Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 15/05/2014, 17:00 (GMT+7)
Triển vọng về hiện thực hóa thỏa thuận hạt nhân của I-ran

Ngày 24-11-2013, nhóm P5+11 và I-ran đã đạt được Thỏa thuận tạm thời về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran. Đây là bước đột phá quan trọng mở ra triển vọng mới trong tiến trình đàm phán giữa các bên. Tuy nhiên, để đi đến thỏa thuận cuối cùng giữa phương Tây và I-ran, vẫn còn chặng đường dài đầy chông gai, thách thức.

Lò phản ứng hạt nhân Bushehr ở phía nam I-ran. (Ảnh: in-tơ-nét)

1. I-ran – bàn cờ lớn của Mỹ, Nga và Trung Quốc

Nằm ở Tây Nam Á - cận Đông, có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt lớn hàng đầu thế giới, lại án ngữ eo biển Hoóc-mút – nơi có khoảng 40% lượng dầu mỏ thương mại toàn thế giới cùng 80% dầu mỏ xuất khẩu của các nước Vùng Vịnh Péc-xích và biển Ca-xpi đi qua, I-ran có vị trí địa chính trị, địa chiến lược quan trọng của khu vực Tây Nam Á - Trung Đông và thế giới. Không những thế, I-ran còn là cửa ngõ thuận lợi nhất đi vào khu vực Trung Á - Cáp-ca-dơ –  “quả tim” của lục địa Á - Âu và cũng là nơi hiểm yếu, dễ tổn thương nhất đối với an ninh quốc gia của Nga và cả không gian hậu Xô-viết. Vì thế, đã từ lâu, I-ran trở thành tâm điểm chú ý của các cường quốc trên thế giới; trong đó, cả ba nước Mỹ, Nga và Trung Quốc đều tranh thủ lôi kéo I-ran về phía mình. I-ran trở thành bàn cờ lớn với ba “người chơi”: Mỹ một bên và phía bên kia là Nga và Trung Quốc. Đối với Mỹ, nếu tranh thủ được I-ran sẽ khống chế được con đường tiến vào Trung Á – Cáp-ca-dơ và lấy đó làm bàn đạp để can thiệp vào công việc nội bộ của Nga và Trung Quốc .

Nhận rõ mưu đồ đó, Nga và Trung Quốc đã, đang đẩy mạnh hợp tác và luôn sát cánh bên nhau trong nhiều lĩnh vực, cùng nhau đối phó với Mỹ. Tuy vậy, giữa Nga và Trung Quốc cũng có mâu thuẫn về lợi ích ở Trung Á – Cáp-ca-dơ nên bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác, hai nước cũng âm thầm kiềm chế lẫn nhau và tranh giành ảnh hưởng tại khu vực chiến lược này. Các nhà phân tích cho rằng, trong “cuộc cờ này”, Mỹ có vẻ cầm “quân trắng”, Nga ở thế bị động đối phó (chủ yếu là với Mỹ), còn Trung Quốc có cách đi khác - sử dụng con bài kinh tế để chiếm lĩnh vùng Trung Á – Cáp-ca-dơ và từng bước lách vào một cách “lịch sự”. Như vậy, cuộc tranh giành ảnh hưởng và chi phối đối với khu vực Trung Á – Cáp-ca-dơ đang làm cho Tê-hê-ran có sức hấp dẫn lớn đối với ba cường quốc hàng đầu thế giới và buộc họ phải đấu trí, đấu lực tính toán từng “nước đi”, nhằm giành thế có lợi khi ván cờ lớn I-ran bước vào giai đoạn toàn cục.

2. Mỹ vừa can dự, chống phá, vừa xoa dịu, lôi kéo I-ran

Ngay sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) kết thúc, Mỹ đã để mắt tới I-ran, nhưng phải 35 năm sau Oa-sinh-tơn mới chính thức can dự vào nước Cộng hòa Hồi giáo này. Năm 1953, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã nhúng tay thực hiện cuộc đảo chính lật đổ chính quyền được lòng dân Pa-la-vi, dựng lên chính quyền phản dân chủ và mất lòng dân Mô-sa-dích ở I-ran. Kể từ đây, người dân I-ran thù hận Mỹ, coi Mỹ là “quỷ sa tăng” không đội trời chung. Đặc biệt, năm 1979, với cuộc Cách mạng Hồi giáo loại bỏ chính quyền thân Mỹ Mô-sa-dích thành công và sự kiện sinh viên nước này bắt giữ 66 người Mỹ tại Tê-hê-ran làm con tin, quan hệ Mỹ – I-ran đã rơi vào trạng thái đối đầu căng thẳng. Với vị thế nước lớn, Mỹ rất muốn trừng phạt I-ran, nhưng chưa tìm được nguyên cớ thỏa đáng. Chỉ đến khi (tháng 8-2002) một tổ chức đối lập lưu vong ở nước ngoài tố cáo Tê-hê-ran bí mật xây dựng các cơ sở làm giàu u-ra-ni và lò phản ứng nước nặng Na-tan, A-rắc thì chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của I-ran trở thành vấn đề an ninh nổi cộm, lôi cuốn sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và đây chính là cơ hội để Mỹ can thiệp vào quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, sau những gì diễn ra ở Áp-ga-ni-xtan (năm 2001) và I-rắc (năm 2003), sự can dự của Mỹ vào I-ran chủ yếu thông qua đàm phán, trong thời gian dài và sử dụng các tầng, nấc trừng phạt. Giai đoạn đầu (từ năm 2003 - 2005), Mỹ không ra mặt mà đứng sau điều khiển, hậu thuẫn cho Anh, Pháp, Đức trực tiếp đàm phán với I-ran nhưng không mang lại kết quả nào. Giai đoạn hai (từ năm 2006 - 2013), Mỹ trực tiếp tham gia và hình thành cơ chế đàm phán P5+1 với I-ran, nhưng sau nhiều vòng đàm phán, ở nhiều địa điểm khác nhau, với nhiều phương án được các bên đưa ra, kết quả vẫn hoàn toàn bế tắc. Tiếp đó, Mỹ và phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt, còn Tê-hê-ran có phản ứng ngày càng quyết liệt và không ngừng mở rộng, nâng cao khả năng kỹ thuật - công nghệ làm giàu u-ra-ni. Cuối năm 2011, I-ran công bố đã làm giàu được 70 kg u-ra-ni ở cấp độ 20%; nghiên cứu, chế tạo thành công máy ly tâm thế hệ thứ 3 và có kế hoạch lắp đặt 60.000 chiếc cho các cơ sở hạt nhân của nước này. Tháng 10-2012, Tê-hê-ran tuyên bố, nếu đàm phán với P5+1 không tiến triển thì nước này sẽ đẩy mạnh làm giàu u-ra-ni ở cấp độ 60%. Cùng với các động thái trên của I-ran, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (dưới sự tác động của Mỹ và phương Tây) đã liên tiếp thông qua các nghị quyết 1737 (năm 2006), 1747 (năm 2007) và 1929 (năm 2010) trừng phạt I-ran. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đơn phương áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt ngặt nghèo trên nhiều lĩnh vực; trong đó, trọng tâm là bao vây, cấm vận về kinh tế mà trọng điểm là hạn chế việc sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ của I-ran.

Theo đánh giá của các nhà quan sát, mục đích các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm làm cho nền kinh tế của I-ran suy yếu và sụp đổ, từ đó sẽ gây hậu quả nặng nề đối với chính quyền Tê-hê-ran trên hai khía cạnh. Thứ nhất, làm chậm quá trình phát triển làm giàu u-ra-ni, tức là kéo dài thời gian để I-ran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân. Thứ hai, làm cho nhân dân I-ran bất bình, xã hội rối loạn, tạo các cuộc biểu tình, bạo loạn chống đối và lật đổ chính quyền I-ran đương nhiệm (như phiên bản “Mùa xuân Ả-rập”); hoặc chí ít cũng buộc nước này phải điều chỉnh chính sách đối ngoại đối với Mỹ và phương Tây. Song, điều Mỹ và phương Tây mong muốn đã không xảy ra, thậm chí, Oa-sinh-tơn còn lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Trong đó, việc trừng phạt kinh tế I-ran không những không khuất phục được chính quyền Tê-hê-ran, mà còn làm cho lòng căm thù Mỹ của người dân nước này tăng cao. Đối với I-ran, do quyết tâm theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân nên bị Mỹ và phương Tây tăng cường mức độ trừng phạt, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế nước này. Năm 2012, thu nhập chủ yếu từ xuất khẩu dầu mỏ của I-ran đã giảm 40% (so với năm 2011); lạm phát tăng hơn 20%, đồng tiền mất giá trên 80%; thất nghiệp gia tăng, đời sống của đại đa số người dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nếu tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân, nước này vừa phải chi phí tốn kém, vừa bị cộng đồng quốc tế cô lập, thậm chí còn phải đối mặt với một cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài. Hơn nữa, cho dù I-ran chế tạo được vũ khí hạt nhân thì trong thời gian ngắn cũng chưa thể trở thành cường quốc hạt nhân của khu vực, trái lại còn kích thích các nước láng giềng nghiên cứu phát triển vũ khí hủy diệt, làm cho ưu thế hạt nhân của nước này, dù có cũng ít phát huy tác dụng. Sau thời gian dài tính toán, cân nhắc “lợi, hại” cả Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran đã quyết định đi đến một Thỏa thuận tạm thời (ngày 24-11-2013) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran để bước vào một giai đoạn mới sáng sủa hơn.

3. Triển vọng hiện thực hóa Thỏa thuận hạt nhân của I-ran

Theo nội dung cơ bản của Thỏa thuận tạm thời (ngày 24-11-2013) thì I-ran chấm dứt việc làm giàu u-ra-ni cấp độ trên 5%; cho phép các thanh sát viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thanh sát tất cả các cơ sở hạt nhân bị nghi ngờ của nước này. Đổi lại, Mỹ và phương Tây không áp thêm các biện pháp trừng phạt mới; đồng thời, từng bước gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp đặt trong khi I-ran vẫn bảo lưu quyền làm giàu u-ra-ni vì mục đích hòa bình. Đây là bước đột phá quan trọng trong đàm phán về chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của Tê-hê-ran sau hơn 10 năm bế tắc.

Thỏa thuận này được người I-ran mô tả là một kết quả “đôi bên cùng có lợi”. Bởi, I-ran sẽ giảm bớt khó khăn về kinh tế, còn Mỹ có điều kiện để giám sát chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran và ít ra cũng đẩy lùi, làm chậm khả năng I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, cần thấy rằng, đây mới chỉ là thỏa thuận tạm thời, chưa có gì chắc chắn, chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng có thể dẫn đến đổ vỡ. Nhà nghiên cứu Va-li Nớt, Hiệu trưởng trường Đại học Giôn Hốp-kin (Mỹ) dự báo rằng, khả năng đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của I-ran là 50% và thách thức không chỉ đến từ một bên mà nằm cả về hai phía. Về phía Mỹ, có hai cản trở lớn xuất phát cả từ trong và ngoài nước. Ở trong nước, giới bảo thủ trong quốc hội nước này đòi hỏi chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma kiên quyết không nhượng bộ trước I-ran. Ở ngoài nước, các đồng minh chủ chốt ở Trung Đông, nhất là I-xra-en và Ả-rập Xê-út luôn “tiếng bấc, tiếng chì” với Mỹ về Thỏa thuận tạm thời ngày 24-11-2013, thậm chí còn dọa đơn phương đánh đòn phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của I-ran. Về phía I-ran, cản trở cũng không hề nhỏ khi mới đây (ngày 09-4-2014), Đại Giáo chủ A. Kha-mơ-ni nói rằng: các hoạt động nghiên cứu và phát triển hạt nhân của I-ran cũng như các thành tựu hạt nhân nước này đạt được sẽ không bao giờ ngừng lại. Mặt khác, các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran cũng có nguy cơ gặp trở ngại do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở U-crai-na dẫn tới sự đối đầu lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau chiến tranh lạnh.

Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, mặc dù Mỹ và I-ran còn thiếu lòng tin đối với nhau, nhưng dưới góc độ lợi ích chiến lược (cả trước mắt và lâu dài) hai bên đều có nhu cầu hợp tác. Với I-ran, chương trình hạt nhân chỉ là một vấn đề trong nhiều vấn đề trọng yếu của đất nước. Điều quan trọng là, Tê-hê-ran cần nhanh chóng nâng cao sức mạnh tổng hợp để trở thành cường quốc của khu vực. Bản thân I-ran cũng hiểu rằng, nếu mạnh lên thì cả Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, EU và Nhật Bản đều muốn hợp tác với Tê-hê-ran và như thế họ mới nâng cao được uy tín trong khu vực. Vì thế, nhiều khả năng I-ran sẽ chấp nhận làm giàu u-ra-ni ở cấp độ dưới 5% và cho phép IAEA thanh sát mọi cơ sở hạt nhân của nước này. Mặt khác, Mỹ cũng muốn nhanh chóng bình thường hóa quan hệ và tiến tới hợp tác chặt chẽ với I-ran, nhằm từng bước tiến vào Trung Á – Cáp-ca-dơ và vươn sang Tây Tạng, Tân Cương của Trung Quốc để thực hiện mục tiêu chiến lược. Nếu lập luận trên có cơ sở thì khả năng đạt được thỏa thuận cuối cùng giữa P5 + 1 và I-ran về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran sẽ có nhiều triển vọng, nhưng cũng phải trải qua không ít chông gai, thách thức. Dư luận quốc tế đang kỳ vọng vào sự nỗ lực hết mình của các bên nhằm biến nguy cơ xung đột thành cơ hội mang lại hòa bình, an ninh, thịnh vượng cho khu vực và thế giới.

Thiếu tướng, PGS, TS. LÊ VĂN CƯƠNG

Viện Chiến lược và Khoa học Công an, Bộ Công an
________________

1 - Nhóm đàm phán gồm 06 nước: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...