Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 30/09/2013, 14:02 (GMT+7)
Triển vọng hóa giải cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri

Thời gian qua, cả thế giới quan ngại về việc Mỹ hăm dọa phát động can thiệp quân sự vào Xy-ri sau khi cáo buộc “quân đội nước này sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường”. Tuy nhiên, điều đó chưa xảy ra và một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Xy-ri đã “hé mở”, nhưng triển vọng của nó ra sao đang là mối quan tâm của dư luận quốc tế.
 

Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết về tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria, ngày 27-9-2013. (nh: REUTERS)

Bế tắc của một tuyên bố quan trọng gây tranh cãi

Khi Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tuyên bố sẵn sàng phát động chiến dịch quân sự can thiệp vào Xy-ri mà không cần sự cho phép của Hội đồng bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ), chính giới ở Mỹ giải thích hành động của ông chủ Nhà Trắng dựa trên cơ sở một đạo luật mang tên “Quyền sử dụng lực lượng quân sự”. Đạo luật này cho phép Tổng thống Mỹ sử dụng lực lượng quân sự khi thấy cần thiết và phù hợp, nhằm ngăn ngừa hoặc ngăn chặn việc sử dụng hoặc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả vũ khí hóa học (VKHH) hoặc sinh học để bảo vệ Mỹ, đồng minh và đối tác chống lại các mối đe dọa của loại vũ khí này. Tuy nhiên, quyết định đó của Tổng thống B. Ô-ba-ma ngay lập tức bộc lộ những sơ hở “chết người” và bị chỉ trích gay gắt, cũng như phản đối từ nhiều phía, bởi không ít lý do “nặng ký” và có sức thuyết phục.

Một là, đã không ít lần cả Tổng thống B. Ô-ba-ma và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G. Ke-ri đều khẳng định, Mỹ có trong tay “các bằng chứng không thể chối cãi” về việc “Quân đội Xy-ri sử dụng VKHH sát hại dân thường”. Thế nhưng khi Nhà Trắng công bố “Báo cáo tình báo về vụ tấn công hóa học ở Xy-ri”, thì dư luận mới được biết: hóa ra, những “tin tức tình báo tin cậy” đó cũng chỉ là bộ sưu tập các hình ảnh và tin tức được phát tán trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng kết quả chặn, bắt các cuộc nói chuyện điện thoại nào đó được cho là của “các chỉ huy Quân đội Xy-ri”. Vì thế, trong phiên điều trần về vụ tấn công hóa học ở Xy-ri, nhiều nghị sỹ Quốc hội Mỹ đã phải thốt lên rằng, báo cáo đó “không có sức thuyết phục và chưa đủ tin cậy”. Điều đáng buồn là khi được hỏi, liệu có tổ chức khủng bố quốc tế An Kê-đa trong hàng ngũ các lực lượng đối lập ở Xy-ri hay không, ông G. Ke-ri đã vô tư phủ nhận; trong khi đó, cả thế giới đều biết tường tận rằng, hiện có nhiều chiến binh của phe đối lập ở Xy-ri thuộc An Kê-đa và các tổ chức khủng bố khác. Nhận xét về chi tiết này, các nhà quan sát và chính khách hàng đầu thế giới đều cho rằng, người Mỹ đã tự lừa dối mình, lừa dối thế giới và chính họ biết điều đó nhưng vẫn làm.

Hai là, tuyên bố của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma sẵn sàng phát động chiến dịch quân sự can thiệp vào Xy-ri là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế và Hiến chương của LHQ. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AP trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20, Tổng thống Nga V. Pu-tin khẳng định: ngay cả khi Quân đội Xy-ri sử dụng VKHH, thì sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào nước này cũng phải trong khuôn khổ LHQ. Trong Hiến chương LHQ đã nêu rõ, hành động quân sự của một nước nhằm vào một nước khác chỉ có thể được phép trong hai trường hợp: tự vệ, chống xâm lược hoặc phải được phép của HĐBA LHQ. Bất kỳ hoạt động quân sự nào nằm ngoài khuôn khổ đó chỉ có thể được hiểu là hành động xâm lược.

Ba là, với danh nghĩa “thực hiện trách nhiệm bảo vệ”, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tuyên bố sẵn sàng phát động chiến dịch quân sự trừng phạt Xy-ri sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Đó không chỉ là sự can thiệp thô bạo vào một quốc gia có chủ quyền, mà nguy hiểm hơn còn tự ý thay đổi Hiến chương LHQ. Thực ra, ý đồ thay đổi luật pháp quốc tế đã được Mỹ và các nước phương Tây khác theo đuổi từ sau khi Liên Xô tan rã. Điều đó được biểu hiện rõ nét khi Mỹ và NATO tìm mọi cách để biện hộ, hợp thức cho hành động vi phạm pháp luật quốc tế khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư (năm 1999). Lần này, khi biện minh việc ủng hộ Mỹ tiến công quân sự vào Xy-ri, Thủ tướng Anh Đ. Ca-mơ-run đã lập luận rằng: Hiến chương của LHQ là một “học thuyết nguy hiểm” cần phải bãi bỏ để xây dựng hệ thống luật pháp quốc tế mới; rằng: “Quan điểm pháp lý kiên định của chúng ta là trách nhiệm bảo vệ, nghĩa là khi cần thiết chúng ta sẽ thực hiện sự “can thiệp nhân đạo” để ngăn chặn “thảm họa nhân đạo” ở các quốc gia”.

Đây là một cách hiểu không thấu đáo về bản chất một văn kiện rất quan trọng của LHQ. Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về trách nhiệm bảo vệ đã quy định: “Trách nhiệm bảo vệ được xác định để bảo vệ người dân, chống lại nạn diệt chủng, tội ác chiến tranh, thanh lọc sắc tộc và tội ác chống lại loài người”. Theo Điều 138 của Nghị quyết, chính phủ mỗi quốc gia phải có trách nhiệm bảo vệ người dân chống lại những tội ác đó bằng cách áp dụng các biện pháp thích hợp và cần thiết. Cộng đồng quốc tế trong khi hành động thông qua LHQ phải sử dụng các biện pháp ngoại giao, nhân đạo và các biện pháp hoà bình khác phù hợp với Chương 6 và Chương 8 của Hiến chương LHQ để bảo vệ người dân chống lại nạn diệt chủng, tội ác chiến tranh, thanh lọc sắc tộc và tội ác chống lại loài người (Điều 139). Nghị quyết này còn xác định, các quốc gia riêng lẻ thực hiện trách nhiệm bảo vệ trên lãnh thổ của mình. Trường hợp phải phối hợp với các quốc gia khác thực hiện trách nhiệm bảo vệ bên ngoài quốc gia, nhất thiết phải hành động trong khuôn khổ Hiến chương LHQ. Như vậy, dù mượn cớ thực hiện “trách nhiệm bảo vệ” ở góc độ nào, Mỹ và các nước phương Tây khác đều phải được phép của HĐBA LHQ.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Tổng thống Nga V. Pu-tin tuyên bố: nước Nga không bảo vệ Chính quyền Xy-ri, mà những nỗ lực của Mát-xcơ-va nhằm bảo vệ những nguyên tắc cơ bản đã từng được ghi rõ trong Hiến chương LHQ; không một quốc gia nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, chế độ chính trị của một quốc gia phải do chính người dân ở quốc gia đó quyết định. Trong bài viết trên tờ Thời báo Niu Yoóc, Tổng thống Nga V. Pu-tin còn nhấn mạnh: “Có một điều đáng báo động là hành động can thiệp quân sự vào xung đột nội bộ của những nước khác đang trở thành hành động quen thuộc của Mỹ. Đó liệu có phải là lợi ích lâu dài của Mỹ? Tôi nghi ngờ điều đó. Hàng triệu người trên thế giới đang ngày càng nhận thấy rằng, Mỹ không phải là một hình mẫu cho một xã hội dân chủ, mà chỉ đơn thuần ỷ vào sức mạnh, thiết lập các liên minh dựa trên nguyên tắc “không theo ta nghĩa là chống lại ta”.

Bốn là, kế hoạch tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào Xy-ri tiềm ẩn hiểm họa đối với khu vực Trung Đông, thế giới và cả nước Mỹ. Theo các nhà phân tích quốc tế, việc Mỹ đơn phương tấn công Xy-ri (nếu xảy ra) có thể sẽ gây tình trạng hỗn loạn trong khu vực và làm bùng phát một làn sóng khủng bố mới, bởi nhiều phần tử trong phe đối lập Xy-ri có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa. Đồng thời, sẽ làm tiêu tan mọi nỗ lực đa phương trong giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran hay xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, khiến tình hình khu vực Trung Đông và Bắc Phi thêm bất ổn; toàn bộ hệ thống luật pháp và trật tự quốc tế sẽ bị xáo trộn. Các chuyên gia quân sự thì cảnh báo rằng, khi Mỹ tấn công quân sự ở Xy-ri, dù có xác định mục tiêu rõ ràng đến mức nào, bất kể vũ khí đạt đến độ chính xác bao nhiêu, thương vong đối với người vô tội là không thể tránh khỏi, trong đó có cả người già và trẻ em, những người mà chính Mỹ không ít lần tuyên bố “cần được bảo vệ”. Hơn thế nữa, trong điều kiện kinh tế hiện nay, ngân sách quốc phòng ngày càng eo hẹp, nếu lại sa vào một vũng lầy mới, nước Mỹ sẽ phải chịu hậu quả nặng nề. Chính vì thế, hàng nghìn người dân Mỹ cũng như ở nhiều nước trên thế giới đã xuống đường biểu tình phản đối một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Xy-ri.

Rõ ràng, với tuyên bố sẵn sàng mở đợt tấn công quân sự nhằm vào Xy-ri, Oa-sinh-tơn đang đứng trước nguy cơ thất bại cả về ngoại giao và chính trị. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội Mỹ, nếu Quốc hội Mỹ bỏ phiếu không đồng ý một Dự thảo nghị quyết cho phép sử dụng sức mạnh quân sự ở Xy-ri sẽ là một thất bại thảm hại đối với ông B. Ô-ba-ma. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà G. Ba-ra-xô nhận xét, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma không có sự lựa chọn nào khác là phải đề nghị Quốc hội hoãn cuộc bỏ phiếu về hành động quân sự ở Xy-ri, bởi nhiều khả năng Quốc hội Mỹ sẽ “theo gương” Quốc hội Anh: từ chối việc cho phép ông chủ Nhà Trắng phát động chiến dịch quân sự chống Xy-ri.

Triển vọng hóa giải cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri

Trong khi Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đang ở trong tình trạng bế tắc, ngày 09-9-2013, Nga đã đề xuất sáng kiến “hủy bỏ VKHH đổi lấy hòa bình” ở Xy-ri. Theo đó, trong khuôn khổ một nghị quyết của HĐBA LHQ, kho VKHH của Xy-ri sẽ được đặt dưới sự kiểm soát của quốc tế và sau đó sẽ bị phá hủy. Ngay lập tức, Chính phủ Xy-ri bày tỏ hưởng ứng đề xuất đó của Nga, còn Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã hoan nghênh sáng kiến này và hứa sẽ xem xét một cách nghiêm túc, nhưng vẫn bỏ ngỏ một giải pháp quân sự nếu những nỗ lực ngoại giao bất thành. Tình hình đã trở nên sáng sủa hơn khi hai nước Nga - Mỹ bất ngờ đạt được Thỏa thuận tại Giơ-ne-vơ (ngày 15-9-2013) về kế hoạch khung kiểm soát và tiêu hủy VKHH tại Xy-ri. Kế hoạch này gồm 3 bước: (1) tháng 10-2013, Công ước về cấm sử dụng VKHH sẽ có hiệu lực trên lãnh thổ Xy-ri; (2) tháng 11-2013, các thiết bị, phương tiện sản xuất VKHH của Xy-ri sẽ được loại bỏ; (3) tới giữa năm 2014, toàn bộ VKHH của Xy-ri sẽ được tiêu hủy dưới sự giám sát của LHQ. Đồng thời, Nga và Mỹ cũng xúc tiến chuẩn bị Hội nghị Giơ-ne-vơ - 2 để tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Xy-ri. Những diễn biến này, trước mắt đã đẩy lùi nguy cơ một cuộc chiến tranh xâm lược nhằm vào Xy-ri, mở ra cơ hội cho một giải pháp chính trị.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Đu-ma quốc gia Nga A. Pút-cốp, hiện vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ trong giải quyết vấn đề Xy-ri. Thứ nhất, liệu các bên đã thống nhất cách hiểu bản chất của Thỏa thuận trên hay vẫn giải thích nó theo những cách hiểu khác nhau, nhằm thực hiện ý đồ riêng của từng nước, như đã từng xảy ra đối với Nghị quyết 1973 về Li-bi (năm 2011) của HĐBA LHQ. Thứ hai, Mỹ có thực lòng từ bỏ ý đồ tấn công Xy-ri sau khi đã đạt được Thỏa thuận giữa các bên; bởi Lầu Năm Góc vẫn chưa nhận được chỉ thị ngừng chuẩn bị cho chiến dịch tấn công quân sự vào Xy-ri. Thứ ba, bản thân Mỹ có thuyết phục được các lực lượng đối lập ở Xy-ri (vốn được họ ủng hộ toàn diện về chính trị, tinh thần, tiền bạc và vũ khí) chấp nhận Thỏa thuận Nga - Mỹ về giải giáp VKHH của Xy-ri. Thứ tư, liệu Mỹ có coi sáng kiến này của Nga là cơ sở để hợp tác với Mát-xcơ-va nhằm tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Xy-ri. Thứ năm, hiện nay các lực lượng đối lập ở Xy-ri cũng đang sở hữu hàng chục tấn VKHH. Tới đây, số vũ khí này sẽ được xử lý ra sao, vẫn chưa được các bên đề cập đến. Thứ sáu, Xy-ri có thể tiêu hủy kho VKHH đúng hạn mà Thỏa thuận quy định (vào tháng 11-2014), khi mà nước này chưa có hạ tầng cơ sở đủ điều kiện và các lực lượng đối lập vẫn không ngừng đánh phá, kể cả khủng bố. 

Chính vì thế, vấn đề cốt yếu trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xy-ri đòi hỏi các nước trên thế giới cần tuân thủ một trong những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ là tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Xy-ri. Chỉ khi nào công việc nội bộ của Xy-ri do chính người dân Xy-ri quyết định, không có sự can thiệp từ bên ngoài, thì khi đó, đất nước này mới ổn định và phát triển./.

 

NGÔ QUYỀN

TAG

Xy-ri,

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...