Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 18/08/2016, 10:52 (GMT+7)
Vài nét khái lược về chiến lược quân sự mới của Mỹ ở châu Âu

Tháng 01-2016, Bộ Tư lệnh chiến trường của Mỹ ở châu Âu (EUCOM) đã công bố chiến lược quân sự mới tại lục địa này. Đây là động thái mà theo cách giải thích của Oa-sinh-tơn là nhằm đối phó với những thách thức an ninh nghiêm trọng tại châu lục. Vậy, vì sao Mỹ công bố chiến lược quân sự này và nội dung của nó có gì mới?

Kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, châu Âu tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ; quan hệ hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu đã góp phần đảm bảo thế cân bằng chiến lược của khu vực. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc duy trì ảnh hưởng của Mỹ đối với châu lục này đang đối mặt với những thách thức an ninh nghiêm trọng. Đó là những lý do để Oa-sinh-tơn xây dựng chiến lược quân sự mới tại khu vực này.

Xác định các nguy cơ chủ yếu

Chiến lược quân sự mới của Mỹ cho rằng: châu Âu đang bị đe dọa bởi sự phát triển tiềm tàng của tên lửa đạn đạo, sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, các bệnh truyền nhiễm, các cuộc tiến công không gian mạng, các tổ chức khủng bố quốc tế, quốc gia và buôn bán ma túy; sự nguy hiểm khác đến từ cuộc khủng hoảng di cư mới, trầm trọng hơn trong năm 2015. Các mối đe dọa này tập trung ở phía Bắc, phía Đông và phía Nam châu Âu; trong đó, nhấn mạnh mối đe dọa bắt nguồn từ Nga với các hành động quân sự ngày càng gia tăng của Mát-xcơ-va ở biên giới phía Đông và ý đồ quân sự hóa vùng Bắc Cực. Văn kiện chiến lược này cho rằng: Nga đã lựa chọn con đường làm kẻ thù của Mỹ, đặt ra mối đe dọa lâu dài cho Mỹ và các nước đồng minh châu Âu của họ; rằng, Nga đang muốn gây ảnh hưởng đến các nước láng giềng; trong đó bao hàm các hành động thách thức mà lực lượng vũ trang Nga đang tiến hành tại U-crai-na, gây căng thẳng ở Gru-di-a và Môn-đô-va. Trước đó, trong chiến lược an ninh quốc gia năm 2015, Oa-sinh-tơn đã chỉ đích danh, Nga là đối thủ tiềm tàng, đang đe dọa các lợi ích toàn cầu của Mỹ; trong đó, có các lợi ích thiết thực của Mỹ ở châu Âu. Như vậy, có thể thấy “mối đe dọa từ Nga” được cho là nguy cơ chủ yếu khiến Mỹ điều chỉnh chiến lược quân sự tại châu Âu.

Tuy nhiên, dưới một góc nhìn khác, việc Mỹ tiến hành công bố chiến lược quân sự mới tại châu Âu còn bắt nguồn từ sự suy giảm ảnh hưởng của nước này đối với khu vực. Theo đó, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài trong khu vực Eurozone đã tác động không nhỏ đến khả năng quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), kéo theo đó là việc giảm ngân sách quốc phòng. Mỹ đã sớm nhận ra điều này và đang đẩy mạnh cái gọi là “tái cân bằng chiến lược” giữa hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Vì thế, các nhà quan sát cho rằng, thực chất chiến lược quân sự mới của Mỹ ở châu Âu cho thấy, Oa-sinh-tơn đang cố gắng thiết lập sự ảnh hưởng mới ở châu Âu thông qua các căn cứ quân sự mới ở những quốc gia vốn trước đây không nằm trong tầm kiểm soát của họ. Đó có thể là những căn cứ quân sự mới ở Gru-di-a hay A-déc-bai-dan.

Vạch ra các ưu tiên

Theo các chuyên gia quân sự của Lầu năm góc, để giải quyết những thách thức an ninh nói trên, Quân đội Mỹ tại châu Âu cần nâng cao năng lực đối phó, nhất là trong khủng hoảng nhằm cải thiện khả năng thích ứng, sẵn sàng chiến đấu và triển khai lực lượng trong tình huống xung đột. Thực hiện phương hướng đó, chiến lược quân sự này vạch ra 6 ưu tiên của Mỹ tại châu Âu từ nay đến năm 2021 như sau:

Một là, ngăn chặn các hành động can thiệp quân sự của Nga. Theo giới chức Mỹ, các hành động “can thiệp” quân sự của Nga đối với một số quốc gia láng giềng đã vi phạm nhiều điểm trong Hiệp ước an ninh tập thể và luật pháp quốc tế. Vì vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ là đảm bảo an ninh quốc gia cho các đồng minh thuộc NATO trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Để đối phó với Nga, Bộ Tư lệnh chiến trường của Mỹ ở châu Âu sẽ tiếp tục triển khai quân đội, tăng cường các cuộc diễn tập song phương và đa phương tại một số quốc gia Đông Âu, như: Ba Lan, Lít-va, Ét-tô-ni-a và Lát-vi-a, v.v. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh và đối tác nhằm đối phó với các hình thức chiến tranh tương lai và phi đối xứng của Nga cũng như xúc tiến sớm triển khai các hệ thống phòng thủ ở châu Âu.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels ngày 27-6-2016. (Ảnh:  TTXVN)

Hai là, thúc đẩy quan hệ hợp tác trong NATO nhằm tăng cường khả năng đối phó với các cuộc khủng hoảng và xung đột có thể xảy ra; trong đó, chú trọng triển khai các phương pháp tiếp cận phù hợp với sự thay đổi của môi trường an ninh châu Âu.

Ba là, tiếp tục duy trì quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ đối với châu Âu, theo các cam kết an ninh toàn diện đối với đồng minh và các đối tác. Qua đó, tăng cường hỗ trợ phát triển năng lực quốc phòng và thúc đẩy sự tương tác với quân đội các nước thành viên NATO; thường xuyên tổ chức các diễn đàn an ninh đa phương và song phương nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau; phối hợp với các nhà lãnh đạo quốc phòng châu Âu để xây dựng các kế hoạch hành động chung.

Bốn là, tăng cường liên kết nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia và phi đối xứng, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố cực đoan, các dạng tin tặc, hoạt động buôn lậu, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm. Với sự hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ, Bộ Tư lệnh chiến trường của Mỹ ở châu Âu sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức, như: In-tơ-pôn, Liên minh châu Âu (EU) và NATO để đối phó với các mối đe dọa này. Trong đó, cách tiếp cận chủ yếu tập trung vào ngăn chặn dòng chảy của chủ nghĩa khủng bố cực đoan nước ngoài vào châu Âu và Mỹ; đồng thời, chủ động phát hiện các mạng lưới tội phạm, khủng bố cực đoan và hỗ trợ các đối tác xây dựng năng lực đối phó với chủ nghĩa khủng bố và các cuộc tiến công mạng.

Năm là, tăng cường khả năng cơ động của Quân đội Mỹ tại châu Âu, nhất là trong điều kiện xảy ra khủng hoảng và xung đột. Muốn vậy, Mỹ sẽ ưu tiên hợp tác, đầu tư phát triển và mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự tại châu Âu, nhằm đảm bảo cho việc luân chuyển và cơ động của Quân đội Mỹ đến một quốc gia theo nhu cầu an ninh hoặc trong tình huống xảy ra khủng hoảng và xung đột.

Sáu là, Bộ Tư lệnh chiến trường của Mỹ ở châu Âu chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với các đồng minh ngoài NATO, thông qua việc tăng cường an ninh tại Đông Âu và củng cố quan hệ hợp tác quốc phòng với I-xra-en. Theo đó, Oa-sinh-tơn sẽ hỗ trợ Ten A-víp nâng cao năng lực phòng thủ trước các mối đe dọa từ I-ran, phiến quân Héc-bô-la tại Li-băng và tổ chức Ha-mát tại Pa-le-xtin. Ngoài ra, tại Bắc Cực, Mỹ sẽ mở rộng hợp tác để tăng cường hỗ trợ quân sự đối với các đối tác, để xây dựng một môi trường ổn định.

Bố trí lại lực lượng và thế trận

Kể từ khi công bố Chiến lược “Tái cân bằng” tại châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Tư lệnh của Mỹ ở châu Âu hiện ở trạng thái thiếu hụt nguồn lực. Theo các nguồn tin từ giới chức nhiều quốc gia châu Âu, hiện Mỹ chỉ còn khoảng 62.000 binh sĩ tại châu Âu, thay vì hơn nửa triệu quân đồn trú trong thời “chiến tranh lạnh”. Điều đó đang đặt ra yêu cầu phải gia tăng nguồn lực của nước này tại châu Âu, nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức đang trỗi dậy. Vì vậy, trong chiến lược này, Mỹ tiến hành điều chỉnh lại thế trận toàn cầu trên 3 điểm cơ bản: (1). Trang bị thêm thiết bị đánh chặn; (2). Rút một phần kế hoạch ở châu Âu, nhưng tăng cường sự hiện diện của lực lượng Mỹ và NATO gần biên giới Nga; (3). Hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) toàn cầu; dẫn đầu liên minh 28 nước không kích IS ở Xy-ri, v.v.

Tại châu Âu, Bộ Tư lệnh chiến trường của Mỹ ở châu Âu sẽ tiếp tục điều chỉnh thế bố trí lực lượng; tích cực tham gia các cuộc diễn tập tại một số quốc gia Đông Âu; tăng cường hợp tác với đồng minh và đối tác nhằm đối phó với các hình thức chiến tranh trong tương lai; đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hệ thống phòng thủ ở châu lục này.

Hiện nay, Mỹ đang thúc đẩy việc điều chỉnh thế bố trí lực lượng tại châu Âu, thông qua điều động một số lực lượng, phương tiện quân sự hiện đại tại một số nước đồng minh để tham gia lực lượng phản ứng nhanh của NATO, các cuộc tập trận khung và thực hiện việc kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ru-ma-ni. Trong đó, việc điều chuyển một số máy bay ném bom chiến lược B-52H đến châu Âu chứng tỏ Mỹ có khả năng triển khai các lực lượng chiến lược trên phạm vi toàn cầu. Đây là tham vọng rất lớn của Oa-sinh-tơn và nếu chiến lược này thành công sẽ tạo cho Mỹ thế đứng chân vững chắc trên cả hai khu vực: châu Âu - Đại Tây Dương và châu Á - Thái Bình Dương.

Hối thúc châu Âu gia tăng chi tiêu quốc phòng

Với quan niệm cho rằng, Nga đang tăng cường các hành động gây hấn ở Đông Âu và quân sự hóa Bắc Cực; vì vậy, chiến lược quân sự mới của Mỹ ở châu Âu đã coi Nga là mối đe dọa chủ yếu cùng với chủ nghĩa khủng bố. Điều đó có nghĩa là Oa-sinh-tơn đang đặt gánh nặng trách nhiệm lên vai các đồng minh của họ, nhằm bảo vệ “ngôi nhà chung châu Âu”. Về phần mình, Mỹ cam kết sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự để trấn an các đồng minh châu Âu, nhất là các nước thành viên NATO có biên giới giáp Nga. Tháng 02-2016, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Át-tơn Ca-tơ đã tuyên bố chi tiêu quân sự của nước này ở châu Âu sẽ tăng hơn 4 lần (từ 689 triệu USD trong năm tài khóa 2016 lên tới 3,4 tỷ USD trong năm tài khóa 2017). Đồng thời, Mỹ hối thúc các nước đồng minh tăng khoản chi tiêu quốc phòng, đặc biệt là đối với các quốc gia trong Liên minh châu Âu. Lý do được Mỹ đưa ra dựa trên chiến lược quân sự mới ở châu Âu, trong đó coi Nga là nguy cơ chủ yếu đe dọa an ninh của châu lục.

Mặc dù quyết định trên vấp phải sự phản đối của nhiều nước, nhưng trên thực tế chi phí quốc phòng của các nước thành viên thuộc NATO đều có xu hướng gia tăng. Các nhà quan sát cho rằng, tình hình này nếu không được kiểm soát sẽ tạo ra cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt ở khu vực. Như vậy, chiến lược quân sự mới của Mỹ ở châu Âu, sau khi chỉ rõ các nguy cơ lớn đối với an ninh của châu Âu, Mỹ đã xác định Nga là kẻ thù tiềm tàng, là đối tượng tác chiến chủ yếu và nêu lên 6 hướng ưu tiên trong thời gian 3 đến 5 năm tới. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận châu Âu cho rằng, sự bất ổn về an ninh quân sự tại khu vực này đang có xu hướng gia tăng do sự đối đầu quan hệ Đông - Tây trong thời gian tới là có cơ sở.

Đại tá LÊ VĂN THÀNH, Viện B70 Tổng cục II

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...