Thứ Bảy, 03/05/2025, 10:45 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Hơn một năm qua, mặc dù bị Mỹ và Liên minh quốc tế không kích dữ dội, nhưng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng không những không yếu đi, mà còn tiếp tục mạnh lên. Tại sao vậy? Và hiểm họa từ tổ chức khủng bố này đối với an ninh khu vực và thế giới ra sao? Đây là câu hỏi đang được dư luận quan tâm sâu sắc.
Đứng vững trước các cuộc không kích
Theo giới nghiên cứu quốc tế, sự ra đời của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là hệ quả của làn sóng bất ổn thứ ba1 ở Trung Đông, có nguồn gốc trực tiếp từ cuộc chiến tranh I-rắc (năm 2003). Ban đầu, IS vốn là một nhóm nhỏ nhưng thiện chiến của người Hồi giáo dòng Xăn-ni với danh xưng An Kê-đa I-rắc (AQI). Năm 2014, tổ chức này tiến vào miền Đông Xy-ri, đổi tên là Nhà nước Hồi giáo ở I-rắc và Cận đông (ISIS); sau đó, tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo tự xưng vào ngày 29-6-2014 và đặt thủ đô ở A-rắc (Xy-ri).
Mục đích của IS là thiết lập một nhà nước Hồi giáo thống nhất toàn Trung Đông, áp dụng luật Hồi giáo Sa-ri nhằm kiểm soát người Hồi giáo trên toàn thế giới. Nhưng qua các hành động hiện nay, thế giới đều cho rằng, IS là một tổ chức khủng bố khét tiếng tàn bạo và là hiểm họa của nhân loại. Điều này càng được khẳng định khi IS coi những nhà nước thế tục khác tại Trung Đông là đi ngược lại các nguyên tắc “thánh khiết” của đạo Hồi. Thậm chí, IS còn quy chụp cho người Hồi giáo dòng Si-ai là những kẻ phản đạo, phải bị trừng trị; đồng thời, chủ trương tiêu diệt cả người Ki tô giáo và người dân tộc thiểu số ở những vùng mà chúng chiếm đóng. Trên thực tế, IS đã tàn sát hàng nghìn người dân vô tội bằng những biện pháp hết sức tàn khốc. Vì thế, IS bị cả thế giới lên án và một Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu được thành lập, đã tiến hành các cuộc không kích rộng khắp từ I-rắc đến Xy-ri, nhằm tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, với thủ đoạn tinh vi, thông thạo địa bàn và thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, nên IS không hề suy yếu, thậm chí còn lớn mạnh và hoạt động táo tợn hơn. Theo các chuyên gia quân sự, sở dĩ như vậy, bởi một mặt, IS hăm dọa dân chúng để gây thanh thế, lôi kéo nguồn nhân lực, trả lương cao cho các chiến binh, nhằm thu hút các phần tử cực đoan ở khắp nơi. Mặt khác, chúng chủ động đánh chiếm, kiểm soát các khu vực quan trọng về chiến lược, như: ngân hàng, nhà máy lọc dầu, thủy điện, đập nước và các địa bàn có giá trị quân sự, làm chỗ đứng chân và cung cấp tài chính lâu dài. Hiện nay, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, nhất là thông qua mạng xã hội (Facebook, Twitter,…) với nhiều ngôn ngữ khác nhau (tiếng Ả-rập, Anh, Đức, Nga,…), IS đã thu nạp được hàng nghìn người đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài các chiến binh thánh chiến Trung Đông, phần lớn các chiến binh đến từ nơi khác đều mang nặng tư tưởng Hồi giáo. Tuy nhiên, trong số đó, cũng không ít “tình nguyện viên” tham gia IS là những kẻ bất mãn, thích cảm giác mạnh và không được xã hội trọng dụng, v.v. Họ chỉ đơn thuần coi IS là một “ông chủ” mới và tốt. Đến nay, ước tính lực lượng IS có khoảng trên 20.000 tên, có nhiều tổ chức đồng minh.
Để bảo đảm cho hoạt động của mình, IS tăng cường tạo các nguồn thu tài chính thông qua nhiều con đường. Theo đó, cùng với nguồn thu từ bán dầu mỏ, IS thực hiện “áp thuế” lên mọi thành phần kinh tế trên khu vực chiếm đóng, kể cả đối với người không phải là Hồi giáo. Trong đó, đáng kể nhất là kiểm soát, thu thuế hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu toàn bộ diện tích trồng lúa mì rộng lớn, chiếm khoảng 40% sản lượng lúa mì của I-rắc. Bên cạnh đó, IS còn thu qua các kênh không chính thức, thông qua sự tài trợ bí mật của một số quốc gia, tổ chức quốc tế và được công dân ở một số nước đóng góp, tiền chuộc do bắt cóc con tin, v.v. Nhờ đó, IS có tiềm lực tài chính mạnh nhất trong các tổ chức khủng bố hiện nay.
Hiểm họa từ IS đối với khu vực và thế giới
Mặc dù chiến dịch quân sự của Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chống IS được triển khai tích cực, sâu rộng trên lãnh thổ I-rắc và Xy-ri và hiện đang bước vào giai đoạn quyết liệt, nhưng mục tiêu tiêu diệt phiến quân IS trong thời gian ngắn dường như là điều không thể. Theo các nhà phân tích quốc tế, IS hiện vẫn tồn tại và tiếp tục là mối hiểm họa, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực Trung Đông và toàn thế giới.
Đối với khu vực Trung Đông, IS đã và đang là mối hiểm họa kinh hoàng và tạo ra sự biến đổi đáng kể về tương quan địa - chính trị. Các hoạt động đánh chiếm lãnh thổ, tàn sát dân thường của IS đã buộc các cường quốc khu vực và thế giới phải điều chỉnh chính sách của mình. Ví như, để đối phó với IS, các nước: I-ran, A-rập Xê-út, Ai-cập,… phải tái định hình quan hệ mỗi bên với Mỹ và đặt Mỹ vào vị trí trung tâm của khu vực. Không những thế, hoạt động của IS ở khu vực còn gây căng thẳng giữa người Cuốc (ở Bắc I-rắc và Thổ Nhĩ Kỳ) với người Hồi giáo dòng Si-ai; tạo liên kết với lực lượng đối lập ở Xy-ri,… làm cho cuộc chiến phe phái ở Trung Đông vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. Mặt khác, sự tồn tại của IS sẽ buộc chiến dịch quân sự của Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu phải kéo dài, không chỉ gây thiệt hại cho từng quốc gia mà còn làm tăng khả năng can thiệp quân sự ở khu vực. Điều này sẽ làm gia tăng bất bình đẳng, đói nghèo, môi trường bị tàn phá và sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan, bạo lực. Cùng với đó, sự tồn tại của IS còn là cơn ác mộng tấn công bạo lực đối với người dân; vi phạm nghiêm trọng quyền con người, nhất là các quyền được sống, quyền được đối xử nhân đạo, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, các quyền của trẻ em, phụ nữ của các nhóm người thiểu số ở khu vực.
Sự tồn tại và hoạt động khủng bố tàn bạo của IS còn gây hiểm họa lâu dài cho nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những nước có công dân tham gia phiến quân IS. Theo một số nguồn tin, trong các trại huấn luyện của IS ở vùng biên giới Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ, hàng nghìn tay súng nước ngoài được huấn luyện quân sự và trang bị niềm tin tôn giáo mù quáng rồi trở về quê hương gieo rắc nguy cơ khủng bố ngay trên chính mảnh đất sinh ra họ. Hiện nay, IS đang chiêu mộ và thu hút lực lượng từ khắp nơi trên thế giới (có độ tuổi từ 15 đến 17) tới Xy-ri chiến đấu. Số này chủ yếu đến từ châu Âu, châu Mỹ hay Ô-xtrây-li-a,… hầu hết không có tiền án, tiền sự, không có hành vi chống đối xã hội, nhưng mong muốn có thu nhập cao và được khẳng định bản thân. Cũng có người thể hiện động lực đấu tranh cho IS với nghĩa vụ tôn giáo, nhằm bảo vệ người Hồi giáo khỏi những cuộc tiến công từ “nền văn minh” phương Tây, v.v. Gần đây, hệ quả của những vụ tấn công ở châu Âu của IS đã tác động làm gia tăng sự phân cực chính trị ở châu lục này. Đặc biệt, các vụ tấn công xảy ra tại ba nơi khác nhau (Tuy-ni-di, I-rắc, Pháp) và gần như đồng thời vào cuối tháng 6-2015 mang đến cảm giác rằng, IS có thể gieo rắc tai họa ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào.
Tư tưởng Hồi giáo cực đoan cũng bén rễ ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á, khiến hàng nghìn thanh niên đạo Hồi, dù sinh ra và lớn lên cách Trung Đông hàng nghìn ki-lô-mét nhưng “trái tim lại hướng về IS”. Gần đây, chính quyền các nước Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Sin-ga-po đã phát hiện đường dây quyên góp tài chính và tuyển mộ chiến binh cho IS và đã có biện pháp ngăn chặn quyết liệt. Không dừng lại ở đó, IS còn lan sang Trung Quốc - nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố từ các phong trào tôn giáo cực đoan, nhất là các nhóm Hồi giáo cực đoan người Duy Ngô Nhĩ.
Như vậy, sự đe dọa về an ninh của IS không chỉ đối với khu vực Trung Đông, mà còn tác động tới toàn thế giới với những thủ đoạn, phương thức cực đoan, khó lường. Vì vậy, việc giải quyết cấp bách vấn đề IS không chỉ là trách nhiệm của khu vực Trung Đông mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế, nhằm mang lại hòa bình và chất lượng sống tốt hơn cho người dân. Vừa qua, chiến dịch quân sự của Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chống IS tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng chưa hướng vào giải quyết những vấn đề căn cốt nhất, không thể kéo dài mãi và càng không phải là phương tiện hữu hiệu, duy nhất để có thể quét sạch mầm mống, gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan. Dư luận quốc tế cho rằng, sự trỗi dậy, hoành hành của phiến quân IS thực chất là cuộc khủng hoảng, xung đột của thế giới A-rập. Cuộc khủng hoảng này phải do chính người A-rập giải quyết theo hướng đoàn kết, hòa hợp dân tộc, tôn giáo và phe phái để cùng chung sống hòa bình. Đồng thời, rất cần sự chung tay, phối hợp của tất cả các nước, các dân tộc và cộng đồng tôn giáo trên toàn thế giới trong việc lên án, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời chủ nghĩa cực đoan, bạo lực cùng các phần tử của nó ở mọi nơi, mọi lúc và trên mọi địa bàn. Chỉ có như vậy, chủ nghĩa cực đoan, khủng bố mới có thể bị đẩy lùi ở từng quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới.
Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN HỒNG QUÂN, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng ___________________
1 - Làn sóng thứ nhất bắt đầu với sự sụp đổ của Đế chế Ốt-tô-man sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Làn sóng thứ hai diễn ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi trật tự thực dân châu Âu sụp đổ. Làn sóng thứ ba đạt tới đỉnh điểm khi trật tự do Mỹ chi phối ở Trung Đông mất dần và được thay thế bởi sự hỗn loạn khu vực kéo dài.
IS,an ninh khu vực,toàn cầu
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực 21/04/2025
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025 10/04/2025
BRICS mở rộng - cơ hội và thách thức đối với ASEAN 24/03/2025
Định hình chính sách quốc phòng, an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump 10/03/2025
Xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ 17/02/2025
Cơn địa chấn chính trị Syria và sự tác động đến an ninh khu vực, thế giới 10/02/2025
Đôi nét về “học thuyết hạt nhân” mới của Liên bang Nga 23/01/2025
10 sự kiện quân sự, quốc phòng nổi bật trên thế giới năm 2024 04/01/2025
Nhìn lại cục diện chính trị, quân sự thế giới năm 2024 30/12/2024
Những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng mới của Canada 23/12/2024
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực