Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 23/07/2015, 16:55 (GMT+7)
Triển vọng hợp tác quốc phòng, quân sự ASEAN

Hợp tác quốc phòng, quân sự là một trong những trụ cột, thúc đẩy tiến trình hợp tác toàn diện giữa các nước ASEAN. Đặc biệt hiện nay, trong bối cảnh an ninh khu vực, thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thì sự hợp tác này càng có ý nghĩa quan trọng. Vì thế, triển vọng hợp tác quốc phòng, quân sự ASEAN đang là mối quan tâm của dư luận quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ký Tuyên bố chung lần thứ 9 (ADMM-9)

 (Ảnh: vannghequandoi.com.vn)

Nền tảng hợp tác về quốc phòng, quân sự trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác

Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, bên cạnh đối thoại quốc phòng trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), các hội nghị quốc phòng, quân sự của ASEAN đã từng bước được thiết lập, tạo thành mạng lưới các khuôn khổ hợp tác rộng rãi với nội dung phong phú, hình thức đa dạng và nhiều cấp độ khác nhau, nhằm đẩy nhanh tiến trình hội nhập, liên kết khu vực. Các hội nghị quốc phòng, quân sự ASEAN được các nước luân phiên tổ chức hàng năm với nhiều hình thức hoạt động, bao gồm: hội nghị bộ trưởng, tư lệnh quân đội (tổng tham mưu trưởng), tư lệnh các quân chủng, cùng các hoạt động giao lưu sĩ quan trẻ, hội nghị quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan lục quân (ASMAM)... đã tạo ra sự giao lưu, gặp gỡ rộng rãi giữa lực lượng quân đội các nước ASEAN. Qua đó, thúc đẩy xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau ngày càng tốt hơn giữa quân đội các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, các kênh đối thoại, trao đổi, chia sẻ quan điểm và thảo luận các biện pháp hợp tác đã thúc đẩy việc hình thành nhận thức, quan điểm chung về các vấn đề an ninh và hợp tác khu vực. Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN cùng chia sẻ quan điểm và được thể hiện trong Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM). Trong Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 9 gần đây, các bộ trưởng quốc phòng đã tái khẳng định “cam kết thi hành đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về biển Đông và Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15; sẵn sàng làm việc nhằm sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)”. Đây là nền tảng và cơ sở quan trọng cho sự hợp tác quốc phòng đi vào các lĩnh vực thiết thực nhằm đối phó với thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống.

Đặc biệt, việc ASEAN nhất trí tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) với tư cách là kênh hợp tác chính thức cấp cao nhất về quốc phòng giữa các nước ASEAN và giữa các nước ASEAN với các nước đối tác, đối thoại quan trọng của ASEAN, đã đưa khuôn khổ hợp tác này trở thành một thành tố quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2006 nhằm hiện thực hoá tầm nhìn về Cộng đồng Chính trị - An ninh. Kể từ khi ra đời, Hội nghị đã từng bước đưa quá trình hợp tác quốc phòng giữa các nước ASEAN đi vào các nội dung thiết thực, nhằm giải quyết các thách thức an ninh, đặc biệt là những vấn đề an ninh phi truyền thống xuyên quốc gia đang nổi lên ở khu vực. Với nhiều sáng kiến đang được triển khai, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển các kênh hợp tác quốc phòng trong khu vực. Một trong những sáng kiến nổi bật và đáng chú ý nhất của cơ chế hợp tác này là sự ra đời của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng vào năm 2010, đã tạo cơ hội để các sáng kiến của Hội nghị có thể tranh thủ và kết hợp được với các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng với sự quy tụ của bộ trưởng quốc phòng 18 nước trong khu vực, bao gồm: 10 quốc gia thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Ốt-xtrây-li-a và Niu-Di-lân, được xem là một trong những cơ chế đa phương có nhiều tiềm năng và ảnh hưởng sâu, rộng, vượt ra ngoài khu vực và là một trong những trụ cột về hợp tác quốc phòng - an ninh trong cấu trúc an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương.

Như vậy, với việc hình thành các cơ chế đối thoại, hợp tác đã tạo nền tảng cho hợp tác về quốc phòng, quân sự các nước ASEAN ngày càng sâu, rộng và chính sự hợp tác này đã, đang trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực đang được định hình, góp phần kiến tạo hòa bình, phát triển thịnh vượng ở khu vực và thế giới.

Triển vọng hợp tác quốc phòng, quân sự ASEAN

Theo đánh giá của các nhà phân tích quốc tế, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, khu vực Đông Nam Á nói riêng đã, đang trở thành khu vực phát triển năng động trong một môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác. Song, khu vực này còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, nhất là tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, cạnh tranh lợi ích địa chiến lược giữa các nước lớn; đồng thời, thường xuyên phải đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống mang tính khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi ASEAN phải trên cơ sở của sự hợp tác đã được hình thành, tiếp tục phát triển mạnh mẽ hợp tác về quốc phòng, quân sự theo hướng thiết thực và hiệu quả. Trong đó, đối thoại chiến lược là nền tảng xuyên suốt cho các khuôn khổ hợp tác về quốc phòng, quân sự. Hợp tác thiết thực sẽ đi vào các sáng kiến, các lĩnh vực chuyên môn cụ thể với sự phát triển mới; đó không chỉ là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết mà còn thiết lập các cơ sở, nền tảng cho sự hợp tác trên thực tế. Xu hướng đáng chú ý đã được bắt đầu và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, bao gồm:

Một là, các quốc gia trong khu vực sẽ tập trung xây dựng và phát triển quy trình hoạt động chuẩn chung (SOP) để hướng dẫn sự phối hợp hoạt động trên thực tế giữa quân đội các nước. Hiện nay, quân đội các nước ASEAN đã xây dựng một số chuẩn chung về sử dụng nguồn lực quân sự ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR). Trong đó, quy trình hoạt động của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa cũng đang được xúc tiến tích cực.

Hai là, trên cơ sở các quy trình hoạt động chuẩn chung đó, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng sẽ tăng cường tổ chức các cuộc diễn tập đa phương, nhất là trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa tầm khu vực, nhằm nâng cao khả năng phối hợp hoạt động giữa quân đội các nước. Hiện tại, các nhóm chuyên gia trong khuôn khổ Hội nghị đều dự kiến tổ chức các cuộc diễn tập thực địa vào năm 2016 và 2017. Trong khi đó, các cuộc diễn tập về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa giữa quân đội các nước ASEAN (AHX) và trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF - Direx) tiếp tục được duy trì. Đây được coi là một trong những bước đột phá của hợp tác quốc phòng, quân sự ASEAN thời gian tới.

Ba là, các nước ASEAN đề xuất và đẩy mạnh việc phát triển và hình thành các trung tâm phối hợp về các lĩnh vực chuyên môn cụ thể, tạo cơ sở cho việc điều phối, phối hợp hoạt động hợp tác hiệu quả trên thực tế.

Bốn là, một số nước ASEAN đã đề xuất thành lập các lực lượng chuyên trách của hiệp hội ASEAN. Đây cũng là bước phát triển hợp tác mới trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự. Điều đáng chú ý là, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 9 (năm 2015) đã thông qua việc thiết lập Lực lượng thường trực quân đội các nước ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; trong khi đề xuất của Ma-lai-xi-a về việc thành lập lực lượng gìn giữ hoà bình chung của ASEAN cũng đang được các nước xem xét, nghiên cứu và sẽ được thảo luận trong các hội nghị tới.

Năm là, vấn đề thể chế, chính thức hoá các cơ chế hợp tác cũng được ASEAN nêu ra và thảo luận, như: chính thức hóa Hội nghị không chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN; thiết lập Hội nghị chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ACDFM+); thiết lập cơ chế  Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN với một nước khác, v.v. Đây cũng là một vấn đề sẽ được các nước ASEAN xem xét và thảo luận trong những năm tới.

Những động thái trên cho thấy, xu hướng hợp tác quốc phòng, quân sự của ASEAN đang có nhiều tiến triển tích cực. Điều này không chỉ phù hợp với xu thế chung mà còn đáp ứng đòi hỏi nhu cầu an ninh của mỗi nước và toàn khu vực, nhất là vấn đề an ninh biển. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, mặc dù đạt được kết quả tích cực, nhưng việc hợp tác này cũng gặp không ít khó khăn, thách thức: Thứ nhất, mặc dù đã có sự phát triển, song sự kết nối và thống nhất giữa các kênh hợp tác quốc phòng, quân sự ASEAN vẫn chưa chặt chẽ, thiếu định hướng chiến lược và điều phối, chỉ đạo thống nhất, v.v. Điều này tạo ra sự trùng lặp hoạt động giữa các kênh hợp tác, tiêu tốn nguồn lực và hiệu quả hợp tác không cao. Thứ hai, nguồn lực của các nước ASEAN nhìn chung còn hạn chế; trong khi đó, sự khác biệt về lợi ích, cơ cấu tổ chức quốc phòng không đồng nhất, dẫn đến tình trạng nhiều sáng kiến gặp khó khăn trong triển khai trên thực tế, hay tiến độ triển khai rất chậm. Thứ ba, ASEAN gồm các nước nhỏ và trung bình, vẫn chịu ảnh hưởng, tác động từ các nước lớn. Vì vậy, việc duy trì vai trò động lực, trung tâm của ASEAN gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các nước đều muốn thông qua hợp tác đa phương để thúc đẩy các lợi ích quốc gia của mình. Điều này có thể tạo ra tính đa dạng, nhưng lại gây ra sự khác biệt, thậm chí là nghi kỵ lẫn nhau trong cách ứng xử đối với những vấn đề cụ thể.

Từ phân tích trên cho thấy, những khó khăn, thách thức trong hợp tác quốc phòng, quân sự ASEAN vừa bao hàm cả chủ quan và khách quan; đồng thời, đó là sự phản ánh tính đặc thù, phức tạp vốn có của khu vực. Vì vậy, các nước cần tiếp tục củng cố lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác, giữ vững và phát huy vai trò trung tâm, động lực dẫn dắt của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực; củng cố các cơ chế, sáng kiến hiện có theo hướng nâng cao tính hiệu quả và thiết thực, thúc đẩy tình đoàn kết, cùng hướng đến lợi ích chung; kiên trì và nhất quán về nguyên tắc chung của ASEAN, nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia hài hòa với lợi ích chung của khu vực và thế giới.

Trung tá NGÔ THANH TÙNG, Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...