Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Ba, 29/06/2021, 06:32 (GMT+7)
Thỏa thuận khai thác dầu khí giữa Azerbaijan và Turkmenistan - “điểm sáng” cho hợp tác và an ninh khu vực

Ngày 21/01/2021, lãnh đạo hai nước Azerbaijan và Turkmenistan đã ký thỏa thuận về hợp tác khai thác dầu khí ở biển Caspi. Dư luận đánh giá, đây là thỏa thuận mang tính lịch sử, không chỉ khép lại quá khứ bất đồng, tranh chấp kéo dài hơn hai thập kỷ qua, mà còn mở ra trang mới trong quan hệ hai nước, “điểm sáng” cho hợp tác và an ninh khu vực.

Nỗ lực giải quyết bất đồng, tranh chấp

Biển Caspi có diện tích hơn 370.000 km2, phía Bắc giáp Nga, phía Nam giáp Iran, phía Đông và Tây giáp Turkmenistan, Kazakhstan và Azerbaijan. Trước đây, Liên Xô và Iran đã có thỏa thuận phân chia chủ quyền ở Caspi với đường biên giới được phân định rõ ràng. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, các quốc gia độc lập mới, như: Nga, Azerbaijan, Kazakhstan và Turkmenistan chưa thống nhất quan niệm đây là biển hay là hồ, mỗi nước đều đưa ra một yêu sách chủ quyền theo cách tiếp cận riêng của mình, khiến nơi đây trở thành khu vực biển tranh chấp phức tạp. Bởi vì, nếu coi Caspi là biển, thì chủ quyền các quốc gia ven bờ phải tuân theo quy định luật pháp hàng hải quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Theo đó, các nước duyên hải Caspi có chủ quyền, quyền chủ quyền và nghĩa vụ đối với các vùng biển được Luật Biển quy định; đồng thời, Luật cũng quy định quyền của các quốc gia khác khi tiếp cận nguồn tài nguyên của vùng biển này. Còn nếu coi Caspi là hồ, thì chủ quyền Caspi sẽ được phân chia đều cho các quốc gia ven hồ, gồm: Nga, Azerbaijan, Kazakhstan, Turkmenistan và Iran. Do bất đồng trong quan niệm, nên yêu sách chủ quyền giữa các quốc gia ven biển Caspi, nhất là ở các khu vực được coi là chồng lấn không thể giải quyết đã trở thành các tranh chấp phức tạp, kéo dài. Đối với Azerbaijan và Turkmenistan, tranh chấp quyền khai thác một số mỏ dầu khí có trữ lượng lớn; trong đó, tranh chấp quyền khai thác mỏ dầu khí Dostluk (nằm ở khu vực chồng lấn mà hai nước đều có yêu sách chủ quyền) được đánh giá là “gai góc” nhất. Nhiều thời điểm, tranh chấp bùng phát, chính quyền hai nước đã điều động lực lượng hải quân khiến cho quan hệ giữa hai bên “xấu đi”, tình hình khu vực rất căng thẳng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác để khai thác nguồn tài nguyên phong phú của biển Caspi phục vụ phát triển kinh tế của các quốc gia, năm 2002, nguyên thủ 05 nước ven biển Caspi đã hội đàm tại Ashgabat (Turkmenistan) nhằm tìm kiếm giải pháp phù hợp giải quyết những bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển Caspi. Tiếp đó, Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia vùng Caspi lần thứ hai đã được tổ chức ở Tehran (Iran) năm 2007; lần thứ ba ở Baku (Azerbaijan) năm 2010 và lần thứ tư ở Astrakhan (Nga) năm 2014. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, tháng 8/2018, tại Aktau (Kazakhstan), lãnh đạo Nhóm 05 nước bên bờ biển Caspi đã ký thông qua Quy ước về tình trạng pháp lý của biển Caspi. Đây được coi là thỏa thuận đột phá về lĩnh vực thương mại, an ninh và môi trường, tạo khung pháp lý thành lập cơ chế phân chia vùng nước lớn nhất thế giới về diện tích và thể tích này. Theo đó, Caspi được trao “quy ước pháp lý đặc biệt”, nghĩa là nó không được định nghĩa hẳn là biển hay là hồ. Phần mặt nước sẽ là phần sử dụng chung, tất cả các quốc gia ven biển ngoài vùng lãnh hải được tự do tiếp cận. Nhưng đáy biển, vốn giàu tài nguyên, khoáng sản sẽ được phân định bằng các thỏa thuận riêng.

Tuy quy ước này chưa phải là văn kiện hoàn thiện, nhiều vấn đề vướng mắc vẫn cần có thời gian để đàm phán giải quyết, nhưng nó có ý nghĩa rất quan trọng là “phá vỡ” tình thế bế tắc trong quan hệ của các nước duyên hải Caspi đã kéo dài hơn hai thập kỷ qua; đồng thời, mở đường cho các dự án hợp tác giữa các nước khu vực trong tương lai. Ngày 21/01/2021, lãnh đạo hai nước Azerbaijan và Turkmenistan đã ký thỏa thuận về hợp tác khai thác, phát triển tại mỏ dầu khí Dostluk ở biển Caspi, chính thức khép lại bất đồng, tranh chấp kéo dài hơn hai thập kỷ, mở ra chương mới trong quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.

“Điểm sáng” cho hợp tác và an ninh khu vực

Theo các nhà phân tích quốc tế, thỏa thuận về hợp tác khai thác, phát triển tại mỏ dầu khí Dostluk giữa Turkmenistan và Azerbaijan là “trái ngọt” của Quy ước về tình trạng pháp lý của biển Caspi mà Nhóm 05 nước duyên hải Caspi đã ký hồi tháng 8/2018. Quan trọng hơn, nó là kết quả của những thiện chí và nỗ lực rất lớn của lãnh đạo hai quốc gia nhằm khép lại quá khứ tranh chấp, bất đồng, xây dựng mối quan hệ mới “nồng ấm”, “tốt đẹp” hơn. Những năm gần đây, Turkmenistan và Azerbaijan đã có nhiều động thái được đánh giá là khá tích cực nhằm “hàn gắn” quan hệ giữa hai nước. Theo đó, Chính phủ Azerbaijan đã đồng ý làm một điểm trung chuyển hàng chục triệu thùng dầu cho Turkmenistan mỗi năm qua trục đường vận chuyển Baku - Tbilisi (Gruzia) - Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ) để tiếp cận thị trường quốc tế. Đặc biệt, chuyến thăm lịch sử vào tháng 3/2020 của Tổng thống Turkmenistan G. Berdymukhamedov tới thủ đô Baku của Azerbaijan được đánh giá là làm “tan băng”, thổi luồng “sinh khí” mới trong quan hệ giữa hai quốc gia vốn có nhiều bất đồng, mâu thuẫn kéo dài này.

Thỏa thuận hợp tác khai thác, phát triển tại mỏ dầu khí Dostluk là bước tiến mới về mặt ngoại giao, nhưng có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị và an ninh đối với hai nước. Theo thỏa thuận này, Baku và Ashgabat sẽ tiếp tục đàm phán để đi đến thống nhất về các điều khoản thương mại; xây dựng các khung pháp lý, các quy chế phối hợp; tăng cường hợp tác kỹ thuật trong các hoạt động khảo sát thực địa, thu thập và chia sẻ các dữ liệu khảo sát và thăm dò địa chấn hiện đại, thăm dò và khai thác chung, các hoạt động tuần tra, cứu hộ, cứu nạn, v.v. Theo tính toán của giới chuyên gia, với trữ lượng lớn khí tự nhiên và khoảng 60 đến 70 triệu tấn dầu, mỏ dầu khí Dostluk được kỳ vọng sẽ thu hút được các khoản đầu tư lớn từ nước ngoài vào dự án chung cũng như những khoản doanh thu lớn phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế của cả hai quốc gia. Cùng với đó, thỏa thuận hợp tác này còn cho phép hai nước khai thác và phát huy các tiềm năng rất lớn khác về hợp tác dầu khí. Nổi bật là, sớm thúc đẩy dự án xây dựng đường ống dẫn dầu xuyên biển Caspi trị giá hàng tỷ USD, nối các mỏ dầu khí trữ lượng lớn ở Turkmenistan tới châu Âu qua Azerbaijan. Biển Caspi có trữ lượng dầu khí dồi dào, ước tính khoảng 50 tỷ thùng dầu và gần 8,3 nghìn tỷ mét khối khí thiên nhiên đang được lưu trữ ở dưới đáy biển. Trong đó, phần lớn trữ lượng khí đốt thiên nhiên của khu vực nằm ở phía Đông, là các vùng hẻo lánh của Turkmenistan, Kazakhstan và Uzbekistan. Do khoảng cách xa xôi, thiếu thốn cơ sở hạ tầng để vận chuyển khí đốt tới khách hàng cùng những rào cản chính trị khác nên suốt thời gian qua, thị trường dầu khí Caspi tuy được đánh giá là giàu tiềm năng, nhưng lại ít được chú ý và khá khiêm tốn so với các thị trường dầu khí khác trên trường quốc tế. Bởi vậy, việc xây dựng đường ống dẫn dầu xuyên biển Caspi, nối các mỏ dầu khí ở khu vực phía Đông Caspi tới châu Âu qua Azerbaijan có ý nghĩa chiến lược quan trọng, không chỉ cho phép Turkmenistan và Azerbaijan phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về dầu khí của mình, mà còn mở ra triển vọng thay đổi diện mạo cho thị trường dầu khí biển Caspi, biến nơi đây trở thành một trong các trung tâm cung cấp dầu khí trọng yếu của thế giới.

Ngoài ra, thỏa thuận hợp tác khai thác, phát triển tại mỏ dầu khí Dostluk giữa Turkmenistan và Azerbaijan còn được giới chuyên gia đánh giá là “điểm sáng” cho sự hợp tác và an ninh của khu vực. Lãnh đạo nhiều nước coi thỏa thuận hợp tác dầu khí giữa Turkmenistan và Azerbaijan ở Dostluk không chỉ là thỏa thuận “tiên phong” kể từ sau khi Quy ước về tình trạng pháp lý của biển Caspi được ký, mà còn là “hình mẫu” cho các thỏa thuận hợp tác khác trong khu vực. Điểm nổi bật và quan trọng hàng đầu của thỏa thuận là quyết tâm chính trị “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” của lãnh đạo hai nước. Điều đó được thể hiện ở việc hai nước đặt tên cho mỏ dầu khí là “Dostluk” có nghĩa là “tình bạn” trong ngôn ngữ Turkic (trước đây Turkmenistan đặt tên là “Serdar” còn Azerbaijan gọi là “Kapaz”). Chính nhờ có quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước nên nhiều vấn đề “hóc búa” đã được giải quyết thông qua đàm phán. Thỏa thuận đạt được về cơ bản đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của các bên. Thứ nữa, tuy là thỏa thuận hợp tác về kinh tế, nhưng có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai bên. Trong tuyên bố chung, lãnh đạo hai nước Turkmenistan và Azerbaijan bày tỏ sự tin tưởng sâu sắc rằng, thỏa thuận hợp tác khai thác và phát triển tại mỏ dầu khí Dostluk sẽ tạo tiền đề để hai nước tiếp tục tăng cường, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, kể cả hợp tác quân sự, quốc phòng, rất có lợi cho an ninh, ổn định, phát triển của hai nước và khu vực. Theo nhiều chuyên gia, biển Caspi bên cạnh trữ lượng dầu khí khổng lồ thì còn có hệ sinh thái đa dạng, nguồn tài nguyên phong phú, với hơn 330 loại thủy sinh đặc hữu, trong đó có 05 loài cá tầm rất quý, gồm cả loài Beluga vốn được sử dụng làm trứng cá muối (hiện 80% - 90% lượng trứng cá muối ở châu Âu có nguồn gốc từ đây). Bởi vậy, thỏa thuận hợp tác dầu khí ở Dostluk sẽ mở đường cho hàng loạt thỏa thuận hợp tác kể cả song phương và đa phương không chỉ trong lĩnh vực dầu khí, mà còn ở các lĩnh vực trọng yếu trong khu vực, như: bảo tồn, phát triển hệ sinh thái biển, khai thác, chế biến nguồn tài nguyên biển, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, v.v.

Biển Caspi có vị trí chiến lược trọng yếu, những bất đồng, tranh chấp kéo dài hơn hai thập kỷ qua ở đây đã gây ra những thiệt hại “không đáng có” cho các nước và cả khu vực. Cộng đồng quốc tế kỳ vọng, các nước cần tận dụng “xu hướng đối thoại hòa bình” đang mở ra hiện nay, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tăng cường đàm phán hòa bình, tìm ra các giải pháp phù hợp giải quyết bất đồng, tranh chấp, mở rộng hợp tác, xây dựng biển Caspi thành khu vực biển hòa bình, hợp tác và phát triển.

MINH ĐỨC

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...