Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 26/05/2014, 14:51 (GMT+7)
Vài nét khái lược về tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Liên bang Nga

Sau chiến tranh lạnh, kế thừa thành tựu công nghiệp quốc phòng của Liên Xô, nước Nga chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng theo mô hình và cơ chế mới. Đến nay, lĩnh vực này của Nga đã có bước phát triển vượt bậc, không chỉ đáp ứng nhu cầu quốc phòng trong nước, mà còn xuất khẩu số lượng lớn vũ khí, trang bị hiện đại.

Hệ thống Tên lửa Club-K do Nga sản xuất (Ảnh: in-tơ-nét)

Nga được kế thừa tổ hợp công nghiệp quốc phòng (CNQP) của Liên Xô, có 06 đặc điểm chủ yếu sau: Thứ nhất, là một ngành đặc biệt của nền kinh tế quốc dân, vừa sản xuất hàng quân sự, vừa sản xuất hàng dân dụng. Thứ hai, các dây chuyền sản xuất có thể linh hoạt chuyển hoá để vừa phục vụ các nhu cầu kinh tế, vừa có khả năng đáp ứng nhanh các nhu cầu quốc phòng trong thời chiến. Thứ ba, giới quân sự có đặc quyền riêng và là cơ quan duy nhất được xác định, kiểm soát các khâu sản xuất hàng quân sự (từ khi nghiên cứu, thiết kế cho đến khi hoàn thành sản phẩm vũ khí, trang bị (VK,TB) mới). Thứ tư, việc kiểm tra, nghiệm thu của Nhà nước đối với các thiết bị quân sự được tiến hành nghiêm ngặt hơn nhiều so với ngành công nghiệp dân dụng, do người đứng đầu giới quân sự và đại diện Bộ Quốc phòng (BQP) thực hiện. Thứ năm, bộ phận thiết kế chi phối toàn bộ quá trình sản xuất, nên tài liệu của Phòng thiết kế có giá trị pháp lý đối với nhà máy sản xuất. Thứ sáu, khâu kiểm định chất lượng sản phẩm là trách nhiệm của bộ phận chuyên trách kết hợp với đại diện của giới quân sự, được tiến hành trực tiếp tại nhà máy mà không chịu sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, không nhận lương từ nhà máy, mà chịu sự chỉ đạo trực tiếp của BQP.

Điều đáng chú ý là, trước khi Liên Xô tan rã, tổ hợp CNQP chiếm tới 65% tiềm lực khoa học của quốc gia, nên nó quyết định phần lớn tiến trình phát triển khoa học - kỹ thuật của nước này. Về cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý tổ hợp CNQP của Nga được cải cách theo mô hình quản lý kinh tế mới (mô hình kinh tế chuyển đổi); đặc trưng của mô hình này là kế thừa các yếu tố còn hợp lý trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung trước đây của Liên Xô, kết hợp với cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Chủ trương chiến lược của Nga trong xây dựng và phát triển tổ hợp CNQP là theo cơ chế của nền kinh tế thị trường, có sự định hướng của Nhà nước; bảo đảm vừa duy trì sức mạnh quân sự của Nga như một cường quốc, vừa kết hợp với phát triển kinh tế, nhằm tạo sự cân bằng chiến lược với các đối thủ cả về tiềm lực quốc phòng và kinh tế. Đặc biệt, trong điều kiện quân số của lực lượng vũ trang có xu hướng giảm, ngân sách quốc phòng chỉ chiếm khoảng 5% - 6% GDP, nhưng vẫn bảo đảm đủ năng lực cho nhiệm vụ phòng thủ đất nước. Trong điều kiện đó, Nga đẩy mạnh chuyển hoá tổ hợp CNQP theo hướng tinh, gọn, hiệu quả (giữ lại 40% xí nghiệp quốc phòng, 60% còn lại chuyển sang dân sự), chú trọng phát triển công nghệ độc quyền, hoặc “độc nhất vô nhị” hiện đại, sản xuất các sản phẩm quý hiếm, nhằm tạo ra và kích thích sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế; đồng thời, tăng cường khả năng linh hoạt, thích ứng với nhu cầu thay đổi liên tục của thị trường.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga từ bỏ nền kinh tế quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung bằng mệnh lệnh hành chính, chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, nên cơ chế quản lý nhà nước đối với tổ hợp CNQP cũng có sự thay đổi. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của tổ hợp CNQP Nga gồm 4 thành phần chủ yếu: cơ quan lập pháp (Quốc hội, Hội đồng Liên bang và Tổng thống Nga); cơ quan hành pháp (Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban các vấn đề về tổ hợp CNQP, BQP và một số cơ quan liên quan,…); giới công nghiệp (các tập đoàn, công ty, xí nghiệp CNQP); các lực lượng vũ trang. Trong đó, các lực lượng vũ trang là nơi đề ra yêu cầu và sử dụng các phương tiện do tổ hợp CNQP làm ra; phản ánh thông tin ngược về chất lượng, tuổi thọ VK,TB sau khi đưa vào sử dụng trong lực lượng vũ trang. Về quy mô các chuyên ngành của tổ hợp CNQP Nga cũng rất đa dạng, bao gồm: vũ khí hạt nhân; công nghiệp hàng không - vũ trụ; công nghiệp hàng không và công nghiệp đóng tàu quân sự; công nghiệp tăng - thiết giáp; sản xuất vũ khí bộ binh và đạn dược; sản xuất vũ khí pháo binh,... Sự tồn tại, phát triển các chuyên ngành này chủ yếu thông qua năng lực của các tổng công ty và công ty CNQP.

Trong tổ hợp CNQP của Nga hiện nay, sự quản lý của Nhà nước giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Điều đó, được thể hiện rõ thông qua chính sách của Nhà nước Liên bang đối với chiến lược phát triển CNQP. Theo đó, việc phát triển tổ hợp CNQP được Nga xác định là một trong những ưu tiên cao nhất trong chính sách của Nhà nước, giữ vai trò then chốt có tính quyết định trong giải quyết các nhiệm vụ: quốc phòng, chính trị, kinh tế, đối ngoại, xã hội và nhiều nhiệm vụ quốc gia quan trọng khác. Để duy trì vai trò quản lý của Nhà nước, Nga tổ chức Cục VK,TB, có nhiệm vụ xây dựng các chính sách quốc gia về CNQP, bảo đảm thực hiện các chương trình nghiên cứu, phát triển tiềm lực công nghệ, thực hiện các quy định của Nhà nước đối với các xí nghiệp CNQP (nghiên cứu, phát triển, sản xuất, sửa chữa lớn và nâng cấp hoặc loại khỏi biên chế: xe bọc thép, vũ khí pháo binh, các hệ thống tên lửa, hệ thống vũ khí dẫn chính xác, đạn dược, vũ khí cỡ nhỏ và các trang, thiết bị quân sự khác). Cục VK,TB cùng với BQP và các cơ quan liên quan nghiên cứu, phát triển chương trình quốc gia về VK,TB, nhất là việc sản xuất VK,TB mới, nhằm đáp ứng nhu cầu quốc phòng trong nước và đơn đặt hàng của khách hàng quốc tế. Hiện tại, với khoảng 1.200 xí nghiệp và tổ chức CNQP bố trí ở 70 khu vực trên toàn lãnh thổ, tổ hợp CNQP Nga đã và đang chiếm ưu thế lớn trong tổng số sản phẩm công nghệ cao của quốc gia. Đến nay, các sản phẩm thuộc tổ hợp CNQP đã chiếm 100% sản phẩm công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ: hàng không, vũ trụ, quang học, điện tử, vật liệu nổ công nghiệp; chiếm 90% sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực đóng tàu, thiết bị điện tử; và chiếm 70% trong lĩnh vực thông tin liên lạc. Đây là bước tiến quan trọng trong chính sách phát triển tổ hợp CNQP của Nga sau chiến tranh lạnh, góp phần quan trọng đưa nước này trở lại vị thế của một cường quốc quân sự trên thế giới.

Trên cơ sở kế thừa và phát triển truyền thống của Liên Xô, hiện nay, Nga nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất CNQP thuộc diện “độc nhất vô nhị” trên thế giới, thông qua việc cho ra đời các loại vũ khí có tính năng đặc biệt và hiệu suất chiến đấu cao. Do đó, VK,TB của Nga có những tính năng kỹ thuật, chiến thuật rất độc đáo mà không một nước nào trên thế giới có thể bắt chước hoàn toàn hay sao chép công nghệ. Trong đó, điển hình là các loại máy bay chiến đấu có khả năng cơ động cao, như: Su-27, Su-30, Su-35; tên lửa phòng không S-300, S-400, S-500; tên lửa đạn đạo chiến dịch, chiến thuật “Iskander”; tên lửa đường đạn vượt đại châu tầm bắn 12.000 km đặt trên xe tải cơ động,... Hiện nay, với các cơ sở CNQP nổi danh trên toàn thế giới, Nga vẫn chiếm vị trí hàng đầu trong số các quốc gia xuất khẩu VK,TB ra thị trường quốc tế. Đó là, Liên hợp công nghiệp hàng không “Almaz-Antey” chuyên sản xuất, chế tạo các loại tên lửa phòng không; Liên hợp xí nghiệp công nghiệp liên bang “Uralvagonzavod” - nổi tiếng về sản xuất xe tăng T-72S và T-90S; Tổng công ty công nghiệp “Oboronprom” chuyên sản xuất máy bay trực thăng và phương tiện phòng, chống tên lửa; Công ty “Irkut” thiên về chế tạo thủy phi cơ Be-200; Công ty “Sukhoi” - sản xuất các loại máy báy chiến đấu (tiêm kích, cường kích và tàng hình); Công ty vũ khí tên lửa chiến thuật - chuyên nghiên cứu và chế tạo tên lửa đối hạm, tên lửa chống ra-đa, tên lửa đa năng; Tổng công ty nhà nước “Sevmash” - nghiên cứu, chế tạo và đóng tàu ngầm hạt nhân nguyên tử.

Với công nghệ độc quyền và những tính năng vượt trội mang đặc trưng riêng biệt trong sản phẩm của mình, tổ hợp CNQP của Nga đã và đang tiếp tục phát huy thành tựu đó để không chỉ đáp ứng nhu cầu quốc phòng trong nước mà còn cung cấp ra thị trường thế giới.

NGÔ QUYỀN

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...