Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:14 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Hơn một năm qua, do tác động từ cuộc khủng hoảng ở U-crai-na mà quan hệ giữa Liên minh châu Âu – Nga – U-crai-na luôn trong trạng thái đối đầu, căng thẳng. Vì thế, diễn biến và triển vọng của quan hệ này trong năm 2015 đang là tâm điểm chú ý của giới phân tích chính trị và dư luận quốc tế.
Khác với cuộc “Cách mạng Cam” lần thứ nhất (năm 2004), cuộc “Cách mạng Cam” năm 2014 đã gây nên cuộc khủng hoảng sâu sắc, toàn diện nhất ở U-crai-na kể từ khi nước này tách khỏi Liên bang Xô-viết. Đây là cuộc khủng hoảng không chỉ làm cho quốc gia Đông Âu này rơi vào chia rẽ và xung đột nghiêm trọng, kéo dài, mà còn đẩy quan hệ Liên minh châu Âu (EU) – Nga – U-crai-na luôn trong trạng thái “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Bởi thế, việc giải quyết mối quan hệ trên đã, đang phụ thuộc có tính quyết định vào cách thức hóa giải cuộc khủng hoảng U-crai-na và triển vọng của quan hệ đó cũng phụ thuộc căn bản vào triển vọng hóa giải cuộc khủng hoảng này.
Triển vọng hóa giải cuộc khủng hoảng ở U-crai-na
Trong năm qua, mọi nỗ lực giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng U-crai-na của các bên và cộng đồng quốc tế đều lâm vào thế bế tắc, bởi nó đã làm rung chuyển toàn bộ cấu trúc hệ thống quan hệ giữa Mỹ, EU và Nga; trong đó, không một bên nào liên quan tới cuộc khủng hoảng này đạt được các mục tiêu đề ra. Đối với Mỹ, mục tiêu sử dụng cuộc khủng hoảng U-crai-na để làm tan rã nước Nga đã không trở thành hiện thực. Mặc dù Oa-sinh-tơn phối hợp với các đồng minh tiến hành cuộc “chiến tranh phức hợp”; trong đó sử dụng đan xen các biện pháp bao vây, cấm vận về tài chính - kinh tế, chiến tranh tư tưởng - tâm lý và cả răn đe quân sự hòng chống phá Nga cả ở bên trong và trên trường quốc tế, nhưng không khuất phục được Mát-xcơ-va. Do đó, trong năm 2015, ngoài các biện pháp cũ, có thể Mỹ sẽ sử dụng những biện pháp mang tính cực đoan hơn để đẩy cuộc khủng hoảng U-crai-na lên mức căng thẳng mới.
Về phía EU, trong cuộc chiến này, họ không có được chính sách đối ngoại độc lập (trong quan hệ với Nga cũng như với U-crai-na), mà buộc phải đi theo Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga - một hành động được ví như “tự vác đá ghè chân mình”. Vì thế, dư luận chung của người dân và giới doanh nghiệp trong nhiều nước EU đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt Nga. Họ cũng đã nhận ra rằng, cấm vận Nga cũng chính là tự hại mình. Còn nếu ủng hộ một nhà nước U-crai-na thân phương Tây (tức là theo định hướng chống lại Nga) sẽ dẫn tới tình trạng bế tắc và bất ổn lâu dài trên toàn lục địa châu Âu.
Với U-crai-na, nước này không chỉ để mất Crưm mà còn đang lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện cả về chính trị, kinh tế và an ninh, thậm chí đang đứng trước nguy cơ không còn duy trì được trạng thái của một quốc gia thống nhất. Trong đó, nội bộ chính giới U-crai-na hiện đang bị chia rẽ sâu sắc về quan điểm khi xác định nước này sẽ quan hệ với Mỹ, EU hay với Nga. Điều đáng chú ý là, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, lực lượng phát-xít mới và dân tộc cực đoan ở U-crai-na nổi lên mạnh mẽ, bước lên vũ đài chính trị và có chân trong Quốc hội nước này (thông qua bầu cử năm 2004). Nhiều nhà quan sát đã ví rằng, tình hình U-crai-na hiện nay tương đồng với tình hình nước Đức đầu những năm 30 của thế kỷ XX, khi đảng Quốc xã thắng thế, lên cầm quyền và dẫn dắt quốc gia này tới Chiến tranh thế giới lần thứ hai nhằm tiêu diệt Liên Xô. Vì thế, năm 2015, cuộc khủng hoảng U-crai-na tuy lắng dịu nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khó lường và diễn biến phức tạp.
Đối với Nga, sau khi sáp nhập Crưm, Mát-xcơ-va không những không thực hiện được chủ trương xây dựng một U-crai-na thống nhất, theo hướng liên bang hóa và đi theo đường lối trung lập, mà còn bị Mỹ và phương Tây liên tiếp áp đặt các đợt trừng phạt; chính quyền Ki-ép cực lực phản đối. Do đó, quyết định của Tổng thống Nga V. Pu-tin nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân Crưm trở về với "đất mẹ" Nga cũng như ủng hộ nguyện vọng của người dân khu vực phía Đông U-crai-na giành quyền độc lập nhiều hơn so với trước đây đã gây phản ứng trái chiều trong lòng xã hội U-crai-na và cộng đồng quốc tế. Điều đó thể hiện tính phức tạp đan xen, làm cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng toàn diện ở U-crai-na khó có thể kết thúc một sớm, một chiều.
Triển vọng quan hệ EU – Nga – U-crai-na trong năm 2015
Trong thời gian tới, mặc dù có sự điều chỉnh nhưng về căn bản, quan hệ Nga - EU vẫn sẽ phụ thuộc vào kết cục diễn biến cuộc khủng hoảng ở U-crai-na. Tuy nhiên, ngay cả khi kịch bản giải quyết cuộc khủng hoảng này diễn ra theo chiều hướng thuận lợi nhất, thì quan hệ Nga - EU sẽ không thể trở lại ở mức như trước đây. Trên thực tế, cả Nga và EU đều hy vọng tái phục hồi và duy trì kênh đối thoại trên các hướng hợp tác quan trọng, nhằm tránh một cuộc đối đầu leo thang căng thẳng giữa hai bên và không để tái diễn một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Điều đó đã giải thích vì sao, ngay trước thềm năm 2015, quan hệ Nga - EU đã có tín hiệu ấm dần lên. Ngày 05-01-2015, trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh “France Inter”, Tổng thống Pháp Ph. Ô-lăng-đơ đã lên tiếng kêu gọi phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga và khẳng định rằng, Tổng thống Nga V. Pu-tin chỉ muốn duy trì sự ảnh hưởng và ngăn cản U-crai-na gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm không cho quân đội nước ngoài (trừ các nước láng giềng) hiện diện ở gần biên giới Nga. Theo hãng thông tấn Nga “Itar Tass”, hiện đã có 7 nước EU1 ủng hộ việc tháo dỡ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Mô-ghe-ni-ti cho rằng, châu Âu cần tính tới việc khôi phục một phần các lựa chọn và công cụ hợp tác về pháp quyền và tư pháp với Nga. Thậm chí, Bộ trưởng Kinh tế và năng lượng Đức Ga-bri-en cũng bày tỏ quan ngại về các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga khi cho rằng, có thể có một số thế lực ở Mỹ và châu Âu muốn “khuất phục” Mát-xcơ-va, nhưng tăng cường việc trừng phạt Nga chỉ đẩy châu Âu vào thế nguy hiểm. Mạnh mẽ hơn, Tổng thống Pháp Ph. Ô-lăng-đơ còn đề nghị tổ chức cuộc gặp quốc tế theo công thức “Noóc-man-đi” (gồm Pháp, Đức, Nga và U-crai-na) để tìm biện pháp hóa giải cuộc khủng hoảng U-crai-na. Theo đó, EU không những không áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới chống lại Mát-xcơ-va, mà thậm chí sẽ cùng phối hợp với Nga thực hiện chiến dịch gìn giữ hòa bình ở miền Đông U-crai-na với sự cho phép của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Nếu điều đó xảy ra, không chỉ dẫn tới khả năng chấm dứt cuộc xung đột ở U-crai-na, mà còn mở ra tiến trình xây dựng cấu trúc an ninh mới ở châu Âu. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, cả EU và Nga rất cần hợp tác với nhau để hóa giải các thách thức từ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan đang ngày càng gia tăng trên thế giới và ở châu lục. Nếu không có sự phối hợp này, châu Âu sẽ phải đối mặt với nguy cơ bùng phát các cuộc xung đột mới và lòng tin của người dân đối với liên minh này sẽ ngày càng suy giảm.
Quan hệ Nga – U-crai-na trong năm 2015 được dự báo sẽ khó có thể cải thiện, bởi chính quyền mới ở U-crai-na tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Mỹ nhằm áp đặt bạo lực đối với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nước này. Vì thế, Thỏa thuận ngừng bắn đạt được ngày 05-9-2014 ở Min-xcơ đã được chính quyền Ki-ép tận dụng để bù đắp những tổn thất lớn về vũ khí và sinh lực trong cái gọi là “chiến dịch chống khủng bố”; trong đó có thành lập nhiều đơn vị vũ trang mới và tái trang bị các loại vũ khí do Mỹ, NATO cung cấp. Trong chuyến thăm vùng Gít-tô-mi-se vừa qua, Tổng thống U-crai-na P. Pô-rô-sen-cô đã khẳng định rằng: nếu tháng 9-2014, quân đội U-crai-na chỉ còn lại 20% vũ khí trang bị thì đến đầu năm 2015, sự thiếu hụt đó đã được khôi phục 100%, đủ khả năng để chiến đấu. Ông cũng tuyên bố: năm 2015 sẽ là năm mang lại những chiến thắng cho U-crai-na, bởi khả năng chiến đấu của quân đội U-crai-na đã được khôi phục hoàn toàn. Còn Chủ tịch Hội đồng an ninh U-crai-na Lư-sen-cô thì tiết lộ rằng: từ đầu tháng 9-2014, các lực lượng chống khủng bố của nước này đã tái bố trí lực lượng, chiếm lĩnh các phòng tuyến mới và chuyển sang thế phòng ngự tích cực và chủ động. Ngoài các hoạt động nhằm gia tăng khả năng quân sự, cuối tháng 12-2014, Quốc hội U-crai-na đã thông qua dự luật bãi bỏ quy chế phi liên minh quân sự của nước này, mở đường cho khả năng gia nhập NATO của chính quyền Ki-ép. Trước động thái này, Mát-xcơ-va cảnh báo, sẽ cắt đứt quan hệ với NATO nếu liên minh quân sự này kết nạp U-crai-na làm thành viên mới. Ngoại trưởng Nga X. La-vrốp cũng nêu rõ: tuyên bố quyết định từ bỏ quy chế không liên kết của Quốc hội U-crai-na sẽ chỉ khiến quan hệ Nga – Ucrai-na leo lên nấc thang căng thẳng mới.
Quan hệ EU – U-crai-na đã được tăng cường một bước khi năm 2014, hai bên đã ký Hiệp định liên kết chính trị và kinh tế với nhau. Tuy nhiên, quan hệ EU – U-crai-na trong năm 2015 có thể vẫn sẽ ở trong tình trạng bất định. Bằng chứng là, việc thực thi Hiệp định liên kết kinh tế giữa EU với U-crai-na phải hoãn đến đầu năm 2016, bởi trong điều kiện hiện nay, nếu thực hiện ngay quy chế tự do thương mại giữa hai bên, thì hàng nghìn xí nghiệp của U-crai-na sẽ bị phá sản, kéo theo đó là hàng triệu người lao động bị thất nghiệp, khiến nền kinh tế U-crai-na cũng bên bờ phá sản theo. Theo các nhà quan sát, trong năm 2015, mặc dù tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế, nhưng EU vẫn buộc phải chi tiền để cứu U-crai-na tránh khỏi nguy cơ phá sản. Theo đó, ngày 07-01-2015, Bộ Kinh tế Đức đã tuyên bố cấp cho U-crai-na một khoản tín dụng trị giá 500 triệu euro. Đồng thời, Béc-lin cũng khẳng định sẽ vẫn sát cánh với U-crai-na và hỗ trợ nước này phát triển kinh tế, chính trị hướng sang phương Tây và kịch liệt loại bỏ ảnh hưởng của Nga. Ngày 08-01-2015, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giun-ke cam kết, EU sẽ cho U-crai-na vay thêm 1,8 tỷ euro để giúp bình ổn nền kinh tế đang đứng trước bờ vực phá sản. Trước động thái này, dư luận châu Âu và quốc tế đã có ý kiến trái chiều nhau; trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, EU vẫn đang tiếp tục hỗ trợ U-crai-na để chính quyền Ki-ép quyết tâm theo đuổi cuộc chiến tranh với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông U-crai-na, mà không chứng tỏ thiện chí với Nga. Tuy nhiên, Mát-xcơ-va lại cho rằng, những khoản tiền của EU chi cho U-crai-na vẫn có những ý nghĩa tích cực. Đó là, khoản viện trợ 500 triệu euro của Đức cho U-crai-na dù không được giải ngân cụ thể nhưng mục đích sử dụng nhằm vào việc tái thiết khu vực miền Đông bị xung đột tàn phá nghiêm trọng. Cùng với việc viện trợ cho U-crai-na, Đức còn phát đi nhiều thông điệp đòi hỏi chính quyền Ki-ép cần phải thực thi lệnh ngừng bắn một cách có hiệu quả. Như vậy, Béc-lin dường như đã đồng thuận với Mát-xcơ-va về quan điểm giữ nguyên hiện trạng cho U-crai-na; đồng thời, mong muốn Ki-ép sớm quay lại bàn đàm phán 4 bên một cách tích cực. Rõ ràng, điều mà EU muốn lúc này không phải là đánh bật các cư dân nói tiếng Nga ra khỏi U-crai-na, mà là nhanh chóng giải quyết vấn đề khủng hoảng ở quốc gia này, giúp cho Ki-ép tái thiết chính trị, kinh tế, đảm bảo mọi điều kiện cho U-crai-na gia nhập EU trong tương lai. Theo các nhà phân tích quốc tế, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở U-crai-na chưa có lối thoát, nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, nội bộ EU chưa thống nhất,… thì việc ra nhập “ngôi nhà chung” châu Âu đối với U-crai-na vẫn còn nhiều chông gai phía trước.
NGUYỄN NGỌC ANH, Trung tâm nghiên cứu & hợp tác quốc tế, Hội hữu nghị Việt Nam với các nước __________________
1 - Gồm: Pháp, Áo, Hung-ga-ri, I-ta-li-a, Xlô-va-ki-a, Cộng hòa Séc và Cộng hòa Síp.
Quan hệ châu Âu – Nga – U-crai-na
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ