Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 28/10/2022, 08:07 (GMT+7)
Vũ khí siêu thanh - cuộc chạy đua mới của các cường quốc

Trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, diễn biến phức tạp và khó dự báo như hiện nay, cùng với chủ động điều chỉnh chiến lược của mình, các cường quốc hàng đầu thế giới cũng tăng cường cạnh tranh quyết liệt trên nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển dòng vũ khí siêu thanh, có tầm bắn xa, sức công phá lớn và hiệu quả tiêu diệt mục tiêu cao. Động thái này cũng làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các cường quốc trên lĩnh vực quân sự.

Đẩy mạnh phát triển vũ khí siêu thanh

Nguyên nhân chủ yếu khiến các cường quốc quan tâm đặc biệt tới phát triển vũ khí siêu thanh, vì dòng vũ khí này có khả năng tấn công từ rất xa với vận tốc lớn nên không thể bị phát hiện và bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay. Vũ khí siêu thanh có thể bay với vận tốc Mach 5 (lớn hơn 05 lần vận tốc âm thanh) và có thể tăng lên tới Mach 25. Hiện nay, vũ khí siêu thanh được chia làm hai loại: tên lửa hành trình siêu thanh sử dụng động cơ trong suốt quá trình bay và tên lửa liệng siêu thanh bay theo quỹ đạo dạng tàu lượn, nên còn được gọi là tàu lượn siêu thanh. Tên lửa hành trình siêu thanh được phát triển trên cơ sở tăng vận tốc tối đa của vũ khí hiện nay từ Mach 2 lên Mach 5, với khả năng tăng tối đa lên khoảng Mach 10. Tên lửa hành trình siêu thanh được trang bị động cơ phản lực tĩnh siêu âm đặc biệt, hoạt động bằng cách đốt nhiên liệu trong một luồng khí siêu thanh nén.

Tên lửa liệng siêu thanh là một kiểu đặc biệt của phương tiện hoặc đầu đạn có thể quay trở lại trái đất, sau khi tách ra khỏi phương tiện mang là tên lửa đạn đạo. Tên lửa liệng siêu thanh có vận tốc Mach 20 hoặc lớn hơn khi được phóng từ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Trọng tâm hiện nay không phải là tăng vận tốc cho tên lửa liệng siêu thanh mà là khả năng liệng xuyên qua các tầng khí quyển ở độ cao giữa 40 km và 100 km, sử dụng lực khí động lực học để hiệu chỉnh quỹ đạo, thậm chí không cần hệ thống động lực. Tên lửa liệng siêu thanh Avangard của Nga đã thử nghiệm thành công và đưa vào trang bị tác chiến. Trong khi đó, Trung Quốc cũng nhiều lần phóng thử nghiệm tên lửa liệng siêu thanh DF-ZF. Mỹ hiện tại được coi là bị bỏ lại phía sau khi mới đang tiến hành chương trình phát triển tên lửa liệng siêu thanh C-HGB.

Đột phá ấn tượng nhất trong phát triển vũ khí siêu thanh của Nga chính là phát triển thành công tên lửa liệng siêu thanh Avangard. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, với hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard - “vũ khí bất khả xâm phạm”, Nga là nước đầu tiên trên thế giới phát triển thành công vũ khí chiến lược này và nó sẽ đảm bảo an toàn cho an ninh quốc gia và nhân dân Nga trong nhiều thập niên tới. Tên lửa Avangard có tầm bắn liên lục địa và bay ở vận tốc Mach 20, khi tiếp cận mục tiêu, đầu đạn sẽ tách khỏi tên lửa và lướt trong không khí với vận tốc cực lớn, cơ động điều chỉnh độ cao và hướng để tránh hệ thống phòng thủ của đối phương.

Trung Quốc gần đây cũng thành công trong phát triển tên lửa liệng siêu thanh DF-ZF, phóng từ tên lửa đạn đạo tầm gần DF-17. Tên lửa liệng siêu thanh DF-ZF được coi là vũ khí để thực hiện chiến lược chống tiếp cận/ngăn chặn khu vực (A2/AD), chủ yếu là ngăn chặn lực lượng tác chiến của cụm tàu sân bay tấn công ngoài bờ biển Trung Quốc. Việc nghiên cứu, phát triển vũ khí siêu thanh quan trọng nhất là để phát triển tên lửa liệng siêu thanh cho tên lửa đạn đạo liên lục địa. Về lĩnh vực này, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, Trung Quốc chỉ lạc hậu sau Nga một vài năm. Để kiểm nghiệm các loại phương tiện bay siêu thanh, họ đã tích cực phát triển cơ sở hạ tầng, gồm việc xây dựng một đường hầm gió đặc biệt nằm ở ngoại ô Bắc Kinh, cho phép thử nghiệm bay ở tốc độ trên Mach 9.

Về phía Mỹ, không có tín hiệu nào cho thấy có sự quan tâm tới tên lửa liệng siêu thanh chiến lược mang đầu đạn hạt nhân. Thay vào đó là ba hệ thống có triển vọng tương tự như tên lửa liệng siêu thanh, gồm: vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không AGM-183A, vũ khí siêu thanh tầm xa phóng từ mặt đất và hệ thống tấn công nhanh toàn cầu, nhằm cung cấp khả năng nhanh chóng giao chiến với hàng loạt mục tiêu ở tầm xa. Điều này dẫn đến sự thay đổi gây tranh cãi là Mỹ đang phát triển một hệ thống tên lửa tầm trung thế hệ mới, sau khi từ bỏ tham gia Hiệp ước cắt bỏ vũ khí tầm trung chiến lược.

Tăng cường năng lực răn đe chiến lược và chiến thuật của vũ khí siêu thanh

Trên thực tế, cả Nga, Mỹ và Trung Quốc đều đặt mục tiêu phát triển vũ khí siêu thanh nhằm tăng cường năng lực răn đe chiến lược và đối phó hiệu quả với các mối đe dọa từ bên ngoài. Hiện tại, Nga đã và đang đầu tư rất lớn cho phát triển vũ khí siêu thanh, nhằm chiếm vị trí tiên phong trong cuộc cách mạng quân sự mới. Sở dĩ như vậy, bởi Nga coi vũ khí siêu thanh là vũ khí chủ yếu sử dụng trong tác chiến không gian vũ trụ tương lai, với đặc điểm tốc độ nhanh, chính xác, linh hoạt và hiệu quả, loại vũ khí này sẽ có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với chiến tranh tương lai. Và trong thực tiễn, công nghệ vũ khí tấn công ở vận tốc siêu thanh đã được người Nga gọi là “công nghệ thế hệ sáu trong lĩnh vực quân sự”. Nhờ được quan tâm và đầu tư nguồn lực lớn, hiện Nga được cho là đã vượt Mỹ trong phát triển vũ khí siêu thanh. Đây sẽ là loại vũ khí có thể giúp Nga đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ bên ngoài. Từ trước đến nay, Nga luôn coi “Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo” là nền tảng cho sự ổn định chiến lược giữa Mỹ và Nga. Trong những năm gần đây, Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania và Ba Lan, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục mở rộng về phía Đông,... điều mà Moscow luôn cho là sẽ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Nga và cả “không gian hậu Xô Viết”. Trong khi đó, chương trình phát triển vũ khí “tấn công nhanh toàn cầu” của Mỹ đã phá vỡ sự cân bằng chiến lược giữa Nga và Mỹ. Nếu trong cuộc khủng hoảng địa chính trị, Mỹ sử dụng vũ khí “tấn công nhanh toàn cầu”, thậm chí kể cả trong trường hợp nó chỉ mang một đầu đạn phi hạt nhân, Nga cũng vẫn coi nó là một vũ khí tấn công chiến lược. Do vậy, vũ khí siêu thanh sẽ là chỗ dựa vững chắc để Nga đối phó với các mối đe dọa an ninh từ bên ngoài, cũng như kế hoạch “tấn công nhanh toàn cầu” của Mỹ.

Đồng thời, vũ khí siêu thanh cũng tạo cơ sở để Nga tăng cường năng lực ngăn chặn phi hạt nhân. Quân đội Nga đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược, tuy “ngưỡng” vận dụng lực lượng tấn công hạt nhân là tương đối cao, nhưng giá trị thực chiến lại tương đối thấp. Trong “Học thuyết quân sự Liên bang Nga”, nước này đã đưa ra chiến lược mới là “ngăn chặn phi hạt nhân”. Việc nghiên cứu phát triển vũ khí siêu thanh chính là tập trung thực hiện chiến lược đó. Thủ đoạn tấn công phi hạt nhân, so với các loại tên lửa liên lục địa như Topol-M, RS-24 Yars mà lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã triển khai, ngưỡng sử dụng chiến đấu của vũ khí siêu thanh thấp hơn nhiều, chính vì vậy năng lực răn đe chiến lược xem ra thực chất hơn. Việc Nga tập trung phát triển vũ khí siêu thanh hiện đại có khả năng tiến công hạt nhân với mục tiêu tấn công phủ đầu như Avangard phản ánh một tư duy chiến lược đặc biệt, mà trọng tâm là phát triển vũ khí siêu thanh và thúc đẩy hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, với các biện pháp ​​cụ thể là nghiên cứu, phát triển tên lửa liệng siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân cũng như tăng cường khả năng vận dụng lực lượng hạt nhân chiến thuật vào chiến đấu.

Đối với Mỹ, ngay từ đầu thế kỷ 21, nước này bắt đầu đề xuất kế hoạch “tấn công nhanh toàn cầu”, phát triển công nghệ siêu thanh, với mục tiêu chủ yếu là kiềm chế các đối thủ tiềm năng là Nga và Trung Quốc. Theo đó, Mỹ tăng cường triển khai quân sự ở châu Âu để đối phó Nga, ở hướng biển Hoa Đông và Biển Đông để duy trì thế kiềm chế Trung Quốc. Mỹ dự kiến bố trí một số lượng nhất định vũ khí siêu thanh ở Bộ Tư lệnh châu Âu và Thái Bình Dương. Động thái này tiếp tục làm nổi bật ý đồ chiến lược trong việc phát triển vũ khí siêu thanh của Mỹ để nhằm kiềm chế các đối thủ. Theo ý tưởng tác chiến “tấn công nhanh toàn cầu”, sau khi hạ quyết tâm tác chiến, vũ khí siêu thanh có thể tấn công các mục tiêu bất kỳ trên toàn cầu trong vòng một giờ. Kế hoạch “tấn công nhanh toàn cầu” với cốt lõi là vũ khí siêu thanh, đối với Mỹ mà nói đó là một lựa chọn có tỷ lệ hiệu quả/chi phí cao, vận dụng tác chiến linh hoạt. Trong khi đó, tên lửa liệng siêu thanh có sát thương phụ nhỏ, nên sử dụng tác chiến linh hoạt. Điều đó cho thấy, Mỹ rõ ràng có ý định sử dụng vũ khí siêu thanh chống lại một số mục tiêu nguy hiểm có thể nhanh chóng thay đổi vị trí. Bên cạnh đó, do tốc độ bay nhanh, độ chính xác tấn công cao, thậm chí vũ khí siêu thanh không mang đầu đạn, vẫn có thể thông qua động năng để trực tiếp tiêu diệt mục tiêu, thích hợp cho tấn công đánh đòn phủ đầu vào các mục tiêu quan trọng như lãnh đạo quốc gia, thủ lĩnh tổ chức khủng bố, cơ sở hạt nhân chiến lược, trung tâm chỉ huy quân sự và hệ thống phòng không chống tên lửa, v.v.

Trung Quốc cũng đang hướng tới mục tiêu đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Hiện nay, Mỹ đã triển khai một số lượng lớn hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đe dọa nghiêm trọng tới sự cân bằng chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu Trung Quốc nghiên cứu, phát triển thành công tên lửa liệng siêu thanh và lắp thêm các đầu đạn thông thường, đầu đạn hạt nhân thì sẽ có thể đột phá được hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có của quân đội Mỹ. Ngoài ra, tầm quan trọng khác của vũ khí siêu thanh đối với nước này là có thể trực tiếp đe dọa cụm tàu ​​sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, lực lượng phòng không thuộc cụm tàu sân bay Mỹ tuy có thể đối phó được với máy bay ném bom siêu thanh, nhưng không thể đối phó hiệu quả với tên lửa liệng siêu thanh. Nếu tên lửa liệng siêu thanh trực tiếp tấn công mục tiêu, cho dù chỉ với đầu đạn thông thường cũng đủ để loại khỏi vòng chiến đấu tàu sân bay.

Tuy nhiên, có thể nói vũ khí siêu thanh cũng chính là “con dao hai lưỡi”, nếu không được kiểm soát một cách hiệu quả sẽ là nhân tố gây bất ổn định trên từng khu vực và toàn cầu, là khởi nguồn của cuộc chạy đua vũ trang mới, thậm chí đe dọa sự sống còn và phát triển của toàn nhân loại. Do vậy, để bảo đảm cân bằng chiến lược trong răn đe của vũ khí siêu thanh, đòi hỏi các cường quốc cần phải đạt được thỏa thuận trong phát triển loại vũ khí nguy hiểm này và hạn chế tối đa quy mô của chúng ở cấp độ cao. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để tạo sự cân bằng chiến lược giữa các cường quốc, cũng như duy trì nền hòa bình, ổn định lâu dài trên thế giới.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...