Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 14/08/2015, 13:36 (GMT+7)
Thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của I-ran và tác động của nó tới cục diện chính trị thế giới

Qua ba lần “lỡ hẹn” và nhiều ngày đàm phán căng thẳng, ngày 14-7-2015, nhóm P5+11 và I-ran đã đạt được thỏa thuận toàn diện, cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran. Đây là thỏa thuận lịch sử, không chỉ khép lại một trong những hồ sơ gai góc nhất trong quan hệ quốc tế, mà còn tác động mạnh mẽ tới cục diện chính trị khu vực và quốc tế.

Đại diện Iran và nhóm P5+1 nhóm họp ở Vienna (Ảnh: In-tơ-nét)

Diễn ra từ ngày 27-6-2015, vòng đàm phán cuối cùng, mang tính quyết định về chương trình hạt nhân của I-ran được xem là kéo dài, căng thẳng và kịch tính nhất so với các vòng đàm phán trước, trong gần 12 năm qua. Theo giải thích của giới ngoại giao, đó là phương cách linh hoạt để tìm kiếm một thỏa thuận có “chất lượng” hơn là chấp nhận một sự nhất trí chỉ để nhằm tuân thủ thời hạn chót. Tuy nhiên, giới quan sát lại cho rằng, những tranh cãi kịch tính vào phút chót kỳ thực là những toan tính của các bên cốt sao để chỉ phải nhượng bộ ít nhất. Vì vậy, kết quả vừa đạt được giữa nhóm P5+1 và I-ran được đánh giá là một “thỏa thuận tốt” cho tất cả các bên.

Nội dung chủ yếu của Thỏa thuận

Với một văn kiện thỏa thuận chính cùng năm phụ lục kỹ thuật (gồm: vấn đề hạt nhân, biện pháp trừng phạt, hợp tác hạt nhân dân sự, thành lập ủy ban chung và trình tự triển khai thực hiện), thỏa thuận mới đã được ký chính thức sau phiên họp toàn thể giữa các bên tại Viên (Áo), thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:

Trước hết, I-ran chấp nhận giảm 2/3 số máy làm giàu u-ra-ni trong vòng 10 năm; trong đó, loại máy ly tâm thế hệ IR-1 chỉ được vận hành ở con số 5.000 trong tổng số 6.100 máy đã được lắp đặt. Lượng u-ra-ni làm giàu của I-ran (khoảng 7.537 kg đã làm giàu ở mức thấp) sẽ giảm xuống còn 300 kg nguyên liệu phân hạch và chỉ được làm giàu ở mức 3,67% trong vòng 15 năm. Phần còn lại của kho nguyên liệu sẽ được xử lý để trở thành u-ra-ni nguyên bản hoặc được vận chuyển ra nước ngoài. Thỏa thuận mới cho phép I-ran tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển chương trình hạt nhân dân sự; trong đó có sử dụng các máy ly tâm thế hệ mới, như: IR-4, IR-5, IR-6 và IR-8 trong vòng 10 năm tới, song các máy này không được tham gia quá trình làm giàu  u-ra-ni.

Đối với các lò phản ứng hạt nhân của I-ran, nhất là lò phản ứng nước nặng A-rắc (đã bắt đầu xây dựng), Tê-hê-ran chấp nhận thay đổi thiết kế nhằm loại bỏ khả năng sản xuất plu-tô-ni để chế tạo bom hạt nhân. I-ran cũng đồng ý thực hiện và sau đó phê chuẩn Nghị định thư bổ sung vào Hiệp định bảo đảm an toàn hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nhằm giúp cơ quan này thêm khả năng tiếp cận các căn cứ quân sự của I-ran. Mặc dù I-ran có quyền từ chối yêu cầu tiếp cận những khu vực trên của các thanh sát viên, song một ủy ban quốc tế có thể phủ quyết mọi sự phản đối của Tê-hê-ran thông qua bỏ phiếu.

Về cơ chế tái áp đặt các lệnh trừng phạt sẽ được tự động thiết lập nếu I-ran không tuân thủ Thỏa thuận. Tuy nhiên, theo Thỏa thuận vừa đạt được, cơ chế này sẽ được thực hiện trong vòng 65 ngày và được duy trì ít nhất trong 10 năm. Bên cạnh đó, lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với I-ran tiếp tục duy trì trong 5 năm và lệnh cấm nước này mua công nghệ để chế tạo tên lửa đạn đạo sẽ thực hiện trong 8 năm nữa.

Đổi lại, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với I-ran về năng lượng, tài chính, hàng không và hàng hải sẽ được dỡ bỏ. Ngoài ra, các ngân hàng của I-ran có quyền tiếp cận và tham gia hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT). Theo đó, hàng tỷ USD tài sản của I-ran bị đóng băng ở nước ngoài sẽ không còn bị phong tỏa, v.v.

Tóm lại, Thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran đi vào ba vấn đề chính: I-ran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân ít nhất trong một thập kỷ; quốc tế dỡ bỏ cấm vận chống Tê-hê-ran; các biện pháp kiểm soát chương trình hạt nhân của nước này. Như vậy, về bản chất, Thỏa thuận này không buộc I-ran phải phá bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân theo yêu sách của phương Tây đưa ra vào năm 2003. Thay vào đó, quốc tế tập trung giám sát, hạn chế và kiểm soát chặt chẽ các cơ sở hạ tầng với mục đích ngăn chặn Tê-hê-ran tái khởi động bí mật sản xuất vũ khí hủy diệt. Phát biểu trên truyền thông Pháp, ông A. Va-ép - chuyên gia về I-ran của tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) khẳng định: thỏa thuận cuối cùng được các bên ký kết là một thành công chưa từng có của ngoại giao đa phương về một vấn đề lớn liên quan đến an ninh tập thể. Còn chính giới của nhiều nước thì cho rằng, tuy tập trung vào một khía cạnh hẹp, song Thỏa thuận trên có liên quan đến tất cả các vấn đề giữa Tê-hê-ran và phần còn lại của thế giới, bởi I-ran là một nhân tố quan trọng, không thể bỏ qua ở khu vực và quốc tế.

Tác động của Thỏa thuận tới cục diện chính trị Trung Đông và thế giới

Theo nhận định của giới phân tích chính trị quốc tế, tuy ở các mức độ khác nhau, nhưng thỏa thuận mới có thể tạo ra nhiều thay đổi địa chiến lược ở Trung Đông và thế giới.

Đối với khu vực Trung Đông, thỏa thuận mới sẽ giúp I-ran minh bạch về chương trình phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình của nước này. Qua đó, xây dựng lòng tin với các nước trong khu vực, làm thay đổi toàn bộ mối quan hệ các nước ở Trung Đông và quan trọng hơn là ngăn chặn, tiến tới chấm dứt khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân tại khu vực. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ bùng phát một cuộc chạy đua vũ trang giữa quốc gia Hồi giáo I-ran theo dòng Xi-ai với các quốc gia Hồi giáo theo dòng Xăn-ni tại vùng Vịnh. Không những thế, khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, I-ran có điều kiện tiếp cận các nguồn tài chính, đầu tư từ bên ngoài, làm cho vai trò, vị thế của nước này ở khu vực không ngừng tăng lên. Trong bối cảnh ấy, I-ran có điều kiện hợp tác với các nước để giải quyết các vấn đề của khu vực, như: sử dụng ảnh hưởng tại Xy-ri để mang lại một thỏa thuận ngừng bắn giữa các lực lượng của chính phủ và phiến quân, mở đường cho việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp, hoặc hợp tác để chấm dứt chiến sự tại Y-ê-men cũng như hợp tác chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao I-ran G. Da-ríp tuyên bố: chúng tôi sẵn sàng mở ra các hướng mới để đương đầu với mối đe dọa chung là sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Ông cũng cho rằng, để đối phó với thách thức mới này, cần có những cách tiếp cận mới.

Trái lại, nếu ảnh hưởng của Thỏa thuận làm các nước trong khu vực cảnh giác hơn với I-ran, căng thẳng khu vực tăng lên thì tác động tích cực từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với kinh tế I-ran là không đáng kể. Theo các nhà quan sát, trên thực tế, việc chấm dứt cô lập Tê-hê-ran có thể khiến một số nước láng giềng của I-ran quan ngại, rằng I-ran sẽ trở nên hùng mạnh hơn và thách thức ảnh hưởng của các nước A-rập vùng Vịnh; từ đó, họ lại tăng cường tìm kiếm sự bảo đảm an ninh từ Mỹ. Thậm chí, không loại trừ khả năng quan hệ giữa I-ran và I-xra-en - quốc gia Trung Đông luôn phản đối bất kỳ một thỏa thuận nào về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran - có thể sẽ diễn biến phức tạp. Vì thế, tác động của thỏa thuận hạt nhân mới đối với cục diện chính trị khu vực đi theo chiều hướng nào đều phụ thuộc rất lớn vào sự năng động chính trị của I-ran. Trong khi đó, phe bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa lại luôn coi thỏa thuận trên là công cụ cần thiết để xóa bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và tăng cường khả năng quân sự thông thường của I-ran. Đây là thách thức không nhỏ đối với Tổng thống I-ran H. Râu-ha-ni và những người theo chủ nghĩa ôn hòa ở quốc gia Hồi giáo này.

Đối với thế giới, thỏa thuận mới có thể tạo bước khởi đầu có tính đột phá cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và I-ran đã từng bị gián đoạn từ năm 1980 sau cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tê-hê-ran. Từ đó, mở ra một chương hợp tác mới, công khai, bình đẳng giữa hai nước; trên cơ sở đó, tạo khả năng to lớn trong giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Xy-ri, Y-ê-men và chống lại phiến quân IS. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, hai bên cần vượt qua nhiều rào cản cả ở trong và ngoài nước mà phải mất nhiều năm nữa mới có thể đạt được. Cùng với đó, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ đưa I-ran trở thành quốc gia có khả năng cung cấp dầu mỏ, khí đốt tiềm năng cho thị trường thế giới. Với trữ lượng khí đốt, dầu mỏ đứng hàng thứ 2 và thứ 4 thế giới cùng khả năng khai thác và xuất khẩu khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày, I-ran sẽ tạo ảnh hưởng không nhỏ đối với thị trường năng lượng toàn cầu, trước hết là đối với châu Âu, góp phần đa dạng hóa nguồn cung cho châu lục này. Đồng thời, thỏa thuận mới cũng mở ra cơ hội cho các công ty nước ngoài đầu tư vào I-ran, nhất là trong lĩnh vực khai thác dầu khí. Hiện nay, các tập đoàn lớn của Đức, Pháp và Nga,… đã có kế hoạch khảo sát thị trường I-ran. Các hãng hàng không của nhiều nước cũng nhanh chóng xây dựng các chặng bay tới I-ran để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, v.v. Trên nền tảng đó, I-ran sẽ tích cực tham gia các đề án liên kết khu vực trên lục địa Á - Âu, như: Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO),… và có nhiều khả năng sẽ được kết nạp vào tổ chức này trong năm 2016.

Cùng với tác động về địa kinh tế, Thỏa thuận về chương trình hạt nhân của I-ran cũng đã và đang tác động tới địa chiến lược ở châu Âu, nhất là kế hoạch chiến lược của Mỹ và khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về bố trí hệ thống tên lửa phòng thủ. Trước đây, để biện minh cho kế hoạch này (trước sự phản đối của Nga), Mỹ và NATO đã giải thích rằng, hệ thống tên lửa phòng thủ châu Âu không nhằm vào Nga, mà chủ yếu chống lại tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của I-ran. Nay, mối đe dọa này không còn nữa sẽ đẩy kế hoạch “lá chắn tên lửa” do Mỹ dày công xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản.

Tất cả những vấn đề trên cho thấy, hiện hãy còn quá sớm để có thể kiểm chứng những tác động nhiều chiều của Thỏa thuận đối với khu vực và thế giới. Song, trên bình diện quốc tế, nó đã khẳng định một điều chắc chắn rằng, biện pháp ngoại giao và hợp tác có thể giúp các nước vượt qua những căng thẳng, đối đầu, cho dù điều đó phức tạp đến mức nào. Đây là một tiền lệ tốt để mở ra hy vọng giải quyết các “điểm nóng” trên thế giới bằng con đường hòa bình, phi bạo lực.

PGS, TS. ĐỒNG XUÂN THỌ
____________

1 - Gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...