Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 14/11/2013, 20:29 (GMT+7)
Vài nét về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Phấn đấu duy trì nền hòa bình lâu dài, bền vững trên thế giới là mục tiêu hàng đầu của Liên hợp quốc. Để đạt được mục tiêu đó, Liên hợp quốc đã, đang triển khai nhiều hoạt động trên các lĩnh vực; trong đó, có hoạt động gìn giữ hòa bình.

Các binh sĩ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc làm nhiệm vụ tuần tra tại Li băng (Ảnh: UNIFIL/UN)

Vai trò, nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (LHQ)

Hoạt động GGHB là một cơ chế đặc biệt được LHQ triển khai bao gồm cả hoạt động quân sự và dân sự để thiết lập sự hiện diện của LHQ tại những quốc gia đang bị chia rẽ, xung đột (với sự chấp thuận của các bên liên quan), nhằm thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh, hỗ trợ chính trị cần thiết; khôi phục, kiến tạo một nền hòa bình ổn định lâu dài. Mặc dù hoạt động GGHB là một cơ chế của Hội đồng Bảo an LHQ, nhưng việc triển khai các lực lượng GGHB phải do Tổng Thư ký LHQ tiến hành đàm phán, ký kết thỏa thuận với nước chủ nhà (nơi cần triển khai quân) và các nước cử lực lượng trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Thông thường, các lực lượng này được triển khai sau khi lệnh ngừng bắn đã được thiết lập và các bên tham chiến đã đồng ý cho họ thực hiện sứ mệnh GGHB. Có hai loại hình chủ yếu trong hoạt động GGHB của LHQ, bao gồm: các phái đoàn quan sát không được vũ trang và các đơn vị bộ binh được trang bị vũ khí. Trong hoạt động GGHB của LHQ, lực lượng tham gia của nước nào do nước đó trực tiếp chỉ huy, quản lý; thẩm quyền xét xử các vi phạm kỷ luật đối với các binh sĩ trong mọi trường hợp thuộc về nước cử lực lượng. Căn cứ vào tình hình cụ thể, nhất là theo yêu cầu của các nước trực tiếp liên quan, Hội đồng Bảo an LHQ có Nghị quyết kết thúc hoặc gia hạn thêm hoạt động của các lực lượng GGHB; song các nước có quyền cân nhắc việc thực hiện các lệnh điều động và có thể rút lực lượng tham gia bất cứ lúc nào.

Trong khuôn khổ đó, LHQ đã thực thi 68 chiến dịch GGHB tại 16 địa điểm khác nhau kể từ khi nhiệm vụ đầu tiên được triển khai tại Trung Đông (năm 1948). Với nhiều hình thức, quy mô khác nhau, các hoạt động này không chỉ duy trì nền hòa bình, an ninh thế giới mà còn tạo thuận lợi cho các tiến trình chính trị, bảo vệ dân thường, hỗ trợ giải giáp vũ khí, giải trừ quân bị và tái hòa nhập cho các cựu binh; đồng thời, tăng cường hỗ trợ nhân đạo, tổ chức các cuộc bầu cử tự do, bảo vệ, khuyến khích các quyền con người và thiết lập lại chế độ thượng tôn pháp luật. Sau hơn 60 năm tham gia nhiều nhiệm vụ khác nhau trên toàn thế giới, các lực lượng GGHB của LHQ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần chấm dứt nhiều cuộc xung đột tại hàng chục quốc gia trên thế giới (Cam-pu-chia, En Xan-va-đo, Goa-tê-ma-la, Mô-dăm-bích, Na-mi-bi-a, Tát-gi-kít-xtan, Ti-mo Lét-xtê,…) và đóng góp quan trọng vào việc ổn định tình hình chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực tại nhiều quốc gia khác, như: Xi-ê-ra Lê-ôn, Bu-run-đi, Bờ Biển Ngà, Li-bê-ri-a, Ha-i-ti hay Cô-xô-vô,... Tại những điểm nóng đó, sự hiện diện của các lực lượng “mũ xanh” đa quốc gia (dưới sự bảo trợ của LHQ), thực sự là nhân tố đảm bảo môi trường an ninh thuận lợi cho các quá trình chuyển giao chính trị và hỗ trợ cho các thể chế nhà nước còn non trẻ. Ghi nhận sự nỗ lực và những thành tích to lớn đó, năm 1988, Ủy ban Nobel Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình cho lực lượng GGHB của LHQ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các nỗ lực duy trì hòa bình của LHQ cũng chịu nhiều chỉ trích và phản ứng của cộng đồng quốc tế khi kết quả không đáp ứng được các mục tiêu đặt ra; thậm chí ở một vài nơi còn chưa hoàn thành sứ mệnh của mình. Điển hình là việc triển khai nhiệm vụ GGHB tại Xô-ma-li, Ru-an-đa hay Nam Tư cũ thời kỳ đầu những năm 1990 là minh chứng sinh động cho điều bất hợp lý, thiếu hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ này của LHQ. Những hạn chế này được LHQ coi như những bài học lớn cần rút kinh nghiệm trong tương lai, nhất là việc cân nhắc khi quyết định triển khai các nhiệm vụ GGHB của mình trong những bối cảnh và địa điểm cụ thể, nhằm bảo đảm tính khoa học, thiết thực và hiệu quả.

Hiện nay, những thách thức mới của tình hình thế giới đòi hỏi LHQ phải điều chỉnh, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng GGHB trên các khâu, các mặt, như: cụ thể và chuẩn hóa các quy trình hoạt động; cơ chế đóng góp tài chính, nhân lực; đặc biệt là ngăn chặn tình trạng lạm dụng danh nghĩa LHQ trong các hoạt động can thiệp, phối hợp với các tổ chức khu vực để thực hiện sứ mệnh GGHB…; trong đó, việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động GGHB của LHQ đóng vai trò quan trọng nhất.

Những nguyên tắc cơ bản để triển khai hoạt động GGHB của LHQ

Theo quy định của Hội đồng Bảo an LHQ, việc triển khai thực hiện một nhiệm vụ GGHB ở bất kỳ địa điểm nào trên thế giới phải tuân thủ ba nguyên tắc cơ bản sau:

Một là, có sự chấp thuận của các bên liên quan. Theo đó, các bên chính trong cuộc xung đột phải tham gia vào một quá trình chính trị và chấp thuận sự hiện diện các lực lượng GGHB của LHQ để hỗ trợ cho quá trình này. Trong trường hợp không có sự chấp thuận đó, hoạt động duy trì hòa bình của LHQ sẽ có nguy cơ bị xem như dính líu tới xung đột và đánh mất đi mục tiêu ban đầu là GGHB.

Hai là, thái độ không thiên vị. Đây là yếu tố cơ bản để đảm bảo sự chấp thuận và tinh thần hợp tác của các bên liên quan đến xung đột. Đội ngũ nhân sự thực thi hoạt động GGHB của LHQ dù thuộc lực lượng vũ trang hay dân sự, đều phải đảm bảo giữ thái độ không thiên vị trong tất cả các mối quan hệ với các bên có liên quan đến xung đột. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là tỏ thái độ trung lập trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Họ không được phép làm ngơ trước một hành động của bất kỳ bên nào vi phạm các điều khoản của một hiệp ước hòa bình hay các tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế cần tuân thủ trong khuôn khổ nhiệm vụ duy trì hòa bình của LHQ.

Ba là, không sử dụng vũ lực. Trước hết, phải xác định rõ các hoạt động GGHB của LHQ không phải là một công cụ áp đặt hòa bình. Việc triển khai các lực lượng “mũ xanh” đa quốc gia không nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, mà cùng các bộ phận khác của LHQ giúp tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết xung đột. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết ở cấp chiến thuật và được sự cho phép của Hội đồng Bảo an LHQ, các lực lượng GGHB vẫn có thể được phép “sử dụng mọi phương tiện cần thiết” để tự vệ chính đáng hoặc bảo vệ nhiệm vụ của mình, như: ngăn ngừa các âm mưu gây rối tiến trình hòa bình, bảo vệ dân thường hoặc trợ giúp nhà cầm quyền duy trì trật tự công cộng. Trong mọi tình huống, việc sử dụng vũ lực chỉ được coi là giải pháp cuối cùng sau khi đã vận dụng hết mọi giải pháp thuyết phục nhưng không thành công, bởi hoạt động GGHB dựa vào vũ lực luôn kéo theo nhiều hệ lụy về chính trị và có thể gây ra những hậu quả ngoài dự kiến. Các quyết định xoay quanh việc sử dụng vũ lực phải được tính toán ở mức độ thích hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, phải tính đến mọi yếu tố liên quan, nhất là các khả năng thực thi nhiệm vụ, thái độ tiếp nhận của công luận, tác động về mặt nhân đạo, vấn đề bảo toàn lực lượng, an toàn cho nhân viên và đặc biệt là những tác động bất lợi đối với sự chấp thuận của các bên liên quan tới việc tiếp tục duy trì hoạt động GGHB của LHQ.

Như vậy, nội hàm của các nguyên tắc trên đã phân biệt sự khác nhau về bản chất giữa lực lượng GGHB của LHQ với các lực lượng liên quân đa quốc gia hoặc các “hoạt động hòa bình” quốc tế hiện được triển khai ở nhiều nước do các tổ chức quân sự - chính trị khác nhau thành lập và vận hành theo cơ chế riêng, không thuộc quản lý của LHQ, như: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Điều đó cũng khẳng định rằng, một nhiệm vụ GGHB của LHQ muốn thành công cần tuân thủ ba nguyên tắc cơ bản này; đồng thời, phải được triển khai như một hành động hợp pháp và đáng tin cậy, đặc biệt trong mắt của người dân địa phương, nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình. Ngoài ra, thiện chí của các bên liên quan nhằm hỗ trợ cho một quá trình chính trị, hướng tới hòa bình; sự thống nhất về các mục tiêu trong Hội đồng Bảo an và những hỗ trợ tích cực của LHQ trên thực địa cũng như sự phối hợp mang tính xây dựng của các quốc gia láng giềng và các chủ thể trong khu vực cũng góp phần quan trọng nâng cao tính hiệu quả hoạt động GGHB của LHQ.

Sự tham gia của một số nước vào lực lượng GGHB của LHQ

Tính đến nay đã có 116/193 nước thành viên LHQ tham gia hoạt động GGHB của LHQ với quân số lên tới gần 117.400 người được triển khai tại khắp các châu lục trên thế giới. Trong đó, 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) đều ủng hộ hoạt động GGHB của LHQ, vì đây là cơ chế do chính Hội đồng Bảo an LHQ lập ra; một mặt, nó phù hợp với lợi ích của họ, nhưng mặt khác, lại đáp ứng được mong muốn của các bên xung đột (cần lực lượng quân sự trung lập của bên thứ ba hỗ trợ, giải quyết), chứ không phải là sự tham gia trực tiếp của các nước lớn.

Là nước đồng sáng lập ra LHQ, có đóng góp nhiều nhất vào ngân sách cho lực lượng GGHB của LHQ, Mỹ tham gia tích cực vào các chiến dịch GGHB vì lợi ích nhiều mặt của mình với mong muốn giải quyết xung đột ở một số nơi để tranh thủ sự hỗ trợ của LHQ trong tình hình nguồn lực của Mỹ cũng có hạn. Mặt khác, Mỹ cũng muốn làm chủ tình hình an ninh thế giới thông qua việc xây dựng mạng lưới đồng minh thân cận đủ mạnh tại khắp các châu lục, nhằm đảm bảo và phát huy vai trò đầu tàu cũng như ảnh hưởng của Mỹ tại các điểm nóng.

Trung Quốc cũng chủ trương tham gia tích cực vào hoạt động GGHB của LHQ nhằm khẳng định vị thế nước lớn và thâm nhập thị trường các khu vực, chủ yếu là ở châu Phi, châu Mỹ La tinh. Năm 1990, Trung Quốc đã cử đơn vị GGHB đầu tiên tới Trung Đông với tư cách quan sát viên của LHQ trong chiến dịch giám sát lệnh ngừng bắn tại khu vực này. Từ năm 1992 - 1993, Trung Quốc cử một Lữ đoàn Công binh (khoảng 800 quân nhân) tới Cam-pu-chia trong chiến dịch giám sát hòa bình của LHQ. Hiện nay, nước này đã triển khai khoảng 2.000 quân nhân, cảnh sát và quan chức dân sự tham gia các lực lượng GGHB của LHQ trên toàn thế giới và là nước đóng góp nhân sự nhiều nhất cho các phái bộ GGHB của LHQ trong 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã có 7 nước tham gia lực lượng này, bao gồm Bru-nây, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia, Thái Lan, Xinh-ga-po và Phi-líp-pin. Với mong muốn là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã có nhiều cố gắng và sẽ chính thức tham gia lực lượng GGHB của LHQ vào thời gian tới. Dự kiến trước mắt, Việt Nam tham gia vào một số lĩnh vực có nhiều năng lực là Quan sát viên quân sự, Công binh, Quân y và sẽ cùng quân đội các nước khác thực thi nhiệm vụ GGHB của LHQ ở Nam Xu-đăng và Ma-li trong thời gian sớm nhất.

QUỐC NGỌC

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...