Chủ Nhật, 24/11/2024, 01:17 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 02-4-2015, sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng, nhóm P5+11 và I-ran đã đạt được Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran. Đây là bước tiến quan trọng, mở đường cho một thỏa thuận cuối cùng giữa các bên. Điều đó tác động trực tiếp đến cục diện chính trị ở khu vực.
Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng Iran và nhóm P5+1 đã đạt được Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân (ảnh: AFP/VOV)
Những vấn đề chính được thảo luận, nhất trí trong Thỏa thuận
Sau 8 ngày thương lượng căng thẳng, nhóm P5+1 và I-ran đã đạt được Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran, với các điểm cơ bản sau:
1. I-ran sẽ cắt giảm số máy li tâm từ 19.000 như hiện nay xuống còn 6.104 máy; trong đó có 5.060 máy (chiếm 83%) thuộc thế hệ cũ chỉ có khả năng làm giàu u-ra-ni ở cấp độ thấp hơn nhiều lần so với các máy hiện đại mà nước này dự kiến lắp đặt; đồng thời, cam kết chỉ làm giàu u-ra-ni ở cấp độ thấp và giảm kho nhiên liệu làm giàu từ 10.000 kg hiện nay xuống còn 300 kg trong vòng 15 năm.
2. Thời gian làm giàu đủ số u-ra-ni cho một vũ khí hạt nhân của I-ran bị khống chế tối thiểu là 1 năm trong thời hạn ít nhất là 10 năm.
3. I-ran cam kết sẽ không tiến hành các cuộc nghiên cứu liên quan đến việc làm giàu u-ra-ni cũng như phát triển hoặc trữ nguyên liệu phân hạch tại cơ sở Phô-đo trong cùng thời gian kể trên.
4. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ sử dụng “những công nghệ hiện đại và tân tiến nhất” để giám sát hoạt động của các cơ sở làm giàu u-ra-ni (cả cũ và mới) của I-ran. Tê-hê-ran cũng cho phép IAEA “được tiếp cận và thu thập nhiều thông tin hơn về chương trình hạt nhân I-ran, bao gồm cả các cơ sở công khai và bí mật”.
5. I-ran phải thiết kế lại lò phản ứng A-rắc (sắp xây dựng xong) và chấp nhận chuyển ra nước ngoài toàn bộ số nhiên liệu đã sử dụng (có chứa nguyên liệu phân hạch) trong suốt thời gian vận hành của lò phản ứng.
6. Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt sẽ được dỡ bỏ sau khi IAEA xác nhận I-ran đã tuân thủ nghiêm túc những cam kết của mình. Trong trường hợp I-ran vi phạm, các lệnh trừng phạt này sẽ được khôi phục ngay lập tức.
Có thể nói, nội dung của Thỏa thuận khung đã thể hiện sự nỗ lực và nhượng bộ lớn của các bên, nhất là việc đưa ra các giải pháp mang tính kỹ thuật và xây dựng lòng tin lẫn nhau. Các nhà phân tích và chính giới nhiều nước cho rằng, về mặt lý thuyết, đây là cơ sở để đi tới thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của I-ran (vào tháng 6 tới), song đó là mục tiêu đầy khó khăn, phức tạp, bởi nó phải chịu sự tác động nhiều chiều cả ở khu vực và thế giới.
Tác động của Thỏa thuận khung tới cục diện chính trị Trung Đông
Mặc dù chưa có sự giàng buộc nhiều về pháp lý, nhưng Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran đã, đang là tác nhân quan trọng đối với cục diện chính trị khu vực trên cả hai bình diện: tích cực và tiêu cực.
Về mặt tích cực, Thỏa thuận này cho phép I-ran hợp pháp hóa quyền được phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, mở ra trang mới để nước này phát triển đất nước và hội nhập vào không gian kinh tế, chính trị khu vực và toàn cầu. Trên cơ sở đó, Tê-hê-ran sẽ phát huy vai trò, ảnh hưởng để tham gia giải quyết các vấn đề chính trị của khu vực và thế giới, nhất là tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xy-ri và Y-ê-men, v.v. Hơn nữa, nếu Thỏa thuận được các bên nghiêm chỉnh thực hiện rất có thể tạo đà cho I-ran gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế, như: Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), thậm chí còn tham gia thị trường khí đốt ở châu Âu, góp phần đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng cho châu lục này. Điều này có thể tác động làm thay đổi cục diện chính trị trên lục địa Á - Âu, hướng tới xây dựng một không gian hợp tác kinh tế thống nhất trên hai châu lục.
Mặt khác, tác động của Thỏa thuận còn làm gia tăng ảnh hưởng tích cực của Oa-sinh-tơn đối với khu vực Trung Đông và thế giới Hồi giáo (vốn vẫn coi Mỹ là kẻ thù truyền kiếp). Qua đó, sẽ giúp Mỹ lấy lại vị thế trong việc hóa giải các “điểm nóng” trong thế giới Hồi giáo cũng như giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, Thỏa thuận không chỉ tạo ra khả năng giúp Mỹ ngăn chặn I-ran phát triển vũ khí hạt nhân, mà còn hóa giải được nguy cơ chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân ở khu vực. Rõ ràng, Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran đem lại lợi ích cho cả Mỹ, Nga, Trung Quốc, châu Âu, I-ran và các nước trong khu vực. Chính vì lẽ đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun đã cho rằng, Thỏa thuận khung vừa đạt được sẽ mở đường cho việc củng cố hòa bình và ổn định ở Trung Đông.
Tuy nhiên, việc đạt được Thỏa thuận khung vừa qua cũng tác động tiêu cực tới cục diện an ninh khu vực. Điều đó được biểu hiện rõ nét khi các nước A-rập, nhất là A-rập Xê-út và I-xra-en đã bất chấp những “trấn an” của Mỹ phản đối mạnh mẽ Thỏa thuận trên và coi đó là kẽ hở để Tê-hê-ran đẩy mạnh hơn tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân, đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực. Thậm chí, ngay sau khi Thỏa thuận được các bên ký kết, chính giới I-xra-en đã lên tiếng chỉ trích và coi đây là “một sai lầm lịch sử khiến thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn nữa”. Còn A-rập Xê-út, do lo ngại I-ran sau khi được gỡ bỏ sự kiềm chế về tài chính sẽ tăng cường hoạt động can thiệp ở khu vực, mà trước hết là hậu thuẫn phiến quân Hu-thi (ở quốc gia láng giềng), nên đã thành lập một liên minh quân sự gồm 10 nước A-rập tiến hành không kích trên khắp Y-ê-men, làm cho tình hình khu vực Trung Đông càng thêm căng thẳng. Không những thế, trong nội bộ I-ran luôn tồn tại cuộc đấu tranh chính trị gay gắt giữa phái ôn hòa và lực lượng bảo thủ về vấn đề hạt nhân của nước này; trong đó, lực lượng có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa luôn chủ trương không nhượng bộ trước Mỹ và phương Tây.
Tác động của Thỏa thuận tới một số nước lớn có ảnh hưởng và lợi ích ở I-ran
Đối với Mỹ, xuất phát từ sự cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gay gắt với Nga và Trung Quốc ở Trung Đông và phạm vi toàn cầu, nên mục tiêu không thay đổi của Oa-sinh-tơn là lật đổ chế độ đương nhiệm ở Tê-hê-ran, dựng lên một chính phủ mới thân Mỹ và phương Tây, hòng khống chế nguồn dầu mỏ khổng lồ của nước này và eo biển chiến lược Hoóc-mút. Để thực hiện mục đích trên, Mỹ đã dùng mọi biện pháp, như: cáo buộc I-ran “vi phạm nhân quyền”, “tài trợ và bao che khủng bố”, “phát triển vũ khí hủy diệt”,… để kích động phản đối trong nước, đe dọa tiến công quân sự và áp đặt, siết chặt các biện pháp trừng phạt Tê-hê-ran. Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ và phương Tây đã không khuất phục được I-ran và buộc phải ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này. Theo các nhà quan sát, mặc dù coi I-ran là kẻ thù không đội trời chung và bị phe diều hâu trong Quốc hội Mỹ cùng các đồng minh thân cận ở Trung Đông phản đối, song chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma vẫn mong muốn giải quyết cuộc xung đột khó khăn nhất trong hai năm cuối của nhiệm kỳ bằng một thỏa thuận hạt nhân với Tê-hê-ran. Chính giới Mỹ và nhiều nước phương Tây khác nhận rõ rằng, nếu cứ kéo dài tình hình đối đầu như vừa qua sẽ chẳng bên nào có lợi. Không chỉ I-ran điêu đứng vì các lệnh cấm vận mà ngay cả Mỹ và phương Tây cũng chịu nhiều thiệt hại khi giới đầu tư công nghiệp, nhất là công nghiệp dầu mỏ của họ phải đứng nhìn các đối tác khác làm ăn với I-ran. Hơn nữa, đối với Mỹ, việc đi đến một thỏa thuận sẽ chấm dứt những năm tháng thù địch và mở ra một chương mới trong quan hệ với I-ran nói riêng, thế giới Hồi giáo nói chung, có lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, Thỏa thuận này cũng làm gia tăng sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền Mỹ; quan hệ giữa Oa-sinh-tơn với các đồng minh chủ chốt ở Trung Đông thêm phần “sứt mẻ”, thậm chí xu hướng hoài nghi, rời xa Mỹ để quan hệ với các nước phương Tây khác đang là sự lựa chọn của một số nước Vùng Vịnh.
Về phía Nga, I-ran là một quốc gia then chốt để Mát-xcơ-va phát triển ảnh hưởng ở Trung Đông; đồng thời, hạn chế sự chi phối của các nước khác đối với khu vực này và ở vùng Trung Á. Thông qua quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và quốc phòng, nhất là hợp tác trên lĩnh vực kỹ thuật quân sự và hạt nhân, Nga đã, đang trở thành đối tác chiến lược không thể thiếu của I-ran. Những năm gần đây, Mát-xcơ-va không chỉ ký nhiều hiệp định hợp tác với Tê-hê-ran về cung cấp các loại vũ khí hiện đại (xe tăng T72, máy bay MiG-29, Su-24MK, tên lửa phòng không S-200, S-300,…) mà còn đầu tư xây dựng các lò phản ứng hạt nhân và nhà máy điện nguyên tử ở Bu-se-ra với số vốn lên tới hàng tỷ USD, góp phần tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng cho quốc gia Hồi giáo này. Mặc dù vậy, việc đạt được Thỏa thuận khung vừa qua giữa các bên cũng đồng nghĩa với nguồn dầu mỏ của I-ran không bị “bóp nghẹt”, mà có thể vươn tới châu Âu, Trung Quốc,… sẽ trực tiếp cạnh tranh với Nga gay gắt.
Với vai trò ngày một gia tăng trong nền chính trị và kinh tế toàn cầu, Trung Quốc có nhiều lợi ích khi phát huy ảnh hưởng ở I-ran. Điều này được khẳng định khi những năm gần đây, I-ran trở thành một trong những đối tác chủ yếu cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, 25 năm qua, mỗi năm I-ran cung cấp cho nước này trên 10 triệu tấn khí đốt hóa lỏng và trở thành một trong những quốc gia bảo đảm năng lượng lớn nhất của Bắc Kinh. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước liên tục tăng, từ 1,3 tỷ USD (năm 2000) lên gần 80 tỷ USD (năm 2015) cho dù I-ran bị Mỹ và phương Tây siết chặt các biện pháp trừng phạt. Cùng với mặt hàng dầu khí, hiện có hàng trăm công ty của Trung Quốc đang đầu tư vào I-ran trên nhiều lĩnh vực, như: đóng tàu, sản xuất thép, xây dựng sân bay, cảng biển,... với tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ USD. Tuy nhiên, nếu các lệnh trừng phạt đối với Tê-hê-ran được gỡ bỏ (theo tiến trình của Thỏa thuận), thì thị phần đầu tư của Trung Quốc ở I-ran cũng bị ảnh hưởng theo hướng thu hẹp và khó khăn hơn, bởi họ phải cạnh tranh với giới đầu tư của Mỹ và phương Tây đối với thị trường tiềm năng này.
Dư luận quốc tế cho rằng, mặc dù bản Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran có tác động nhiều chiều đến cục diện chính trị khu vực và các nước lớn có liên quan, song về cơ bản nó đã vạch ra đường hướng lớn để đi đến thỏa thuận cuối cùng. Đây là cơ hội để các bên tiếp củng cố lòng tin, duy trì nỗ lực, tuân thủ các cam kết và hợp tác nhằm đạt được mục tiêu đề ra, trên tinh thần xây dựng vì hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới./.
PGS, TS. ĐỒNG XUÂN THỌ _____________
1 - Gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức
Thỏa thuận,hạt nhân I-ran
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ