Thứ Tư, 27/11/2024, 05:55 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Trong Thông điệp liên bang năm 2018, Tổng thống Nga V. Pu-tin đề cập nhiều nội dung; trong đó, lĩnh vực quốc phòng được Ông xác định là nội dung quan trọng nhất và đây cũng là vấn đề được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Vì sao? Chúng ta cùng tìm hiểu.
Thiếu lòng tin chiến lược
Thế giới đã có nhiều lần đứng trước thảm họa hạt nhân (do sự hiểu lầm) giữa Mỹ và Nga - hai cường quốc hạt nhân. Để ngăn chặn và đảm bảo an ninh quốc tế, ngay từ năm 1972, Mỹ và Liên Xô (trước đây) đã ký Hiệp ước phòng thủ tên lửa và Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START). Gần đây nhất, năm 2010, Nga ký với Mỹ Hiệp ước START III, nhằm tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược. Theo đó, số lượng tên lửa đạn đạo của mỗi bên bị hạn chế đến mức cần thiết, tương đương nhau. Những hiệp ước này là cơ sở pháp lý tạo bầu không khí tin cậy và ngăn chặn bên kia sử dụng vũ khí hạt nhân một cách thiếu suy nghĩ, gây nguy hiểm cho nhân loại. Mặc dù, các hiệp ước vẫn được Nga, Mỹ tiếp tục ký, điều chỉnh, nhưng giữa họ chưa bao giờ có được lòng tin chiến lược, mà luôn trong tình trạng nghi ngờ lẫn nhau. Thể hiện rõ, năm 2002, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa, tập trung mọi nguồn lực phát triển vũ khí hạt nhân; gia tăng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở một số khu vực1; triển khai lực lượng áp sát biên giới Nga, hòng tạo sự vượt trội về quân sự so với Nga, làm cho mối quan hệ Nga - phương Tây (đứng đầu là Mỹ) chưa bao giờ có được sự “nồng ấm” mà luôn căng thẳng, đối đầu, nhất là khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm.
Đối với Nga, mặc dù kinh tế, nền công nghiệp, trong đó có công nghiệp quốc phòng đang trong tình trạng hết sức khó khăn, nhưng Moskva vẫn đẩy mạnh phát triển nhiều vũ khí hiện đại, thế hệ mới. Gần đây, trong Thông điệp liên bang, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã không giấu giếm, công bố nhiều loại vũ khí mới, làm cho Mỹ và phương Tây đứng ngồi không yên. Hơn nữa, khi Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm bắt đầu thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng, nhằm đưa nước Mỹ trở nên vĩ đại bằng việc hiện đại hóa các loại vũ khí chiến lược và chiến thuật cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa và sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự để giải quyết những “điểm nóng” trên thế giới, khiến Moskva không yên lòng. Tóm lại, do thiếu lòng tin chiến lược, hai cường quốc hạt nhân lúc nào cũng “trên đường đua” làm cho an ninh thế giới ngày càng nguy hiểm, đứng trước nguy cơ bị hủy hoại nếu xung đột giữa hai nước xảy ra.
Muốn có tiếng nói trọng lượng hơn trong các vấn đề quốc tế
Nga là một trong những nước Cộng hòa Xô viết duy nhất được quốc tế công nhận là sự kế tiếp pháp lý của Liên Xô, nhưng về thực tế, họ không được thừa hưởng vị thế đó trên trường quốc tế. Bởi vậy, Mỹ không quan tâm đến việc Moskva nói gì, làm gì, tự cho mình cái quyền cao nhất, toàn quyền giải quyết mọi vấn đề quốc tế, gạt Nga ra khỏi cuộc chơi. Điều đó được chứng minh bằng cuộc chiến tranh Cô-sô-vô do Mỹ và các nước phương Tây tiến hành với mục đích thể hiện thế mạnh, vị thế siêu cường duy nhất của Mỹ; thử nghiệm học thuyết mới về chính trị và quân sự cũng như vũ khí mới; kiềm chế và gạt ảnh hưởng của Nga khỏi Balkan; củng cố NATO; áp đặt các tiêu chuẩn, giá trị Mỹ ở châu Âu; gia tăng ảnh hưởng của Tây Âu. Để lấy lại vị thế của một siêu cường, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V. Pu-tin đã tập trung mọi nỗ lực phát triển kinh tế, ổn định chính trị; chú trọng đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng nhằm hiện đại hóa quân đội. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, kinh tế phát triển khá cao, nguồn dự trữ quốc gia tăng, chính trị dần ổn định, các lực lượng vũ trang được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, thế hệ mới. Sự thực ở chiến trường Xy-ri đã chứng minh, Nga công khai bảo vệ Chính quyền của Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát; đưa ra phương án xử lý chất độc hóa học được dư luận quốc tế đánh giá cao; đưa quân đội, vũ khí đến Xy-ri theo đề nghị của Đa-mát và hỗ trợ quân đội của chính phủ Xy-ri đánh bại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thực tế đó làm cho Mỹ không thể phủ nhận vai trò của Nga trên trường quốc tế. Hơn nữa, trong Thông điệp Liên bang 2018, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã giới thiệu một loạt vũ khí hiện đại, thế hệ mới, đặc biệt vũ khí chiến lược đã được Nga thử nghiệm thành công. Đây thực sự là yếu tố quan trọng - “bảo bối’ để các đối tác phải lắng nghe ý kiến của Nga, ngồi lại đàm phán với Moskva trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Trong đó, Ông tuyên bố rằng: “Điều thực sự đáng ngạc nhiên là bất chấp tất cả các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, công nghiệp quốc phòng, Nga vẫn là một cường quốc hạt nhân lớn nhất. Không một ai muốn nói với chúng ta về cốt lõi của vấn đề, và không ai muốn lắng nghe chúng ta. Vậy thì giờ hãy lắng nghe”.
Những vũ khí mà Tổng thống Nga giới thiệu trong Thông điệp liên bang ngầm cảnh báo việc phương Tây đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, đưa các cơ sở hạ tầng của NATO đến sát biên giới Nga và có những hành động quân sự đối với Nga đều trở nên vô nghĩa. Đây cũng là cơ sở để các chuyên gia của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng thảo luận với các đối tác và buộc họ phải lắng nghe các ý kiến của Nga về các vấn đề toàn cầu. Cùng với đó, Nga tích cực tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế; thúc đẩy xây dựng các liên minh, tổ chức kinh tế, chính trị và quân sự, như: Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Đồng thời, đẩy mạnh chương trình nghị sự tại Liên hợp quốc, Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) và Diễn đàn Hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC), từng bước lấy lại vị thế siêu cường và giá trị của Nga trên trường quốc tế.
Tập trung mọi nỗ lực phát triển khoa học công nghệ
Tổng thống Nga V. Pu-tin khẳng định, muốn phát triển khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trong tình hình mới, trước hết phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của nền khoa học công nghệ hiện đại, có đầy đủ trang thiết bị nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu, đi trước, đón đầu. Những năm gần đây, Nga đầu tư mạnh vào việc củng cố hệ thống các viện, trung tâm nghiên cứu; phát triển tiềm năng khoa học cơ bản; định hướng nghiên cứu các dự án quốc phòng lớn, mang tính đột phá, v.v. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu và các lĩnh vực mới, Hội đồng khoa học và giáo dục quốc gia quyết định chế tạo máy gia tốc thế hệ mới, cực mạnh, đảm bảo cho các trung tâm khoa học trở thành cơ sở nghiên cứu hiện đại, thiết thực, hiệu quả, giúp các nhà khoa học có đủ điều kiện nghiên cứu sâu, đi trước, đón đầu về công nghệ. Mấy năm gần đây, nước Nga thực hiện nhiều chính sách ưu đãi và có cơ chế thích hợp động viên, thu hút hàng nghìn chuyên gia, nhà khoa học, nhà thiết kế, công trình sư lỗi lạc, các công nhân tài năng và đầy nhiệt huyết đến làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, viện khoa học. Đồng thời, có những chính sách quan tâm đặc biệt đối với tầng lớp thanh niên - lực lượng đông đảo và năng động, thích ứng với sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (4.0). Đáp lại sự quan tâm đó, thanh niên Nga đã chứng minh được sự đi đầu của mình trong khoa học và các lĩnh vực khác. Năm 2017, tại Olympic quốc tế, học sinh Nga giành 38 huy chương; có thành tích cao về các môn khoa học - tự nhiên, kỹ thuật robot và là đoàn mạnh nhất về lập trình, v.v. Không những vậy, Nga còn tạo điều kiện hấp dẫn, thuận lợi tối đa giúp thanh niên tài năng từ nhiều nước trên thế giới đến học tập, nghiên cứu tại các trường đại học của họ. Những người có trình độ nghiệp vụ cao có nhiều cơ hội làm việc tại đây. Chính phủ Nga coi đây là những hạt giống đỏ thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển.
Chủ động sản xuất nhiều vũ khí thế hệ mới, hiện đại
Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga trong tình trạng: nội chiến ở Cáp-ca-dơ (Caucasus), hệ thống rađa cảnh báo sớm tuyến biến giới có nhiều “lỗ hổng”, lực lượng vũ trang không được quan tâm xây dựng đúng mức, số lượng quân nhân chuyên nghiệp giảm đáng kể; vũ khí, trang bị lỗi thời, lạc hậu, v.v. Trong khi đó, hoạt động của các nhà máy làm giàu urani bị các thanh sát viên của Mỹ giám sát. Có thể nói, quốc phòng, quân sự của Nga thời điểm đó rất hạn chế, khó có thể bảo đảm được an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, v.v. Để lấy lại vị thế của mình, Nga nhanh chóng tập trung hiện đại hóa quân đội, củng cố nền công nghiệp quốc phòng nhằm sản xuất nhiều loại vũ khí mới, trang bị cho quân đội. Chính vì thế, chỉ sau hơn chục năm, quân đội Nga đã “lột xác” thành “chú gấu” đích thực, có khả năng tác chiến hiệu quả trên cả 5 môi trường (không, bộ, biển, vũ trụ và điện từ). Thông qua chiến dịch ở Xy-ri cho thấy, khả năng của lực lượng vũ trang Nga cả hải, lục, không quân tăng lên đáng kể; số lượng quân nhân chuyên nghiệp tăng 2,4 lần; vũ khí hiện đại tăng 3,7 lần, với hơn 300 mẫu vũ khí mới, 80 tên lửa đạn đạo liên lục địa, hơn 100 quả tên lửa phóng từ tàu ngầm, 03 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Bore, 12 trung đoàn tên lửa “Yars” mới, v.v. Số lượng phương tiện vũ khí có độ chính xác cao, tầm bắn xa tăng hơn 12 lần; thậm chí, tên lửa hành trình định hướng tăng 30 lần. Sự sẵn sàng của trang thiết bị, kỹ thuật tăng từ 70% lên 95%, có loại 100%. Không dừng lại ở đó, trong Thông điệp liên bang năm 2018, Tổng thống Nga V. Pu-tin còn công bố nhiều loại vũ khí hiện đại, mới, đặc biệt là vũ khí chiến lược, hạt nhân đã, đang và sẽ trang bị cho lực lượng vũ trang trong thời gian sớm nhất có thể. Những loại vũ khí đó là: tên lửa liên lục địa, tên lửa hành trình có tốc độ siêu thanh, tính cơ động cao, bay không giới hạn. Cùng với đó, Nga còn sản xuất tàu lặn không người lái, không tiếng ồn, có khả năng tàng hình, lặn sâu tùy thích, cự li không giới hạn và vũ khí la de. Dư luận quốc tế có nhiều quan điểm trái chiều về các siêu vũ khí của Nga, nhưng thực sự trong số đó có loại2 đã được Liên Xô (trước đây) thử nghiệm thành công và đưa vào sử dụng từ năm 1968.
Tóm lại, Thông điệp liên bang năm 2018 của Tổng thống Nga V. Pu-tin cho thấy, toàn cảnh sự phát triển ngoạn mục của Nga về lĩnh vực quốc phòng, quân sự, đặc biệt là vũ khí, trang bị. Trên cơ sở đó, xây dựng niềm tin cho người dân Nga về sự đảm bảo an ninh quốc gia cũng như hòa bình, ổn định và an ninh thế giới.
Đại tá, ThS. ĐỖ HẢI ÂU ____________
1 - Trong nước (Alska, California), trên thế giới (Đông Âu: Rumani và Ba Lan; châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản) và trên 5 tàu tuần dương, 30 tàu khu trục, tạo thành hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu.
2 - Năm 1966, Liên Xô đã thực hiện phóng thử 04 lần đều thành công. Chính phủ Liên Xô quyết định đưa loại tên lửa này vào trang bị cho quân đội. Tên lửa quỹ đạo R-36-0 (8k69) có tầm bay không giới hạn, được cho là bất khả xâm phạm trước các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, được đưa vào sử dụng ngày 19-01-1968. Tên lửa này đã phục vụ trong quân đội Liên Xô được 15 năm và rút khỏi nhiệm vụ chiến đấu tháng 01-1983 theo thỏa thuận với Oa-sinh-tơn. (Theo Báo Quân đội nhân dân số 20472 * thứ Ba 03-4-2018).
Thông điệp liên bang 2018,vấn đề quốc phòng,Tổng thống Nga
Xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương 25/11/2024
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ
Xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương