Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:00 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Theo Ma-đê-lin Cri-đon, Mỹ sẽ thiết lập ở châu Á, Trung Đông một hệ thống lá chắn tên lửa mới tương tự như NMD mà Mỹ đang triển khai tại châu Âu, nhằm tăng cường khả năng bảo vệ nước Mỹ và các nước đồng minh trước các cuộc tiến công bằng tên lửa tầm xa có thể xảy ra trong tương lai, từ các nước thù nghịch, như I-ran, Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên. Để xây dựng NMD ở châu Á, Mỹ đã và đang tiến hành đồng thời hai cơ chế đối thoại ba bên, là Mỹ - Nhật Bản – Ô-xtrây-li-a và Mỹ - Nhật Bản – Hàn Quốc. Ở Trung Đông, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin với các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, bao gồm: A-rập Xê-út, Cô-oét, Ba-ranh, Ca-ta, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất và Ô-man.
Thật ra, ngay từ năm 2008, cũng với lý do để ngăn chặn, đối phó với nguy cơ từ tên lửa của các nước thù nghịch là I-ran, CHDCND Triều Tiên, Mỹ đã trang bị cho Nhật Bản, Hàn Quốc các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis hiện đại. Mỹ cũng đã đạt được thỏa thuận cung cấp các hệ thống tên lửa đánh chặn này cho Ô-xtrây-lia và một số nước khác trong khu vực. Do vậy, dư luận cho đây là bước tiếp theo để cụ thể hóa chiến lược “chuyển trọng tâm” về khu vực châu Á của Chính quyền Ba-rắc Ô-ba-ma. Vấn đề đặt ra là, chủ trương triển khai NMD của Mỹ ở châu Á, Trung Đông diễn ra trong bối cảnh nước này cũng đang tích cực triển khai NMD ở châu Âu, vốn gây rất nhiều tranh cãi, khiến cho quan hệ giữa Mỹ và Nga rất căng thẳng. Theo chuyên gia quân sự của nhiều nước, NMD của Mỹ ở châu Âu khi hoàn thành sẽ gồm các tên lửa đánh chặn được đặt ở Ba Lan và Ru-ma-ni; hệ thống ra-đa ở Cộng hòa Séc, Thổ Nhĩ Kỳ và một loạt tàu khu trục được trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis tối tân ở Tây Ban Nha. Việc triển khai NMD ở châu Âu được Nhà Trắng tuyên truyền chỉ là để bảo vệ Mỹ và các đồng minh châu Âu trước các đòn tiến công bằng tên lửa từ bên ngoài, không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với các nước khác, đặc biệt là Nga. Tuy nhiên, Mát-xcơ-va luôn phản đối; cho rằng, với cách thức bố trí, triển khai (vị trí, chủng loại tên lửa) và tốc độ nâng cấp như hiện nay, thì đến năm 2020, NMD của Mỹ ở châu Âu sẽ có đủ khả năng kiềm chế lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga. Đây sẽ là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nga. Mát-xcơ-va cũng nhiều lần tuyên bố về việc triển khai các tên lửa nhằm đối phó với NMD của Mỹ ở châu Âu.
Chính vì thế, nhiều quan chức của Mỹ và phương Tây đã bày tỏ sự lo ngại đối với kế hoạch của Mỹ tiếp tục triển khai NMD ở châu Á, Trung Đông; điều đó không chỉ làm căng thẳng thêm quan hệ của Mỹ với Nga, mà còn có thể làm phức tạp mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc. Ông Ri-ki Ê-li-xơn, người đứng đầu Liên minh vận động phòng thủ tên lửa của Mỹ cho rằng, lý do mà Mỹ đưa ra cho việc xây dựng NMD ở châu Âu và tiếp đó là châu Á, Trung Đông là để bảo vệ nước Mỹ và đồng minh trước các cuộc tiến công trong tương lai từ I-ran và CHDCND Triều Tiên là không thuyết phục. Theo ông, việc xây dựng NMD ở châu Á, Trung Đông chỉ có thể được hiểu là tạo ra một công cụ quân sự để Mỹ giành ưu thế quân sự tuyệt đối, nhằm răn đe, ngăn chặn sự trỗi dậy của các cường quốc; khống chế, kiểm soát khu vực Á - Âu, khu vực địa - chiến lược quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Ông cũng cảnh báo, việc làm này có thể gây những hậu quả khó lường và Bắc Kinh sẽ phản đối kế hoạch này của Mỹ nhiều hơn cả Nga phản đối NMD của Mỹ ở châu Âu.
Dư luận nhiều nước trong khu vực và thế giới bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, coi việc Mỹ thiết lập NMD ở châu Âu, nay tiếp là châu Á, Trung Đông là lối tư duy cổ hủ của thời kỳ “Chiến tranh lạnh”. Nó đang đi ngược lại xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển, giảm đối đầu, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng đối thoại hòa bình, đang là xu thế chủ đạo của thời đại tiến bộ ngày nay. Nó có thể đẩy thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang trên tầm cao mới hết sức nguy hiểm, chỉ làm cho tình hình khu vực và quốc tế càng thêm phức tạp!
Đồng Văn thực hiện
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ