Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:44 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Với nhiều sự kiện diễn ra, cục diện chính trị - quân sự thế giới năm 2015 có những biến chuyển lớn, thay đổi cơ bản, nhanh chóng. Trong đó, trật tự thế giới đa cực được thể hiện ngày càng rõ cùng vai trò nổi lên của nhiều nước. Đây sẽ là tiền đề quan trọng, tác động tới cục diện quốc tế năm 2016 với cả hai gam màu “sáng - tối”.
Năm 2015, chủ nghĩa khủng bố, nhất là của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiếp tục hoành hành và Nga đã mở chiến dịch không kích chống khủng bố ở Xy-ri. Sự tham gia của Nga và một số lực lượng khác bước đầu đã tạo thay đổi căn bản không chỉ trong cuộc chiến chống IS, cục diện chính trị - quân sự Trung Đông, mà còn ở phạm vi thế giới. Trên thực tế, hiệu quả chiến dịch quân sự chống phiến quân IS của Nga đã tạo bước đột phá trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xy-ri. Ngày 30-10-2015 (sau 1 tháng Nga không kích IS), Hội nghị quốc tế bàn về tình hình Xy-ri được tổ chức tại Viên (Áo) với sự tham gia của đại diện các nước chủ chốt, như: Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, A-rập Xê-út,… và I-ran đã đạt được thỏa thuận quan trọng. Theo đó, các bên thống nhất giải quyết vấn đề Xy-ri bằng một giải pháp chính trị và việc loại bỏ Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát (theo quan điểm trước đây của Mỹ và phương Tây) đã không còn là điều kiện tiên quyết. Thậm chí, trong cuộc gặp mới đây (ngày 15-12) với Tổng thống Nga V. Pu-tin, Ngoại trưởng Mỹ G. Ke-ry đã chấp thuận quan điểm xuyên suốt của Nga về hóa giải cuộc khủng hoảng Xy-ri theo hướng: tương lai của Tổng thống B. An Át-xát sẽ do chính người dân nước này quyết định. Đây là sự “đồng thuận” hiếm hoi giữa phương Tây và Nga đối với cuộc khủng hoảng kéo dài gần 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Một trong những biểu hiện của trật tự thế giới đa cực trong năm 2015 là nhóm P5 + 11 và I-ran đạt được thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran. Đây là một trong những hồ sơ phức tạp, gai góc và kéo dài nhất của thế giới đương đại. Theo đánh giá của các nhà quan sát, sẽ không thể đạt được thỏa thuận nếu các bên không nhân nhượng hoặc thỏa hiệp để tìm phương thức có tính nguyên tắc, cơ bản, lâu dài nhằm hóa giải những tranh cãi đối đầu giữa I-ran với Mỹ và các nước phương Tây khác trong suốt 12 năm qua. Các chính khách hàng đầu thế giới đều đánh giá cao sự kiện này và coi đó là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với quan hệ Mỹ - I-ran mà còn đối với cả khu vực và thế giới. Thỏa thuận trên cũng chứng tỏ rằng, mâu thuẫn giữa các nước, dù có phức tạp, gai góc đến đâu vẫn có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình, nếu các bên cùng có thiện chí.
Đối với khu vực châu Âu, trong suốt một năm qua đã phải hứng chịu liên tiếp các đợt sóng gió, từ những vụ khủng bố tại Pháp, rơi máy bay của Nga, Đức, khủng hoảng nợ công Hy Lạp,… đến cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Trong đó, dòng người tỵ nạn khổng lồ đổ về “lục địa già” trong một thời gian ngắn đã, đang đe dọa nguyên tắc tự do đi lại - giá trị cốt lõi của Liên minh châu Âu (EU). Mối lo về kinh tế, sự lai tạp văn hóa và cả nguy cơ khủng bố từ dòng người di cư, khiến bất đồng trong giải quyết vấn đề này giữa các thành viên EU ngày càng sâu sắc. Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu năm 2015, nhìn bề ngoài là sự tha hương lánh nạn của người dân khu vực Bắc Phi - Trung Đông bởi xung đột, bạo lực và nghèo đói. Song, trên thực tế, đó là hệ lụy từ chính sách can thiệp của các cường quốc, nhất là của các nước phương Tây đối với khu vực này. Vì thế, việc EU đang nỗ lực hóa giải cuộc khủng hoảng, dù suôn sẻ cũng chỉ giải quyết được phần ngọn. Muốn giải quyết gốc rễ của vấn đề, đòi hỏi các nước phải điều chỉnh chính sách đối với khu vực Trung Đông trên tinh thần xây dựng, có chính sách hỗ trợ, nhằm bảo đảm nền hòa bình, ổn định cho các nước và cuộc sống của người dân. Rõ ràng, trong tình hình hiện nay, những vấn đề nổi cộm của khu vực và toàn cầu không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết, mà phải có sự chung tay của nhiều nước, thậm chí cả cộng đồng quốc tế.
Trong năm 2015, sau những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trực tiếp là của các quốc gia thuộc nhóm “Noóc-man-đi”2, Thỏa thuận Min-xcơ 2 đã được ký kết, mở ra cơ hội lịch sử để giải quyết cuộc khủng hoảng ở U-crai-na. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân và sự tác động từ nhiều phía, các bên liên tục tố cáo nhau vi phạm Thỏa thuận và kết quả không chỉ làm cho cuộc khủng hoảng rơi vào bế tắc, mà còn đẩy U-crai-na tới nguy cơ phá sản. Gần đây, do những động thái quyết đoán của Nga trong các vấn đề quốc tế, khiến Mỹ có sự điều chỉnh chính sách đối với U-crai-na. Trong chuyến thăm U-crai-na (ngày 06-12-2015), Phó Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã phải thừa nhận, nhà nước U-crai-na là “tham nhũng nhất thế giới”; đồng thời, yêu cầu Chính quyền Ki-ép phải thực hiện Thỏa thuận Min-xcơ 2 và thực hiện chủ trương thành lập nhà nước liên bang hay liên bang hóa U-crai-na. Như vậy, mặc dù còn nhiều bất đồng, nhưng quan điểm của Mỹ và Nga đã có biểu hiện xích lại gần nhau trong cách thức hóa giải cuộc khủng hoảng ở U-crai-na.
Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2015, đánh dấu kỷ nguyên mới ở Đông Nam Á khi Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập. Theo đó, ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN được hình thành trên cơ sở ba trụ cột: Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC); Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC). Kết quả này được đánh giá là bước chuyển mới về chất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á sau gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN có thể là mô hình cấu trúc tương lai của thế giới, bởi nó là sự tập hợp các quốc gia có chế độ chính trị và mô hình phát triển khác nhau, ở một khu vực năng động nhất thế giới. Trên nền tảng đó, Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nâng cao chất lượng, tính hiệu quả của các diễn đàn khu vực và quốc tế, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), v.v. Ngoài ra, trong năm 2015, khu vực này cũng chứng kiến sự kết thúc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương giữa 12 quốc gia. Theo chính giới nhiều nước, đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong thế kỷ XXI, hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, năm 2015, khu vực này cũng tồn tại nguy cơ mất ổn định khi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra quyết liệt, gây quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực.
Cùng với đó, năm 2015 cũng chứng kiến sự điều chỉnh chính sách an ninh của nhiều nước, nhất là các nước lớn. Ngay từ đầu năm, Mỹ đã công bố Chiến lược An ninh quốc gia năm 2015; Trung Quốc công bố Sách trắng Quốc phòng thể hiện Chiến lược Quân sự (tháng 5-2015); Nga công bố Học thuyết biển sửa đổi (tháng 7-2015) và Nhật Bản thông qua Dự luật An ninh quốc gia mới, v.v. Điều đó đã làm cho nhiều nước khác, nhất là các đối tác tương tác của các nước đó cũng phải có sự điều chỉnh thích hợp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cục diện và sự cạnh tranh giữa các nước ở từng khu vực và phạm vi toàn cầu năm 2015 có những biến chuyển phức tạp và hết sức quyết liệt.
Với những gì đã diễn ra trong năm 2015, tình hình các khu vực và quốc tế năm 2016 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp; cục diện thế giới cũng có thể có sự biến chuyển khó lường; bức tranh chính trị - quân sự toàn cầu năm 2016 vẫn sẽ là hai màu “sáng - tối” đan xen. Về gam màu sáng có thể dự báo là, chủ nghĩa khủng bố, đứng đầu là IS sẽ bị suy yếu trước trước nỗ lực đấu tranh của cộng đồng quốc tế dưới ngọn cờ của Liên hợp quốc. Điều này có tính khả thi cao, bởi IS càng phiêu lưu mở rộng gây tội ác ra nhiều nước và khu vực sẽ càng hối thúc sự đoàn kết của nhiều quốc gia tham gia chống IS, kể cả các nước trước đây đã từng hậu thuẫn cho tổ chức khủng bố khét tiếng này. Trên cơ sở kết quả hỗ trợ của Nga đối với Quân đội của Chính phủ Xy-ri trong việc giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ ra nghị quyết hóa giải cuộc khủng hoảng ở nước này bằng một giải pháp chính trị, mở ra triển vọng hòa bình tại Xy-ri. Cùng với đó, ở châu Âu, cuộc khủng hoảng ở U-crai-na được dự báo sẽ có biến chuyển tích cực khi các bên nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận Min-xcơ 2; Liên minh châu Âu sẽ nới lỏng các biện pháp cấm vận đối với Nga và dưới tác động tích cực của cuộc chiến chống khủng bố cùng sự ổn định tình hình ở Xy-ri, cuộc khủng hoảng di cư ở “lục địa già” sẽ từng bước “hạ nhiệt”. Đây có thể là những điểm sáng nổi bật trong năm 2016, bởi những tiền đề của nó đã xuất hiện từ năm 2015 và nếu không có những đột biến xảy ra thì nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực.
Về gam màu tối trong năm 2016 có thể được tạo nên từ các động thái về nguy cơ tan rã EU, mà dấu hiệu đầu tiên là nhiều nước thành viên của Liên minh này thắt chặt kiểm soát biên giới; cuộc khủng hoảng nợ công đang làm lung lay các thể chế của EU. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU lại bị chia rẽ và không có khả năng đưa ra những quyết sách có tầm nhìn đáng tin cậy về tương lai của châu lục. Bên cạnh đó, quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng đô-la sẽ tác động tiêu cực tới sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi; giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc cũng sẽ gây xáo trộn nền kinh tế thế giới. Mặt khác, tình hình tranh chấp chủ quyền trên các vùng biển, nhất là ở Biển Đông có thể có những phức tạp mới, khó lường; khu vực Mỹ La-tinh sẽ rơi vào bất ổn dưới tác động của cuộc bầu cử ở Vê-nê-zu-ê-la do phe đối lập dành được ưu thế cùng những khó khăn kinh tế của nhiều nước, như: Ác-hen-ti-na, Bra-xin,… cũng là gam màu tối rất đáng lưu ý.
Những gam màu “sáng - tối” nêu trên tuy nhiên mới chỉ là dự báo. Để trở thành hiện thực cần phải có những điều kiện trực tiếp. Vì thế, dư luận cho rằng, các nước, nhất là các cường quốc trên thế giới, cần chung tay, chung sức nhằm tăng cường các điểm đồng - điểm sáng và thu hẹp những bất đồng - điểm tối trước khi quá muộn. Có như vậy, mới góp phần xây dựng nên một thế giới hòa bình, ổn định và ngày càng phồn thịnh.
Đại tá LÊ THẾ MẪU __________
1 - Gồm: Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức.
2 - Gồm: Nga, Đức, Pháp và U-crai-na.
Tình hình quốc tế,năm 2015,2016
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ