Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 24/12/2020, 07:44 (GMT+7)
Vài nét về cục diện chính trị thế giới năm 2020

Cục diện chính trị thế giới năm 2020 nổi lên nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý là, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch kinh tế, chính trị, xã hội,… hình thành trật tự thế giới mới đe dọa vai trò đầu tàu của Mỹ.

Đại dịch Covid-19 làm thay đổi thế giới

Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 tới nay vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều nhà khoa học, chính khách có nhận định chung là: Covid-19 đã, đang và sẽ làm thay đổi căn bản cục diện kinh tế, chính trị thế giới, trong đó có cả những thay đổi đáng kể trong nhận thức của thế giới về các mối quan hệ quốc tế, về chiến tranh hiện đại. Theo Tổng thống Nga V. Putin, thế giới cần phải tư duy và nhận thức thật sự sâu sắc về cách thức mà đại dịch Covid-19 đã và sẽ ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai của toàn nhân loại, trong đó thế giới không chỉ đang đứng trước bước ngoặt của những thay đổi căn bản mà là đang bước sang kỷ nguyên của những chuyển dịch rất lớn trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Henry Kissinger - nguyên Cố vấn An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng, thế giới sẽ thay đổi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19 và Hoa Kỳ sẽ phải chuẩn bị kế hoạch hành động trong một kỷ nguyên mới. Theo Richard Haass - Chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ, đại khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra đang tạo bước ngoặt trong lịch sử đương đại, làm bộc lộ rõ hơn đặc trưng cơ bản của bối cảnh địa chính trị hiện nay và có tác động đẩy nhanh thời kỳ quá độ hướng tới trật tự thế giới mới đã từng diễn ra trong những năm gần đây.

Đại dịch Covid-19 cũng làm bộc lộ hạn chế rất cơ bản của mô hình chủ nghĩa tư bản ở các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Theo nhận định của giới quan sát, sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, nhiều người cho rằng, mô hình chủ nghĩa tư bản sẽ là “khuôn vàng, thước ngọc” cho phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, nhận định này đã bị nghi vấn về khả năng hiện thực của nó ngay tại phương Tây. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, sự hoài nghi đó đã tăng lên gấp bội, phương Tây không còn coi mình là khuôn mẫu cho cả thế giới. Đại dịch Covid-19 để lại bài học hết sức đau đớn cho nền dân chủ của họ, làm “tan biến huyền thoại” về tính “ưu việt vượt trội” của mô hình chính trị này. Đây là nhận định tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tổ chức vào ngày 21/01/2020 tại Davos (Thụy Sĩ). Báo cáo trung tâm tại diễn đàn này cho thấy, giờ đây chủ nghĩa tư bản đang đứng trước ngã rẽ có tính bước ngoặt lịch sử và có thể phải đổi mới mô hình để phát triển. Hội nghị an ninh quốc tế thường niên được tổ chức ngày 15/02/2020 tại Munich (Đức) diễn ra trong không khí bao trùm là mối lo ngại về sự tồn tại kỷ nguyên phương Tây, với chủ đề xuyên suốt là “Không còn phương Tây” (Westlessness) trong bối cảnh các nước phương Tây (đứng đầu là Mỹ) không thể đạt được sự đồng thuận về một chiến lược thống nhất nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19, thậm chí Mỹ đã rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới - cơ quan chủ đạo trong cuộc chiến chống đại dịch này.

Về trật tự thế giới mới đang hình thành

Trật tự thế giới hình thành sau Chiến tranh thế giới lần thứ II được ba cường quốc chiến thắng là Liên Xô, Mỹ và Anh thiết lập. Hiện nay, Liên Xô không còn tồn tại, vai trò của Mỹ và Anh cũng đã thay đổi, còn Trung Quốc và Đức đang tích cực hướng tới vị thế siêu cường. Trong bối cảnh đó, một số ý kiến cho rằng nên tái cấu trúc, thậm chí là loại bỏ toàn bộ các kết cấu quan hệ quốc tế hiện hành vì chúng đã lỗi thời. Tuy nhiên, Tổng thống V. Putin quan niệm, tuy Liên bang Xô Viết không còn, nhưng nước Nga được kế thừa vị thế của Liên Xô và trở thành cường quốc có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, nên cần phải tiếp tục duy trì tất cả thiết chế cơ bản hiện có (Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an), với quyền phủ quyết của các thành viên thường trực đã từng chứng tỏ hiệu quả trong việc đảm bảo hòa bình và duy trì nền an ninh quốc tế. Vì vậy, chỉ có thể dựa trên cơ sở đó để từng bước điều chỉnh cấu trúc thể chế chính trị thế giới phù hợp với bối cảnh quốc tế mới có thể hóa giải các nguy cơ mang tính toàn cầu, như: môi trường sinh thái xuống cấp nghiêm trọng, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, an ninh không gian mạng bị đe dọa, v.v. Đây là những vấn đề không thể hóa giải được nếu chỉ bằng nỗ lực của một số quốc gia, dù đó là quốc gia lớn mạnh nhất.

Trong trật tự thế giới mới, tam giác quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Nga đóng vai trò then chốt. Trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, đại dịch Covid-19 đẩy sự cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa hai nước tiếp tục leo thang lên cấp độ cao hơn. Mỹ đang định hình lại toàn bộ mối quan hệ với Trung Quốc. Dù kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 thế nào, thì mối quan hệ này tiếp tục có những thay đổi lớn, nhưng chưa thể trượt dài tới tình trạng Chiến tranh lạnh, bởi hai nền kinh tế quá phụ thuộc vào nhau. Trong quan hệ Mỹ - Nga, Tổng thống Donald Trump quyết định: Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và chưa có ý định đàm phán với Nga để gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3) hết hiệu lực vào tháng 02/2021. Động thái này của Mỹ có thể thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới không chỉ trong quan hệ với Nga, mà còn với nhiều nước, trước hết là với Trung Quốc. Về quan hệ Nga - Trung Quốc, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai lần thứ 17, ngày 22/10/2020, Tổng thống V. Putin cho rằng, quan hệ giữa hai nước đã đạt được hiệu quả hợp tác và sự tin cậy cao chưa từng có nên không cần đến liên minh quân sự. Tuy nhiên, xét về mặt lý thuyết, hoàn toàn có thể giả định về một quan hệ liên minh như vậy.

Diễn biến mới tại các điểm nóng trên thế giới

Tại Trung Đông, ngày 28/01/2020, Tổng thống Donald Trump chính thức công bố Kế hoạch hòa bình mới cho Trung Đông mà ông gọi là “Bản hợp đồng thế kỷ” để hóa giải cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa Palestine và Israel. Tuy nhiên, ngay từ đầu, kế hoạch này đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ cũng như ở Israel và trong cộng đồng quốc tế. Bởi, tiến trình hòa bình Trung Đông chỉ có thể thiết lập được trên cơ sở thực hiện các nghị quyết của Liên hợp quốc hướng tới giải pháp công bằng, toàn diện và bền vững mới có thể hóa giải được cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ, dựa trên nguyên tắc hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình. Theo đó, Israel phải rút khỏi vùng lãnh thổ đã chiếm đóng trái phép, Palestine thành lập một nhà nước độc lập theo đường biên giới trước cuộc chiến tranh năm 1967 và có thủ đô ở Đông Jerusalem.

Tại Afghanistan, ngày 29/02/2020, Mỹ và Taliban đã ký thỏa thuận ở Thủ đô Doha của Qatar, mở ra hy vọng kết thúc cuộc chiến của Mỹ kéo dài 18 năm ở quốc gia Nam Á này. Theo đó, Taliban cam kết cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế và sẽ cùng với chính quyền Afghanistan thảo luận phương thức về tiến trình chính trị để hóa giải cuộc xung đột. Còn Mỹ từng bước giảm lực lượng hiện diện ở Afghanistan và đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các thành viên Taliban.

Khu vực Ladakh nơi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền và gia tăng các hoạt động tranh chấp. Mâu thuẫn có những lúc lên đến đỉnh điểm vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cả hai bên dẫn đến chiến tranh biên giới năm 1962, song sự việc cũng chưa được giải quyết dứt điểm và cứ âm ỉ, dai dẳng đến nay. Sự việc này liên quan đến nhiều khu vực trên tuyến biên giới dài gần 3.500 km dọc theo dãy Himalaya. Vì thế, ngày 05/5/2020, ngay sau khi xung đột bùng phát, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều điều tới đây một lực lượng quân sự lớn được trang bị vũ khí hạng nặng, tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân. Tuy nhiên, rút cuộc hai bên buộc phải kiềm chế do cả hai đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và  Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Theo tinh thần đó, ngày 10/9/2020, tại Moscow, với vai trò trung gian của Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã đạt được thỏa thuận gồm 05 điểm, trong đó có cam kết lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước phải cách ly tiếp xúc càng sớm càng tốt và giữ khoảng cách cần thiết, tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị.

Về không gian hậu Xô Viết, xét trong tổng thể các vấn đề nóng trên thế giới, như: hạt nhân của Triều Tiên, khủng hoảng ở Venezuela, Syria, Libya vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể so với thời điểm cuối năm 2019, thì hai điểm nóng mới bùng phát trong không gian hậu Xô Viết. Thứ nhất, là cuộc cách mạng màu do các thế lực bên ngoài tổ chức và kích động ở Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 09/8/2020, trong đó đương kim Tổng thống Belarus A. Lukashenko giành được hơn 80% số phiếu và tái đắc cử. Mục tiêu của cuộc cách mạng màu này nhằm lật đổ Tổng thống A. Lukashenko, đưa thủ lĩnh lực lượng đối lập lên nắm quyền ở Minsk hòng tách quốc gia này khỏi Nhà nước liên minh Belarus - Nga và nhập vào NATO. Tuy cuộc cách mạng màu ở Belarus đã thất bại, nhưng tình hình ở quốc gia này vẫn bất ổn do sự can thiệp từ phương Tây. Thứ hai, là cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan liên quan tới cuộc tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Nagorno-Karabakh kéo dài từ năm 1988 bất ngờ bùng phát trở lại vào ngày 28/9/2020. Trong cuộc xung đột lần này, Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ Azerbaijan toàn diện cả về ngoại giao, chính trị, kinh tế và quân sự, biến cuộc xung đột Nagorno-Karabakh thành mắt xích trong chiến lược phục hồi ảnh hưởng của Đế chế Ottoman mới. Để ngăn chặn hiểm họa này, ngày 09/11/2020, Tổng thống Azerbaijan l. Aliyev, Thủ tướng Armenia N. Pashinyan và Tổng thống Nga V. Putin đã ký Tuyên bố ngừng bắn hoàn toàn và ngừng mọi hành động quân sự trong khu vực xung đột Nagorno-Karabakh từ 0 giờ ngày 10/11/2020 (theo giờ Moscow). Theo Tổng thống V. Putin, thỏa thuận vừa đạt được sẽ tạo điều kiện cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Nagorno-Karabakh một cách lâu dài và đầy đủ, trên cơ sở công bằng vì lợi ích của các dân tộc Armenia và Azerbaijan.

Như vậy, những chuyển dịch địa chính trị trong năm 2020 chứng tỏ, thế giới đang trải qua thời kỳ quá độ từ trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh sang trật tự thế giới mới. Đại dịch Covid-19 có tác dụng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch đó và tạo cơ hội để thay đổi thế giới. Lịch sử thế giới đã từng có nhiều cơ hội có thể xây dựng một cấu trúc toàn cầu để bảo vệ Trái Đất. Song, đều không thực hiện được. Hiện nay, đại dịch Covid-19 là “động lực” thúc đẩy sự ra đời các cấu trúc tương tự để ngăn chặn sự lặp lại những thảm họa thậm chí có thể còn nghiêm trọng hơn trong tương lai. Để xây dựng cấu trúc đó và hóa giải nhiều thách thức mang tính toàn cầu, Tổng thống Nga V. Putin đề xuất sáng kiến tổ chức Hội nghị nguyên thủ các cường quốc là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sáng kiến này đã nhận được sử ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...