Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Tư, 25/12/2019, 13:41 (GMT+7)
Vài nét về cục diện chính trị - quân sự thế giới năm 2019

Cục diện chính trị - quân sự thế giới năm 2019 có nhiều nét tương đồng với những năm đầu thế kỷ XX, đó là đều diễn ra sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, dẫn tới những chuyển dịch an ninh chính trị, tác động làm thay đổi căn bản diện mạo thế giới.

Sự chuyển dịch căn bản cục diện chính trị - quân sự thế giới

Đầu năm 2019 diễn ra hai sự kiện rất đáng chú ý là Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đa-vốt (Thụy Sĩ) với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc thế giới trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” và Hội nghị An ninh thế giới tại Mu-ních (Đức). Tại hai diễn đàn này, nhiều bài tham luận đều có chung nhận định, thế giới đang bước vào kỷ nguyên của những chuyển dịch căn bản cục diện chính trị - quân sự trong giai đoạn chuyển tiếp từ Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba sang Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, kéo theo quá trình sắp xếp lại bức tranh kinh tế - chính trị thế giới với cuộc khủng hoảng quan hệ quốc tế; trong đó, nổi lên là sự cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc, trước hết là Mỹ, Trung Quốc và Nga. Hội nghị An ninh quốc tế Mu-ních 2019 cũng đưa ra nhận định, nhân loại đang chứng kiến sự xung đột giữa ba xu hướng xây dựng trật tự thế giới mới. Trong khi Mỹ với vị thế là siêu cường có sức mạnh quân sự và kinh tế vượt trội đang chuyển từ vai trò “cảnh sát toàn cầu” sang “quan tòa của thế giới” để xây dựng một trật tự thế giới mới dựa trên các điều luật do Oa-sinh-tơn định đoạt, thì Trung Quốc cũng đang theo đuổi mục tiêu xây dựng trật tự thế giới mới theo “sự đồng thuận Bắc Kinh”. Còn Nga nỗ lực hướng tới trật tự thế giới đa cực dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng, mà trong đó các quốc gia dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu đều phải được tôn trọng.

Các chuyển dịch chính trị - quân sự năm 2019 khiến giới phân tích liên tưởng tới sự tương đồng với giai đoạn đầu thế kỷ XX, thời điểm diễn ra sự chuyển tiếp từ Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai sang Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba đã dẫn tới ba cuộc đại chiến là Chiến tranh thế giới lần thứ I (1914 - 1918), Chiến tranh thế giới lần thứ II (1939 - 1945) và “Chiến tranh lạnh” (1945 - 1991), mà nguyên nhân sâu xa đều xuất phát từ sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Tương tự sự cạnh tranh giữa các cường quốc cách đây gần 100 năm, sự cạnh tranh trong giai đoạn đầu của thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cũng đang tạo ra sự thay đổi căn bản cục diện chính trị - quân sự thế giới. Mặc dù sự cạnh tranh giữa các cường quốc hiện nay ít có khả năng dẫn tới chiến tranh thế giới mới do sự hiện diện của vũ khí hạt nhân có khả năng hủy diệt toàn bộ sự sống trên trái đất, nhưng giữa họ đang diễn ra một loại hình chiến tranh mới - “chiến tranh phức hợp”.

Chiến tranh phức hợp giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc

Chiến tranh phức hợp là một loại hình chiến tranh hoàn toàn mới, trong đó các bên đối địch sẽ sử dụng kết hợp các phương thức tác chiến truyền thống với các phương thức tác chiến phi truyền thống, như: chiến tranh thương mại, chiến tranh ngoại giao, chiến tranh trên không gian mạng, hoạt động của các lực lượng đối lập trên lãnh thổ đối phương mang tên “đội quân thứ 5”, v.v. Trong trường hợp phải sử dụng phương thức tác chiến truyền thống, các bên đối địch không trực tiếp giao chiến với nhau mà thường thông qua hình thức “chiến tranh ủy nhiệm” hoặc “chiến tranh qua tay người khác”. Điển hình về phương thức tác chiến này là cuộc chiến ở Xy-ri, với sự tham gia của hơn 90 quốc gia; trong đó, liên minh do Mỹ chỉ huy có gần 60 quốc gia, liên minh do A-rập Xê-út dẫn đầu có 30 quốc gia và liên minh do Nga dẫn dắt có 04 quốc gia.

Trong quan hệ Mỹ - Nga, Hoa Kỳ đang tiến hành chiến tranh phức hợp trên nhiều chiến tuyến, như: kinh tế, quân sự, ngoại giao,… với toan tính làm tan rã nước Nga như một quốc gia có chủ quyền. Theo đó, trên chiến tuyến kinh tế, Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp cấm vận và ngăn chặn Nga tiếp cận thị trường khí đốt châu Âu. Tuy nhiên, kinh tế Nga vẫn tiếp tục phát triển ổn định và đang hoàn tất giai đoạn cuối dự án “Dòng chảy Phương Bắc - 2” để chuyển tải khí đốt tới châu Âu. Trên chiến tuyến quân sự, trong năm 2019, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô năm 1989 và “không có ý định” đàm phán với Nga để gia hạn Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân tiến công chiến lược giai đoạn 3 (START-3) sẽ hết hiệu lực vào năm 2021, nhằm đẩy Mát-xcơ-va vào “vòng xoáy” chạy đua vũ trang mới. Đáp lại, Nga tuyên bố, với ngân sách quốc phòng chỉ bằng 1 phần 10 của Mỹ, Mát-xcơ-va sẽ không bị cuốn vào cuộc chạy đua này, nhưng sẽ có giải pháp phi đối xứng để làm thất bại toan tính của Oa-sinh-tơn. Trên chiến trường Xy-ri, năm 2019, Mỹ đã không thể núp dưới chiêu bài “chống khủng bố” để loại bỏ Tổng thống B. An Át-xát mà ngược lại, Quân đội Chính phủ Xy-ri được Nga, I-ran và lực lượng tình nguyện Héc-bô-la ủng hộ đã đánh bại khủng bố, giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ, yêu cầu quân đội Mỹ rút quân và đang hiện thực hóa tiến trình chính trị A-xta-na để kết thúc chiến tranh, tái thiết đất nước. Ngày 07-10-2019, Tổng thống Đô-nan Trăm tuyên bố rút quân khỏi Đông Bắc Xy-ri, bỏ mặc đồng minh người Kurd đã từng liên minh với họ trong cuộc chiến nhằm loại bỏ Tổng thống B. An Át-xát. Đây là động thái làm thay đổi cục diện trên chính trường Xy-ri nói riêng và cả khu vực Trung Đông nói chung. Trên chiến tuyến ngoại giao, Mỹ ra sức bao vây và cô lập Nga. Song, với chủ trương không coi bất kỳ quốc gia nào là kẻ thù mà là đối tác, Nga đã thành công trong việc duy trì và thiết lập mới quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả các quốc gia là đồng minh của Mỹ, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, I-xra-en, A-rập Xê-út, v.v.

Trong năm 2019, cuộc chiến tranh phức hợp giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tiếp tục leo thang. Trên chiến tuyến thương mại, kể từ ngày 10-5-2019, Mỹ nâng mức áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Hoa Kỳ từ 10% lên 25%, thậm chí Mỹ còn đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với khối lượng hàng hóa còn lại của Trung Quốc xuất sang Mỹ trị giá gần 300 tỷ USD. Trong tương lai, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ áp thuế lên toàn bộ hơn 500 tỷ hàng hóa nhập từ Trung Quốc để gây sức ép buộc Bắc Kinh phải ký kết thỏa thuận thương mại song phương có lợi cho Oa-sinh-tơn. Trên chiến tuyến cạnh tranh giữa Chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ, trong năm 2019, Mỹ tiếp tục thực hiện các biện pháp đề ra trong Đạo luật Quốc phòng 2019, nhằm ngăn chặn hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông - nơi khởi đầu “Con đường tơ lụa trên biển” của Bắc Kinh. Trên chiến tuyến quân sự, sau khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, Mỹ yêu cầu Trung Quốc tham gia đàm phán để ký kết một hiệp ước mới toàn diện hơn. Tổng thống Đô-nan Trăm còn đe dọa sẵn sàng bố trí tên lửa tầm trung ở châu Á, bởi Trung Quốc hiện sở hữu hơn 5.000 loại tên lửa này, đang hướng tới các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh ở Đông Á.

Các chuyên gia cho rằng, tương tự như Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trong thế kỷ 20, chiến tranh phức hợp giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc sẽ thay đổi căn bản cục diện thế giới trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, trong khi Liên Xô thất bại trong Chiến tranh lạnh, thì ai thắng, ai thua trong cuộc chiến tranh phức hợp hiện nay vẫn là câu hỏi mà câu trả lời còn bỏ ngỏ!

Bài toán hóa giải các điểm nóng vẫn lâm vào bế tắc

Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Đô-nan Trăm áp dụng triết lý “bên miệng hố chiến tranh” để hóa giải hồ sơ các điểm nóng trên thế giới theo hướng có lợi nhất cho Mỹ. Theo triết lý này, Đô-nan Trăm đe dọa đưa các đối thủ của Mỹ tới “miệng hố chiến tranh” hoặc gây áp lực tối đa để buộc họ phải chấp nhận các yêu sách do Oa-sinh-tơn áp đặt. Tuy nhiên, triết lý đó đi ngược lại với xu thế của một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng nên đã lâm vào bế tắc trong việc hóa giải các điểm nóng.

Đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra ở Hà Nội, Việt Nam tháng 02-2019 đã không đạt được bất cứ thỏa thuận cụ thể nào, mà nguyên nhân sâu xa của sự bế tắc này là bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Triều Tiên về lộ trình phi hạt nhân hóa. Trong khi Bình Nhưỡng đưa ra yêu cầu then chốt để có thể phi hạt nhân hóa là Triều Tiên phải được bảo đảm an ninh và an toàn tuyệt đối trước nguy cơ can thiệp từ bên ngoài và quá trình phi hạt nhân hóa phải được thực thi theo từng giai đoạn “có đi có lại”, thì phía Mỹ lại cho rằng giải pháp duy nhất để Triều Tiên phi hạt nhân hóa là Bình Nhưỡng phải hủy bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân, tên lửa, vũ khí hóa học và sinh học có thể kiểm chứng được theo “kịch bản Li-bi”, trước khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận - nghĩa là Triều Tiên gần như phải “đầu hàng” vô điều kiện.

Trong quan hệ căng thẳng với I-ran, năm 2019, Mỹ không những áp đặt các biện pháp cấm vận ngặt nghèo nhất đối với Tê-hê-ran mà còn đẩy quốc gia Hồi giáo này trước nguy cơ chiến tranh với cáo buộc I-ran là “quốc gia tài trợ khủng bố”, hay đứng đằng sau các vụ tấn công một số tàu chở dầu của các nước ở Vịnh Ô-man, thậm chí cáo buộc nước này bắn hạ máy bay do thám không người lái RQ-4N của Mỹ. Tuy nhiên, khác với I-rắc hay Li-bi, I-ran có đầy đủ tiềm lực để sẵn sàng đối mặt với các biện pháp cấm vận ngặt nghèo nhất, thậm chí là chiến tranh xâm lược. Trước tình thế đó, Tổng thống Đô-nan Trăm đã phải hoãn cuộc tấn công quân sự nhằm vào I-ran với lý do “tránh thương vong cho người dân”. Ngày 10-7-2019, Tổng thống Đô-nan Trăm bất ngờ tuyên bố sẵn sàng đàm phán với I-ran mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào. Đáp lại, Tê-hê-ran cho biết, I-ran chỉ chấp nhận đàm phán sau khi Mỹ hủy bỏ các biện pháp cấm vận và Oa-sinh-tơn phải quay trở lại Thỏa thuận của nhóm P5+1 với I-ran ký năm 2015.

Trên chính trường Vê-nê-du-ê-la, áp dụng sách lược “bên miệng hố chiến tranh”, Tổng thống Đô-nan Trăm tuyên bố Mỹ sẵn sàng can thiệp quân sự để bảo vệ Tổng thống tự xưng Hoan Gu-ai-đô được Oa-sinh-tơn công nhận, đồng thời kiên quyết loại bỏ Tổng thống hợp hiến N. Ma-đu-rô. Tuy nhiên, Vê-nê-du-ê-la đã từng có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó thành công với âm mưu can thiệp của Mỹ kể từ khi Tổng thống Hu-gô Cha-vét lên cầm quyền vào năm 1999 và lần này nhận được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc, Cu-ba và một số nước khác, Tổng thống N. Ma-đu-rô đã bước đầu làm thất bại toan tính của Mỹ. Mềm nắn rắn buông, rút cuộc Mỹ buộc phải chấp nhận các cuộc đàm phán giữa các lực lượng đối lập do Hoan Gu-ai-đô đứng đầu với lực lượng ủng hộ Tổng thống N. Ma-đu-rô để tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ này.

Như vậy, những chuyển dịch chính trị - quân sự trong năm 2019 sẽ còn tiếp tục kéo dài, làm thay đổi căn bản diện mạo và định hình trật tự thế giới mới trong thế kỷ XXI. Bởi, những chuyển dịch này không phải là nhất thời mà mang tính thời đại sâu sắc, phản ánh bản chất của giai đoạn chuyển tiếp từ kỷ nguyên cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba sang kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...