Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:04 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2011, thời điểm “làn sóng Mùa Xuân Arab” làm khuynh đảo Trung Đông và Bắc Phi, thì khu vực Đông Địa Trung Hải đã lọt vào “tầm ngắm” của nhiều quốc gia. Từ đó đến nay, vùng biển này luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và nóng hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ lộ rõ toan tính của mình.
Sóng ngầm gần nửa thế kỷ trong khu vực - tranh chấp chủ quyền
Dù không nằm trong danh sách những điểm nóng về xung đột, như: Syria, Palestine - Israel hay miền Đông Ukraine, nhưng từ năm 1973 đến nay, biển Aegea (vùng biển ở phía Đông Địa Trung Hải) vẫn là khu vực tranh chấp giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến thềm lục địa và chủ quyền một số đảo. Hy Lạp tuyên bố nhiều hòn đảo của nước này trên biển Aegea là các khu vực hàng hải theo luật pháp quốc tế, song Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bác bỏ quan điểm này.
Căng thẳng giữa hai nước được mở đầu bằng sự kiện ngày 01/11/1973, khi Ankara cho phép một số công ty khai thác dầu mỏ tại 27 khu vực ở thềm lục địa biển Aegea nằm giữa hải phận Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Sau đó, hai nước liên tục trao đổi công hàm thể hiện lập trường, quan điểm của mình về vấn đề này. Trong khi Hy Lạp không ngừng tuyên bố chủ quyền, thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định những khu vực đó là thềm lục địa của mình và hai bên tiếp tục đưa các thiết bị thăm dò, khai thác dầu mỏ vào khu vực đang tranh chấp.
Sự kiện đáng chú ý là, tháng 3/1987 khi Hy Lạp thông báo khoan dầu tại vùng biển gần đảo Thasos, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng điều tàu thăm dò RV MTA Sismik 1 đến khu vực này với sự hộ tống của tàu chiến. Căng thẳng leo thang và cả hai bên đều đặt lực lượng vũ trang trong tình trạng báo động, sẵn sàng đánh chìm tàu của đối phương. Nhưng nhờ sự dàn xếp của Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lúc đó là Peter Carington, hai nước xuống thang và đồng ý không cho tàu đi vào vùng biển Đông Địa Trung Hải. Mặc dù, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều khẳng định sẽ giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, nhưng mồi lửa bất ổn vẫn tồn tại, chỉ chờ cơ hội bùng phát. Khi chưa tìm được một giải pháp hữu hiệu để hóa giải mâu thuẫn về phân định ranh giới trên biển, thì hai nước tiếp tục có những tuyên bố chủ quyền đối với những đảo nhỏ không người ở khu vực này. Chiến đấu cơ hai nước cũng thường xuyên xuất hiện trên vùng trời thuộc khu vực biển Aegea.
Tham vọng viết lại “luật chơi” của Thổ Nhĩ Kỳ
Dù sở hữu hơn 8.000 km bờ biển, song nhiều thập kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi việc hưởng lợi từ sự bùng nổ dầu khí ở vùng biển Địa Trung Hải (nơi ước tính có khoảng 3,5 nghìn tỷ mét khối khí đốt và khoảng 1,7 tỷ thùng dầu thô). Trái lại, Hy Lạp, Cộng hòa Síp, Ai Cập và Israel đều gấp rút tổ chức thăm dò và có được một số thành công ban đầu: xác định được vị trí, trữ lượng một số mỏ dầu và khí đốt dọc theo bờ biển của họ. Sau khi Israel phát hiện hai mỏ khí đốt vào năm 1999, chính phủ nước này cùng với Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Ai Cập đạt được các thỏa thuận nhằm phân định vùng đặc quyền kinh tế và triển khai thăm dò dầu khí với các công ty đa quốc gia. Gần đây, Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Israel còn đạt được thỏa thuận bảo đảm cung cấp năng lượng cho châu Âu thông qua tuyến đường ống dài 2.000 km từ Đông Địa Trung Hải. Điều đó cho phép các quốc gia này không chỉ hưởng lợi từ nguồn tài nguyên dưới đáy biển, mà còn cải thiện sự độc lập của họ về năng lượng. Nhận ra điều đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đầu tư mạnh cho việc tìm kiếm tài nguyên ở Địa Trung Hải, các tàu khảo sát địa chất và những cuộc thăm dò dưới biển sâu đã tiêu tốn một khoản ngân sách khổng lồ hơn một tỷ USD trong thập kỷ qua, nhưng chưa phát hiện được bất kỳ mỏ dầu, khí nào. Trong khi đó, 80% - 90% khí đốt tiêu thụ của Thổ Nhĩ Kỳ là nhập khẩu từ Nga.
Không thể chậm chân hơn nữa trên đường đua năng lượng, cuối năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ ký Biên bản ghi nhớ với Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) để phân định các khu vực hàng hải giữa hai bên, mở đường cho việc triển khai các hoạt động thăm dò dầu khí sau này. Sự việc sẽ không có gì đáng bàn nếu khu hành lang ranh giới do hai nước này thiết lập không gần với đảo Crete thuộc chủ quyền Hy Lạp. Các lãnh đạo xứ sở Thần thoại cho rằng, thỏa thuận của Libya và Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm luật pháp quốc tế, vì bỏ qua sự hiện diện của đảo Crete.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, bờ biển phía Đông của đảo Crete và một nửa biển Aegea rộng gần 46.000 km2 thuộc về nước này. Đây là một phần khái niệm “Tổ quốc biển xanh” mà những người theo chủ nghĩa Ottoman mới thuộc Đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thường xuyên đề cập tới. Khái niệm này được ông Cem Gurdeniz, trước đây là Cục trưởng Cục Kế hoạch Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, đề cập lần đầu tiên vào năm 2006. Chính trị gia này kêu gọi chính quyền vẽ lại đường ranh giới trên biển, sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết, nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế, chính trị của quốc gia. Lý do giới lãnh đạo Ankara không chấp nhận đề xuất này một cách nghiêm túc, vì Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó đang nỗ lực để trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Đến năm 2016, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU trở nên căng thẳng vì nhiều nguyên nhân, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mới xem xét lại bản kế hoạch của Cem Gurdeniz, đặt Đông Địa Trung Hải là điểm trung tâm trong nỗ lực tạo dựng sức mạnh địa chính trị lớn hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống, Ngoại trưởng cùng nhiều thành viên đảng cực hữu nằm trong liên minh cầm quyền đều đồng loạt công khai nói về Kế hoạch “Tổ quốc biển xanh” và cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ bị đối xử thiếu công bằng trong cách phân định lãnh hải cũ.
Va chạm nhỏ, nguy cơ lớn
Nấc thang căng thẳng tại Đông Địa Trung Hải tiếp tục gia tăng từ ngày 10/8/2020, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch thăm dò khí đốt tại khu vực tranh chấp với sự tham gia của tàu khảo sát và các tàu hải quân hộ tống. Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi thông điệp trên Hệ thống thông tin hàng hải quốc tế (NAVTEX), trong đó tuyên bố tàu nghiên cứu khoa học Oruc Reis sẽ thực hiện các hoạt động địa chất ở khu vực ngoài khơi đảo Meis (mà phía Hy Lạp gọi là Kastellorizo) trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 23/8/2020. Ngày 12/8/2020, tàu khu trục Limnos của Hy Lạp đến gần tàu khảo sát Oruc Reis và va chạm với tàu hộ tống của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Athens, đây là một vụ va chạm nhẹ giữa chiến hạm hai nước và tàu Limnos không bị hư hại. Tuy nhiên, phía Ankara cho rằng đây là một hành động khiêu khích. Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đưa tàu khảo sát Oruc Reis tới Đông Địa Trung Hải diễn ra chỉ vài ngày sau khi thỏa thuận hàng hải giữa Ai Cập và Hy Lạp được ký, nhằm thiết lập khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước. Thỏa thuận này được xem như sự đáp trả trực tiếp của Hy Lạp đối với thỏa thuận tương tự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Libya, giúp Ankara có thể tự do thăm dò dầu khí trên vùng biển của Libya ở Đông Địa Trung Hải.
Không chỉ với Hy Lạp, động thái thăm dò khai thác khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Địa Trung Hải cũng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các nước khác trong EU. Để giải quyết khủng hoảng, tại hội nghị khẩn cấp do Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell triệu tập, ngoại trưởng 27 quốc gia thành viên đã nhất trí chuẩn bị các biện pháp chống Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đáp trả những hoạt động hải quân của Ankara ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải. Theo nhận định của giới phân tích, động thái ủng hộ Hy Lạp là hoàn toàn có thể hiểu được bởi việc huy động hải quân gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ dẫn đến tình trạng đối kháng và ngờ vực nghiêm trọng hơn giữa hai nước mà sẽ kéo theo những hậu quả chiến lược sâu rộng đối với toàn bộ EU. Cụ thể, các tranh chấp hiện tại sẽ không phục vụ lợi ích an ninh của EU cũng như chính Thổ Nhĩ Kỳ, bởi quan hệ giữa hai bên luôn là trụ cột để duy trì an ninh và ổn định của khu vực Đông Địa Trung Hải trước những đe dọa từ các chính sách hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.
Nhiều ý kiến cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang chọn cách trỗi dậy ở Đông Địa Trung Hải theo hướng gây rạn nứt, không giấu ý định của mình trong việc toan tính can dự ở Libya và Syria. Với phương Tây, sự “táo bạo” của thành viên NATO này là một thách thức phức tạp, nhất là trong bối cảnh liên minh quân sự lớn nhất hành tinh cũng đang phải đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ. Điều này, thể hiện qua 02 cuộc tập trận diễn ra cuối tháng 8/2020 tại Đông Địa Trung Hải. Một cuộc do Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ kết hợp với Mỹ, một cuộc do Hy Lạp kết hợp với Pháp, Italy và Cộng hòa Síp ở khu vực gần đảo Crete.
Trước tình hình đó, nhiều câu hỏi đặt ra với Mỹ khi phối hợp tập trận cùng Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh quan hệ giữa các thành viên NATO đang rất nhạy cảm. Đặc biệt, việc Ankara đặt mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga - cựu đối thủ của NATO thời kỳ chiến tranh Lạnh, được ví như hành động “vuốt mặt không nể mũi” đối với Washington. Theo lý giải của nhiều nhà phân tích chiến lược, hiện tại, Mỹ vẫn còn lợi ích ràng buộc với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có căn cứ không quân Incirlik, nên nước này không thể không tính đến khả năng một khi quan hệ song phương căng thẳng, Incirlik sẽ bị đóng cửa. Lúc đó, vũ khí, khí tài quân sự của Mỹ trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị Nga tiếp cận và khai thác. Ngoài ra, sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ tại Địa Trung Hải cũng sẽ giúp làm nguội bớt “những cái đầu đang nóng” của các thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Hy Lạp.
Tuy nhiên, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn nhằm mục tiêu thay đổi cán cân quyền lực với các cường quốc khu vực và khẳng định tầm ảnh hưởng của mình, thì cuộc đàm phán sắp tới giữa họ và Hy Lạp nhiều khả năng bị đổ bể. Động thái này của Ankara sẽ đẩy căng thẳng tại khu vực lên nấc thang nguy hiểm mới, đồng thời lôi kéo các bên liên quan vào một cuộc tranh chấp ở quy mô lớn hơn. Điều đó có thể biến Đông Địa Trung Hải trở thành “điểm nóng” xung đột mới của thế giới.
LÂM PHƯƠNG
Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ