Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Tư, 12/08/2020, 16:01 (GMT+7)
Vài nét về chương trình phát triển máy bay tiêm kích của Trung Quốc

Những năm gần đây, ngành công nghiệp Hàng không Quân sự của Trung Quốc đã có tiến bộ vượt bậc, đủ khả năng sản xuất các loại máy bay tiêm kích thế hệ 5 và từng bước cạnh tranh xuất khẩu với Nga, Mỹ trên thị trường vũ khí toàn cầu. Để có được kết quả đó, nước này đã và đang thực hiện các chiến lược dài hạn, nhằm phát triển các dòng máy bay tiêm kích thế hệ mới.

Đổi mới tư duy chiến lược phát triển máy bay tiêm kích

Với quyết tâm sản xuất được những máy bay chiến đấu tầm cỡ thế giới, năm 1999, Trung Quốc quyết định tổ chức lại ngành công nghiệp Hàng không, thành lập hai tập đoàn với lực lượng kỹ sư hàng không hùng hậu lên tới 440 nghìn người. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc số 01 được giao nhiệm vụ phát triển máy bay cỡ lớn và máy bay quân sự; Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc số 02 phát triển máy bay huấn luyện và máy bay trực thăng. Tuy nhiên, cả hai tập đoàn này đều trở thành những tổ chức quan liêu, bao cấp. Kết quả là quá trình cải tổ này bị thất bại.

Rút ra bài học sâu sắc từ thất bại đó, lần cải tổ tiếp theo năm 2009 đã thay đổi ngành công nghiệp Hàng không Quân sự Trung Quốc. Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc được thành lập với lực lượng lao động 420.000 người và 100 công ty liên quan tới Hàng không Quân sự và thương mại. Tập đoàn này đã có những bước đi đột phá, chứng minh khả năng tự lực cũng như khởi động tinh thần đổi mới bằng cách nhập khẩu máy công cụ, thiết bị điện tử và các trang bị công nghệ hiện đại để sản xuất máy bay cho cả mục đích quân sự và dân sự; tăng tốc khả năng sản xuất thông qua các chương trình nghiên cứu và phát triển trong nước. Những tư duy đổi mới của chính phủ Trung Quốc hướng tới mục tiêu tăng cường sự hiện diện trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường độc quyền của Nga và phương Tây, để cung cấp cho ngành công nghiệp trong nước khả năng tiếp cận lớn hơn tới các công nghệ lưỡng dụng. Đồng thời, cũng hình thành quỹ hỗ trợ bổ sung nhằm tạo nguồn cho các nghiên cứu và phát triển máy bay tiêm kích thế hệ mới.

Một đặc điểm đáng chú ý của công nghiệp Hàng không Trung Quốc là sự hợp tác gần gũi giữa hàng không dân sự và quân sự. Tiềm năng thúc đẩy tiến bộ trong thương mại đã tiếp động lực phát triển trong lĩnh vực quân sự. Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã hưởng lợi từ quá trình tích hợp với nền kinh tế dân sự phát triển mở rộng nhanh chóng cùng với những tiến bộ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong tiếp cận với công nghệ của nước ngoài. Tiến bộ trong lĩnh vực quốc phòng dường như được kết nối bền chặt thông qua kinh tế dân sự và chuỗi nghiên cứu phát triển, sản xuất toàn cầu. Điển hình như việc Trung Quốc phát triển được vật liệu composite để làm khung, thân máy bay tiêm kích J-10 thông qua hợp tác sản xuất thiết bị máy bay cho các hãng Airbus và Boeing. Khả năng chế tạo khung và vỏ máy bay cỡ lớn bằng vật liệu composite đủ độ cứng, vững đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao năng lực sản xuất theo thiết kế máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 cũng như các máy bay vận tải quân sự hiện đại. Bên cạnh đó, một số cơ chế tài chính khởi xướng bởi Chính phủ cho phép các công ty sở hữu nhà nước được tiếp cận nguồn lực từ các công ty khác, vốn nội lực và đầu tư nước ngoài để phát triển sản xuất. Theo các chuyên gia quân sự, chính những thay đổi này đã giúp ngành công nghiệp Hàng không Quân sự của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hiện nay, Trung Quốc đã từng bước xuất khẩu máy bay tiêm kích cho một số quốc gia, như: Pakistan, Mianma, Nigieria và Campuchia.

Chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ 4 hướng tới thế hệ 5 và 6

Nhìn lại quá khứ, chương trình phát triển dòng máy bay tiêm kích thế hệ 4 J-10 của Công ty Công nghiệp Hàng không Thành Đô được coi là dự án máy bay tiêm kích nội địa quan trọng nhất của Trung Quốc trong hai thập kỷ vừa qua. Việc chuyển giao máy bay tiêm kích J-10A được tiến hành liên tục trong 10 năm, kéo dài tới năm 2013 thì kết thúc, khi xuất hiện phiên bản mới J-10B với khung thân máy bay cứng, vững hơn, thiết kế lại cửa hút nhằm giảm khối lượng và khả năng bị phát hiện, cũng như sử dụng động cơ công suất lớn hơn AL-F31FN Series 3 do Nga sản xuất. Phiên bản mới nhất là J-10C thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/2013, được trang bị radar mảng pha, quét điện tử chủ động mới, thiết bị điện tử hàng không cải tiến với đường truyền dữ liệu mới cho tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn PL-15 và tăng cường sử dụng vật liệu composite trên khung thân máy bay, đưa vào trang bị tháng 4/2018. Tiếp sau đó, Công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương đã triển khai chương trình phát triển máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không hai động cơ J-11B thông qua công nghệ thiết kế ngược khung thân máy bay tiêm kích Su-27 của Nga. Máy bay tiêm kích J-16 được phát triển dựa trên mẫu J-11BS có nhiều tính năng giống Su-30MK của Nga với những nâng cấp đặc biệt về hệ thống điện, radar mảng pha điện tử và hệ thống theo dõi tia hồng ngoại.

Rất khó có thể tin rằng, công nghiệp Hàng không Quân sự của Trung Quốc đã tiến bộ từ chỗ chỉ sản xuất “sao chép” máy bay tiêm kích thế hệ 3 và 4 của Liên Xô/Nga theo phương pháp thiết kế ngược, lại trở thành một trong ba quốc gia đủ khả năng phát triển và sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ 5, với hai dòng máy bay hoàn chỉnh là J-20 và J-31. Trong đó, tiêm kích J-20 là đối thủ trực tiếp của máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 là F-22A của Mỹ. Đội hình bay gồm 05 máy bay tiêm kích tàng hình J-20 trên bầu trời Bắc Kinh trong lễ diễu binh Kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc khánh Trung Quốc 01/10/2019, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển máy bay tiêm kích của quốc gia này. Trung Quốc dự kiến chế tạo 300 máy bay J-20 trong thập kỷ tới và tốc độ sản xuất tăng lên để tương ứng với số lượng máy bay F-35 của Mỹ trong khu vực và cũng để đối phó với việc triển khai máy bay F-22 của Mỹ tới Nhật Bản trong những năm gần đây.

Máy bay tiêm kích thế hệ 5, J-31 có kích thước và khối lượng tương đương như F-35 đang được Trung Quốc phát triển chủ yếu cho thị trường xuất khẩu. Chương trình tiến triển tương đối chậm chủ yếu là do những vấn đề kỹ thuật và tài chính. Máy bay này sử dụng hai động cơ tua bin phản lực RD-93 của Nga, dự kiến sẽ thay thế bằng động cơ WS-13E do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển. Mặc dù tuyên bố phát triển cho mục tiêu xuất khẩu, nhưng khả năng J-31 sẽ được đưa vào trang bị cho Không quân và Hải quân Trung Quốc. Cuối năm 2019, mẫu trình diễn thứ hai của J-31 được công khai lần đầu tiên và có thể là tín hiệu nhằm đưa vào trang bị cuối năm 2020.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển một mẫu máy bay tiêm kích thế hệ 6. Theo các báo cáo xuất hiện cuối năm 2019 cho rằng, Công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương chịu trách nhiệm phát triển máy bay tiêm kích này. Chương trình được khởi động từ năm 2018 với sự hợp tác của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc. Máy bay tiêm kích thế hệ 6 hiển nhiên sẽ có khả năng tàng hình cao hơn và tăng cường sử dụng vật liệu composite, dự kiến năm 2035 đưa vào trang bị cho lực lượng không quân Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu J-20

Giải pháp cho bài toán phát triển động cơ hàng không quân sự

Điểm yếu cơ bản của công nghiệp Hàng không Quân sự Trung Quốc vẫn là lĩnh vực động cơ hàng không. Hiện nay, Trung Quốc không có khả năng tự sản xuất động cơ tua bin phản lực tính năng cao, tin cậy để bảo đảm cho sự phát triển máy bay hiện tại và tương lai. Chuyến bay đầu tiên năm 1998 của máy bay tiêm kích J-10 được coi là đã bị trì hoãn gần 02 năm, lý do chủ yếu là do phải tiến hành cải tiến để lắp động cơ AL-31FN do Nga sản xuất thay vì sử dụng động cơ WS-10 sản xuất tại Trung Quốc như kế hoạch ban đầu.

Mặc dù vẫn còn phải phụ thuộc vào động cơ của Nga trong tương lai gần, song những nỗ lực của Trung Quốc để đạt được tiến bộ trong công nghệ động cơ phản lực nội địa ngày càng tăng lên. Đáng chú ý nhất là việc thành lập Công ty động cơ hàng không Trung Quốc để giải quyết những hạn chế về khả năng phát triển và sản xuất nội địa động cơ hàng không quân sự. Công ty này được thành lập trên cơ sở sáp nhập một loạt các công ty, gồm: Công ty khoa học và công nghệ hàng không, Công ty động cơ và hàng không Lật Dương, Công ty sản xuất động cơ hàng không Liming, với đội ngũ lao động xấp xỉ 96.000 người. Công ty này đã thành lập một Viện nghiên cứu động cơ hàng không vào tháng 12/2016, đặt tại Thủ đô Bắc Kinh nhằm tăng tốc độ phát triển động cơ hàng không trong nước và những công nghệ liên quan.

Đầu năm 2019, Công ty chính thức công bố tìm kiếm đối tác phát triển, chế tạo và bảo đảm cho các tổ hợp động cơ máy bay thông qua đặt hàng sản xuất thiết bị từ các doanh nghiệp sở hữu tư nhân. Bước đi này cùng với mong muốn của Chính phủ Trung Quốc mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước để sản xuất động cơ hàng không thương mại và quân sự. Những kế hoạch tiếp theo đang được tiến hành để tích hợp lĩnh vực tư nhân sâu hơn vào chuỗi cung cấp và tiếp cận phát triển động cơ hàng không, nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng là tiếp tục giữ vững quá trình quản lý, tăng tính chủ động chuỗi cung ứng nội địa và tích hợp các nguồn lực quân sự và dân sự, cung cấp cho Quân đội Trung Quốc những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.

Tương tự như các cường quốc công nghiệp quân sự khác, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp Hàng không Quân sự nói chung, máy bay tiêm kích nói riêng là tự chủ trong nghiên cứu, phát triển và chế tạo. Tiếp theo sẽ là cạnh tranh để giành thị trường xuất khẩu vũ khí với Nga và Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Tổng cục Kỹ thuật

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...