay của Mỹ và của nhiều nước khác. Họ cũng cho rằng, tàu sân bay thực chất là một sân bay di động, việc trang bị nó có thể nâng cao đáng kể sức mạnh quốc phòng, nhất là khả năng tác chiến viễn dương của lực lượng Hải quân. Tuy nhiên, tàu sân bay có những yêu cầu rất khắt khe, phức tạp về công tác bảo đảm, bảo vệ và thực hành tác chiến. Tàu sân bay có kích thước thường rất lớn, di chuyển không linh hoạt nên nó là mục tiêu lộ, rất dễ bị các loại tên lửa hành trình, tàu chiến và máy bay chiến đấu của đối phương tiêu diệt. Để khắc phục tình trạng đó, các nước thường phải sử dụng số lượng lớn tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu ngầm và các loại tàu chiến đấu khác để làm công tác bảo đảm, phòng vệ và để tàu sân bay phát huy được uy lực. Điều này rất tốn kém, không phải nước nào sở hữu tàu sân bay cũng có đủ điều kiện để làm được. Mặt khác, do mới trang bị, nên cũng như Hải quân các nước khác, Hải quân Trung Quốc cũng phải mất một thời gian dài (thường khoảng 5 đến 10 năm) để làm chủ được tàu sân bay và để tàu sân bay hòa nhập trong đội hình tác chiến của Hải quân nói riêng, của quân đội nói chung. Theo tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện tàu sân bay Thi Lang, Trung Quốc chủ trương đóng mới một tàu sân bay khác, mang tên “Bắc Kinh”.

Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ cũng có dự án sản xuất 2 tàu sân bay lớp Vikrant, với độ rẽ nước khoảng 40.000 - 60.000 tấn, tầm hoạt động 7.500 hải lý, mang theo được khoảng 30 máy bay chiến đấu; coi đây là một trọng tâm trong chương trình phát triển VK,TB hải quân những thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Ấn Độ dự kiến sẽ hạ thủy hai tàu sân bay này vào năm 2017 - 2018.

 Thứ hai, mua sắm, hiện đại hóa các tàu khu trục. Theo chuyên gia quân sự của nhiều nước, do tính năng kỹ, chiến thuật khá ưu việt, có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, trong đó có khả năng chống tàu sân bay, nên các loại tàu khu trục, tầu hộ tống là một trọng tâm phát triển của Hải quân nhiều nước châu Á2. Để thực hiện mục tiêu phòng vệ từ biển xa, Hải quân Nhật Bản đang phát triển các loại tàu khu trục JDS Atagos và JS Ashigara thuộc lớp Atagos, có giá trị lên đến 1,5 tỉ USD, được trang bị các hệ thống tên lửa đa năng tiên tiến, kể cả khả năng đánh chặn tên lửa đường đạn và có thể mang theo trực thăng săn tàu ngầm… Đồng thời, Hải quân nước này cũng tập trung nâng cao khả năng phòng thủ tên lửa đường đạn (BMD) cho lực lượng tàu chiến mặt nước; trang bị hệ thống tên lửa Aegis và tên lửa đa năng cho 6 tàu khu trục (gồm 4 tàu Kongous và 2 tàu Atagos), để tăng cường khả năng phòng thủ và tiến công trên biển. Trong chiến lược hiện đại hóa hải quân, Hàn Quốc đã lắp đặt hệ thống tên lửa Aegis trên 3 tàu khu trục KDX-3 và có thể sẽ đặt hàng thêm 3 hệ thống nữa. Đồng thời, Hàn Quốc cũng hiện đại hóa hai tàu khu trục Sejong the Great và Yulgok Yi I thuộc lớp King Sejong the Great, trên cơ sở trang bị các loại tên lửa đa năng, súng pháo để đối không, đối hải và hệ thống tên lửa Aegis đời mới. Hải quân Hàn Quốc còn trang bị pháo cỡ nòng trung bình và tên lửa cho một số tàu khu trục để nâng cao khả năng thực hành tiến công các mục tiêu trên đất liền. 

Thứ ba, lựa chọn tàu ngầm và các tàu mặt nước hạng nhẹ. Trong điều kiện ngân sách quốc phòng hạn chế, các nước ASEAN rất chú trọng mua sắm tàu ngầm điện đi-ê-den, tàu frigat và trang bị các tổ hợp tên lửa bờ, nhằm bảo vệ lãnh hải và các vùng đặc quyền kinh tế của mình. Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a hiện sở hữu các tàu ngầm rất hiện đại. Năm 2009 - 2010, Xin-ga-po đã nhận 2 tàu ngầm lớp Archer của Thụy Điển, nâng tổng số tàu ngầm của nước này lên 6 chiếc. Ưu điểm của tàu ngầm lớp Archer là khả năng di chuyển rất êm, hệ thống định vị chuẩn xác, trang bị tới 9 ống phóng ngư lôi. Ma-lai-xi-a sở hữu tàu ngầm lớp Scorpene do Pháp chế tạo, có khả năng tác chiến linh hoạt với 6 ống phóng ngư lôi và có khả năng hoạt động liên tục trên biển trong 50 ngày.

Cùng với đó, những năm gần đây, nhiều nước ASEAN chú trọng lựa chọn mua sắm và trang bị tàu mặt nước hạng nhẹ, lấy đây làm lực lượng nòng cốt để nâng cao khả năng tác chiến linh hoạt1. Theo chuyên gia quân sự nhiều nước, do nhiệm vụ chủ yếu của Hải quân các nước ASEAN là quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, nên việc lựa chọn tàu mặt nước hạng nhẹ là hợp lý. So với các loại tàu chiến khác, các tàu chiến loại này có ưu thế về khả năng cơ động cao, cập và xuất cảng đơn giản, không đòi hỏi điều kiện hoạt động khắt khe, nhất là khả năng tác chiến khu vực sát bờ và cận chiến trên biển hiệu quả. Lớp tàu mặt nước hạng nhẹ, tốc độ cao bao gồm các loại, như: tàu cao tốc phóng tên lửa, tàu cao tốc phóng ngư lôi, tàu tiến công bắn pháo, tàu tuần tra, tàu cao tốc đổ bộ,... Một số khinh hạm cũng có thể xếp vào nhóm này, như khinh hạm cao tốc phóng tên lửa thuộc lớp Tarantul, có tốc độ 32,5 hải lý/giờ, tầm hoạt động hơn 1.000 hải lý. Khinh hạm này có thể phóng tên lửa chống hạm bay sát mặt nước và tên lửa đối không tầm gần. Loại tàu này cũng còn được trang bị pháo hạm và pháo phòng không để bắn máy bay và tàu chiến của đối phương. Ngoài ra, một số loại tàu hộ tống, tàu đổ bộ, tàu frigat lớp Sigma, tàu frigat lớp Formidable có khả năng mang theo trực thăng săn tàu ngầm cũng được các nước ASEAN lựa chọn mua, trang bị cho Hải quân.

Một đặc điểm khá nổi bật trong hiện đại hóa Hải quân các nước ASEAN hiện nay là cùng với mua sắm, nhập khẩu các VK,TB hiện đại, các nước này cũng chú trọng phát triển ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP), nhằm nâng cao khả năng tự chủ về VK,TB, đồng thời, phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu. Phương pháp hiện đại hóa ngành CNQP của các nước ASEAN thường là thông qua mua bản quyền chế tạo, chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu, chế tạo,... Đến nay, một số nước ASEAN, như: Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a đã xây dựng được ngành CNQP hải quân khá mạnh, đủ khả năng nghiên cứu, chế tạo một số loại tàu chiến đấu hạng nhẹ, nhiều trang thiết bị điện tử, hệ thống chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính (C3I), hệ thống phòng không, tên lửa các loại,... không chỉ để trang bị cho Hải quân nước mình, mà còn phục vụ cho xuất khẩu, kể cả xuất khẩu cho các nước Tây Âu có trình độ khoa học và công nghệ hiện đại. Cùng với đó, Hải quân các nước ASEAN cũng chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục và đào tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khoa học nghệ thuật quân sự hải quân trong điều kiện tác chiến mới, nhất là khả năng tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng và các lực lượng dân sự hoạt động trên biển trong chiến tranh cục bộ có sử dụng vũ khí công nghệ cao; đủ sức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN

____________

1 - Hải quân Trung Quốc hiện có trong biên chế khoảng 16 tàu khu trục, Hải quân Nhật Bản có 40 chiếc, Hải quân Hàn Quốc có 11 chiếc.

2 - Tỷ lệ tàu mặt nước hạng nhẹ trong tổng số tàu hải quân của một số nước ASEAN: Xin-ga-po là 17/50, In-đô-nê-xi-a là 36/48, Ma-lai-xi-a là 47/52, Bru-nây là 100%.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...