Thứ Hai, 25/11/2024, 21:11 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Tháng 8-2014, Chính phủ Nhật Bản đã công bố Sách Trắng Quốc phòng 2014. Đây là Sách Trắng Quốc phòng thứ 40 của Nhật Bản kể từ năm 1970. Nội dung chính của văn kiện quốc phòng này là, thể hiện quan điểm của Nhật Bản về bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận của đất nước trong điều kiện môi trường an ninh khu vực đang tồn tại nhiều bất ổn.
Sách Trắng Quốc phòng 2014 của Nhật Bản gồm 4 phần lớn: môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản; chính sách an ninh quốc phòng; nỗ lực quốc phòng và cơ sở phát huy sức mạnh quốc phòng của nước này.
1. Về môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản
Sách Trắng đề cập: môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản có nhiều vấn đề bất ổn sâu sắc hơn trước. Đó là sự tồn tại của nhiều yếu tố bất minh và không xác định, trước hết, là vấn đề lãnh thổ và vấn đề thống nhất. Nhật Bản cho rằng, xung quanh vấn đề lãnh thổ, chủ quyền và lợi ích kinh tế đang nằm trong trạng thái không phải thời bình, nhưng cũng không phải thời chiến. Trạng thái này ngày càng rõ do các nước xung quanh Nhật Bản mở rộng sức mạnh và tăng cường hoạt động quân sự. Đặc biệt, những động thái gần đây của Trung Quốc được coi là nguyên nhân chủ yếu gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Nhật Bản, và điều đó được phản ánh trong Sách Trắng Quốc phòng năm nay. Vào tháng 11-2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông bao trùm cả Xên-ca-cư, quần đảo không có người ở do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi nó là Điếu Ngư. Sách Trắng cho rằng, điều đó là nguy hiểm và nhấn mạnh: động thái của Trung Quốc có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột không mong muốn, dẫn đến “những hậu quả không lường trước được”.
Sách Trắng cũng quan ngại sâu sắc về sự tăng lên (gấp 4 lần so với thập kỷ trước) của ngân sách quốc phòng Trung Quốc. Riêng năm tài chính 2014, chi phí quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 12% (so với năm 2013), đạt 808,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 12.900 tỷ yên). Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong năm tài chính 2014 chỉ ở mức 4.780 tỷ yên (năm tài chính 2013 là 4.680 tỷ yên). Sách Trắng còn đề cập rằng, Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa trang bị, thiết bị theo giả định về các cuộc xung đột quân sự trên biển; trong đó, sẽ hạ thủy tàu sân bay đầu tiên được sản xuất ở trong nước vào đầu những năm 2020 và tăng cường một cách đáng kể hạm đội tàu chiến hạng nhẹ mới.
Đáng lưu ý, lần đầu tiên, Sách Trắng đề cập tới “những sự cố trong khu vực chưa phân rõ trắng đen”. Đó là những tình huống trong khu vực mà cả Lực lượng bảo vệ bờ biển lẫn Cảnh sát Nhật Bản không thể xử lý một cách thích đáng, cho dù những tình huống đó chưa đạt tới mức một cuộc chiến tranh toàn lực. Những sự cố trong khu vực chưa phân rõ trắng đen đó là “sự xâm phạm” không liên quan đến việc sử dụng vũ lực, mà ý nói đến việc Trung Quốc có mưu đồ thay đổi hiện trạng với ý định đạt được các lợi ích kinh tế, làm xuất hiện các mầm mống tiềm tàng châm ngòi cho các sự cố trong khu vực chưa phân rõ trắng đen. Sách Trắng lo ngại những sự cố trong khu vực nêu trên có khả năng sẽ gia tăng trong tương lai.
Cùng với xác định Trung Quốc là mối quan ngại then chốt bởi những hành động “nguy hiểm” trên biển và trên không của nước này, đặc biệt là việc Trung Quốc tìm cách áp dụng quyền kiểm soát các vùng biển xung quanh Nhật Bản, Sách Trắng cũng liệt kê Triều Tiên và Nga vào danh sách các nhân tố góp phần làm cho môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản “ngày càng trở nên nghiêm trọng”. Bên cạnh việc cảnh báo tên lửa và các chương trình hạt nhân của Triều Tiên là một trong những nhân tố gây bất ổn nghiêm trọng, Sách Trắng cũng lưu ý rằng, Tô-ky-ô đang “để mắt” tới sự dính líu của Nga ở U-crai-na. Theo Nhật Bản, các động thái gần đây của Nga cho thấy, Mát-xcơ-va đang có dấu hiệu mở rộng các hoạt động quân sự trong khu vực.
Theo một số quan chức quốc phòng Nhật Bản, Sách Trắng Quốc phòng 2014 của nước này chỉ tuyên bố những sự thật về các hành động của Trung Quốc đối với môi trường an ninh khu vực. Và rằng, Nhật Bản không phải là nước duy nhất quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ, mà ngay cả Mỹ và cộng đồng quốc tế cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, bởi đó là việc làm vô cùng nguy hiểm, vi phạm nguyên tắc tự do bay trên bầu trời quốc tế. Đặc biệt, việc làm đó còn khiến tình hình leo thang và rất dễ dẫn đến bất ổn, đe dọa đến hòa bình, ổn định trong khu vực.
2. Về chính sách an ninh quốc phòng của Nhật Bản
Đây là phần đề cập đến tư tưởng cơ bản về an ninh quốc phòng của Nhật Bản. Đại ý, một Nhật Bản mạnh mẽ không chỉ có nghĩa dẫn đầu cộng đồng quốc tế về kinh tế, mà sẽ đóng vai trò trách nhiệm lớn hơn trong lĩnh vực an ninh khu vực và thực hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ như cộng đồng quốc tế mong đợi. Cũng tại phần này, các chính sách an ninh quốc phòng của Nhật Bản còn được Sách Trắng đề cập trong: Phương châm cơ bản đề ra luật an ninh mới; cơ chế Hội đồng An ninh quốc gia; Chiến lược an ninh; Đại cương kế hoạch phòng vệ mới (chính sách quốc phòng 10 năm); Đại cương Kế hoạch quốc phòng trung hạn (2014 - 2019); Điều động sức mạnh quốc phòng và Kinh phí quốc phòng.
3. Về nỗ lực quốc phòng của Nhật Bản
Sách trắng nêu 3 mục chính: (1). Ngăn chặn và có đối sách hiệu quả với các thách thức; (2). Tăng cường thể chế an ninh Nhật - Mỹ; (3). Thúc đẩy hợp tác, đối thoại an ninh đa phương trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, để ngăn chặn và có đối sách hiệu quả với các thách thức, Sách Trắng đề cập đến hành động của Lực lượng Phòng vệ (SDF) đối với các vấn đề: bảo đảm an ninh vùng trời, vùng biển xung quanh Nhật Bản; phòng vệ biển, đảo; đối sách trong lĩnh vực không gian mạng; đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo; với thiên tai và với việc di chuyển người Nhật Bản ở nước ngoài.
Đối với tăng cường thể chế an ninh Nhật - Mỹ, Sách Trắng khẳng định, thể chế an ninh này không chỉ là trụ cột bảo đảm an ninh của Nhật Bản, mà còn là trụ cột của đồng minh Nhật - Mỹ, vì hòa bình phồn vinh cho Nhật Bản, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn thế giới. Vì vậy, trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực hiện nay, Nhật Bản cho rằng Mỹ cần duy trì hiện trạng, thúc đẩy sự can dự, tăng cường sự hiện diện của Oa-sinh-tơn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản cũng xác định, việc tăng cường quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ lúc này trở thành nhân tố quan trọng hơn bao giờ hết. Trong đó, đồng minh Nhật - Mỹ sẽ tăng cường huấn luyện, sức răn đe và đối phó với các thách thức. Sách Trắng cũng xác nhận rằng, sự đồn trú của quân Mỹ tại Nhật Bản giữ vai trò hạt nhân trong thể chế an ninh Nhật - Mỹ; là sự can dự sâu sắc của Nhật Bản và Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng với đó, Tô-ky-ô cho rằng, thúc đẩy hợp tác, đối thoại an ninh đa phương trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là phù hợp với quan điểm chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản, và là để tạo nên “mạng lưới hợp tác đa tầng thứ” với các nước; trong đó, có đồng minh Nhật - Mỹ. Nội dung của việc thúc đẩy hợp tác, đối thoại là tăng cường đối sách chống hải tặc; đẩy mạnh hoạt động hợp tác gìn giữ hòa bình, cứu hộ cứu nạn và thúc đẩy việc quản lý, giải trừ quân bị.
4. Về cơ sở phát huy sức mạnh quốc phòng của Nhật Bản
Đây là phần hoàn toàn mới so với Sách Trắng Quốc phòng 2013 của Nhật Bản. Theo đó, Nhật Bản sẽ tập trung nâng cao năng lực sản xuất trang bị, thiết bị quốc phòng trong nước; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và tăng cường hợp tác sản xuất quốc phòng với nước ngoài. Ngoài ra, Sách Trắng cũng khẳng định, Nhật Bản sẽ tăng cường minh bạch, công bằng trong việc mua sắm trang bị, thiết bị quốc phòng; thực hiện 3 nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng; kết hợp quân sự với dân sự trong nỗ lực hướng tới duy trì và tăng cường sản xuất cơ sở kỹ thuật quốc phòng. Đối với nguồn nhân lực, Sách Trắng cũng nêu rõ, Nhật Bản sẽ tăng cường tuyển mộ, sử dụng nhân viên trong Bộ Quốc phòng và lực lượng vũ trang; đồng thời, tổ chức tốt việc huấn luyện, giáo dục, có biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và tăng cường liên kết giữa Bộ Quốc phòng và lực lượng vũ trang với các tổ chức xã hội và nhân dân trong việc phát huy sức mạnh quốc phòng.
Như thường lệ, Sách Trắng Quốc phòng 2014 của Nhật Bản đã gặp phải sự phản ứng từ một số nước, nhất là từ Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nhanh chóng buộc tội Nhật Bản chủ tâm thổi phồng mối đe dọa mà Quân đội Trung Quốc gây ra, nhằm điều chỉnh lại các chính sách quân sự của nước này. Các nhà phân tích an ninh Trung Quốc cho rằng, văn kiện quốc phòng của Nhật Bản lần này là một dấu hiệu cho thấy nỗ lực của Chính quyền Sin-dô A-bê nhằm biến Nhật Bản trở thành một cường quốc quân sự của khu vực. Trung Quốc cũng lưu ý rằng, nước này sẽ không có cuộc gặp hội nghị thượng đỉnh song phương nào với Nhật Bản nếu Tô-ky-ô không thừa nhận tranh chấp về nhóm đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư và nếu Thủ tướng Sin-dô A-bê còn đến thăm ngôi đền có liên quan đến chiến tranh Y-a-xu-cu-mi.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã có dấu hiệu giảm nhiệt khi tại Bắc Kinh, ngày 08-11 vừa qua, Ngoại trưởng Nhật Bản Phư-ki-mô Ki-si-đa và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã nhất trí hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác song phương. Trước đó, Nhật Bản và Trung Quốc đã công bố một thỏa thuận 4 điểm nhằm cải thiện quan hệ song phương. Theo thỏa thuận này, hai bên nhất trí nối lại các cuộc đàm phán cấp cao về chính trị, ngoại giao, an ninh và kinh tế. Hai bên cũng thừa nhận “tồn tại những quan điểm bất đồng” liên quan đến quần đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư, song hai nước sẽ có các biện pháp khôi phục lòng tin và giảm căng thẳng.
Sẽ còn quá sớm để nói quan hệ Trung - Nhật đã hoàn toàn “tan băng” trong tương lai gần, nhưng dư luận quốc tế cho rằng, việc Nhật Bản và Trung Quốc có dấu hiệu giảm nhiệt là điều kiện tốt để hai nước tiếp tục hợp tác vì lợi ích của mỗi bên, nhưng cũng vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển. Chừng nào còn có các hành động sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong tranh chấp, chừng đó an ninh khu vực còn tồn tại các mầm mống xung đột, chiến tranh. Đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế không chỉ là phương cách tốt nhất đối với Nhật Bản và Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp, mà còn đối với tất cả những nước còn đang tồn tại những tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ hiện nay.
ĐỨC LÊ
Sách trắng Quốc phòng,Nhật Bản
Xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương 25/11/2024
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ
Xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương