Thứ Ba, 17/09/2024, 23:12 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Cuối năm 2017, Tổng thống Đô-nan Trăm bất ngờ tuyên bố chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Ten A-víp đến Giê-ru-sa-lem. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước Hồi giáo A-rập và cộng đồng quốc tế. Vậy, động cơ nào dẫn tới động thái trên và hệ lụy đối với tiến trình hòa bình Trung Đông ra sao, đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.
Quyết định gây tranh cãi
Theo các nhà nghiên cứu, Giê-ru-sa-lem (Jerusalem) - thành phố có ý nghĩa lịch sử và là thánh địa quan trọng nhất của cả những người Do Thái, Cơ đốc giáo và người Hồi giáo, nên mọi “phán quyết” đối với thành phố này, dù theo chiều hướng nào cũng đều có tác động nhạy cảm đến nhiều cộng đồng tôn giáo. Lịch sử thăng trầm của Giê-ru-sa-lem cho thấy, năm 1948, sau khi chiếm đóng phía Tây Thành phố, I-xra-en (Israel) đã tuyên bố đây là thủ đô của nước này (tuyên bố năm 1949). Hành động đó đã bị cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Mỹ lên án và bác bỏ. Không dừng lại ở đó, năm 1967, Ten A-víp tiếp tục đánh chiếm phía Đông Giê-ru-sa-lem và coi đó là vùng đất linh thiêng của riêng người Do Thái. Tuy nhiên, cũng từ thời điểm đó, hầu hết các nước trên thế giới đều không công nhận Giê-ru-sa-lem là thủ đô của I-xra-en.
Về phần mình, chính quyền và người dân Pa-le-xtin (Palestine) - một bên đòi hỏi chủ quyền đối với Thành phố này cũng tuyên bố Giê-ru-sa-lem phải là thủ đô của họ. Như vậy, trên thực tế, cả người I-xra-en và Pa-le-xtin đều coi vùng đất thánh Giê-ru-sa-lem là thủ đô của mình. Đây là vấn đề cốt lõi và nhạy cảm nhất trong tất cả các vấn đề cần phải được giải quyết nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin trong suốt nhiều thập kỷ qua. Cũng chính vì lẽ đó, tuyên bố của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm ngày 06-12-2017, công nhận Giê-ru-sa-lem là thủ đô của I-xra-en và quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Ten A-víp đến Giê-ru-sa-lem đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhất là trong thế giới Hồi giáo A-rập (Arab). Hơn thế, Liên hợp quốc, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), một số đồng minh thân cận, thậm chí cả đương kim Giáo hoàng Phan-xi-cô cũng phản đối động thái này. Đặc biệt, những tranh cãi cũng như quan điểm trái chiều xung quanh quyết định về Giê-ru-sa-lem của Tổng thống Đô-nan Trăm diễn ra gay gắt ngay trong chính trường nước Mỹ. Trong khi Phó Tổng thống Mỹ M. Pen-xơ (Mike Pence), Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc N. Ha-lây (Nikki Haley),… ủng hộ quyết định này thì cựu Ngoại trưởng Mỹ Tê-lơ-xơn (Tillerson), Bộ trưởng Quốc phòng Giêm Ma-tít (Jim Mattis), Giám đốc cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) M. Pom-peo (Mike Pompeo),… lại kịch liệt phản đối. Lý do phản đối mà một bộ phận chính giới Mỹ đưa ra là, quyết định trên sẽ làm gia tăng mối đe dọa lợi ích của Oa-sinh-tơn trong các khu vực A-rập và Hồi giáo; làm suy yếu sự bảo trợ của nước này đối với các cuộc thương lượng giữa Pa-le-xtin và I-xra-en; phá sản mọi đề xuất hòa bình mà Mỹ đưa ra, cũng như thúc đẩy các bên vào vòng xoáy bạo lực mới trên vùng lãnh thổ của Pa-le-xtin bị chiếm đóng, chưa kể quyết định đó còn kích thích sự chống đối của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, tích lũy sự thù hận của thế giới Hồi giáo A-rập đối với Mỹ, v.v. Tuy nhiên, tất cả những cảnh báo của các cố vấn hàng đầu trong Hội đồng An ninh quốc gia đều bị Nhà Trắng bác bỏ. Vậy, động cơ nào thực sự chi phối quan điểm của chính quyền Mỹ về vấn đề Giê-ru-sa-lem?
Những toan tính của Oa-sinh-tơn
Trong hơn một năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm không ít lần đưa ra chính sách cực đoan, gây nhiều dự đoán trái chiều trong dư luận quốc tế và quyết định về vấn đề Giê-ru-sa-lem vừa qua cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ tình hình nước Mỹ gần đây có thể thấy, quyết định trên chắc chắn đến từ áp lực chính trị rất lớn mà Ông phải đối mặt. Phải chăng, đó là sức ép đến từ “vụ bê bối liên quan tới Nga”? Trên thực tế, từ khi trở thành Ông chủ Nhà Trắng đến nay, “vụ bê bối” trên liên tục nóng lên và chĩa mũi nhọn vào Chính quyền của Tổng thống Đô-nan Trăm. Điều đó, không những phá hỏng ý tưởng tái khởi động quan hệ Mỹ - Nga, mà còn khiến nhiều thành viên nội các của Ông cũng bị tổn hại nghiêm trọng. Vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng, quyết định về Giê-ru-sa-lem có thể là một cách giảm áp lực và hướng dư luận trong nước ra bên ngoài. Trong khi đó, cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2018 sắp diễn ra, thông qua biện pháp cấp tiến tuyên bố Giê-ru-sa-lem là thủ đô của I-xra-en nhằm giành sự ủng hộ của cử tri phe bảo thủ trong nước và thế lực thân với Ten A-víp cũng có thể là một trong những động cơ được tính đến của Chính quyền Đô-nan Trăm.
Từ xem xét, đánh giá toàn diện tình hình Trung Đông sau quyết định của Tổng thống Đô-nan Trăm, các nhà quan sát cho rằng, việc đơn phương tuyên bố chính sách về Giê-ru-sa-lem của Chính quyền Mỹ còn xuất phát từ chính sách ủng hộ I-xra-en khi mà vấn đề giữa Pa-le-xtin và I-xra-en vốn bị gạt ra bên lề (kể từ khi xuất hiện Mùa Xuân A-rập vào năm 2011) và các nước A-rập khó có thể đối phó hiệu quả với Mỹ. Điều đó càng được khẳng định khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã thúc đẩy và làm gay gắt hơn mâu thuẫn giữa A-rập Xê-út (Saudi Arabia) với I-ran (Iran) cũng như mâu thuẫn nội bộ trong thế giới A-rập, làm cho cộng đồng này bị chia rẽ, suy yếu hơn, tạo thuận lợi cho Oa-sinh-tơn thực hiện bài toán địa chính trị, địa chiến lược ở khu vực. Hơn nữa, do chịu ảnh hưởng của giá dầu xuống thấp trong thời gian dài, “vũ khí dầu mỏ” được thế giới A-rập sử dụng để đối phó với phương Tây đã không mấy tác dụng. Và điều đáng nói là, thời điểm Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố về Giê-ru-sa-lem diễn ra vào đúng lúc Ai Cập vừa bị tấn công khủng bố nghiêm trọng trên bán đảo Xi-nai (Sinai), còn A-rập Xê-út đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng ở Y-ê-men (Yemen). Ngoài ra, như một sự sắp đặt, trong lúc gia tăng sự đối đầu với I-ran, A-rập Xê-út vô hình chung có xu hướng xích lại gần I-xra-en. Vì thế, Oa-sinh-tơn hiểu rõ hơn ai hết việc tuyên bố Giê-ru-sa-lem là thủ đô của I-xra-en, mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân trong thế giới A-rập, nhưng các nước này rất khó có sự đáp trả lại chính sách của Mỹ.
Cùng với đó, trong bối cảnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bại, cuộc khủng hoảng ở Xy-ri (Syria) bước vào thời kỳ then chốt, việc khơi dậy mâu thuẫn giữa Pa-le-xtin và I-xra-en của Mỹ có thể sẽ đặt Nga (vốn đang gặp thuận lợi) vào tình thế bất lợi ở Trung Đông, nhất là sự phản kháng của các tổ chức cực đoan đối với các lực lượng nước ngoài hiện diện ở khu vực. Đây cũng là một toan tính của Mỹ trong chiến lược cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc đối với khu vực Trung Đông.
Những tác động tới an ninh khu vực
Theo giới phân tích quốc tế, trong vấn đề Giê-ru-sa-lem, chính sách của Tổng thống Đô-nan Trăm vừa xuất phát từ tính cách “thất thường” của Ông, vừa là sự lựa chọn trên cơ sở phán đoán đối với tình hình bất ổn ở Trung Đông. Tuy nhiên, dù tiếp cận từ góc độ nào, chính sách này đều có tác động mạnh mẽ đến an ninh khu vực, tiến trình hòa bình Trung Đông, trực tiếp là tác động tới quan hệ giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Trên thực tế, tuyên bố của Tổng thống Mỹ về Giê-ru-sa-lem đã làm leo thang xung đột, nhất là trên khía cạnh tôn giáo giữa người Pa-le-xtin theo đạo Hồi hay Thiên chúa giáo và người Do Thái I-xra-en. Điều nguy hiểm là, sự bùng phát bạo lực này có nguy cơ phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, rất khó giải quyết, bởi nó được xuất phát từ lòng mộ đạo chính trị và sự tử vì đạo để bảo vệ các địa điểm tôn giáo của cả hai bên. Điều đó đã được minh chứng khi ngày 30-3 vừa qua, đụng độ giữa người biểu tình Pa-le-xtin và binh lính I-xra-en đã bùng phát mạnh mẽ tại dải Ga-da (Gaza) làm 16 người chết và hơn 1.400 người khác bị thương. Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát (Mahmoud Abbas) tuyên bố 31-3 là ngày quốc tang của nước này.
Như vậy, xét từ quan hệ Pa-le-xtin và I-xra-en, chính sách về Giê-ru-sa-lem của Oa-sinh-tơn rõ ràng đã trở thành chất xúc tác làm cho cuộc xung đột giữa hai quốc gia này trở nên phức tạp và ngày càng gay gắt. Không những thế, những tác động tiêu cực từ quyết định của Mỹ về Giê-ru-sa-lem đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Pa-le-xtin. Tác động đó không chỉ làm cho việc tái thiết Nhà nước Pa-le-xtin gặp khó khăn hơn, mà còn làm gia tăng sự chia rẽ trong nội bộ quốc gia này. Hiện tại, hai lực lượng Fatah và Hamas ở Pa-le-xtin mặc dù mới thực hiện hòa giải và đều phản đối chính sách của Oa-sinh-tơn, nhưng rất có thể sẽ có bất đồng về cách thức, mức độ phản ứng và có thể rơi vào chia rẽ nghiêm trọng. Đối với I-xra-en - quốc gia vốn đang được Mỹ ủng hộ cũng phải chịu cái giá của việc bị cô lập hơn, sức ép an ninh đã tăng gấp đôi ở Trung Đông và trên toàn thế giới. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tay-íp Éc-đô-gan (Tayyip Erdogan) tuyên bố rằng, nếu Mỹ công nhận Giê-ru-sa-lem là thủ đô của I-xra-en, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cắt đứt ngoại giao với quốc gia Do Thái này. Theo nhiều nhà phân tích, cách làm của Mỹ có thể khiến Ten A-víp phải đối mặt với cuộc “nổi dậy” quy mô lớn thứ ba của người Pa-le-xtin tiếp sau năm 1987 và 2000.
Mặt khác, với quyết định có tính cực đoan về Giê-ru-sa-lem, Tổng thống Đô-nan Trăm đã, đang gây hậu quả nghiêm trọng đối với lợi ích của Mỹ, an ninh khu vực, nhất là tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Trên thực tế, mặc dù các nước A-rập, Hồi giáo khó có thể đáp trả Mỹ hiệu quả, nhưng cũng sẽ làm cho sự ngăn cách và mâu thuẫn giữa các nước này với Mỹ trở nên trầm trọng. Điều đó được thể hiện rõ khi Oa-sinh-tơn đưa ra tuyên bố đối với Giê-ru-sa-lem, lãnh tụ tối cao I-ran Khamenei đã đưa ra phản đối gay gắt nhất trong số các nước Trung Đông. Trên phạm vi rộng lớn hơn, quyết định của Mỹ sẽ làm gia tăng sự đối kháng giữa nền văn minh Hồi giáo với nền văn minh phương Tây và nền văn minh của người Do Thái. Đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố có nguy cơ trỗi dậy, gây bất ổn cho khu vực và toàn cầu.
Đã từ lâu, Mỹ luôn tự cho mình là nước trung gian, công bằng trong kế hoạch hòa bình ở Trung Đông, nhưng động thái vừa qua của Tổng thống Đô-nan Trăm đối với Giê-ru-sa-lem đã hủy hoại tất cả. Tiến trình hòa bình Trung Đông vì thế không chỉ rơi vào bế tắc, mà còn tụt lùi với mức độ nguy hiểm hơn. Dư luận quốc tế cho rằng, với cách tiếp cận chính sách dựa trên chủ nghĩa mạo hiểm, cơ hội của Oa-sinh-tơn trong giải quyết các vấn đề quốc tế, không những thể hiện sự bất cập trong việc gánh vác trách nhiệm quản lý toàn cầu, tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh quốc gia và sức mạnh mềm của Mỹ, mà viễn cảnh về một nền hòa bình ở khu vực đầy bất ổn này càng trở nên xa vời.
HỒNG QUÂN
Toan tính của Mỹ,Giê-ru-sa-lem
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương