Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 14/06/2012, 17:20 (GMT+7)
Xu hướng cải cách công nghiệp quốc phòng của một số nước hiện nay

 Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là một trong những nội dung quan trọng trong củng cố tiềm lực quốc phòng – an ninh của mỗi quốc gia. Hiện nay, việc cải cách, điều chỉnh để công nghiệp quốc phòng tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của nó đang là mối quan tâm của nhiều nước, nhất là trong điều kiện thế giới vẫn “chìm” trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

alt

Hệ thống pháo phòng không tự hành do hãng Mitsubishi Heavy Industries sản xuất. (Nguồn: vnexpress.net)

Trong những năm qua, dưới tác động của toàn cầu hóa, môi trường an ninh quốc tế đã và đang có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh và lợi ích của nhiều nước. Tình hình kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng làm cho ngân sách quốc phòng và thị trường đầu ra của công nghiệp quốc phòng (CNQP) các quốc gia bị thu hẹp. Tác động của cuộc cách mạng quân sự mới dựa trên những thành tựu về khoa học và công nghệ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã làm thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh và chế tạo vũ khí, trang bị (VK,TB) mới. Điều đó đòi hỏi từng nước phải có sự cải tổ mạnh mẽ về CNQP để có thể đáp ứng được những thách thức mới trong thế kỷ XXI. Tháng 5 năm 2011, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã thảo luận và cùng nhau nhất trí về “Hợp tác CNQP trong ASEAN”, nhằm mục đích giảm nhập khẩu VK,TB từ bên ngoài và tăng năng lực sản xuất hàng quốc phòng trong các nước thành viên. Đây cũng là mong muốn của nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển, nhưng không phải nước nào cũng có thể thực hiện được. Để tiếp tục tồn tại và phát triển trong tình hình mới, chính phủ nhiều nước đã đánh giá, xem xét toàn diện nền CNQP, trên cơ sở đó tiến hành điều chỉnh và cải cách trên các mặt, từ khoa học – công nghệ (KH-CN) đến chính sách quản lý, cơ cấu đầu tư cho CNQP trong tổng thể nền công nghiệp quốc gia,… nhằm xây dựng phương hướng phát triển CNQP cho phù hợp trong điều kiện mới. Tuy quy mô, mức độ và phạm vi điều chỉnh, cải cách CNQP của các nước không giống nhau, nhưng khái quát có thể thấy nổi lên mấy nét chủ yếu sau:

1. Chuyển hướng chiến lược phát triển, xác định rõ mục tiêu phát triển VK,TB cho CNQP. Trên cơ sở chiến lược quân sự đã được điều chỉnh, chính phủ các nước tập trung xây dựng chiến lược phát triển CNQP nhằm thích ứng với yêu cầu của tình hình mới, nhất là yêu cầu đổi mới tổ chức, trang bị và nghệ thuật tác chiến của các lực lượng vũ trang. Trong đó, xác định rõ những trọng điểm phát triển CNQP để sẵn sàng đối phó có hiệu quả với các mối đe dọa mới xuất hiện trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Theo đó, đa số các nước vận dụng phương châm: giảm sản xuất VK,TB thông thường (của lục quân), nhưng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cải tiến nâng cao chất lượng VK,TB, nhất là phát triển vũ khí công nghệ cao, vũ khí chính xác... Tùy vào khả năng, điều kiện của từng nước, việc chuyển hướng chiến lược CNQP cũng có những mục tiêu, cách làm khác nhau. Đối với các nước công nghiệp phát triển, sẽ tập trung phát triển những công nghệ vượt trội để gia tăng khoảng cách với các nước đang phát triển và duy trì ưu thế về công nghệ tiên tiến. Gần đây, Chính phủ Mỹ đã ký hợp đồng với các hãng CNQP để phát triển máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6, máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới (NGB) và dự kiến năm 2015, chiếc tàu sân bay thứ 12 chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này sẽ được hạ thủy. Nga và Trung Quốc đều đã đầu tư và thử nghiệm thành công máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5. Riêng Trung Quốc, bước đầu hoạch định xong chiến lược phát triển vũ khí công nghệ cao, nhằm tạo điều kiện tập trung ngân sách cho các dự án CNQP trọng điểm. Các nước đang phát triển tập trung đầu tư cho các sản phẩm có công nghệ trung bình, bảo đảm chi phí không quá lớn; đồng thời, chú trọng cải tiến, nâng cấp, kéo dài thời gian sử dụng VK,TB hiện có. Một số nước, như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Xin-ga-po… đang có những nỗ lực đáng kể để thu hẹp “khoảng cách công nghệ quân sự” so với các nước công nghiệp phát triển. Hàn Quốc đã tự sản xuất được xe tăng chiến đấu chủ lực K1A1, hiện được xếp vào tốp 10 loại xe tăng hiện đại nhất thế giới. Ấn Độ đã nghiên cứu, sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4, tên lửa siêu âm. Đặc biệt vừa qua, nước này đã thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V có tầm bắn xa hơn 5.000 km.

2. Sáp nhập, hợp nhất, thực hiện chiến lược tập đoàn CNQP quy mô lớn. Thời gian qua, do nguồn vốn hạn chế, lại phân tán khiến nhiều cơ sở CNQP của các nước lâm vào tình thế suy yếu về tài chính và bị đe dọa tụt hậu về công nghệ. Hơn nữa, sau thời kỳ phát triển, CNQP ở nhiều quốc gia đã có sự trùng lắp về ngành nghề, cồng kềnh về tổ chức, chi phí cho quản lý tốn kém… Để khắc phục tình trạng này, chính phủ các nước đẩy mạnh việc liên kết, tập trung trong CNQP thông qua các hình thức hợp nhất, kiêm nhiệm, liên doanh đối với các cơ sở CNQP có hoạt động nghiệp vụ giống nhau, gần giống nhau hoặc có liên quan với nhau, nhằm hình thành các tập đoàn CNQP quy mô lớn, nâng cao khả năng tồn tại và cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, việc liên kết này chỉ thực sự có hiệu quả đối với những nước đã có nền tảng CNQP nhất định; do đó, xu hướng này chủ yếu diễn ra trong các nước công nghiệp phát triển và giữa các nước này với nhau. Ví như, giữa những năm 80 của thế kỷ XX, ở Mỹ có tới 7 hãng sản xuất máy bay, 6 hãng đóng tàu, thì nay đã hợp nhất thành 2 tập đoàn chế tạo máy bay và 2 tập đoàn đóng tàu biển. Tại Anh, Tập đoàn BAE Sai-tơm vốn là nhà chế tạo tên lửa và hàng không vũ trụ lớn nhất nước, nhưng do nhu cầu tồn tại và phát triển, tập đoàn này đã liên kết, mở rộng quy mô, bao gồm cả một số nhà máy sản xuất vũ khí của Bộ Quốc phòng và một số doanh nghiệp trong nước, với số nhân công lên đến trên 130.000 người. Với việc hợp nhất này, BAE Sai-tơm đã ngày càng lớn mạnh. Sản phẩm và các hạng mục dịch vụ đa dạng của nó hiện chiếm 1/8 tổng giá trị hợp đồng VK,TB của Bộ Quốc phòng Anh, tạo sức sống và khả năng cạnh tranh to lớn về thị trường và công nghệ ngay cả trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.

3. Tăng cường kết hợp quân sự với dân dụng, ưu tiên phát triển kỹ thuật lưỡng dụng trong CNQP. Đối với nhiều quốc gia, đây là bước chuyển hướng cần thiết và quan trọng bảo đảm cho CNQP tồn tại và phát triển trong điều kiện kinh tế khó khăn và thị trường hàng quốc phòng bị thu hẹp. Theo đánh giá của các nhà phân tích chiến lược quốc phòng, trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ bằng các hợp đồng sản xuất hàng quân sự thì các cơ sở CNQP khó có thể phát triển, thậm chí sẽ lụi tàn. Vì thế, xu hướng CNQP của nhiều nước là đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, lấy ưu thế kỹ thuật chủ đạo của mình làm nòng cốt để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dân dụng. Đồng thời, huy động năng lực tổng hợp của các cơ sở CNQP nòng cốt và kết hợp chặt chẽ với sức mạnh của công nghiệp dân dụng, tiến hành điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của CNQP từ đơn thuần sản xuất hàng quân sự sang vừa sản xuất hàng quân sự, vừa sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng dân dụng. Hiện nay, tỷ trọng hàng dân dụng trong cơ cấu sản phẩm của nhiều cơ sở CNQP đang ngày một gia tăng; ở các nước Tây Âu chiếm khoảng 55%, còn ở Mỹ chiếm tới 57%. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của CNQP theo hướng: chia các cơ sở CNQP thành 3 loại với những mục tiêu sản xuất khác nhau. Theo đó, cơ sở loại 1 sản xuất chủ yếu hàng quân dụng; cơ sở loại 2, sử dụng 70% khả năng để sản xuất hàng dân dụng và cơ sở loại 3 chuyển sang sản xuất 100% hàng hóa phục vụ đời sống dân sinh.

Cùng với điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, việc ưu tiên phát triển công nghệ lưỡng dụng của CNQP được coi là yếu tố then chốt không chỉ nhằm củng cố quốc phòng và phát triển kinh tế nói chung, mà còn là chỗ dựa vững chắc trong chiến lược xây dựng và phát triển CNQP của các nước trong điều kiện mới. Điều đó được biểu hiện ở xu thế các nước đều đặt việc xây dựng kế hoạch hiện đại hóa nền CNQP trong kế hoạch tổng thể hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân, thậm chí có quốc gia còn hiện đại hóa nền kinh tế thông qua hiện đại hóa nền CNQP. Thực tiễn cho thấy, trước đây, quốc phòng là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu và bất khả xâm phạm; nhu cầu quốc phòng là động lực thúc đẩy KH-CN phát triển ở nhiều quốc gia. Do đó, việc chuyển giao công nghệ lưỡng dụng – công nghệ đồng dạng thường được tiến hành từ khu vực quân sự sang khu vực dân dụng. Ngày nay, trước xu hướng cắt giảm ngân sách quốc phòng và trước sự phát triển mau lẹ của công nghệ trong khu vực dân dụng, một số nước lại tìm đến những công nghệ đỉnh cao trong khu vực này, nhằm giảm gánh nặng chi phí trong lĩnh vực quốc phòng, nâng cao sức mạnh dân dụng với sức mạnh quân sự thông qua một hệ thống công nghệ chung. Do vậy, việc chuyển giao công nghệ đã diễn ra theo cả hai chiều, nhưng xu hướng chuyển giao từ khu vực dân dụng sang quân dụng đang được chú trọng và phổ biến hơn.

4. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển KH-CN quân sự trong điều kiện mới. Trong cải cách CNQP, chính phủ các nước đặc biệt coi trọng duy trì, phát triển lực lượng nòng cốt của CNQP, mà trọng điểm là tăng cường khả năng nghiên cứu, phát triển KH-CN quân sự, coi đó là động lực quan trọng tạo chuyển biến về chất trong phát triển CNQP. Hiện nay, trong chiến lược khoa học và công nghệ quốc phòng của một số nước, mục tiêu đặt ra không chỉ có được sản phẩm, mà phải phấn đấu tạo ra ưu thế về kỹ thuật cho các sản phẩm cùng loại. Thực tiễn đã chứng minh, một trong những nhân tố tạo nên sự thành công của CNQP một số nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Ấn Độ, Trung Quốc…) là tập trung đầu tư cho nghiên cứu, phát triển KH-CN trong lĩnh vực quốc phòng. Đặc biệt, Trung Quốc đã sử dụng mô hình “tam giác số” để tăng cường khả năng nghiên cứu và ứng dụng KH-CN vào phát triển VK,TB. Ba đỉnh cao của “tam giác số” bao gồm: các công ty công nghệ thông tin thương mại; các viện nghiên cứu KH-CN và đẩy mạnh nghiên cứu KH-CN quân sự trong quân đội. Trong đó, phải kể đến những đổi mới về tổ chức và chính sách trong nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào phát triển VK,TB của nước này. Gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã xác định 7 nhu cầu quân sự lớn, đó là: kỹ thuật giám sát toàn cầu về thông tin; đánh chính xác; ưu thế trên không và phòng thủ; kiểm soát biển và ưu thế ngầm; tác chiến trên bộ; người lính thế kỷ XXI và vấn đề cơ động. Theo đó, Mỹ đã xây dựng một loạt chương trình nghiên cứu mới, tập trung vào các trọng điểm: Chương trình máy bay cất, hạ cánh thẳng đứng tiên tiến; Chương trình Kỹ thuật mô phỏng kỹ thuật xe tiên tiến và Kỹ thuật cho người lính thế kỷ XXI, nhằm mục đích phát triển kỹ thuật quân sự, tìm kiếm những ưu thế về kỹ thuật trước các đối thủ chiến lược trên thế giới. Với các chương trình này, kinh phí dành cho nghiên cứu KH-CN quân sự của Mỹ tiếp tục gia tăng, mặc cho ngân sách quốc phòng có chiều hướng giảm. Trong những năm gần đây, chi phí cho công tác nghiên cứu KH-CN quân sự, thử nghiệm, thiết kế quân sự của Mỹ chiếm khoảng 2/3 tổng chi phí cho lĩnh vực này trên toàn thế giới. Theo một công bố của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), năm 2011, trong 55 hãng CNQP hàng đầu thế giới, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu KH-CN quân sự đã lên tới 21,7 tỷ USD; trong đó, riêng Mỹ và châu Âu chiếm gần 21 tỷ USD. Điều đó lý giải vì sao Mỹ và châu Âu luôn đi đầu trong phát triển VK,TB mới, tiên tiến. Đây là một trong những vấn đề có tính then chốt trong xu hướng cải cách nền CNQP của một số nước hiện nay.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...