Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:36 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Tháng 9-2014, nhằm đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, một Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu được hình thành. Tuy nhiên, khác với An Kê-đa, tổ chức này có nguồn lực dồi dào, tác chiến linh hoạt và không có sự phân biệt rõ ràng về hệ tư tưởng đang là thách thức đối với Mỹ và phương Tây.
Tháng 6 vừa qua, với các cuộc tiến công chớp nhoáng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã chiếm nhiều thành phố lớn của I-rắc và Xy-ri, đe dọa sự ổn định, hòa bình, an ninh ở khu vực và thế giới. Sự xuất hiện của IS cùng những tội ác tàn bạo do nó gây ra khiến thế giới phải sửng sốt. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (với 100% phiếu thuận) lập tức ra Nghị quyết 2178 về chống khủng bố, trong đó chủ yếu nhằm vào IS. Vậy, IS là ai? được hình thành như thế nào? Và, hiểm họa của nó ra sao đang là vấn đề mà dư luận quốc tế hết sức quan ngại.
Hậu quả cuộc chiến tranh I-rắc (năm 2003) và “Mùa xuân A-rập”
Theo nhận xét của giới phân tích quốc tế, cuộc chiến tranh I-rắc (năm 2003) do Mỹ và Anh phát động loại bỏ chính thể của Tổng thống Xát-đam Hút-xen đã không thể khỏa lấp được mâu thuẫn về lợi ích của các lực lượng chính trị - xã hội của nước này[1]; thậm chí làm cho sự chia rẽ giữa họ ngày càng sâu sắc. Trong đó, do bị mất quyền lợi về chính trị và kinh tế, cộng đồng Hồi giáo dòng Xăn-ni đã tổ chức các cuộc chống đối, bạo loạn nhằm vào các đối tượng: quân chiếm đóng Mỹ, cộng đồng Hồi giáo dòng Xi-ai và cộng đồng người Cuốc. Đây là điều kiện, môi trường thuận lợi để chủ nghĩa khủng bố ở I-rắc hình thành và phát triển. Theo đó, ngày 15-10-2006, Nhà nước Hồi giáo I-rắc (ISI) - một tổ chức khủng bố khét tiếng được thành lập. Ngay sau khi ra đời, ISI đã hợp nhất 11 nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Xăn-ni, hòng kiểm soát 8/18 tỉnh của I-rắc với dân số chủ yếu là người Hồi giáo dòng Xăn-ni sinh sống. Hơn thế, vào thời điểm thành lập, ISI còn dung nạp nhiều sĩ quan và binh sĩ thuộc Quân đội I-rắc (dưới thời Tổng thống Xát-đam Hút-xen), bởi họ có cùng mục tiêu chống lại sự hiện diện của quân Mỹ ở I-rắc. Đặc biệt, ISI còn nhận được sự hậu thuẫn, viện trợ về tài chính, vũ khí của một số nhà nước quân chủ ở Trung Đông, nhằm sử dụng tổ chức này để loại bỏ các đối thủ chính trị của họ trong khu vực. Như vậy, vô hình chung, cuộc chiến tranh I-rắc (năm 2003) do Mỹ phát động không những không tiêu diệt được khủng bố, mà còn gây mầm mống và biến nơi đây thành “thiên đường” của các lực lượng Hồi giáo thánh chiến chuyên coi khủng bố là công cụ để phát huy ảnh hưởng ra khắp thế giới.
Cùng lúc, các biến động chính trị - xã hội ở Bắc Phi - Trung Đông mang tên “Mùa xuân A-rập” cũng là cơ hội cho ISI phát triển; trong đó, nổi lên rất rõ vai trò của các lực lượng Hồi giáo cực đoan trong các quốc gia: Ai Cập, Xy-ri, Li-bi, I-rắc, v.v. Điển hình tại Xy-ri, các tổ chức Hồi giáo cực đoan đã nhanh chóng “hóa thân” thành lực lượng đối lập để thực hiện cuộc nội chiến, nhằm loại bỏ Tổng thống Xy-ri B.An Át-xát. Nhân cơ hội này, ISI đã chuyển hoạt động sang lãnh thổ Xy-ri và đóng vai trò xung kích trong hàng ngũ các lực lượng đối lập, tiến hành cuộc chiến tranh khủng bố tàn bạo tại quốc gia này. Kể từ đây, cùng với nguồn viện trợ từ các thế lực trong và ngoài khu vực, ISI đã đánh chiếm, sở hữu nhiều khu vực khai thác dầu mỏ trọng điểm của Xy-ri, tạo nguồn thu dồi dào cho tổ chức này. Với tiềm lực ngày càng lớn mạnh về lực lượng, tài chính, ngày 09-4-2014, ISI tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo I-rắc và Cận Đông (ISIL) nhằm gây thanh thế với các tổ chức thánh chiến Hồi giáo khác, kể cả An Kê-đa. Theo tiết lộ của giới truyền thông quốc tế, do được một số cơ quan tình báo nước ngoài huấn luyện và trải qua cuộc chiến đẫm máu với Quân đội Xy-ri, các chiến binh của ISIL khá tinh nhuệ trong hoạt động tác chiến. Nhờ đó, ISIL không chỉ mở rộng hoạt động trên lãnh thổ Xy-ri, mà còn tổ chức nhiều đợt tấn công trên lãnh thổ I-rắc. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, ISIL đã giành quyền kiểm soát một loạt thành phố lớn của I-rắc, như: Phu-lu-gia, Mô-xun, Ti-crít, Tan-a-pha, Ba-cu-ba, v.v. thậm chí còn tiến sát Thủ đô Bát-đa, buộc Thủ tướng Ma-li-ki phải ra đi sau 8 năm cầm quyền. Không những thế, ngày 29-6-2014, ISIL tuyên bố thành lập IS (một kiểu nhà nước như chính thể Hồi giáo cầm quyền đã chấm dứt sự tồn tại gần 100 năm sau khi Đế chế Ốt-tô-man sụp đổ) và kêu gọi các tín đồ Hồi giáo cùng đoàn kết để chinh phục thế giới. Trong một đoạn băng được phát trên in-tơ-nét, thủ lĩnh IS tuyên bố: “Xy-ri không chỉ cho người Xy-ri, I-rắc không chỉ cho người dân I-rắc, thế giới là cho người Hồi giáo, cho tất cả các tín đồ Hồi giáo. Đây là lời khuyên của tôi dành cho các bạn. Nếu các bạn lắng nghe nó, bạn sẽ chinh phục được thành Rô-ma và chiếm hữu toàn thế giới”. Điều đó cho thấy tham vọng của IS lớn như thế nào.
Thách thức đối với Mỹ và phương Tây
Cũng giống như tổ chức khủng bố An Kê-đa, IS là sản phẩm được tạo ra từ chính những sai lầm của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, khác với An Kê-đa, IS có tổ chức chặt chẽ, phát triển nhanh, nguy hiểm nhất. IS là thách thức khó vượt qua đối với Mỹ, phương Tây; được thể hiện trên một số phương diện sau:
Thứ nhất, trong những năm qua, nhất là trong thời gian tiến hành cuộc chiến tranh khủng bố tại Xy-ri, nhiều chỉ huy của IS được các cơ quan tình báo phương Tây huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu trên lãnh thổ một số nước, như: I-rắc, Thổ Nhĩ Kỳ, Gioóc-đa-ni, v.v. Ngoài ra, nhiều nhân viên quản lý và điều hành của IS hiện nay đã được đào tạo qua các chương trình quản lý tại một số trường đại học danh tiếng của phương Tây. Những người này hiện đang đóng vai trò then chốt trong bộ máy quản lý, điều hành của IS. Vì thế, Mỹ và đồng minh sẽ phải đối phó với một tổ chức khủng bố có tổ chức chặt chẽ, trình độ quản lý, chỉ huy tương đối bài bản do chính họ đào tạo.
Thứ hai, IS có nguồn lực dồi dào (do kiểm soát được các giếng khai thác dầu ở phía Đông Xy-ri, Bắc I-rắc và các nguồn hỗ trợ khác); có vũ khí, trang bị hiện đại nhất so với các tổ chức khủng bố. Hiện tại, IS sở hữu nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại của nhiều nước trên thế giới, như: Mỹ, Nga, Pháp, I-ran, Trung Quốc, v.v. bao gồm cả vũ khí chống tăng, xe bọc thép, tên lửa phòng không vác vai, pháo hạng nặng, thậm chí cả tên lửa đạn đạo. Những vũ khí, trang bị này được chuyển cho IS bằng nhiều con đường khác nhau, cả công khai và bí mật; trong đó, nạn buôn lậu vũ khí qua biên giới các nước trong khu vực và chiếm hữu từ các cuộc giao tranh đóng vai trò quan trọng. Đây là thách thức không nhỏ đối với bất cứ lực lượng nào muốn đối phó với IS.
Thứ ba, IS đã và đang được một số thế lực trong và ngoài khu vực sử dụng như một công cụ để thực hiện các toan tính địa - chính trị ở khu vực và thế giới. Thông qua sự chiêu mộ và thu hút các phần tử cực đoan từ nhiều nơi trên thế giới của IS, các thế lực này tiến hành hỗ trợ việc đào tạo, huấn luyện, biến các phần tử đó thành những chiến binh khủng bố chuyên nghiệp, tinh thông nghệ thuật chiến tranh bạo loạn để “tung” trở lại cố quốc dưới dạng “hồi hương”, nhằm gây bất ổn về an ninh, chính trị, tạo sức ép buộc chính phủ một số nước phải chấp nhận điều kiện chính trị của họ.
Thứ tư, giải pháp quân sự mà Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu áp dụng đối với IS có nhiều điểm chưa phù hợp. Theo đó, Mỹ và các nước phương Tây không có ý định triển khai quân tác chiến trên bộ, mà chỉ sử dụng đòn không kích, kết hợp với hỗ trợ cho Lực lượng an ninh I-rắc và người Cuốc đương đầu với IS. Tuy nhiên, với năng lực hạn chế của Quân đội I-rắc; việc viện trợ vũ khí cho lực lượng người Cuốc còn nhiều tranh cãi thì khó có thể đánh bại được IS trên thực địa. Về phía IS, lực lượng này lại không tác chiến “tập trung”, “quy mô lớn” mà hoạt động linh hoạt, phân tán, có khả năng thay đổi địa bàn tác chiến dễ dàng từ I-rắc tới Xy-ri, Gioóc-đa-ni, v.v. và các thành phố của phương Tây. Do đó, các đòn không kích vừa qua của Mỹ và Liên minh không những không làm tê liệt được IS, mà còn kích thích chúng hoạt động tinh vi, linh hoạt hơn. Theo các chuyên gia quân sự, muốn đánh bại IS, nhất thiết phải có lực lượng trên bộ mạnh. Song, việc triển khai lực lượng này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước. Thậm chí, ngay cả khi đưa lực lượng bộ binh vào tham chiến, triển vọng cục diện chống IS cũng hết sức khó khăn, bởi hơn 100.000 quân Mỹ và khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từng tham chiến ở Áp-ga-ni-xtan hơn 10 năm cũng không đánh bại được Ta-li-ban.
Thứ năm, IS không phải là một tổ chức có hệ tư tưởng khác biệt với các nhóm Hồi giáo cực đoan khác, mà thực chất đó là sự mở rộng hệ tư tưởng cực đoan tồn tại trong An Kê-đa, Ta-li-ban, ở vùng Vịnh hay đường phố châu Âu, v.v. Vì vậy, ngay cả khi IS tan rã thì hệ tư tưởng của nó vẫn tồn tại, nên cuộc chiến chống IS có thể sẽ kéo dài, lan rộng và có tác động không nhỏ tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới./.
NGÔ QUYỀN
_________________
[1]- Gồm: cộng đồng người Hồi giáo dòng Xăn-ni, dòng Xi-ai và cộng đồng người Cuốc.
IS,
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ