Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Ba, 14/01/2020, 09:16 (GMT+7)
Vài nét dự báo về cục diện chính trị - quân sự thế giới năm 2020

Tiếp nối quá trình chuyển dịch chính trị - quân sự trong thời kỳ quá độ từ trật tự thế giới đơn cực sang trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, năm 2020 dự báo cục diện thế giới sẽ vẫn nổi lên sự cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa các cường quốc hàng đầu tại tất cả điểm nóng trên toàn cầu.

Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc

Xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, trái với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm sẽ hoãn ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sau cuộc bầu cử vào năm 2020, ngày 13-12-2019, cả hai bên đều tuyên bố đạt được thỏa thuận giai đoạn 1. Thỏa thuận này gồm 09 nội dung: quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, lương thực, nông sản, dịch vụ tài chính, tỷ giá hối đoái và minh bạch, mở rộng thương mại, đánh giá song phương và giải quyết tranh chấp. Việc Mỹ và Trung Quốc đi đến thỏa thuận giai đoạn 1 mang lại tín hiệu tích cực cho việc tháo gỡ căng thẳng thương mại kéo dài và ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường toàn cầu và triển vọng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, giữa hai bên vẫn còn tồn tại khá nhiều mâu thuẫn và bất đồng chưa thể hóa giải, xuất phát từ sự khác nhau căn bản giữa mô hình kinh tế của Trung Quốc do nhà nước quản lý với mô hình kinh tế thị trường tự do của Mỹ và mục đích thật sự là Mỹ muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng một thỏa thuận thương mại có lợi nhất cho Oa-sinh-tơn. Đạo luật ủy quyền Quốc phòng năm 2020 đã được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 17-12-2019, trong đó đề ra các biện pháp nhằm đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc. Đó là: (1) Đánh giá đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc; (2) Đánh giá ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đối với an ninh quốc gia Mỹ từ các dự án đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc; (3) Hạn chế quyền của Bộ Thương mại Mỹ loại bỏ tập đoàn Huawei của Trung Quốc ra khỏi “danh sách đen”; (4) Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh với Đài Loan; (5) Đánh giá đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các quốc gia Bắc Cực; (6) Ngăn chặn Trung Quốc can thiệp vào các vấn đề chính trị và pháp lý của Hồng Kông.

Để cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, từ năm 2020, Mỹ sẽ xúc tiến triển khai dự án “Mạng lưới Điểm Xanh”, nhằm thúc đẩy các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng tham gia xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng bền vững, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an ninh quốc gia và nhất là không bị rơi vào “bẫy nợ” của Bắc Kinh. Đồng thời, Oa-sinh-tơn sẽ triển khai thực hiện hai dự luật đã được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua vào cuối năm 2019 để thực thi các biện pháp phản ứng cứng rắn hơn trước những hành động của Trung Quốc mà phía Mỹ cho là “đàn áp người dân Hồng Kông và người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương”. Theo đó, Mỹ sẽ cấm xuất khẩu sang Trung Quốc các loại đạn dược phi sát thương dùng để kiểm soát đám đông và áp dụng lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức của nước này mà Oa-sinh-tơn cho là “vi phạm nhân quyền” ở Tân Cương và Hồng Kông. Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm hình thành và phát triển (1949 - 2019), NATO - dưới sự dẫn dắt của Mỹ, đã xác định sự trỗi dậy của Trung Quốc là nguy cơ an ninh đối với khối này và coi đó là nguy cơ vượt ra ngoài lĩnh vực quân sự. Do đó, trong năm 2020, NATO sẽ bắt đầu hoạch định chiến lược mới nhằm đối phó với các nguy cơ từ Trung Quốc.

Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Nga

Hoàn toàn đi ngược lại chủ trương của Tổng thống Đô-nan Trăm hướng tới cải thiện quan hệ với Nga nhằm đưa Mát-xcơ-va tách khỏi quỹ đạo liên kết ngày càng chặt chẽ với Bắc Kinh, trong năm 2020, Mỹ sẽ tiếp tục cạnh tranh chiến lược với Nga trên nhiều chiến tuyến.

Trên chiến tuyến Xy-ri - quốc gia có vị thế rất quan trọng đối với chiến lược của Nga ở Trung Đông, chương trình nghị sự quan trọng nhất trong năm 2020 sẽ là soạn thảo Hiến pháp mới để trên cơ sở đó thực thi tiến trình chính trị A-xta-na được Nga, I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ đồng bảo trợ và đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ để kết thúc chiến tranh và tái thiết Xy-ri. Tuy nhiên, Mỹ ra sức phá hoại chương trình nghị sự này bằng cách bác bỏ các điều kiện do Xy-ri đề xuất, gồm: chống khủng bố, dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Xy-ri và lên án cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Xy-ri. Do đó, tiến trình chính trị để hóa giải cuộc chiến Xy-ri khó đạt được chuyển biến đột phá, khi mà Mỹ tiếp tục duy trì một lực lượng quân sự đáng kể ở Xy-ri với lý do như Oa-sinh-tơn giải thích là “để bảo vệ các mỏ dầu khỏi các tay súng khủng bố”, nhưng thực chất là không để Xy-ri hoàn toàn nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Nga.

Ở khu vực châu Âu, Mỹ và NATO sẽ tiến hành cuộc tập trận mang tên “Bảo vệ châu Âu - 2020”, với sự tham gia của khoảng 37.000 quân từ tháng 01 đến tháng 5-2020. Đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong 25 năm qua, tương tự như cuộc tập trận “ReForGer” trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và sẽ là cơ hội để cải thiện khả năng chiến đấu của NATO, sẵn sàng đối phó với cái gọi là “nguy cơ xâm lược từ Nga”. Đồng thời, Mỹ sẽ tiếp tục gây khó khăn và cản trở nhằm phá hoại dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2” chuyển tải khí đốt của Nga tới “lục địa già”. Cuối năm 2019, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật về ngân sách quốc phòng năm 2020, trong đó có những biện pháp trừng phạt nhằm vào các tàu và nhà quản lý tham gia dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2” của Nga. Đằng sau hoạt động phá hoại này của Mỹ là cuộc chiến nhằm tranh giành thị trường châu Âu cho các công ty khí đốt của Hoa Kỳ từ tay Nga. Bên cạnh đó, hai nước cũng còn nhiều bất đồng về các vấn đề, như: U-crai-na, Vê-nê-du-ê-la, Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), “nghi án” Nga can thiệp bầu cử Mỹ, v.v. Nhìn chung, quan hệ giữa Mỹ và Nga trong năm 2020 sẽ khó được cải thiện.

Diễn biến mới tại các điểm nóng trên toàn cầu

Trước hết, ở khu vực Đông Bắc Á, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục lâm vào bế tắc. Gần đây, Triều Tiên đã chỉ trích Mỹ đang theo đuổi các nỗ lực đàm phán kéo dài theo sách lược “câu giờ” để đạt được mục đích chính trị trong nước, trước hết là phục vụ chiến dịch bầu cử trong năm 2020. Ngày 14-12-2019, Bình Nhưỡng tuyên bố tiến hành thành công một vụ thử quan trọng mới tại bãi phóng tên lửa tầm xa Sô-ha, giúp củng cố lá chắn hạt nhân chiến lược của nước này. Dự kiến trong thời gian tới, Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục các vụ thử tên lửa liên lục địa và đáp trả cứng rắn đối với các tuyên bố đe dọa của Mỹ. Theo quan điểm của chính phủ Hàn Quốc, lộ trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên phải tuân thủ ba nguyên tắc, gồm: không để xảy ra chiến tranh; bảo đảm an toàn lẫn nhau; hướng tới mục tiêu thịnh vượng chung. Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga để thuyết phục Triều Tiên tiếp tục đối thoại, tiến tới phi hạt nhân hóa toàn diện và thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Theo hướng đó, trong năm 2020, có nhiều khả năng Triều Tiên sẽ đề xuất nối lại cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên cảnh báo sẽ từ bỏ đối thoại với Mỹ và tìm kiếm cách thức mới để phi hạt nhân hóa, trừ khi Oa-sinh-tơn đưa ra đề xuất mới trước khi kết thúc năm 2019.

Khu vực Trung Đông tiếp tục bất ổn, ngoài Xy-ri với tiến trình hòa bình sẽ chưa có nhiều tiến triển trong năm 2020, Li-bi với cuộc nội chiến chưa có lối thoát, I-rắc chưa thể giải quyết dứt điểm được các cuộc biểu tình bạo lực chống chính phủ, thì I-ran sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khi Mỹ sẽ không ngừng đẩy mạnh chính sách “gây áp lực tối đa” đối với nước này, trước hết nhằm vào ngành công nghiệp năng lượng của Tê-hê-ran. Trong năm 2020, các chuyên gia dự báo kinh tế I-ran sẽ đứng trước viễn cảnh “u ám” hơn so với năm 2019 - một trong những năm tồi tệ nhất đối với giới lãnh đạo cầm quyền của I-ran kể từ khi thành lập nhà nước Cộng hòa Hồi giáo vào năm 1979. Tổng thống I-ran H. Ru-ha-ni cho biết, trong năm 2020, kinh tế của quốc gia này sẽ ngày càng ít phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và ngân sách năm tới được gọi là “ngân sách kháng chiến” để đối phó với những áp lực tối đa và các lệnh trừng phạt, trong đó dựa một phần vào khoản vay Nga 5 tỷ USD. Về quân sự, để đối phó với nguy cơ chiến tranh từ phía Mỹ và đồng minh, trong năm 2020, I-ran sẽ nhận chuyển giao hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Ngoài ra, I-ran đang quan tâm tới máy bay chiến đấu đa năng Su-30, máy bay huấn luyện Yak-130, xe tăng T-90 và hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion của Nga.

Đối với điểm nóng Áp-ga-ni-xtan, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục các vòng đàm phán trực tiếp với Ta-li-ban. Đến nay, hai bên đã tiến hành 09 vòng đàm phán tại Đô-ha (Ca-ta) và một số cuộc gặp bí mật không được tiết lộ địa điểm và thành phần tham dự. Ta-li-ban tuyên bố chỉ thực hiện một phần lệnh ngừng bắn, từ chối đàm phán trực tiếp với chính quyền của Tổng thống Áp-ga-ni-xtan và chỉ thực hiện điều này sau khi thỏa thuận của họ với Mỹ được hoàn tất, có thể là trong năm 2020. Mỹ cũng có thể cắt giảm một lực lượng binh sĩ đồn trú ở Áp-ga-ni-xtan để thực hiện lời hứa của Tổng thống Đô-nan Trăm, trong khi vẫn tiếp tục tiến trình đàm phán hòa bình với Ta-li-ban. Điểm tích cực duy nhất ở Trung Đông trong năm 2020, có thể là cuộc chiến ở Y-ê-men sẽ tìm được cách giải quyết bằng giải pháp chính trị khi mà các bên tham chiến nhận thấy không thể giành thắng lợi bằng giải pháp quân sự.

Ở châu Âu, trong năm 2020, Liên minh châu Âu sẽ phải gồng mình đối phó với nhiều thách thức mới, đó là: (1) Triển khai chiến lược xây dựng nền quốc phòng độc lập tương đối với NATO để hóa giải nhiều thách thức từ sự chuyển dịch địa chính trị mới, trong đó nổi lên sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trong quan hệ với Mỹ, mâu thuẫn và chia rẽ nội bộ NATO; (2) Sự bất ổn sau khi nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu; (3) Tính bất định trong quá trình triển khai chiến lược kết nối Âu - Á; (4) Làn sóng di cư vẫn tiếp tục đổ vào châu Âu từ các nước Bắc Phi - Trung Đông đi cùng với chủ nghĩa khủng bố; (5) Làn sóng bạo loạn tiếp tục đe dọa sự ổn định của nước Pháp; (6) Nguy cơ từ quyết định của Mỹ, sau đó là Nga lần lượt rút khỏi Hiệp định Các lực lượng hạt nhân tầm trung INF - một hiệp ước đã từng góp phần rất quan trọng trong đảm bảo an ninh cho các nước châu Âu cũng như an ninh quốc tế trong 30 năm qua.

Đối với khu vực Mỹ La-tinh, năm 2020, Vê-nê-du-ê-la sẽ từng bước nới lỏng cơ chế kiểm soát thị trường để thúc đẩy phát triển kinh tế sau một thời gian dài siêu lạm phát và lao dốc về kinh tế làm hàng triệu người phải rời bỏ đất nước. Đồng thời, chính phủ của Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô chủ trương tiếp tục đàm phán với các lực lượng đối lập để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị. Đối với Bô-li-vi-a, do cựu Tổng thống E-vô Mô-ra-lết (Evo Morales) và cựu Phó Tổng thống An-va-rô Ga-xi-a Li-nê-ra (Alvaro Garcia Linera) đã từ chức và rời bỏ quyền lực, Đảng Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội - chính đảng chiếm đa số trong Quốc hội đã chính thức công nhận nữ nghị sĩ đối lập Giê-ni-nơ A-nét (Jeanine Anez) là tổng thống lâm thời, đồng thời cho phép tiến hành cuộc bầu cử sớm để bầu chọn tổng thống mới nhằm chấm dứt tình trạng bạo động kéo dài tại nước này. Trong năm 2020, nhận được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và nhiều nước khác, Cu-ba sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, trước hết là cuộc khủng hoảng năng lượng, để đối phó với lệnh cấm vận của Mỹ. Trong đó, Liên minh châu Âu sẽ tăng cường mối quan hệ chính trị và kinh tế với Cu-ba để chống lại tác động tiêu cực của Luật Hen-Bu-tôn (Helms-Burton) của Mỹ ngăn cản đầu tư nước ngoài vào đảo quốc này. Đồng thời, Cu-ba sẽ tiếp tục thực hiện đường lối cải cách mở cửa theo mô hình cập nhật chủ nghĩa xã hội.

THÙY DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...