Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 12/03/2012, 08:30 (GMT+7)
"Trò chơi hai mặt" của Mỹ !

Nhật báo Maariv của I-xra-en số ra ngày 08-3-2012 tiết lộ, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-ha-ru (05-3-2012), Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã đề xuất với Thủ tướng Ben-gia-min Nê-ta-ni-ha-ru việc Mỹ sẽ cung cấp cho I-xra-en các loại vũ khí hiện đại; đổi lại, I-xra-en sẽ đồng ý trì hoãn kế hoạch tấn công I-ran cho tới năm 2013.

alt
Trong cuộc gặp Tổng thống Ô-ba-ma tại Nhà trắng ngày 5-3, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu (bên trái) khẳng định không sớm thì muộn, I-xra-en cũng tấn công I-ran. (Nguồn: qdnd.vn)

Việc "đổi chác" này là do hai bên đang bất đồng về cách thức đối phó với mối đe dọa từ vấn đề hạt nhân I-ran. Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-ha-ru thì cho rằng, các biện pháp trừng phạt I-ran mà Mỹ và các đồng minh đang tiến hành không đủ để "ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Tê-hê-ran". Và vì vậy, nước này "không có thể đợi thêm được nữa", có thể buộc phải tính tới giải pháp đơn phương sử dụng sức mạnh quân sự "đánh đòn phủ đầu" vào các cơ sở hạt nhân của I-ran, nhằm ngăn chặn cái mà ông gọi là "mối đe dọa đến an ninh quốc gia của mình". Ông Ben-gia-min Nê-ta-ni-ha-ru cũng cảnh báo, I-xra-en có thể quyết định tiến hành cuộc tiến công "đánh đòn phủ đầu" chống I-ran, mà không cần thông báo trước với Mỹ. Còn về phía Mỹ, Oa-sinh-tơn cũng đồng quan điểm với I-xra-en, coi một nước I-ran có vũ khí hạt nhân là mối đe dọa "không thể chấp nhận được" đối với an ninh khu vực; trong đó có đồng minh I-xra-en và sâu xa hơn là lợi ích của Mỹ ở khu vực chiến lược này. Tuy nhiên, khác với ông Ben-gia-min Nê-ta-ni-ha-ru, ông Ô-ba-ma cho rằng, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và một số nước phương Tây tiến hành chống I-ran đang phát huy tác dụng. Những khó khăn mà I-ran đang phải đối mặt do bị cấm vận kinh tế và ngoại giao sẽ buộc Tê-hê-ran sớm hay muộn cũng phải thay đổi lập trường cứng rắn về chương trình hạt nhân của mình. Nó cũng có thể đẩy đất nước I-ran vào tình trạng phân hóa, bất ổn định, thúc đẩy phong trào chống đối Chính quyền của phe đối lập và người dân I-ran. Ông Ba-rắc Ô-ba-ma cũng bày tỏ sự không đồng tình với ý đồ sử dụng sức mạnh quân sự chống I-ran của I-xra-en; lo ngại cuộc tiến công quân sự chống I-ran vào thời điểm hiện nay có thể gây ra những phản ứng giận dữ thái quá từ phía Tê-hê-ran. Điều đó có thể gây những hậu quả khó lường đối với khu vực và lôi cuốn Mỹ vào một cuộc chiến tranh mới.   

Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, cuộc "đổi chác" này có vẻ như cho thấy, Chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma nhìn nhận và giải quyết vấn đề "nóng" I-ran, theo hướng thận trọng, ít "diều hâu" hơn. Phải chăng là vì ông Ba-rắc Ô-ba-ma đang muốn tránh một cuộc chiến tranh, nhằm giữ "hành lang an toàn"; hay, tạo một chiến tích ngoại giao, điều có thể giúp ông được "cộng điểm" trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, nhìn vào gói vũ khí mà Mỹ sẽ cung cấp cho I-xra-en, bao gồm các loại bom phá boong-ke tân tiến, máy bay tiếp nhiên liệu hoạt động tầm xa,... nhiều người đã phải đặt câu hỏi: đằng sau việc "trao đổi" này, ông Ba-rắc Ô-ba-ma đang có những toan tính gì? Vì sao Mỹ phải "nhún nhường" với I-xra-en, vốn là đồng minh phụ thuộc vào Mỹ. Câu trả lời có nhiều, nhưng điều mà mọi người đều biết, nếu không có Mỹ, so sánh thực lực quân sự giữa I-xra-en và I-ran cũng chỉ là "kẻ tám lạng, người nửa cân". Do vậy, việc "đổi vũ khí lấy cam kết lui thời gian tiến công I-ran" giữa hai vị này, phải chăng là một nước cờ đã được ông Ba-rắc Ô-ba-ma tính toán kỹ lưỡng, không chỉ gián tiếp gửi tới Chính quyền Tê-hê-ran một thông điệp cảnh cáo nghiêm khắc về chương trình hạt nhân mà họ đang theo đuổi; đồng thời, là tạo một cái cớ để Mỹ viện trợ "khẩn cấp" vũ khí, trang bị hiện đại nhằm tăng cường sức mạnh quân sự cho I-xra-en, để đồng minh này có thể trở thành lực lượng tiên phong trong một cuộc tiến công quân sự chống I-ran, khi cần! Thực chất đây là "trò chơi hai mặt" của Mỹ trên bàn cờ Trung Đông, không phải để ngăn ngừa chiến tranh mà là bước dọn đường cho một cuộc chiến tranh "qua tay người khác", "chiến tranh giấu mặt" chống I-ran - dạng thức chiến tranh mà Mỹ đã sử dụng rất thành công ở Li-bi vừa qua. Dư luận đang hết sức quan tâm theo dõi điều đó!

MINH ĐỨC

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...