Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 10/04/2014, 16:32 (GMT+7)
U-crai-na, tâm điểm cạnh tranh địa - chính trị giữa lòng châu Âu

Ngày 21-11-2013 với việc tạm dừng ký một Hiệp định liên kết với châu Âu, U-crai-na đã rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội trầm trọng và kết cục là một cuộc đảo chính phế truất Tổng thống Y-a-nu-cô-vích. Hiện nay, cuộc khủng hoảng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ cuộc cạnh tranh địa - chính trị khốc liệt giữa các cường quốc xoay quanh U-crai-na.

Một cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về U-crai-na (3-2014).
(Nguồn: TTXVN)

U-CRAI-NA, tâm điểm cạnh tranh địa - chính trị giữa các nước lớn

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ và các nước NATO tiếp tục thực hiện mưu đồ đưa Nga và các nước khác trong không gian hậu Xô-viết phát triển theo quỹ đạo của phương Tây. Để thực hiện ý đồ này, dưới sự bảo trợ của Mỹ và NATO một tổ chức khu vực (có tên gọi là GUAM1) được thành lập, có nhiệm vụ thực thi Đề án “xúc tiến dân chủ và cải cách” trong không gian hậu Xô-viết. Thực chất của Đề án này không phải nhằm thực hiện dân chủ, cải cách và phát triển kinh tế mà chỉ là chiêu bài, nhằm từng bước vô hiệu hóa sự phụ thuộc về chính trị và kinh tế của các nước cộng hòa trong không gian hậu Xô-viết đối với Nga; trước hết là trong lĩnh vực năng lượng, hệ thống hạ tầng cơ sở..., tiến tới tách các nước này ra khỏi Nga để sáp nhập vào Liên minh châu Âu (EU) và NATO, tạo dựng vành đai địa - chiến lược “bao vây” Nga.

Năm 1999, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Oa-sinh-tơn (Mỹ) GUAM đã phát triển thành GUUAM khi U-dơ-bê-ki-xtan gia nhập tổ chức này. Cũng trong Hội nghị, GUUAM đã thông qua Tuyên bố Oa-sinh-tơn, khẳng định chủ trương đưa các nước tham gia Đề án hội nhập EU và NATO. Năm 2001, tại Y-an-ta (U-crai-na) GUUAM đã ký Định ước hoạt động, nhưng chỉ một năm sau, khi nhận rõ mục tiêu và bản chất của GUUAM ngày càng xa rời mục đích ban đầu là “xúc tiến dân chủ và cải cách”, đặc biệt là chủ trương liên kết quân sự của tổ chức này trong không gian hậu Xô-viết, U-dơ-bê-ki-xtan đã tuyên bố rút khỏi GUUAM. Tiếp đó, vào các năm 2009, 2010 lần lượt các nước Môn-đô-va, U-crai-na cũng quyết định ra khỏi tổ chức này.

Trước bối cảnh đó, tại Hội đồng Ủy ban châu Âu về chính sách chung và chính sách đối ngoại (năm 2008), EU đã chuẩn bị phương án và khẳng định tiếp tục phát triển ý tưởng của mình thông qua việc thành lập Đề án Tổ chức “Đối tác phương Đông” để thay cho Đề án GUAM. Đây là Đề án mới của EU, nhằm công khai việc mở rộng các mối quan hệ liên kết giữa EU với 6 nước trong không gian hậu Xô-viết (U-crai-na, Môn-đô-va, A-déc-bai-dan, Ác-mê-ni-a, Gru-di-a và Bê-la-rút). Bề ngoài, những ưu tiên cơ bản của Tổ chức “Đối tác phương Đông” là “xúc tiến cải cách dân chủ, hợp tác kinh tế hướng tới xây dựng khu vực thị trường tự do”, nhưng thực tế bên trong là đưa các quốc gia thành viên từng bước hội nhập, liên kết sâu, rộng vào không gian địa - chính trị của các nước phương Tây, kể cả khả năng gia nhập NATO. Để Tổ chức “Đối tác phương Đông” trở thành hiện thực, tháng 11-2013 tại Hội nghị ở Vin-nhút, EU đã ký tắt Hiệp định về “Khu vực tự do thương mại” với Môn-đô-va và chuẩn bị mọi điều kiện tiến hành ký Hiệp định liên kết U-crai-na với EU. Tuy nhiên, diễn biến Hội nghị đã thay đổi hoàn toàn khi Tổng thống Y-a-nu-cô-vích thông báo, U-crai-na hoãn ký Hiệp định liên kết giữa nước này với EU. Quyết định này đã gây “cơn sốc” mạnh đối với các nước phương Tây; bởi lẽ, U-crai-na có vị thế địa - chính trị quan trọng, là “cầu nối” hai phần lục địa Á - Âu và điều đáng quan tâm hơn là, việc hoãn ký Hiệp định này sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản Đề án Tổ chức “Đối tác phương Đông” mà EU mới bước đầu nhen nhóm. Các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế cho rằng, đây là nguyên nhân cốt lõi làm cho làn sóng phản đối đòi lật đổ Tổng thống Y-a-nu-cô-vích bùng phát ở U-crai-na; trong đó, không ít người dân nước này xuống đường biểu tình là do “ước mơ châu Âu” của họ bị tan vỡ. Một số chính khách phương Tây cả quyết rằng, làn sóng biểu tình mạnh mẽ chỉ là hình thức bề nổi mà người dân U-crai-na (bị các phần tử đối lập chủ mưu kích động, xúi giục xuống đường) được sử dụng như một phương tiện, nhằm thực hiện mục đích sâu xa của Đề án địa - chính trị “Đối tác phương Đông” của phương Tây.

Vì thế, dư luận ở Nga và nhiều nước đã có lý khi gọi làn sóng biểu tình của các lực lượng đối lập ở U-crai-na là “cách mạng cam” phiên bản 2.0 của năm 20042. Quan sát những gì diễn ra trên Quảng trường Độc lập ở Ki-ép cũng chứng tỏ điều đó. Vẫn là các lực lượng đối lập như trong cuộc “cách mạng cam” năm 2004, vẫn là những thế lực bên ngoài ủng hộ các lực lượng đối lập và vẫn công nghệ chính trị quen thuộc nhằm lật đổ chính quyền như các cuộc “cách mạng màu” trong không gian hậu Xô-viết và “Mùa xuân Ả-rập” ở các nước Bắc Phi - Trung Đông.

Đối với Nga, U-crai-na có ý nghĩa địa - chính trị hết sức quan trọng, bởi nó xuất phát từ mối quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa gắn bó lâu đời với các nước trong không gian hậu Xô-viết. Do vậy, Mát-xcơ-va luôn mong muốn phát triển hợp tác bền vững cùng có lợi với nước này. Để thực hiện mục tiêu đó, trên cơ sở Đề án Liên minh thuế quan 3 nước (Nga, Ca-dắc-xtan và Bê-la-rút), Tổng thống Nga V. Pu-tin đã triển khai xây dựng Liên minh Á - Âu và hình thành không gian kinh tế thống nhất trên lục địa Á - Âu. Trên thực tế, Liên minh thuế quan này đã đi vào hoạt động từ ngày 01-6-2011 và trên biên giới 3 nước đã xây dựng hoàn chỉnh một khu vực có chế độ thuế quan thống nhất, nhằm tạo ra thị trường rộng lớn cho hơn 165 triệu người tiêu dùng theo khuôn khổ hệ thống luật pháp chung; đồng thời, tạo sân chơi bình đẳng, tự do di chuyển vốn, hàng hóa dịch vụ và lực lượng lao động. Phát triển trên nền tảng của Liên minh thuế quan, Liên minh Á - Âu có khả năng sẽ trở thành một trong các cực của thế giới hiện đại và đóng vai trò như một mối liên kết thực chất, hiệu quả, cùng có lợi giữa các nước châu Âu với các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động. Đặc biệt là việc phối hợp, phát huy các tiềm năng: tài nguyên thiên nhiên, vốn, nhân lực..., cho phép Liên minh Á - Âu cạnh tranh mạnh mẽ với các nền sản xuất tiên tiến trên thế giới trong các lĩnh vực: công nghiệp, công nghệ, thu hút đầu tư…, góp phần tạo ra sự ổn định cho phát triển kinh tế toàn cầu. Theo sáng kiến của Nga, các quốc gia độc lập thuộc Liên Xô trước đây (SNG) đã xây dựng Đề án “Hiệp định mới về khu vực thương mại tự do” dựa trên các nguyên tắc của Tổ chức thương mại thế giới. Hiện tại, tuy U-crai-na chưa chính thức gia nhập Liên minh thuế quan, nhưng trên thực tế, họ đã là một phần quan trọng đối với việc hình thành nên khu vực thị trường của tổ chức này.

Đối với Trung Quốc, U-crai-na là một trong những mắt xích quan trọng trong chủ trương xây dựng “Con đường tơ lụa mới” từ Trung Á, qua châu Âu tới Trung Đông và châu Phi của Bắc Kinh. Trong chuyến thăm Trung Quốc (ngày 03-12-2013) vừa qua, Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nước này và tuyên bố ủng hộ Đề án “Con đường tơ lụa mới” của Bắc Kinh. Phía Trung Quốc đã đồng ý cấp tín dụng 10 tỷ USD cho U-crai-na; trong đó, có 8 tỷ USD để xây dựng cảng biển Xê-va-xtô-pôn trên Biển Đen. Đồng thời, Bắc Kinh cũng ký hợp đồng thuê 2 triệu héc-ta đất của U-crai-na trong thời hạn 50 năm để sản xuất hàng nông sản. Ngoài ra, Trung Quốc còn ký kết nhiều hợp đồng trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp quốc phòng với U-crai-na.

Như vậy, những diễn biến của cuộc khủng hoảng ở U-crai-na vừa qua đã bộc lộ rõ bản chất một ván cờ địa - chính trị lớn của châu Âu; trong đó, Mỹ và các nước EU đang tìm mọi cách để thao túng hoàn toàn U-crai-na. Điều này đã giải thích vì sao, lần đầu tiên trong quan hệ quốc tế, một số chính khách hàng đầu của một số nước phương Tây đã đích thân tới Ki-ép để trực tiếp ủng hộ vật chất, cổ vũ tinh thần cho các lực lượng đối lập, nhằm gia tăng áp lực đối với Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích. Bởi họ nhận thức sâu sắc rằng, nếu U-crai-na không liên kết với EU, thì Tổ chức “Đối tác phương Đông” cũng sẽ không tồn tại. Đây là động lực chủ yếu để các lực lượng bên ngoài hậu thuẫn mạnh mẽ cho các lực lượng đối lập trong nước biểu tình, bạo loạn hòng hạ bệ Tổng thống Y-a-nu-cô-vích. Đứng trước tình hình này, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp đã phải thốt lên rằng, phản ứng của Mỹ và EU là hành động “cuồng loạn” và ví đó như là để đối phó với Chính phủ của Tổng thống Y-a-nu-cô-vích tuyên bố chế tạo bom hạt nhân hoặc tuyên chiến với một quốc gia nào đó. Theo Ông, không còn nghi ngờ gì nữa, hành động phản kháng của các lực lượng đối lập ở U-crai-na là sự khiêu khích chính trị thái quá. Còn phóng viên hãng thông tấn ABC News nhận xét, những gì đang diễn ra ở Ki-ép là cuộc chiến của các nước châu Âu giành ảnh hưởng ở quốc gia Đông Âu này cũng như ở các nước cộng hòa Xô-viết trước đây.

Crưm - nút thắt cạnh tranh địa - chính trị U-crai-na

Sau khi phế truất Tổng thống Y-a-nu-cô-vích, mâu thuẫn của các bên đều đổ dồn về Crưm - nơi có căn cứ Hạm đội Biển Đen của Nga ở cảng Xê-va-xtô-pôn. Trong khi Nga phản đối và coi cuộc đảo chính nhà nước ở U-crai-na là vi hiến, thì Mỹ và EU lại ủng hộ chính quyền mới ở Ki-ép trên mọi phương diện, nhằm loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Nga ở U-crai-na. Điều này không phải không có cơ sở khi Pôn Crây Rô-béc, cố vấn kinh tế dưới thời Tổng thống Mỹ Ri-gân tiết lộ, mục tiêu hướng tới của những người đứng đằng sau cổ súy các lực lượng đối lập gây nên làn sóng bạo lực dẫn tới cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Y-a-nu-cô-vích là đẩy Nga cùng căn cứ quân sự thuộc Hạm đội Biển Đen của họ ra khỏi Crưm và giành lấy các hợp đồng sản xuất công nghiệp quan trọng từ tay Nga; đồng thời, triển khai căn cứ quân sự ở U-crai-na và lấy đó làm bàn đạp để khống chế Nga. Như vậy, mục tiêu số 1 của Chiến dịch gây bạo loạn ở U-crai-na là nhằm vào Nga và đẩy Nga ra khỏi Crưm.

Nhận thức rõ mục tiêu đầy tham vọng này, Chính quyền ở Crưm đã tuyên bố độc lập với U-crai-na và quyết định trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Crưm vào Nga. Nga đã bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân Crưm và coi đó là nguyện vọng chính đáng để họ thực hiện quyền tự quyết dân tộc của mình và đó cũng chính là con đường trở về Tổ quốc của họ. Trong khi đó, xuất phát từ tư duy về “tiêu chuẩn kép”, Mỹ và phương Tây cáo buộc Crưm và Nga đã hành động trái với Luật pháp quốc tế; đồng thời, đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Tuy nhiên, với hơn 95% số phiếu (trong 81,3% số cử tri đi bỏ phiếu) đề nghị sáp nhập Crưm vào nước Nga (ngày 16-3-2014) đã phần nào tháo được nút thắt cạnh tranh địa - chính trị ở U-crai-na, mở ra triển vọng về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng của nước này. Hiện nay, mặc dù phản đối và tuyên bố không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm, nhưng trong cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Nga V. Pu-tin, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma khẳng định, nước này vẫn đang xúc tiến các giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng U-crai-na; trong đó có tính đến lợi ích của cả Nga và U-crai-na. Tinh thần cuộc trao đổi này tuy có mềm dẻo hơn so với những lời “đao to, búa lớn” trước đây, nhưng chắc chắn Mỹ và EU sẽ có những động thái cứng rắn tiếp theo đối với Nga. Vì thế, cuộc cạnh tranh địa - chính trị của các bên ở U-crai-na chưa thể dừng lại. Dư luận quốc tế lo ngại rằng, một khi cuộc khủng hoảng này tiếp tục leo thang và mất kiểm soát thì hậu quả hoàn toàn không có lợi cho cả Nga, EU, U-crai-na và cộng đồng quốc tế.

Đại tá LÊ THẾ MẪU
_____________

1 - GUAM (thành lập năm 1997) được viết tắt từ những chữ cái đầu tiên của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, gồm: Gru-di-a, U-crai-na, A-déc-bai-dan và Môn-đô-va.

2 - Năm 2004, cuộc “cách mạng cam” ở U-crai-na đã đưa ông Y-u-sen-cô - một nhân vật thân phương Tây trở thành Tổng thống của nước này.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...