Thứ Bảy, 21/09/2024, 10:20 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 13-11-2017, Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) đã được Liên minh châu Âu ký kết. Đây là sự kiện mang tính “lịch sử” trong tiến trình hợp tác, phát triển của “lục địa già”, nhưng có tác động không nhỏ tới an ninh khu vực.
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những tổ chức khu vực lớn mạnh hàng đầu thế giới, bao gồm 28 nước thành viên, với hơn 500 triệu dân và có quy mô kinh tế chiếm khoảng 22% GDP toàn cầu. Về quốc phòng - an ninh, Liên minh châu Âu dựa vào Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà thực chất là núp dưới cái “ô hạt nhân” của Mỹ. Sự phụ thuộc đó, khiến cho Liên minh này tuy là “Người khổng lồ về kinh tế - chính trị” nhưng lại là “Người lùn về quốc phòng - an ninh”. Vì thế, cùng với thúc đẩy các mục tiêu khác, EU luôn mong muốn hướng tới sự tự chủ và thống nhất về quốc phòng - an ninh trên toàn châu lục.
Nhu cầu cấp thiết
Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, từ những năm 90 của thế kỷ XX, EU đã nhiều lần đề cập tới việc xây dựng một nền quốc phòng chung, song luôn vấp phải sự phản đối từ phía Anh - một thành viên chủ chốt của Liên minh, do Luân-đôn không muốn châu Âu có một quân đội riêng. Tuy nhiên, “rào cản” đó phần nào được dỡ bỏ khi năm 2016, người dân Anh đã quyết định bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh này (Brexit). Điều đó vừa đặt ra thách thức tới tiến trình nhất thể hóa của Liên minh, đồng thời cũng tạo thuận lợi để EU thực hiện ý tưởng xây dựng nền quốc phòng chung cho toàn Khối. Mặt khác, từ khi lên
nắm quyền, với đường lối “hướng nội”, “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã có những điều chỉnh chính sách đối ngoại với châu Âu. Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng chỉ trích Liên minh châu Âu là “những kẻ ăn bám” và yêu cầu Khối này phải tăng ngân sách đóng góp cho NATO, nếu không Mỹ sẽ không chịu trách nhiệm đảm bảo vấn đề an ninh. Sự kiện này được ví như “giọt nước tràn ly”, khiến mối quan hệ “đồng sàng dị mộng” giữa hai bờ Đại Tây Dương vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. Các nhà lãnh đạo EU cho rằng, đã đến lúc Liên minh không còn được Mỹ mở hầu bao “hạt nhân” che chở như trước nữa mà phải tự lo cho các vấn đề an ninh của mình. Do đó, xây dựng một cơ cấu quốc phòng chung châu Âu theo hướng độc lập, tự chủ trở thành yêu cầu cấp thiết của Khối. Hơn nữa, thực tiễn những năm qua cho thấy, để đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đang gia tăng như hiện nay, nhất là làn sóng khủng hoảng người nhập cư, chủ nghĩa ly khai, khủng bố,… khi mà vai trò của NATO rất mờ nhạt, thì từng thành viên trong Liên minh, bên cạnh việc đầu tư nâng cao khả năng quốc phòng - an ninh quốc gia, phải coi trọng tăng cường mở rộng hợp tác về lĩnh vực này trong Khối. Điều đó đã đặt ra cho các nước thành viên EU thấy rõ hơn các thách thức, nguy cơ cùng những lợi ích và trách nhiệm xây dựng một cơ cấu quốc phòng chung cho toàn châu lục.
Những nội dung chủ yếu
Để đáp ứng tốt nhu cầu nêu trên, PESCO đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh và xây dựng lực lượng quốc phòng, quân sự chung của Khối, đảm bảo đủ sức mạnh, được trang bị hiện đại. Theo đó, EU sẽ tăng cường việc thẩm định, đánh giá thực lực quốc phòng của các nước thành viên, làm cơ sở để xây dựng chiến lược, các chương trình, kế hoạch về quốc phòng - an ninh chung. Thỏa thuận PESCO chủ trương đặt ưu tiên vào việc trợ giúp các nước thành viên có mặt bằng công nghiệp quốc phòng kém hiện đại hơn khắc phục những tồn tại, khó khăn để từng bước thu hẹp sự chênh lệch về năng lực quốc phòng giữa các quốc gia trong Khối. Các nước thành viên tham gia phải cam kết “thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng”; trong đó, dành 20% ngân sách để mua sắm trang, thiết bị quân sự hiện đại, 2% cho nghiên cứu, phát triển công nghệ và có trách nhiệm cung cấp, hỗ trợ “thực chất” cho sứ mệnh quân sự của Khối. Để đảm bảo hoạt động quốc phòng, quân sự của Liên minh, các quốc gia thành viên sẽ đóng góp 5,8 tỷ USD vào ngân sách quốc phòng chung; đồng thời, trích từ ngân sách của Khối cho quỹ quốc phòng khoảng 5 tỷ Euro/năm. Trước yêu cầu ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghệ quân sự, Liên minh sẽ tập trung đầu tư, nghiên cứu phát triển vào những lĩnh vực quốc phòng - an ninh then chốt hiện nay, như: nâng cao khả năng cơ động và thực hành tác chiến của các đơn vị lực lượng vũ trang; phát triển các công nghệ hiện đại trong lĩnh vực đảm bảo an ninh nội địa, biên giới, hàng không, hàng hải và không gian mạng; quản lý và xử trí mọi khủng hoảng dân sự, v.v. Bên cạnh đó, Khối này cũng chú trọng phát triển vũ khí, trang bị công nghệ cao, nhất là tập trung phát triển các thiết bị quân sự mới, hiện đại, như: xe tăng, máy bay không người lái, các loại tên lửa chiến thuật của không quân, hải quân, lục quân. Đồng thời, Thỏa thuận cũng đề xuất việc thành lập: sở chỉ huy tiền phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật ở các nước thành viên để có thể đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ quốc phòng và các hoạt động quân sự của Khối khi có khủng hoảng xảy ra; xây dựng các trung tâm huấn luyện chung để đào tạo sĩ quan huấn luyện, diễn tập tác chiến hiệp đồng liên quân, nhằm xử lý có hiệu quả các tình huống quốc phòng (chống khủng bố, cứu hộ, cứu nạn,…) và đối phó với các cuộc khủng hoảng dân sự và quân sự, v.v. Nhiều chuyên gia quân sự của Liên minh cho rằng, Thỏa thuận cho phép lực lượng quốc phòng của các nước thành viên được đồng bộ hóa tốt hơn và kết hợp chặt chẽ hơn giữa các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, bảo đảm hỗ trợ tích cực cho nhau, nâng cao năng lực phòng thủ, đối phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh. Với Thỏa thuận này, lãnh đạo EU cũng bày tỏ hy vọng trong tương lai, Khối này sẽ trở thành một trong những thị trường công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, PESCO còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết mà việc khắc phục không thể “một sớm, một chiều”. Trước hết, Thỏa thuận mới được 23 nước ký, còn 05 nước chưa tham gia. Điều đó cho thấy, nội khối chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất cần thiết đối với Thỏa thuận và nó sẽ là “rào cản” trong hợp tác quốc phòng - an ninh. Ngay đến Pháp và Đức, hai thành viên chủ chốt của Khối cũng đang tranh cãi về mục tiêu quốc phòng của Liên minh. Trong khi Pa-ri thì muốn thiết lập một liên minh quân sự bao gồm các thành viên mạnh, có khả năng thực hiện những chiến dịch bên ngoài lãnh thổ các nước thành viên, thì Béc-lin lại chủ trương một phương án chung về phòng vệ toàn Liên minh. Hơn thế nữa, nếu xem xét kỹ có thể thấy, mục tiêu của Thỏa thuận nhằm nhất thể hóa Quân đội châu Âu không hoàn toàn đồng nhất với những gì mà NATO đang hướng tới. Điều đó sẽ dẫn tới sự khó xử đối với những nước là thành viên của cả hai tổ chức khi mục tiêu quốc phòng, quân sự của NATO và Liên minh trái ngược nhau, v.v. Họ cũng cảnh báo, nếu không giải quyết được sự khập khiễng trong mục tiêu và hành động, vốn là căn bệnh “trầm kha” của Khối thì lực lượng quốc phòng - an ninh của Liên minh chỉ “đông mà không mạnh”.
Tác động đến an ninh khu vực
Theo số liệu thống kê quốc tế, hiện nay, ngân sách quốc phòng của các nước thành viên EU cộng lại đứng thứ hai thế giới. Thỏa thuận PESCO của Khối chủ trương: “thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng”, nhằm mục tiêu xây dựng một lực lượng quốc phòng - an ninh chung hùng hậu, trang bị hiện đại (được dự báo là rất tốn kém). Nhiều chuyên gia cho rằng, chủ trương đó có thể là “tác nhân mới” làm cho chạy đua vũ trang ở khu vực và trên thế giới càng thêm gay gắt, quyết liệt. Bên cạnh đó, việc gia tăng ngân sách quốc phòng của Khối cũng đang vấp phải sự phản đối của người dân nhiều nước thành viên. Kết quả thăm dò dư luận ở Pháp, Đức, I-ta-li-a và Tây Ban Nha được công bố mới đây cho thấy, chưa đến 35% số người được hỏi đồng ý chủ trương tăng ngân sách quốc phòng, còn hơn 60% phản đối hoặc đề nghị giữ nguyên ngân sách quốc phòng như hiện nay. Quan chức nhiều nước Liên minh châu Âu lo ngại, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn thì quyết định của Khối buộc các nước thành viên tăng chi tiêu quốc phòng chỉ làm cho nội bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu thêm rạn nứt, bất ổn định. Cùng với đó, giới quân sự quốc tế rất quan tâm tới vai trò của lực lượng quốc phòng, quân sự Liên minh châu Âu và NATO - liên minh quân sự lớn nhất thế giới, đối với các vấn đề an ninh của khu vực. Từ sau Chiến tranh lạnh, NATO đã điều chỉnh chiến lược quân sự, từ “phòng vệ tập thể” sang “chủ động can thiệp vào các điểm nóng” trên khắp thế giới. Đến nay, NATO đã can thiệp quân sự vào hàng chục “điểm nóng” ở các châu lục, điển hình là các cuộc tiến công “đầy tai tiếng” vào Nam Tư (năm 1999), Áp-ga-ni-xtan (năm 2001), I-rắc (năm 2003) và Li-bi (năm 2011), v.v. Hậu quả là, NATO bị “sa lầy” ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan cùng nhiều nơi khác trên thế giới và chính các hành động quân sự bị lên án là “phi nhân đạo” của họ là căn nguyên gây ra những bất ổn ở châu Âu hiện nay, như: khủng hoảng người nhập cư, các cuộc khủng bố man rợ nhằm vào nhiều nước thành viên của Khối, v.v. Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu Liên minh châu Âu chủ trương sử dụng lực lượng quốc phòng, quân sự của Khối để tham gia các chiến dịch quân sự của NATO ở bên ngoài châu Âu, điều đó có thể “gậy ông đập lưng ông”, làm cho an ninh khu vực đã bất ổn, lại càng bất ổn hơn. Một vấn đề mà nhiều chuyên gia cho rằng rất “hóc búa” là Mỹ vẫn coi việc kiểm soát khu vực châu Âu là lợi ích mang tính sống còn trong chiến lược toàn cầu của họ. Do vậy, cũng như với NATO, Mỹ vẫn sẽ buộc Liên minh này phải thực hiện theo “chiếc gậy chỉ huy” của mình, kể cả về quốc phòng - an ninh. Mới đây, báo Người Bảo vệ của Anh đã mỉa mai rằng, Hoa Kỳ sẽ chỉ ủng hộ EU thành lập quân đội riêng nếu nó khiến cho châu Âu “suy yếu một cách nhanh chóng và vững chắc”. Báo này cũng cảnh báo, chủ trương xây dựng lực lượng quốc phòng riêng châu Âu của Khối này là bước đi mạo hiểm, có thể khêu ngòi cho một cuộc “Chiến tranh lạnh mới” giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Dư luận quốc tế cho rằng, trong bối cảnh thế giới, khu vực còn nhiều thách thức, nguy cơ phức tạp, khó lường thì việc các nước coi trọng đầu tư nâng cao khả năng quốc phòng, bảo vệ đất nước, tăng cường mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế để đối phó với các mối đe dọa an ninh là việc làm cần thiết. Song, các nước không được lợi dụng tình hình phức tạp để liên kết tiến hành các hoạt động quân sự chống nước khác, bất chấp Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, nhằm mưu đồ bá chủ khu vực và quốc tế. Chỉ có như vậy, nhân loại mới đẩy lùi được các mối đe dọa, xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.
ĐỨC MINH
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương